Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Nên chơi với văn chương”

Chủ nhật - 19/12/2010 11:50 2.683 0

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Nên chơi với văn chương”

Nhiều người nói phỏng vấn Nguyễn Ngọc Tư thật không dễ dàng. Lý do không phải là vì chị "kiêu", mà vì tính chị vốn kín đáo, thường ngại tiếp xúc với báo chí.

Vậy mà sau buổi ra mắt tập truyện ngắn Khói trời lộng lẫy thu hút hàng trăm người tham gia giao lưu, dù rất bận chị vẫn dành thời gian làm một cuộc trò chuyện thân tình cùng Áo Trắng...

* Theo chị, tập truyện ngắn Khói trời lộng lẫy có mang đến cho bạn đọc khám phá mới nào so với những tập truyện trước của chị không?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: À, cảm giác của bạn đọc thì không thể "theo tôi" được. Lúc ngồi viết cuốn sách này, tôi chỉ nghĩ không biết cái này (Khói trời lộng lẫy) mình bán được bao nhiêu... tiền. Tất nhiên tôi mơ ước một món nhuận bút nhiều thiệt nhiều, và tôi biết mình phải lao động nghiêm túc bằng nào thì mới gặt hái được điều đó.

* Khi viết tản văn lẫn truyện ngắn, điều gì với chị là quan trọng nhất? Có phải là cảm xúc?

- Ừm, cảm xúc. Tôi thì thuần cảm tính thôi, không được chuẩn bị một hệ thống lý luận đầy đủ, nên nghĩ cảm xúc là hàng đầu. Tất nhiên những người viết khác có quan niệm khác.

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

 

Sinh năm 1976 
tại Đầm Dơi, Cà Mau.

Trong cuộc vận động sáng tác Văn học trẻ tuổi 20 lần 2, năm 2000, tác phẩm Ngọn đèn không tắt đoạt giải 1 đã đưa tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư đến với bạn đọc.

Cho đến nay, tác phẩm nổi tiếng nhất của chị là Cánh đồng bất tận (2005), đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Tác phẩm này đã tái bản nhiều lần (đến nay đã là 108.000 bản, một con số kỷ lục), được chuyển thể thành kịch nói và phim.

Khói trời lộng lẫy là sách mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư, tập hợp những truyện ngắn của nhà văn đã đăng báo gần đây. Theo PGS.TS Trần Hữu Tá, cũng như những cuốn trước của Nguyễn Ngọc Tư, Khói trời lộng lẫy "không phải là loại sách đọc một lần mà hiểu, mà phải đọc đi đọc lại, có khi đến tận khuya để thấm thía tình người".

* Chị thích nhất điều gì ở con người?

- Chà, câu hỏi này mênh mông ghê. Tôi thích nụ cười nở trên gương mặt một người có tấm lòng nhân hậu. Nhiêu đó đủ rồi.

* Bạn đọc cảm nhận chất sống luôn tràn trề trong từng trang viết của chị. Làm cách nào chị có thể thu thập được nhiều chất liệu, chi tiết như vậy?

- Tôi nghiêng ngó, trà trộn, hóng hớt... Ôi thôi bao nhiêu là tật xấu. Bà ngoại tôi hay nói chỉ ngồi ăn thôi thì đến núi cũng phải lở. Phải làm lụng và tích lũy chứ.

* Đề tài người dân lao động nghèo ở vùng quê Nam bộ được chị khai thác qua khá nhiều tản văn, truyện ngắn. Điều đó góp phần quan trọng tạo nên phong cách Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chị có ngại bạn đọc một lúc nào đó sẽ cảm thấy "bội thực" vì "món ăn" tuy ngon nhưng đã được "chế biến" và "trình làng" quá nhiều lần?

- Vọng cổ, cải lương những năm 1970 về tha nhân nghe hoài tôi vẫn thích, nhạc vàng những năm 1970 toàn hát về người nghèo ta vẫn thường nha nhẩn hát theo. Canh chua cá kho ăn mãi rồi mà vẫn còn ăn mãi được. Tôi thường tự nhủ vậy cũng vì tôi có... ngại, bởi mình nấu nhạt, nấu không ngon, chưa tới bến...

* Nói "nấu nhạt" thì đúng là chị quá khiêm tốn rồi, nhưng chị có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ chuyển hướng viết, hoặc đa dạng hóa đề tài để gần gũi hơn với nhóm độc giả chính của mình?

- Tôi không tự tin là mình mặc áo nào cũng đẹp. Và cũng không biết độc giả chính của mình là ai, họ muốn gì. Điều quan trọng là tôi muốn gì và khi chia sẻ bằng tác phẩm, tôi sẽ tìm được những tâm hồn đồng điệu với mình.

* Đã trải qua khá nhiều thăng trầm và đạt được không ít thành công trong chốn "trường văn, trận bút", đến hôm nay chị có còn nghĩ mình vẫn là một cây bút trẻ?

- Tôi bảo rằng mình trẻ chắc là sẽ ngượng lắm với Nguyễn Thiên Ngân, bảo già chắc anh Nguyễn Đông Thức nói tôi ngạo ảnh. Tôi là một người viết, chỉ vậy thôi, không được sao? Già hay trẻ, chiếu xanh hay chiếu đỏ thì quan trọng gì?

* Chị thấy mình có gì khác trong viết văn lẫn trong cuộc sống so với Nguyễn Ngọc Tư ngày chưa lập gia đình không?

- Trời, đương nhiên khác rồi. Cây cỏ mỗi năm còn mỗi khác, huống chi người? Cứ mỗi lần sinh con, tôi lại thấy mình trở thành con người hoàn toàn khác, những bạn bè cũ, những mối liên hệ cũ bỗng dưng đứt bặt. Tôi vẫn thường nghĩ cái gì mà ngọn đèn không tắt, cái gì mà cánh đồng bất tận, cái gì mà vô hạn? Chẳng phải ngay lúc này, tôi thấy bất cứ gì cũng hữu hạn hết sao?

* Là một người đi trước, chị Tư có nhắn nhủ gì với những bạn đọc trẻ yêu văn chương và ham mê sáng tác của Áo Trắng không?

- Tôi mà nói cái này chắc nhiều đồng nghiệp rầy rà tôi lắm, nhưng không thể kìm được rằng các bạn nên chơi với văn chương. Chơi thôi, khi thích khi không, khi vồ vập khi hờ hững. Chơi với văn chương, ít hay nhiều dù sao cũng có lợi.

 

* Cám ơn chị.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây