Giải thưởng văn học hàng năm: quá khắt khe với thơ?

Thứ ba - 25/01/2011 05:33 2.187 0

Nhà thơ Đặng Huy Giang

Nhà thơ Đặng Huy Giang
“Tôi nghĩ năm nào cũng nên trao giải thường niên, tức là chọn ra một hoặc một vài tập thơ khá nhất trong năm để trao (trừ khi chúng quá yếu kém). Chúng ta chả nên quá coi trọng giải thường niên và cũng chả nên xếp thứ hạng, phân biệt ngôi trên ngôi dưới mà làm gì. Chỉ cần gọi tên nó là “Giải thưởng Hội Nhà văn” thôi”- Nhà thơ Đặng Huy Giang, thành viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015.
* Là người quan tâm theo dõi đời sống văn học trong nước, xin anh cho biết ý kiến về sự thiếu vắng giải thơ nhiều năm qua?

- Trong nhiều năm qua, thơ không có sự trồi sụt nào và sự bứt phá nào đáng kể. Mỗi nhà thơ vẫn cố gắng làm thơ theo cách của mình. Có người chững lại. Có người ổn định. Có người khá lên. Những cuộc đua một mình vẫn đang tiếp diễn. Đây là chuyện hết sức bình thường.

Cảm giác “thiếu vắng giải thơ nhiều năm qua” được tạo ra bởi quan niệm, nhận thức vá cách chấm giải của Hội đồng thơ Hội Nhà văn. Họ đã quá coi trọng một giải thơ thường niên và quá khắt khe khi lấy cái này, cái kia (và cả mình nữa) ra so đo, đong đếm một cách máy móc, cơ giới. Vô hình chung, họ làm cho điều bình thường trở thành không bình thường. Nên nhớ, Hội đồng thơ không phải là “thước đo” duy nhất về thơ và cũng không phải là những “bậc thầy” về thơ.

* Trong ý kiến đăng tải trên báo gần đây anh có nêu quan điểm rằng: việc xét trao giải thơ của các năm nên lấy phần "khác", không nên lấy phần "hơn" ra so sánh. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: Chúng ta không nên trao giải cho những tập thơ vừa không “hơn”, vừa không “khác” những tập thơ đã từng được giải thì sao?

- Theo tôi, phần “khác” dễ nhận ra hơn phần “hơn”, cho dù cái “khác” nhiều khi đã bao hàm cái “hơn” trong ấy rồi. Nếu không “khác” và cũng không “hơn” , thì chẳng nên trao. Tôi được biết, hai tập thơ Bơ vơ đông đảo của Việt Phương và Metrocủa Thanh Thảo do Hội đồng thơ 2005 - 2010 vừa bị BCH Hội Nhà văn “bác” cũng vì lý do trên.

Trong câu hỏi này, tôi không thích những từ “những tập thơ đã từng được trao giải”. Chả nên lấy một cái gì tạm coi là “mốc” rồi để liên hệ, so sánh như thế cả. Vả lại, chúng ta cũng không có nhiều “khuôn vàng thước ngọc” trong thơ lắm đâu.

Về chủ quan, tôi nghĩ năm nào cũng nên trao giải thường niên, tức là chọn ra một hoặc một vài tập thơ khá nhất trong năm để trao (trừ khi chúng quá yếu kém). Chúng ta chả nên quá coi trọng giải thường niên và cũng chả nên xếp thứ hạng, phân biệt ngôi trên ngôi dưới mà làm gì. Chỉ cần gọi tên nó là “Giải thưởng Hội Nhà văn” thôi.

* Cách thức xét giải thưởng thời gian qua của Hội Nhà văn theo anh có điều gì cần điều chỉnh?

- Cần có thêm nhiều nguồn giới thiệu: Từ những tác giả, từ những nhà xuất bản, từ những nhà thơ có uy tín, từ những học giả, từ những thành viên trong Hội đồng thơ, thậm chí từ những độc giả nữa…Những người chấm giải cần khách quan, công tâm và cần khắc phục cách hành xử kiểu trịch thượng, ban phát. BCH nên trao thêm quyền tự quyết cho các hội đồng.

* Theo anh, giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn có nên trao ở tất cả các hạng mục? (thơ, văn xuôi, dịch thuật, lý luận phê bình)

- Ở trên, tôi đã nói về thơ. Giờ, tôi xin nói thêm: Có thể trao cho tất cả các hạng mục. Trong 4 hạng mục này, tôi lo nhất là hạng mục lý luận phê bình. Đơn giản vì những người theo đuổi lý luận phê bình ngày một ít và sách được gọi là lý luận phê bình ngày một trống vắng. Không có “bột” làm sao có thể “gột” nên hồ được!

* Nhiệm kì này, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã có giải thưởng dành cho tác giả trẻ (dưới 30 tuổi). Cá nhân anh nghĩ thế nào về việc mở một giải thưởng dành cho những người trẻ? Nên hay không?

- Cũng có thể trao một giải như thế. Việc mở một giải thưởng dành cho những người viết trẻ là đáng khuyến khích. Làm sao “xã hội hóa” được nó mới là điều quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Nhưng tôi hơi băn khoăn một chút: Liệu chúng ta có đủ người viết dưới 30 tuổi để trao giải ấy không?

* Anh đánh giá thơ trẻ thời gian có điểm gì đáng chú ý? Thơ trẻ đang tiến hay chững lại?

- Số người đến với thơ ngày một đông. Số người cố gắng viết khác người khác ngày một nhiều. Vì họ là một lực lượng viết đang ở giai đoạn thử sức, thể nghiệm, tìm tòi, chưa định hình hẳn… nên rất khó đánh giá là họ tiến lên hay chững lại.

Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nói một câu rất đáng chú ý trên truyền hình: Tôi trân trọng mọi sự tìm tòi (trong thơ chẳng hạn) như trân trọng những cô gái trẻ đang đi tìm chồng. Nhưng phải đợi khi nào họ có chồng, tôi mới có điều kiện chúc mừng họ được.

* Những tập thơ nào - theo chủ quan của anh - là đáng đọc trong vòng 2 năm qua?

- Tuy là người đọc nhiều thơ, thường xuyên quan tâm đến thơ, nhưng không ai có thể đọc hết được một khối lượng thơ khổng lồ xuất bản hàng năm. Trong 2 năm, lại càng khó đọc hết. Tôi cũng vậy. Trong 2 năm qua (2009-2010), đọc hàng trăm tập thơ, tôi chú ý đến những tập thơ: Thơ mười năm đầu thế kỷ 21 của nhiều tác giả, Sông trôi không lời của Lê Thành Nghị, Những chiếc gai trong mưacủa Nguyễn Bảo Chân, Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều…

* Những tên tuổi mới nào trong làng thơ khiến anh chú ý?

- Nói “những tên tuổi mới”, e có phần hơi quá. Tôi cho rằng Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Phan Quế Mai đang được chú ý hơn trong những người viết trẻ. Một người có giọng điệu riêng, còn một người đang viết được và có bản năng thơ mạnh.

* “Cách tân hay là chết” - là phương châm của một số tác giả trẻ. Anh nghĩ gì về trào lưu này?

Câu này và suy nghĩ này chẳng có gì mới. Chưa nói là hơi đại ngôn. Theo tôi, cũng chẳng nên gọi nó là trào lưu. Tuy nhiên, cũng cần động viên tinh thần của những người dám “đổi mới hay là chết”.

* Chuyện PR của giới sáng tác giờ đây đã không còn là chuyện lạ. Cá nhân anh nghĩ thế nào về những màn PR đi quá đà so với chất lượng thực của cuốn sách?

Sự PR quá đà làm người ta mất lòng tin của độc giả. Thấp hơn PR là quảng cáo. Anh quảng cáo một sản phẩm mà người ta không tin vào sản phẩm nữa, tức là anh thất bại và sản phẩm cũng thất bại. Chưa kể, anh còn tạo ra một thứ rác nữa trên các mặt báo, mặt tạp chí. Về điều này, Szymborska (nhà thơ nữ Ba Lan, người đoạt Giải Nobel văn học 1996) có một câu thơ rất hay trong bài Quảng cáo: Quảng cáo - lòng nhân từ hóa chất. Nhưng tôi sợ hơn cả là những lời giới thiệu, lời bạt trong những tập thơ phong trào xuất hiện rầm rộ, đông đảo trong nhiều năm qua. Nhiều nhà thơ, có người có tên tuổi hẳn hoi… họ đang làm gì vậy?

* Với tư cách một ủy viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn nhiệm kỳ 2010-2015, anh nghĩ mình sẽ làm điều gì “khác”, góp phần nâng cao uy tín giải thưởng hàng năm của Hội?

- Tôi sẽ cố gắng bằng nhiều cách và vì mới nhập cuộc nên không dám nói trước một điều gì.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây