Nguyễn Phan Quế Mai bay trên ý nghĩ

Thứ hai - 10/01/2011 09:17 3.219 0

Nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai

Nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai
Nguyễn Phan Quế Mai có lẽ là một trong những câu chuyện ngạc nhiên và ấn tượng nhất trong đời sống văn học Việt Nam 2010. Với cú đúp giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ Cởi gió và giải Nhất cuộc thi “Thơ viết về Hà Nội” do Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Quế Mai thực sự đã điền tên mình vào danh sách những nhà thơ được yêu mến, dù chị mới có một khoảng thời gian gắn bó chưa lâu với thi ca….Cảm hứng tự do, niềm hứng khởi được bay lên trong tâm thế một người cầm bút trẻ làm ta sững sờ giây lát vì sự thú vị bất thần lướt qua không thể gọi bằng lời: “Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Gió trao tôi đôi cánh/ Và bảo tôi hãy cởi gió ra và/ bay lên trên ý nghĩ”.
Việc làm thơ đối với Nguyễn Phan Quế Mai là một thứ bản năng. “Thú thực, tôi chưa từng được học qua trường lớp viết văn nào, chưa từng tiếp cận lý luận về thi ca. Chỉ đơn giản là một ngày nào đó tôi có nhu cầu cầm bút và viết thôi. Quế Mai hoạt động trong một lĩnh vực có vẻ không liên quan đến thơ ca cho lắm. Với tư cách là một chuyên gia của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, chị đi về các vùng nông thôn, triển khai các dự án giúp đỡ người nghèo. Công việc của chị phần lớn tiếp xúc với những người bị thiệt thòi trong xã hội. Những phụ nữ bị bạo hành, những đứa trẻ bị ung thư thường có mặt trong những câu chuyện của chị. Chị kể về họ với sự rưng rưng xúc động, với nỗi dằn vặt rằng, chúng ta phải làm gì đó nhiều hơn để giúp đỡ họ. Và những bài thơ đã tìm đến với Quế Mai từ những dằn vặt đó như một sự chia sẻ, một sự tìm kiếm những khoảnh khắc bình yên trong tâm hồn. 

Hai năm trước, Nguyễn Phan Quế Mai xuất bản tập thơ đầu tiên có tựa là Trái cấm, nhờ vậy, chị trở thành gương mặt mới của Thơ trẻ dù chưa phải là được chú ý lắm. Cởi gió là tập thơ thứ hai và nó đã chinh phục được ngay cả những độc giả khó tính nhất. Cảm hứng tự do, niềm hứng khởi được bay lên trong tâm thế một người cầm bút trẻ làm ta sững sờ giây lát vì sự thú vị bất thần lướt qua không thể gọi bằng lời: 
Một ngày gió nâng tôi lên cao
Gió trao tôi đôi cánh
Và bảo tôi hãy cởi gió ra và 
bay lên trên ý nghĩ.
Tôi nhớ, có lần ngồi với nhà thơ Dương Kiều Minh, ông đã nói đại ý rằng, ông rất ngạc nhiên khi biết Nguyễn Phan Quế Mai mới chỉ bắt đầu làm thơ trong vài ba năm trở lại đây nhưng kinh nghiệm viết thì tưởng như là đã gắn bó với thi ca từ lâu lắm rồi. Bởi bố cục, cấu tứ những bài thơ của Mai đều rất hoàn chỉnh, điều này thật khó thấy ở những người mới bắt đầu cầm bút. Khi tôi kể lại chuyện này với Nguyễn Phan Quế Mai, chị cười rất to và kể thêm một câu chuyện nữa, rằng chính nhà thơ Dương Kiều Minh khi gặp chị cũng hỏi một câu tương tự rằng, có thật đây là những bài thơ Mai viết không? Sự nghi ngờ đáng yêu của một nhà thơ đi trước, trong trường hợp này chính là một lời khen với Nguyễn Phan Quế Mai. Những rung cảm, trải nghiệm trong thơ dường như đã vượt quá tuổi trẻ của chị, và lớn hơn rất nhiều đoạn đường ngắn ngủi mà chị vừa bắt đầu khởi hành với thi ca.

Trải nghiệm sâu sắc nhờ những chuyến đi và sự hiểu biết rộng của mình, Nguyễn Phan Quế Mai tâm đắc một nhận thức rằng, muốn có một bài thơ hay, nhà thơ phải trả giá, thậm chí phải thế chấp cả cuộc đời mình. Chị nghiêng về suy nghĩ các nhà thơ phải hành động. 

Nguyễn Phan Quế Mai có một đời sống “xê dịch” đúng nghĩa. Chị du học ở Úc, sau đó làm việc cho các tổ chức nước ngoài và lập gia đình với một người Đức. Chồng chị cũng làm việc cho một tổ chức quốc tế và cứ 4 năm anh lại di chuyển đến một vùng đất mới. Rong ruổi theo chồng, Quế Mai làm quen với nhiều nền văn hóa khác nhau và có được những trải nghiệm quý giá của một “công dân thế giới”. Quế Mai luôn nói rằng chị có một ngôi sao may mắn chiếu mệnh, gặp được người đàn ông mình yêu thương và được đặt chân đến nhiều vùng đất mà khi còn là một đứa trẻ ở một vùng quê nghèo khó chị không bao giờ dám mơ ước đến. Độc giả yêu thơ Nguyễn Phan Quế Mai có lẽ còn yêu quý chị hơn nhiều lần khi biết rằng chị đã vượt qua một tuổi thơ lam lũ như thế nào để tự thay đổi cuộc đời mình bằng nỗ lực học tập. “Tôi sinh ra ở Ninh Bình, bố mẹ làm giáo viên nhưng nghèo lắm. Năm 1979, cha mẹ đưa anh chị em chúng tôi đi khai hoang. Nơi chúng tôi đến là mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, đó là Bạc Liêu. Tôi bị chúng bạn kỳ thị và lúc nào cũng đầy mặc cảm vì cuộc sống nghèo khó, chồng chất nợ nần của cha mẹ. Tôi thường phải dậy từ 4h sáng hằng ngày để đi kéo tép. Trên vai tôi lúc nào cũng có hàng chục cái vó. Tôi đi vào những bãi tha ma, nơi có những cái ao, cái đầm nước mà ít người dám đến, kéo vó đến 6h sáng thì mang ra chợ bán. Rồi tôi về nhà ăn cơm nguội, rồi lại đi ra đồng cắt rau muống và đi bỏ mối ngoài chợ. Số tiền ít ỏi kiếm được tôi đỡ đần cha mẹ trang trải cuộc sống. Có những mùa hạn hán, đồng ruộng nứt nẻ, cha con tôi phải nhọc nhằn đi gánh nước về tưới lúa. Đứa trẻ là tôi khi đó luôn luôn có cảm giác về một cuộc sống không lối thoát. Tôi chỉ dám mơ ước sau này mình sẽ trở thành một cô giáo dạy cấp 2, thậm chí là một người nông dân cầm cày đi sau con trâu. Tôi có nghĩ đến học ngoại ngữ là một lối thoát cho mình, để bay ra khỏi sự nghèo khó, nhưng khốn nỗi cha mẹ lại không có tiền cho tôi đi học. Rồi tôi biết có một ông thầy chuyên dạy ngoại ngữ cho trẻ em nghèo tên là Trương Văn Ánh. Tôi tìm đến lớp của thầy thì thấy trong lớp học có cả trẻ lang thang, bụi đời. Thầy cho tôi vào lớp. Rồi thầy dạy tiếng Anh cho chúng tôi bằng cách mang cây đàn ghi-ta gỗ ra và thầy hát những bài hát tiếng Anh đơn giản. Thầy rất nghèo, nhưng thầy không bao giờ lấy tiền của học trò. Phát hiện ra tôi có năng khiếu học ngoại ngữ, thầy đến nhà nói với bố mẹ tôi cho tôi đi học. Bố mẹ tôi lúc đầu thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ lòng tốt của thầy, nhưng sau đó thì đồng ý cho tôi đến lớp học. Thầy có tật ở chân, đi lại khó khăn. Cả đời mình, thầy chưa đi đâu quá xa. Thầy dạy ngoại ngữ cho chúng tôi với một niềm gửi gắm: “Các em hãy là đôi cánh của thầy”. 

Người thầy dạy ngoại ngữ nhân từ ấy là điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời Nguyễn Phan Quế Mai. Chị nói, nếu không gặp được thầy, sẽ không có chị của ngày hôm nay. Thầy dạy chị giỏi giang môn học tiếng Anh và cao hơn là thầy cho chị một niềm tin vào cuộc sống. Ngoại ngữ chính là đôi cánh để Nguyễn Phan Quế Mai bay đến những chân trời mà mình mơ ước. Nhờ ngoại ngữ, chị có thể được tự do lựa chọn công việc mình yêu thích, được đi nhiều nơi, có nhiều bạn bè trên khắp thế giới và hiểu được những giá trị đích thực của đời sống. Quế Mai là một trong không nhiều những người cầm bút trẻ hôm nay tinh thông ngoại ngữ. Chị đã được nhận bằng khen của Hội Nhà văn VN vì những đóng góp của mình trong việc đưa văn học VN ra thế giới tại Hội nghị quảng bá văn học VN ra thế giới đầu năm 2010. Sự nhạy cảm của người làm thơ cộng với khả năng diễn đạt tiếng Anh thông minh, lưu loát, chị đã khiến cho nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả nước ngoài bất ngờ về khả năng dịch trực tiếp những tác phẩm thơ của bạn bè thế giới trên các diễn đàn, hội nghị về văn học. 

Một trong những dự án dịch thuật lớn nhất cho văn học mà chị đang hoàn thành là cùng với nhà thơ Bruce Weigl, một nhà thơ nổi tiếng của Mỹ, giới thiệu các trường ca của nhà thơ Trần Anh Thái đến với độc giả Mỹ. Chị cũng miệt mài ngày đêm chuyển ngữ các tác phẩm thơ của Bruce Weigl đến với độc giả VN. Nhà thơ Bruce Weigl là một cựu chiến binh từng có mặt trong cuộc chiến tranh VN. Ông là người đã dám nói ra sự thật của cuộc chiến bằng những bài thơ. Nỗi đau, tình người, sự sẻ chia, khát vọng hàn gắn là những gì Bruce muốn gửi gắm qua thi ca. Ông hiện đang chống chọi với căn bệnh ung thư vì ảnh hưởng chất độc da cam tại chiến trường VN. Nguyễn Phan Quế Mai nói, chị không muốn thơ của mình chỉ đơn thuần là những xúc cảm mây gió, càng không muốn đó chỉ là những vầng mây trắng trên trời xanh. “Tôi cần Thơ mình là một ngọn cỏ, để đơm lên một cái chồi xanh. Nghĩa là nó phải thiết thực hơn, đi vào những vấn đề của đời sống, giống như Bruce Weigl đã làm chấn động thế giới vì những bài thơ viết về chiến tranh của ông. Những bài thơ của sự thật khốc liệt và của tình yêu con người không giới hạn”.

Chị nghiêng về suy nghĩ rằng các nhà thơ phải hành động. Giống như chị đã bỏ cả công việc của mình khi nghe điện thoại của em Đức, một bệnh nhân ung thư mà chị đã gặp ở bệnh viện trong những chuyến đi làm công tác xã hội từ thiện. Chị chạy xe về Bắc Giang chỉ để được nắm tay em lần cuối, trước khi căn bệnh hiểm nghèo vĩnh viễn cướp em đi. Chị nói: “Với cá nhân tôi, hành động đó là hành động gần với thi ca nhất. Nhà thơ có thể làm cho đời sống này ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn là như vậy”.   

Tác giả: Bình Nguyên Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây