- Xin chào nhà văn Võ Thị Xuân Hà- Trưởng Ban Nhà văn Trẻ. Chị có thể cho biết, các hoạt đông nhiệm kì này của Ban có gì đặc biệt?
- Kỳ vọng của Ban chấp hành nhiệm kỳ VIII về công tác Nhà văn Trẻ rất lớn. Đại hội Hội Nhà văn VN tháng 8 vừa qua chỉ có chưa đến 20 hội viên có độ tuổi 40 trở lại, quá ít. Gần như là sự thiếu hụt khiến hầu hết ủy viên Ban chấp hành bàn về vấn đề công tác Nhà văn Trẻ một cách quyết liệt. Ngay trước thếm đại hội này, trước thông tin ngoài lề cho rằng nhiệm kỳ này sẽ không còn Ban Nhà văn Trẻ nữa, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã khẳng định với những cán bộ làm công tác Nhà văn Trẻ rằng nhiệm kỳ mới công tác này phải được đặc biệt quan tâm, phát triển.
Tôi và anh chị em Ban Nhà văn Trẻ đang được phân công chuẩn bị Sân thơ trẻ 2011, Hội nghị những người viết văn Trẻ lần thứ 8 dự kiến vào tháng 8.2011. Ngoài ra hàng năm sẽ chú ý đến các vấn đề văn học trẻ để tổ chức Hội thảo, Tọa đàm; tổ chức đi thực tế sâu. Sẽ có thể có giải Văn học Trẻ, những trang báo dành riêng cho công tác Nhà văn Trẻ...
Nhưng cái mới của nhiệm kỳ này có lẽ sẽ là sự chủ động tối đa trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu các cây bút trẻ với Hội, nhằm hiệu triệu, khơi mạch nguồn sáng tạo, nâng dưỡng các cây bút trẻ đi theo dòng chảy chính thống của nền văn học nước nhà.
- Chị có thể chia sẻ tinh thần của Sân thơ Trẻ 2011?
Những người cầm bút cống hiến, sáng tạo ra những giá trị ngôn từ như thế nào để đóng góp vào sự phát triển thi ca của đất nước? Chúng tôi muốn tôn vinh họ từ trong quá khứ đến hiện tại và kỳ vọng họ ở tương lai. Vì vậy dòng chảy truyền thống vẫn là nguồn cảm hứng chính. Toàn bộ các không gian (trên sân khấu chính và dưới sân) tuy mang chủ đề khác nhau nhưng phải cùng phối hợp để tạo ra một điểm nhấn quan trọng mang thông điệp chính của Sân thơ Trẻ 2011 là: truyền thống.
Tuy nhiên mọi sự mới chỉ ở những bước chuẩn bị, truyền thống Sân thơ Trẻ của chúng tôi nhiều năm nay là bí mật đến phút chót.
- Có thể nói nhiều năm qua, trong các hoạt động của mình, Ban nhà văn Trẻ luôn có sự tham gia nhiệt tình của các cộng tác viên. Vì vậy nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn hỏi: Làm thế nào để trở thành cộng tác viên của Ban Nhà văn Trẻ? Cộng tác viên có quyền lợi gì?
- Nếu là đối tượng được Ban Nhà văn Trẻ quan tâm thì bạn nhất thiết phải là một cây bút đam mê văn chương, có tác phẩm được in trên báo hoặc xuất bản được độc giả chú ý.
Còn làm cộng tác viên, nếu bạn là sinh viên, hay đã ra trường, là kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân trẻ hoặc không còn trẻ, yêu văn chương... tất cả đều có thể là cộng tác viên của Ban Nhà văn Trẻ. Chúng tôi rất cần đội ngũ cộng tác viên trong hàng loạt công việc quan trọng của mình.
Quyền lợi của cộng tác viên: được chia sẻ kinh nghiệm và niềm vui với các nhà văn nhà thơ trẻ trong ngôi nhà văn chương và trong nỗi đam mê khó lý giải của mình!
Tác giả: P.V
Nguồn tin: Văn nghệ trẻ
Ý kiến bạn đọc