Viết văn không phải là cuộc chơi

Thứ ba - 21/12/2010 09:58 2.735 0

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.
"...Tôi nghi ngờ điều ai đó nói rằng, viết văn như là một cuộc chơi. Tôi khổ sở với từng con chữ, nghĩ ngợt một chi tiết, một lời thoại thật sự khó nhọc, nhất là với hơn 70 nhân vật trong cuốn tiểu thuyết "Lửa đắng", tôi gần như kiệt lực sau khi hoàn thiện nó" - nhà văn Bắc Sơn tâm sự.

Có lẽ những ai yêu thích phim truyền hình chắc chắn sẽ vẫn ấn tượng với bộ phim "Luật đời" (Bộ phim được bình chọn là phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2007), nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay "Luật đời và cha con" (đã xuất bản lần thứ 6, được giải thưởng của UBTQLH các Hội VHNTVN) của nhà văn "đầu bạc" Nguyễn Bắc Sơn.

Nằm trong mạch viết đã theo đuổi, năm 2008, nhà văn Bắc Sơn đã tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai dày hơn 600 trang mang tên "Lửa đắng". Mới đây, cuốn "Lửa đắng" đã đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006 - 2009).

- Thưa nhà văn Bắc Sơn, có ai đó từng nói rằng, nhà văn Bắc Sơn là một người may mắn vì ông cũng như một vài hiện tượng trong làng văn: đến với văn chương khá muộn, nhưng thành công lại đến rất sớm. Hai cuốn tiểu thuyết ra đời liên tục trong vòng hai năm đã đoạt những giải thưởng có uy tín trong làng văn. Ông có nghĩ sao về điều này?

- Nói như cách nói thông thường, người ta vẫn cho rằng, tôi là người may mắn và có duyên với giải thưởng, nhưng, không hẳn như thế. Để viết được hai cuốn tiểu thuyết này, tôi đã tích lũy gần hết cả một đời công chức, tóc thì rõ ràng, không còn một sợi nào đen. Và đó là những vốn liếng cả đời học, đọc sách cần mẫn mới có được.

- Cảm giác của ông khi biết "Lửa đắng" đoạt giải có giống với ngày xưa cuốn "Luật đời" được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam?

- Niềm vui thì không thể nói rồi, nhưng rõ ràng, tôi cảm thấy mình được trẻ lại với cái hồi hộp, mê say như thuở đầu đời vậy. Rõ ràng, điều này là một sự ghi nhận và tôi cảm thấy công sức của mình sau nhiều ngày tháng đã được đền đáp.

- "Lửa đắng" là cuốn tiểu thuyết thứ 2 được viết chỉ sau có vài tháng khi anh vừa cho xuất bản cuốn "Luật đời và cha con". Khi viết cuốn sách này, ông lấy đâu ra vốn tư liệu để mà viết ngần ấy trang sách?

- Tôi là một công chức cần mẫn, chăm chỉ, sáng ý trong công việc, nhưng điều quan trọng nhất là cái thói quen quan sát, nhận xét, cái lối suy nghĩ đến cùng tận một sự việc, một hiện tượng, hoài nghi, phản biện nó, cái lối tò mò theo dõi đường đời của những người xung quanh (và không ngừng ngẫm nghĩ về họ), cái lối vơ vào mình những chuyện đẩu đâu… và cộng với một chút vốn văn chương được trang bị suốt cả quãng đường đã đi qua, những điều học hỏi được ở bè bạn và thời gian vô biên của một người hưu trí đã thôi thúc tôi phải viết. Tôi thường viết bằng tay, có những lúc viết một đêm hết vài cái bút là bình thường, nhưng không hiểu sao, câu chữ cứ tuôn ra trước ngòi bút của mình. Có thời điểm viết đến sáng rồi dành cả ngày để đọc lại những gì mình đã viết mà thấy… mệt!

- Có lần ông nói định đặt tên tiểu thuyết là "thành phố đau đẻ" với lời đề từ "sinh cái sống đau gần như cái chết" (Chế Lan Viên), sau đó mới đổi thành "Lửa đắng"?

- Lời đề từ ấy do một nhà phê bình sau khi đọc cuốn sách đã chọn giúp tôi theo ý đồ của cuốn sách với ý nghĩa để phá bỏ một mô hình cũ, một cơ chế cũ, mỗi lối nghĩ, lối làm cũ khó lắm, khổ lắm, đau lắm… Thực ra, tôi không biết đau đẻ thế nào, đi bộ đội cũng không bị thương tích gì, nhưng các cụ có câu "Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen" thì chắc đau đẻ phải đau đớn ghê gớm lắm. Lại nhớ nhân vật nữ trong một vở bi kịch Hy Lạp xưa nói "Hỡi cánh đàn ông, ta thà mang gươm ra trận ba lần, còn hơn một lần chịu nỗi đau sinh nở".

Cũng như để xây dựng một nền hành chính công trong sạch, TP Thanh Hoá trong "Lửa đắng" của tôi phải chịu nỗi đau như thế, hơn thế. Vì thế cuộc đấu tranh ở "Lửa đắng" ở cấp độ cao hơn, biên độ mở rộng ra, câu chuyện không chỉ ở quận, mà còn lên đến cấp thành phố, ở phạm vi cả nước, các nhân vật và một số vấn đề cũng mở rộng trên phạm vi đất nước.

- Viết tiểu thuyết luận đề không dễ và lại càng khó để hay, ông lại viết về một đề tài liên quan đến lớp người có địa vị xã hội, những vị quan và những câu chuyện liên quan đến họ. Liệu khi viết về đề tài nhạy cảm này ông có gặp phải khó khăn lắm không?

- Tôi bật mí một chi tiết nhỏ là sau khi cuốn sách ra đời, có một vị chính khách cao cấp đã gọi tôi lên và trò chuyện về cuốn sách hơn 2 tiếng đồng hồ. Về cơ bản là ông rất khen ngợi vì những điều tôi đã dám viết, dám nói, dám tư duy. Vì vấn đề thuộc về mô hình, về cơ chế nên tác giả đành phải mời các nhân vật có liên quan vào cuộc. Cốt truyện thì hư cấu đã đành, các nhân vật truyện đại đa số cũng là hư cấu hoàn toàn. Chỉ có một vài nhân vật tôi căn cứ vào công việc của họ, hoặc vai trò của họ trong tác phẩm mà hình dung theo trí trưởng tưởng.

Tôi tự cho rằng mình nắm được nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm, những vấn đề ấy nằm trong suy nghĩ, dằn vặt, bức xúc của tôi đã lâu lắm rồi và các nhân vật được tạo ra sắm vai này, vai kia, nhằm thể hiện ý tưởng sáng tạo của tôi. Điều này, khi đọc tác phẩm các bạn đọc sẽ hiểu và tôi hy vọng tác phẩm của mình sẽ được đón nhận.

- Nghe nói ông bị ốm một trận khá nặng sau khi viết xong cuốn sách?

- Cuốn sách chỉ là một trong số các lý do. Nhưng quả thật cuốn sách đã cuốn của tôi nhiều sức lực. Tôi nghi ngờ điều ai đó nói rằng, viết văn như là một cuộc chơi. Tôi khổ sở với từng con chữ, nghĩ ngợt một chi tiết, một lời thoại thật sự khó nhọc, nhất là với hơn 70 nhân vật trong cuốn tiểu thuyết "Lửa đắng", tôi gần như kiệt lực sau khi hoàn thiện nó.

- Là người có năng khiếu văn chương từ thuở nhỏ, sao cho đến gần thất thập, ông mới nổi hứng viết văn, viết không ngừng nghỉ. Ông viết để bù vào những năm tháng tuổi trẻ của mình sao?

- Sau tiểu thuyết "Lửa đắng" tôi đã kịp cho ra mắt ba cuốn sách khác là một tập truyện ngắn, hai tập bút ký: "Gót thời gian" và "Người trong tôi". Và như đã có lần tôi tâm sự đâu đó rằng, Với tôi, viết văn là sự giải tỏa những bức xúc cuộc đời, là góp một tiếng đời cho đời. Tôi, anh, hay nhiều người khác, thất bại trong việc này, không thành công trong việc kia, kém cỏi so với thiên hạ ở nhiều việc khác, là bởi mình làm không đúng luật, chơi không đúng luật, ứng xử không đúng luật. Thế nên trời còn cho viết được, thì những cuốn khác của tôi dù đặt tên là gì, vẫn nằm trong bộ "Luật đời".

- Sau cuốn sách này, ông có tiếp tục đề tài này nữa hay không?

- Tôi sẽ chuyển viết về vấn đề khác, bởi vì ở "Lửa đắng" các nhân vật đã có kết thúc, hoặc bạn đọc cũng đã nhìn thấy đường đời sẽ dẫn họ đến đâu rồi. Nhưng cuốn sau tôi cũng chỉ bám vào cuộc sống nơi đô thị với đời sống công chức, thị dân thôi.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Thiên Kim (thực hiện)
Nguồn: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây