Nhà văn Sương Nguyệt Minh: "Tôi đã khác với chính mình"

Thứ năm - 13/01/2011 11:46 2.681 0

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: "Tôi đã khác với chính mình"

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 đã được công bố với thắng lợi tuyệt đối dành cho tập truyện ngắn Dị hương của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh (được 9/9 phiếu bầu). Ngay từ khi ra mắt, Dị hương đã được coi như cách tự làm mới mình triệt để trong bút pháp của Sương Nguyệt Minh, một nhà văn quen thuộc với bạn đọc rộng rãi trong mảng đề tài về chiến tranh và nông thôn. Tận hưởng niềm vui trong thời khắc Hà Nội phải chống chọi với cái rét tái tê, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chia sẻ với bạn đọc những tâm tư của mình ngay sau khi nhận tin về giải thưởng.

Chúc mừng tập truyện ngắn Dị hươngcủa ông được giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2010. Ông coi đây là sự ghi nhận xứng đáng cho tác phẩm mà ngay từ khi ra mắt đã được dư luận nhiệt tình chào đón, hay đơn giản chỉ là cách chia phần cho các hội viên của Ban chấp hành Hội, một kiểu "đến hẹn lại lên"?

- Ô! Một câu hỏi rất hóc mà lại rất thú vị. Xin thưa là: Nếu có chuyện "chia phần" bổng lộc ấy thì chắc chắn không đến lượt tôi; bởi còn rất nhiều nhà văn đáng được "chia phần", đáng được nhận "bổng lộc" một cách trân trọng, hơn tôi. Tôi coi đây là sự công nhận với tư cách là bạn nghề của 9 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình ở Ban chung khảo. Tất nhiên, trước đó là 9 người ở Ban sơ khảo, và sau đó nữa là 15 người ở Ban chấp hành. 33 người làm nghề văn chương đọc truyện ngắn của mình giữa thời buổi "gạo châu củi quế", người người xa lánh văn chương, và "văn hóa đọc" đang xuống cấp, hầu hết thiên hạ xem và nghe nhìn hơn là đọc. Thế là mừng rồi.

Thành lệ, mỗi lúc đến dịp Hội Nhà văn công bố giải thưởng thường niên, những người quan tâm đến văn học lại đem ra so sánh với giải thưởng năm 1991, lúc mà những Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều mađược tôn vinh. Theo ông thì cách so bì với quá khức kiểu như thế này có khách quan và văn minh không? Rõ ràng là trong 20 năm qua, tiểu thuyết Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm để độc giả nhớ đến đấy chứ?

- Vâng. 20 năm qua, có nhiều tiểu thuyết rất đáng đọc và có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật thực sự. Có thể kể đến "Lạc rừng" của Trung Trung Đỉnh, "Dòng sông Mía" của Đào Thắng, "Hội thề" của Nguyễn Quang Thân, "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ…vv. Các nhà văn trẻ cũng ra hàng loạt tiểu thuyết với giọng điệu khác thế hệ cha anh, và đối tượng phản ảnh rất mới mẻ. Đó là tín hiệu văn chương rất đáng mừng. Tất cả những nỗ lực của các nhà văn đã làm nên cái nền chung của tiểu thuyết 20 năm qua vững chắc và cao hơn trước nhiều lắm. Và đỉnh thì cũng không phải là không có, mà tiểu thuyết "Hồ Quý Ly" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một ví dụ sinh động, đang đứng chất ngất ở trên đỉnh đó. Tôi cũng là một fan hâm mộ của Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma và tôi cũng ước ao viết được một quyển tiểu thuyết hay như các anh Bảo Ninh, Dương Hương, Nguyễn Khắc Trường. Tuy nhiên, chúng ta nên khách quan nhìn nhận và hy vọng lạc quan với tiểu thuyết 20 năm qua hơn là chỉ sống với thời vàng son.

9 truyện ngắn trong tập "Dị hương" của ông được viết khá cầu kỳ với đầy những ẩn dụ. Có thông điệp đặc biệt nào ông muốn gửi gắm, mà ông cảm giác độc giả nghĩ chưa ra không?

- Trong "Dị Hương" tôi viết: "Ánh lại vung gươm, nhưng nửa chừng thì hạ xuống. Ánh bỗng chùn tay không dám chém người đẹp thứ sáu". Người bạo tàn như Nguyễn Ánh đã chém năm cung nữ đẹp rồi mà vẫn chùn tay. Cái đẹp lúc này tạm thời chiến thắng. Bạo tàn không có đất sống cho cái đẹp và ngược lại cái đẹp không vĩnh cửu bên bạo tàn; mà chiến tranh là một ví dụ. Tôi nghĩ "Dị hương" là nỗi băn khoăn về anh hùng - mỹ nhân, là giày vò về loạn lạc - an lành, là đau đớn về bạo tàn - cái đẹp. Chứ không phải đọc "Dị hương" chỉ nghĩ đến mối tình tay ba giữa Nguyễn Ánh - Công chúa Ngọc Bình - Trần Huy Sán.

Theo ông thì điều gì ở "Dị hương" khiến bạn đọc quan tâm đến nhiều thế. Một buổi ra mắt khá thịnh soạn, được PR, quảng cáo bài bản, hay những đụng chạm đến chuyện "đàn ông đàn bà" hoặc giả, chỉ vì ông đã rất khác với chính ông ở tập truyện ngắn này?

-Tất cả. Có tất cả những điều này. Nhưng, quan trọng nhất là tôi đã rất khác với chính tôi ở "Dị hương". Quả thật trước đó, tôi luôn sẵn trong máu một tư duy sáng tác theo bút pháp hiện thực mà nhiều khi thiên về văn hành động và tâm thế người viết luôn chứa đầy sự nhân ái, da diết. Dù viết gai góc, dữ dội, khốc liệt thì vẫn ra cái kết có hậu, ấm áp. Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ các nhà văn thế hệ chống Mỹ, và cũng do làm biên tập lâu quá nên tự nhiên cái "hiện thực ấm áp, lành hiền" ấy nó nhiễm vào sáng tác. Rất khó thoát khỏi.

Nói thật nhé, ông có hiềm khích gì quá sâu sắc với phụ nữ không, mà viết về đàn bà lại ghê gớm, nanh nọc thế?

- Không! Thế giới phụ nữ mang cho tôi tất cả hạnh phúc và niềm đam mê sáng tạo. Tôi yêu thương phụ nữ vô cùng. Tôi trân trọng và nâng niu giống cái. Tôi đã viết về con khỉ cái ưỡn ngực đón mũi tên cho con khỉ đực đến mức người thợ săn không dám bắn, và nặn sữa cho con khỉ đực bị thương uống. Tôi tôn vinh con khỉ cái ấy là Người Mẹ vĩ đại nhất núi rừng Tam Điệp.

Theo ông thì những giải thưởng hàng năm như thế này, hay kiểu như cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, có ích lợi gì cho văn học đương đại không?  

- Rất lợi! Nó tạo ra môi trường, từ trường cảm xúc sáng tạo. Nó tạo ra không khí văn chương học thuật. Nó để cho bạn đọc được tham gia chấm tác phẩm các nhà văn, và bạn đọc cũng là người chấm lại Ban giám khảo cả về tâm văn và con mắt xanh nghệ thuật. 

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây