Có một thời, nhà văn rất sợ nhà phê bình và cái roi ngựa của anh ta. Chỉ một câu phán của nhà phê bình quyền uy, tác giả có thể hưởng niềm vinh quang hoặc nhận một số phận cay đắng, tủi nhục suốt đời. Thêm nữa, tác giả Thượng đế chỉ thích được khenchứ không thích bị phê. Nhà phê bình hoặc phải “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, hoặc từ thân phận, niềm vui, thói quen, nếp nghĩ của tác giả để phê bình tác phẩm, hoặc kết thúc những bài phê bình tuyệt vời của mình bằng việc dẫn ra những lời châu ngọc của tác giả coi như là một lời vàng bảo chứng cho những kết luận khó nhọc của mình. Rõ ràng, khi tác giả là Thượng đế với niềm tin chắc chắn vào khả năng điều khiển đội quân ngôn ngữ hùng hậu nhằm diễn tả chính xác tư tưởng của mình thì nhà phê bình chỉ có một mục tiêu duy nhất là khám phá tác giả qua tác phẩm: khám phá xong tác giả thì “văn bản coi như được giải thích, nhà phê bình thắng lợi”.
Nhưng tác giả đã chết, mọi mưu toan muốn hạn chế ý nghĩa của văn bản thông qua việc dán nhãn tác giả lên tác phẩm đã đồng thời bị Foucault và Barthes bóc trần và chôn vùi. Thêm nữa, văn bản thay thế thực tại. Đằng sau văn bản là chân trời “văn bản”. Chẳng còn “thực tại” để đối chiếu nhằm xác định tính “chân thực” hay bịa đặt của nó. Văn bản cũng không còn là một vũ trụ độc lập, tự trị để chỉ có cố định một/vài ý nghĩa. Trong bối cảnh đó, độc giả có vai trò vô cùng quan trọng. Anh ta trở thành một không gian hội tụ “những lối viết”: “độc giả chính là không gian trên đó chép lại mọi trích dẫn làm nên sự viết”. Chỉ có độc giả mới làm sống dậy những “manh mối” liên văn bản, mới chăng mắc hay gỡ rối những sợi tơ liên văn bản để giải phóng thứ năng lượng được tích tụ vô số trong văn bản. Đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những tiếng nói của Puskin, Dostoievski, Nietzsche, Vũ Trọng Phụng cùng hòa âm trong tâm tưởng độc giả. Chỗ này là một đám đông trong cảnh “tang gia bối rối”, chỗ kia thấp thoáng một bà sồn sồn “thượng lưu” buông thả kiểu Phó Đoan, chỗ nọ lấp ló một kẻ phát điên vì thua canh bạc cuộc đời. Những từ ngữ như “nhân dân”, “biểu quyết”, “tín nhiệm”, “bình dân”, “cứu thế” …vọng lại không biết bao nhiêu hợp âm của một thời kì lịch sử dài hết sức sống động trong các tác phẩm văn học trước đó. Sau văn bản ẩn nấp vô số diễn ngôn văn hóa của một cộng đồng nhất định. Do đó, phê bình một hiện tượng văn học là truy tìm và đối thoại với một hệ giá trị thẫm mỹ mà văn bản thuộc về.
Nhà phê bình ủng hộ, biểu dương, phê phán hệ thẫm mỹ ấy xuất phát từ hệ thẫm mỹ của mình, cũng tức là phù hợp với sự diễn giải của cái cộng đồng thẫm mỹ mà anh ta thuộc về. Do vậy, sau nhà phê bình phải là cả một hệ hình văn hóa. Nhưng nhà phê bình không còn là kẻ nắm độc quyền chân lý, là ông chủ của “lâu đài”, là “thẩm phán” chế tạo một “vụ án” dành sẵn cho nhà văn. Mọi chủ thể đều đã chết, độc giả/nhà phê bình đã trở thành “một người không có lịch sử, không có tiểu sử, không có tâm lý; đó chỉ là một kẻ đã thâu tóm lại mọi con đường tạo thành văn bản vào một cánh đồng duy nhất”. Đây là một độc giả mới, độc giả của văn bản – không phải độc giả của tác phẩm. Đó không phải là người kiếm tìm những ý tưởng và cảm xúc của tác giả chứa đựng trong các kí hiệu văn bản mà đang tìm kiếm những mã, những quy ước, những diễn ngôn văn hóa chung của cả cộng đồng đã đan dệt nên văn bản. Tức là, anh ta không còn là kẻ đồng sáng tạo với tác giả mà đích thực là một người sáng tạo độc lập. Sản phẩm của nhà phê bình này là một văn bản văn chương có tính thẩm mỹ. Mỗi nhà phê bình trở thành một không gian dự phóng trò chơi văn bản, bị văn bản ngốn nuốt, hệt như số phận tác giả. Trong thời điểm hiện nay mỗi nhà phê bình đều cần phải tự trang bị cho mình một không gian dự phóng như vậy. Nếu nhà phê bình không thể tích hợp được vô số diễn ngôn văn hóa, vô số văn bản làm chân trời dự phóng cho mình thì hắn không thể trở thành kẻ sáng tạo. Phê bình truyền thống đã là một công việc đầy thách thức, phê bình trong thời đại tác giả đã chết còn khó khăn bội phần. Bởi vì, khi văn bản là liên văn bản, sự viết là đa nguyên thì nhà phê bình không còn nhiệm vụ “giải mã” (deciphered) mà là “tháo gỡ” (disentangled) văn bản. Anh ta cần phải tháo tung văn bản. Tháo tung không phải để tìm nguyên tắc sinh thành nó, một ý nghĩa tối hậu của nó (như quan niệm của chủ nghĩa cấu trúc, của phê bình Marxism) mà để phiêu lưu trong mênh mông ý nghĩa, để không chấp nhận bất kì quan niệm nào về việc “cố định một ý nghĩa”. Theo Barthes, đây là “một hành động thực sự cách mạng”.
Những nhà phê bình quyền uy trước đây không thích đối thoại. Anh ta lúc nào cũng muốn phán thật to để át lời người khác, để thống lĩnh chân lý và giương cờ chiến thắng. Đó là nhà phê bình hoàn toàn tự tin vào tính chủ thể của mình, vào kết luận “không thể lật đổ được” của mình. Thời ấy đã qua mất rồi. Người ta không thể làm thế khi văn bản không đơn nghĩa, không rạch ròi đúng sai. Làm sao xác quyết được qua Bóng chữ, Lê Đạt thực sự muốn nói duy nhất một điều gì. Những tiểu thuyết lịch sử của Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh…đâu phải là minh họa hay phóng đại một “sự thật lịch sử” trong những bộ quốc sử đồ sộ? Gặp những văn bản mà tác giả tự tước bỏ địa vị của mình như thế, nhà phê bình chưng hửng. Giờ đây, nhà phê bình phải tư duy khác. Anh ta phải đóng vai trò là nhà tổ chức đối thoại, khêu gợi chứ không kết luận, tháo tung chứ không gói ghém như cách mà Barthes đã làm trong quyển S/Z độc đáo của mình.
Trong S/Z, Barthes đã dùng cách tiếp cận hậu cấu trúc đối với truyện ngắn Sarrasinecủa Balzac không phải nhằm tìm kiếm một ý nghĩa cuối cùng mà hướng đến truy tìm những vết tích nơi mà văn bản “phá hủy và phân tán”, nơi tồn tại vô số ý nghĩa, nơi văn bản không bị đặt trong một hệ thống khép kín mà là một hệ thống mở của những vết tích ngờ ngợ như là đã đọc rồi, viết rồi, nói rồi. Barthes cũng chia văn bản thành các đơn vị đọc như cách chủ nghĩa cấu trúc đã làm, nhưng không tập hợp lại ở cấp độ cao hơn mà làm nổ tung ý nghĩa văn bản, giải phóng tiềm năng ý nghĩa vô tận của nó. Tức là, nếu phê bình lịch sử truy tìm điều kiện xuất hiện tác phẩm, nó đến từ đâu, trong điều kiện nào; phân tích cấu trúc có tham vọng tìm kiếm xem văn bản được tạo ra như thế nào thì tiếp cận hậu cấu trúc theo kiểu của Barthes là để phát hiện văn bản đã bị nổ tung, phân tán ra sao. Chia truyện ngắn thành 561 đơn vị đọc, mỗi đơn vị đọc bao gồm một số lượng nghĩa hạn chế (thường không vượt quá 4 nghĩa) như là một dấu biểu đạtđể dẫn chúng ta bước vào sự vô hạn của văn bản xã hội, Barthes đã làm nổ tung và phá hủy văn bản, làm tiêu tan ảo tưởng rằng truyện kể có thể cung cấp một ý nghĩa hữu hạn. Ở đây, nhà phê bình không quả quyết mà đặt ra những giả thuyết. Một lối đọc như thế không chỉ chắc chắn thấy văn bản có ý nghĩa mà còn thấy nó chứa đựng một tiềm năng nghĩa vô hạn. Ý nghĩa đó không phải được lấp đầy trong văn bản, có sẵn trong văn bản mà chỉ hình thành trong quá trình nhà phê bình tháo gỡ những sợi chỉ liên văn bản và cung cấp cho nó một cấu trúc giới hạn. Cấu trúc này không phải là cấu trúc trong quan niệm của chủ nghĩa cấu trúc liên quan đến tính hệ thống từ đó mỗi văn bản cụ thể được sản sinh. Trong quan niệm của Barthes, đấy là một cấu trúc do độc giả cung cấp. Độc giả sản xuất cấu trúc của văn bản, như Barthes tuyên bố: “sự thống nhất của văn bản không ở trong nguồn gốc của nó mà ở trong đích đến của nó”.
Có nhà nghiên cứu ở ta đã phán xét không công bằng khi cho rằng sự phân tích nhiều đơn vị đọc của Barthes ‘vô bổ’, hơn nữa, ông chẳng chú ý gì đến ‘mã thẩm mỹ’, và nhiều sự phân tích của ông là ‘vô ích’, phân tích rồi ‘để đó’, ‘không gói ghém lại’…Độc giả theo quan niệm của Barthes, cũng như chính ông, có cả một hệ tư tưởng triết mỹ theo sau mình nên không thể dùng chỉ vài lời như thế mà đánh giá hết được. Các nhà phê bình phương Tây thường dựa vào một lý thuyết và phương pháp phê bình nhất định rồi vận dụng nó đến cạn kiệt. Sau đó, phương pháp phê bình mới theo quy luật phát triển nội tại sẽ kịp nảy sinh và thay thế cái ‘gót chân Asin’ của phương pháp cũ. Ở ta, nhà phê bình thường không đủ kiên nhẫn để đi đến cùng một phương pháp. Vì vậy những vụ mùa gặt hái được thường rất khiêm tốn: một ít lúa, một ít sắn, thêm một tí khoai và vv. Phê bình giải cấu trúc trong thời đại tác giả đã chết đang là một khuynh hướng phê bình lớn ở phương Tây liệu có hứa hẹn được gì khi gieo trồng trên cánh đồng văn học Việt Nam nếu ngay từ đầu không được tìm hiểu thấu đáo?
Tác giả: Nguyễn Văn Thuấn
Ý kiến bạn đọc