- Xin anh chia sẻ về ý nghĩa của tên tập thơ "Bản tường trình những giấc mơ đi vắng"?
- Trong thế kỷ 21 bận bịu này, tâm tư con người phong phú lắm, vì vậy khoảnh khắc lóe sáng của một bài thơ rất mong manh so với chuyển động tình cảm của người đọc. Tôi ý thức được điều ấy, và tổ chức một tập thơ sao cho độc giả khép sách lại có thể hình dung được thái độ thẩm mỹ của tác giả. Tôi tin, nếu ai đọc Bản tường trình giấc mơ đi vắng một cách kỹ lưỡng sẽ nhận ra ánh mắt buồn thương của một tri thức trước "thế kỷ chúng ta đang sống có giấc mơ dài hơn nước mắt".
- Có người nói vui thế này "Miền Bắc là đất văn, miền Trung là đất thơ và miền Nam là... đất làm báo". Nếu nói vì các cây bút trong Nam làm báo rất giỏi nên đâm sao nhãng thơ, tạo cơ hội cho anh giành giải, anh nghĩ sao?
- Sự sắp xếp lại kinh tế đất nước đã tạo ra dòng người di cư và gián tiếp vẽ lại bản đồ văn chương. Bây giờ mường tượng "thơ Trung văn Bắc báo Nam" e rằng không còn phù hợp nữa. Còn về tặng thưởng, thì tôi tin rằng cả Hội nhà văn TP HCM và các đồng nghiệp đều đồng cảm tâm trạng đau đáu "người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa lầm lũi vừa vô tận trong mưa", nên chả tiếc gì thêm một lần bỏ phiếu công nhận sự thao thức của tôi với xã hội hôm nay.
- Anh có thể kể về kỷ niệm lần đầu tiên nhận giải thưởng văn chương của mình?
- Khi còn học phổ thông, tôi đã lọ mọ viết lách, thấy ở đâu tổ chức cuộc thi cũng tham gia. Vừa có giấy báo đậu đại học thì tôi nhận được cùng lúc hai tin vui, giải nhất cuộc thi Thơ 7 Chữ của tập san Áo Trắng và giải nhất truyện ngắn Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong. Hai giải thưởng cùng lúc này mang lại cho tôi một… chiếc xe đạp và một ít tiền phòng thân trong những ngày đầu tiên xa nhà lên phố theo đuổi giấc mơ giảng đường.
- Từng được một giải thưởng văn xuôi, sao từ đó không thấy anh viết truyện ngắn nữa?
- Mải lo cơm áo nên không còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, khoảng 10 năm không viết truyện ngắn giúp tôi suy ngẫm được rất nhiều điều về văn xuôi. Có lẽ sắp tới tôi sẽ viết trở lại, mà thể loại tôi chọn lựa là truyện ngắn hài hước.
- Trang web cá nhân của anh có số lượng độc giả truy cập khá cao và tập hợp nhiều bài viết văn chương gây chú ý. Vì sao trong thời buổi bận rộn này, anh lại dành thời gian chăm chút cho "không gian ảo" vốn chiếm mất khá nhiều thời gian?
- Thì đúng như chị nhìn nhận. Tôi mở trang web để tập cống hiến, tập đứng mũi chịu sào, tập đối mặt thị phi, tập tôn vinh người khác…
Tập thơ được tặng thưởng Hội nhà văn TP HCM 2010 của Lê Thiếu Nhơn. |
- Anh dành thời gian nào để "săn tin" để trang web của mình thêm sinh động?
- Đó chính là lý do tôi luôn tìm cách né tránh những chỗ tụ bạ bia bọt hay đấu láo. Ngày nào không cập nhật cho trang web, tôi có cảm giác như một người mắc nợ. Khổ, mắc nợ bạn đọc không biết mặt đôi khi còn khó chịu hơn mắc nợ tiền bạc một ai đó.
- Năm 18 tuổi anh vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, hiện tại anh đã có cuộc sống vật chất khá đàng hoàng. Đó có thể coi là một thành công, anh nói sao?
- Cái nghèo tuy không phải cái tội, nhưng cái nghèo lại đe dọa sự ngay thẳng và chà đạp sự hào hiệp. Vì vậy, tôi rất sợ cái nghèo. Từ nhỏ tôi đã biết cách nuôi cá và nuôi gà để lấy tiền ăn kem. Nhà tôi nghèo, nhưng tôi luôn là cậu học trò giàu nhất trong trường. Tôi còn nhớ rất rõ, bắt đầu năm học lớp 10 thì tôi đã có kế hoạch tài chính cá nhân. Tôi viết bài cộng tác cho báo địa phương, đài phát thanh đủ để ăn sáng và mua sách vở. Thỉnh thoảng đi "buôn" một chuyến thì sắm thêm được một món tài sản…
- Đi buôn từ năm 16 tuổi, anh buôn gì vậy?
- Buôn… dế. Ba tháng hè tôi đạp xe về nông thôn mua dế mang lên thị xã bán lại. Tiền lãi tôi bỏ vào con heo đất. Khi đập ra, số tiền dành dụm được từ buôn dế nhiều gấp hai lần lương của ba tôi. Nhờ buôn dế, tôi mới có chi tiết để viết cái truyện ngắn Giấc mơ không có con dế nhỏđoạt giải thưởng đấy chứ.
- Còn từ khi vào Sài Gòn anh lo chuyện "cơm áo gạo tiền" ra sao…?
- Lúc vác cái thùng gỗ đựng vài bộ quần áo vào đại học, tôi nói với má tôi: "Con sẽ tự lo, gia đình không phải gửi tiền". Ngày thứ ba đặt chân đến Sài Gòn, tôi đã có một cái tin in trên báo Tuổi Trẻ, được 30.000 đồng. Rồi tôi lang thang viết báo, viết từ bình luận cho tới truyện cười, viết từ phỏng vấn nghệ sĩ cho đến phóng sự đường dài. Suốt bốn năm đại học, mỗi ngày mở mắt ra thì tôi biết hôm nay có một bài của mình được đăng trên một tờ báo nào đó. Trời thương, không những có thể nuôi thơ và không lụy người thân, mà khi cầm tấm bằng cử nhân thì tôi cũng mua được một căn hộ chung cư.
- Vậy còn thơ thì sao, chẳng lẽ lại nuôi thơ mãi. Anh có thể tiết lộ về tình hình các ấn bản thơ của anh được tiêu thụ thế nào trong những năm vừa qua?
- Cho dù thơ hay cũng khó tặng, chứ đừng nói đến chuyện bán. Thế nhưng, thật sai lầm nếu nghĩ rằng nhu cầu mua thơ đã bị triệt tiêu. Hai tập thơ gần đây của tôi khi rao bán trên mạng đều phát hành được tương đối. Tất nhiên, với một sản phẩm đặc thù như thơ, bán được một phần ba đã đáng hài lòng.
- Nhận liên tiếp hai tặng thưởng của Hội nhà văn TP HCM dành cho thơ, kế hoạch của anh cho tác phẩm kế tiếp ra sao?
- Hơi khó trả lời đây. Thú thật, tôi cũng khao khát cú hattrick mà chị nói, nhưng thi ca không phải là thứ cứ muốn có thể gọi đến hay đuổi đi được. Từ Trong bóng người xưa đến Bản tường trình giấc mơ đi vắng phản ánh chuỗi ngày tôi nhận ra sự bất lực của thơ phú trước một đời sống ngổn ngang “sao cứ thấy bàn tay chụp giựt đè lên bàn tay cặm cụi”.
Nhà thơ - nhà báo Lê Thiếu Nhơn hiện là trưởng ban thư ký tòa soạn của tạp chí Kiến Thức Gia Đình. Anh đã xuất bản 5 tập thơ: Bài ca phía mặt trời (1997), Dốc gió (1999), Phố tình riêng (2004), Trong bóng người xưa (2006), Bản tường trình giấc mơ đi vắng (2009), 2 tập tản văn Những người lãng mạn giữa đô thị (2006) và Người Việt biết đùa (2007), Thi ca nết đất (phê bình thơ 2011). Hội nhà văn TP HCM vừa công bố giải thưởng văn học năm nay của hội thuộc về Được sống và kể lại, tác phẩm văn xuôi đầu tay của nhà điêu khắc Trần Luân Tín - hội viên Hội Mỹ thuật TP HCM. Cuốn sách kể lại thời gian tác giả chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 và suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ đến năm 1975 mà ông là người trong cuộc. Ngoài ra, Hội nhà văn TP HCM còn trao hai tặng thưởng cho tác phẩm Cánh trái (tập truyện, NXB Văn nghệ) của nhà văn Phan Hồn Nhiên và Bản tường trình giấc mơ đi vắng (tập thơ, NXB Thanh niên) của Lê Thiếu Nhơn. Đây là lần thứ hai tác giả Lê Thiếu Nhơn nhận tặng thưởng của giải thưởng văn học này, lần đầu tiên là vào năm 2007 với tập thơ Trong bóng người xưa. |
Tác giả: Di Li
Ý kiến bạn đọc