Hồn đá

Thứ tư - 12/05/2010 01:39 3.313 0

Minh họa: Trương Trọng Nghĩa

Minh họa: Trương Trọng Nghĩa
(Đá rồi cũng tàn nét phai dung…*)


Nhà nghỉ nằm trên đồi, một quần thể kiến trúc hiện đại được xây dựng trên nền ngôi biệt thự cổ. Ngay ngày đầu tiên, sau cơm trưa, cả nhóm kéo nhau đi dạo loanh quanh sân sau đã phát hiện ra mấy bậc đá dẫn xuống vườn hoa, nơi có chiếc cầu bắc ngang dòng suối giả, trông rêu mốc cũ kỹ chẳng ăn nhập gì đến dãy phòng khang trang bên trên.
Đang loay hoay chụp ảnh lưu niệm, trời trưa nắng vàng ươm dìu dặt, bỗng dưng mây ùa kéo đến. Mây từ bên kia đỉnh núi là là bay sang, tưởng như huơ tay là chạm, là có thể nắm lấy. Sau này mới biết nơi đây một ngày có thể hiện diện bốn mùa, còn khi ấy cả bọn đã tròn mắt ồ à ngạc nhiên. Ngay khoảnh khắc mờ ảo vụt tan, Thục bỗng phát hiện ra bờ tường đá rêu phủ nằm khuất dưới giàn su su chạy dài xuống chân dốc. Trên một gờ tường lỗ chỗ như bị đập phá dòng chữ: “Piscine… aux enfents” (Bể bơi dành cho trẻ em) mờ mờ nằm lẫn trong đám rêu xám. Phát hiện này đem lại cho Thục cảm giác khó tả. Vừa sờ sợ, vừa như có gì thúc giục khám phá. Thục kéo tay Duệ: Chắc có một thành phố… cổ bị chôn vùi nơi đây! Duệ, đang mải mê dõi theo lũ bươm bướm núi dập dờn quanh đám hoa dại dọc lối đi, hứ một tiếng rồi bảo bà này sao khéo tưởng tượng. Nhưng ngay sau đó, chính Duệ đã công nhận: “Mình thấy không khí ở đây có gì là lạ!”. “Là lạ là sao?”. Thục hỏi gặng. Duệ đáp vu vơ: “Không biết nữa, nhưng có cảm giác không ổn. Như có gì bất trắc, như có gì đổ vỡ rình rập”. Đến lượt Thục cười cợt cái tính bà cụ non nhút nhát mà hay lo xa của Duệ. Khi ấy, Thục chỉ đơn giản nghĩ, đã qua một chuyến xuyên Việt dài thăm thẳm, những ngày nắng nóng, khát đói chia nhau từng cái bánh bẻ vụn, từng viên kẹo, từng ngụm nước, những tối lạnh cắt da cùng co kéo đắp chung manh áo ấm, cùng sẻ chia nỗi sợ đêm trường gió lũ, mưa cuồng bằng những câu chuyện tếu táo đùa vui…, bây giờ mọi bất trắc đều lùi lại phía sau, họ sẽ có chuỗi ngày thú vị nơi vùng đất lần đầu đặt chân đến, tha hồ mà tận hưởng, khám phá bao điều mới mẻ cho cảm xúc sáng tạo. Thục càng thấy vui vì có Duệ bên cạnh. Lâu nay, vì công việc vì cuộc sống, dù ở cùng thành phố nhưng ngay cả việc gặp gỡ “cà phê” ngắn ngủi, cũng ngày một hiếm đi. Nên khi Thục rủ: Đi Tam Đảo nhé! Duệ bảo: Đi!, Thục thấy vui vô cùng. Niềm vui của Thục là mỗi sáng thức dậy thấy Duệ xõa tóc ngồi ủi quần áo, bâng quơ: Không biết hôm nay mình mặc gì ta? Mà thôi, bận tâm làm gì, mình mặc gì cũng đẹp hết! Không mặc sẽ đẹp hơn. Tự tin thấy ớn chưa. Khiêm tốn chút đi bà. Duệ cười, hai đồng tiền nhỏ xíu ôm đôi khóe miệng xinh. Có lẽ, không một ai đem lại cho Thục sự thoải mái niềm vui hồn nhiên như với Duệ. Duệ này, sao ta thấy mình càng ngày càng đẹp ra. Ta thì không thấy, không hề! Dù Duệ ít tuổi hơn, dù trong chuyện giao tiếp bên ngoài, có vẻ như Duệ luôn theo Thục, nhưng thực chất hình như là ngược lại vì gặp phải chuyện gì khó khăn, Thục vẫn luôn kể lể bàn bạc với Duệ cách ứng xử. Ngay cả mặc một bộ đồ lạ, hơi phá cách một chút, Thục cũng trình diện trước với Duệ. Duệ bảo được thì Thục mặc, còn Duệ đắn đo: Dường như không hợp với Thục lắm, là Thục phải chia tay bộ quần áo ấy dù trong nỗi ngậm ngùi! 

Chỉ có hôm thăm nhà thờ đá và mấy ngôi biệt thự bỏ hoang dù biết Duệ không thích, biết Duệ sợ nhưng Thục vẫn khăng khăng đòi đi. Buổi chiều, nghe mấy người trong đoàn kháo nhau về ngôi nhà thờ trăm tuổi sừng sững trên đồi cùng mấy tòa biệt thự không người ở, su su, cỏ dại phủ đầy, Thục hăng hái rủ: Tối nay lên nhà thờ đá và biệt thự hoang! Đi đi, ma nhóc ở trỏng đó! Thằng sún răng dọa, Thục nói: Thì gặp cho biết… ma luôn. Duệ kéo tay Thục: Nói trước, tới đó mình không vào đâu. Không vào thì đứng bên ngoài. Khi ấy, nỗi tò mò, náo nức kiếm tìm cảm giác mạnh khiến Thục không nhận ra khuôn mặt thoáng tái đi của Duệ. Chèo kéo mãi cũng rủ được hai đứa nhóc đi kèm “hai người phụ nữ xinh đẹp”. Lực lượng xem ra quá mỏng, trong khi bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc phủ lên rừng cây, bờ đá và những mái nhà lô nhô vẻ huyền bí đầy… bất trắc. Duệ khẩn khoản: Nghĩ lại đi. Hay mình vào phòng chơi đánh bài. Mai hãy đi! Trong tích tắc nỗi sợ của Duệ như lây sang Thục. Thục sắp đổi ý thì Lãng Tử xuất hiện. Sự xuất hiện của Lãng Tử đã mang đến cho Thục tự tin, như suốt chặng đường dài, những câu chuyện tếu táo và cái cách phách tấu coi trời đất thiên hạ bằng vung của anh đã tạo cho đoàn niềm vui và sinh khí quên đi nỗi nhọc nhằn của cuộc hành trình. Mấy bà đi đâu vậy? Đến biệt thự ma. Đi không? Đi thì đi. Có Lãng Tử, Thục phấn chấn hẳn lên. Biệt thự hoang nằm chếch trên sườn dốc, lối dẫn lên là những bậc đá đã bị su su, cỏ dại che khuất. Những bức tường trắng nhờ nhờ, mấy khung cửa sổ đã sút bản lề, trơ ra khoảng tối đen ngòm bên trong. Mình thấy đứng dưới này xem được rồi. Đừng lên trên đó. Duệ đề nghị, nhưng Thục đang hăng. Không vào hang hùm sao bắt được cọp. Mà không, bắt được ma chứ. Hai đứa nhỏ lao nhao: Vậy chị lên mà bắt… cọp, bắt ma đi. Tụi em… sợ lắm! Mấy đứa lên với bả đi, nhớ đừng có mà hù dọa. Sau này, khi không còn Duệ bên cạnh nữa, Thục mới nhận ra sự quan tâm này, mới thấy cái dáng nhỏ nhoi co ro của Duệ đứng nép bên bờ tường đêm ấy không chỉ vì sợ, vì lạnh mà còn vì lo lắng cho Thục. Chỉ có Duệ là hiểu bề ngoài Thục luôn tỏ ra cứng rắn, phớt đời, nhưng lại là đứa mẫn cảm, yếu đuối và dễ bị tổn thương. Thế nhưng khi ấy, Thục chỉ thấy Duệ sao mà nhút nhát. Nhất là khi lên nhà thờ đá, Duệ đã run rẩy bíu chặt tay Thục và Lãng Tử, co ro dò dẫm từng bước trong bóng đêm đen đặc. Khi ấy, ngôi giáo đường sừng sững giữa trời đêm toát lên vẻ uy nghi, huyền hoặc sao mà quyến rũ. Nên Thục đã bứt khỏi tay Duệ chạy khắp khuôn viên, rờ rẫm từng bờ tường, áp má vào gờ đá sần sùi rêu lạnh. Niềm hưng phấn khiến Thục quên cả Duệ, quên rằng Duệ vốn dĩ rất sợ bóng tối, nhất là bóng tối ở những nơi hoang tàn vắng lặng. Không biết đêm ấy Duệ đã hoảng sợ như thế nào? 

Sau đêm ấy, nỗi ám ảnh về ngôi giáo đường hoang lạnh cứ choáng ngợp trong lòng Thục. Thục rủ hết người này, người nọ trở lại đó lấy cớ chụp ảnh, nhưng thực chất là để ngắm đi ngắm lại, sờ sẫm từng mái vòm, bờ tường, những bậc thềm đá phủ rêu. Khi đứng lặng trong góc giáo đường âm u, khi áp má vào bờ đá sần sùi rêu lạnh, hay lang thang quanh khuôn viên nhuốm vẻ hoang tàn, Thục luôn có cảm giác thật lạ. Không chỉ là ám ảnh về một thuở huy hoàng của “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” để ngậm ngùi trong nỗi “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, mà còn nghe như vẳng tiếng thở dài khe khẽ, tiếng thở nhẹ nhàng mà sao ai oán, não nùng… Thục nói với Duệ cảm giác kỳ lạ ấy, chờ đợi sự chia sẻ cảm thông như đã từng, nhưng Duệ chỉ bảo: Bà bị “ma đá” ám rồi! Khi bộ sưu tập nhà thờ đá của Thục đã lên đến vài trăm tấm ảnh chụp đủ mọi ngõ ngách không sót từ những bậc thềm đá, khuôn viên trước sau, khu hành lễ bên trong, đến cây thánh giá chót vót trên đỉnh nóc, toàn bộ khu giáo sứ bên ngoài, về đêm Thục hay mơ những giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, Thục thấy mình lang thang mãi trong khu thánh đường không tìm được lối ra. Những bức tường được gắn kết từ những thỏi đá quyến rũ mê hoặc đã trở thành hàng trăm, vạn con mắt nhìn, lệ ứa. Một đêm, Thục mơ thấy từ trong kẽ đá những đầu người thò ra van vỉ, kêu gào. Hình như không chỉ gọi Thục ơi, mà còn gọi cả Duệ ơi! Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại hàng đêm làm Thục thường tỉnh giấc giữa khuya. Vật vã, toát mồ hôi vì sợ, nhưng cùng lúc lại thấy tràn ngập trong lòng niềm hứng khởi kỳ lạ. Thục lay Duệ nằm cạnh giường kể lại giấc mơ của mình. Duệ ngó Thục chằm chằm rồi bảo đừng có lôi mình vào những cơn mơ quái dị của Thục, và trùm kín mặt. Thục ngạc nhiên và hụt hẫng, hồi nào tới giờ những gì Thục thích đều được Duệ quan tâm kia mà. Dẫu vậy, Thục vẫn không từ bỏ niềm say mê huyễn hoặc của mình. Từ khu nhà thờ, Thục bắt đầu lần ra dấu tích của những tòa nhà Tây chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát. Những tòa nhà huy hoàng thuở nào giờ trơ ra những móng, tường lở lói, những công trình ngầm nằm lẫn dưới những giàn su su, dưới cỏ cây, rêu phong, mưa nắng tàn phai, như có một sức hút kỳ lạ đối với Thục... Ngoài lúc vùi đầu vào mạng tìm mọi tài liệu về hòn ngọc Đông Dương, nơi hàng trăm ngôi biệt thự kiến trúc châu Âu đã được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, Thục còn lân la dò hỏi những người dân bản địa để lần ra những dấu tích còn sót lại. Thục nói với Duệ ý định tìm hiểu về thị trấn huy hoàng, tráng lệ mà người Pháp đã xây dựng cách đây hàng trăm năm. Để làm gì? Duệ có vẻ không đồng tình. Thích thì tìm thôi. Thục hạ quyết tâm đến lúc ra về phải tìm ra đâu là nơi tọa lạc của khách sạn Metropole, một công trình tráng lệ bậc nhất được xây dựng cách đây bảy thập kỷ, Hôtel - Restaurant de la Cascade d’Argent, khách sạn đầu tiên và lớn nhất tại đây, cùng những cái tên lãng mạn như L’Horizon (đường chân trời), Belle Vue (ngoạn mục)... Và Thục đã lần tìm đến những lối cầu thang, bờ tường đá được xây dựng công phu, tinh vi còn sót lại của dinh Toàn quyền nằm riêng trên một mỏm núi, hầm thực phẩm của khách sạn Metropolle, biệt thự Belle Vue đã bị vùi lấp giữa hoang tàn vẫn không mất đi vẻ kiêu hãnh, hào hoa. Trong các chuyến thăm thú đó Thục đi cùng người này người nọ nhưng không có Duệ. Duệ bảo không thích, không muốn đến những nơi ấy. Và họ tách nhau lúc nào không hay. Thục cũng thôi kể với Duệ nỗi ám ảnh và những giấc mơ về đá. Giờ chỉ gặp nhau vào giờ cơm, giờ ngủ. Thục thường về muộn, mệt nhọc rời rã nằm vật ra giường trong khi Duệ dán mắt trên màn hình với trò chơi Line, hay mải mê đánh tiến lên ở phòng bên cạnh. Những đêm bất chợt tỉnh giấc, Thục chỉ muốn lăn qua giường Duệ để được rúc rích chuyện trò, rúc rích cười đùa chờ trời sáng, mở cửa hứng mây lùa. Nhưng nhìn dáng Duệ nằm thẳng đơ, chăn trùm kín mặt, Thục đành thôi. 

Vậy mà khi Duệ bảo: Mai mình về, Thục đã bất ngờ như hóa đá. Thục cố gắng bình tĩnh giúp Duệ thu xếp đồ đạc, moi ra những thứ lỉnh kỉnh Duệ để cùng túi xách. Duệ bảo để lại hộp kem chống nắng cho Thục vì Duệ về nhà đâu cần xài nữa. Chu đáo ngay cả trong rạn vỡ là Duệ thân yêu. 

Duệ đi rồi, Thục mới nhận ra sự chống chếnh không sao bù đắp được. Nhìn đâu cũng thấy sự hiện diện của Duệ. Cái bàn Duệ ngồi gõ máy tính lóc cóc, ly nước Duệ uống, cái gương mỗi sáng thức dậy Duệ đứng soi và nói: Ôi, hôm nay sao mình xinh đẹp quá. Những chi tiết nhỏ nhặt vu vơ nhưng vô cùng gợi nhớ, làm nhói lòng Thục. Thục phải cố mà bình tâm để hoàn tất công việc, cố nói nói cười cười để không ai nhận ra là Thục đang buồn. Mà dường như không ai nhận ra điều ấy duy có một người. Cái người tếu táo cười nói nhất đoàn, cái người dường như chẳng quan tâm nhiều đến ai vậy mà lại hiểu. Hiểu và sớt chia chính bằng sự tếu táo tưởng chừng không ăn nhập vào đâu. Duệ đi rồi, những ngày nắng đẹp như cũng về theo. Trời cứ bất chợt âm u, bất chợt mưa luồn qua núi. Khi buồn, Thục hay trốn ra lan can đứng một mình, đứng thật lâu, ngắm một cách vô thức những dãy mưa mù qua núi. Một lần, nước mắt sắp trào mi, Thục bỗng nghe tiếng gọi: “Ê!”. Ngó dáo dác chẳng một ai thì vang lên chuỗi cười hì hì cùng giọng nói quen thuộc: “Thấy hết rồi nhé. Đàn bà con gái mặc váy đứng hớ hênh trên lầu”. Ngó xuống con đường dốc thấy Lãng Tử tay ôm giá vẽ lỉnh kỉnh từ buổi ký họa ngoài trời trở về, giũ giũ mái tóc sũng ướt cười… ranh mãnh. Đang buồn, Thục cũng phải bật cười. 

Duệ đi rồi, những bình yên, ấm áp như cũng rời xa. Trời yên ắng bỗng chốc ù ù gió nổi. Cửa sổ cửa chóp mở toang, gió thốc từ bốn phương tám hướng lùa vào. Đồ đạc rơi loảng xoảng. Chiếc áo khoác của Thục bị cuốn qua cửa sổ bay vèo xuống sân. Thục đang dở khóc dở cười, trong vô thức gọi Duệ ơi, thì nghe một tiếng kêu: “Này! Chụp lấy”. Lại là Lãng Tử với giá vẽ lỉnh kỉnh trên vai đang cúi nhặt chiếc áo của Thục, cuộn tròn nó lại bằng động tác mạnh mẽ thuần thục quăng lên. Cẩn thận đấy. May là cái áo chứ cái gì khác tôi không nhặt hộ đâu nhé! Thục hỏi để khỏa lấp… cảm động. Sao tự nhiên trời nổi gió ào ào vậy? Là ma đấy! Lãng Tử thè lưỡi, dọa. 

Duệ đi rồi, những ám ảnh về đá, cả nỗi háo hức kiếm tìm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang phế những ngôi nhà cổ trong Thục cũng không còn. Thục nhận ra không phải bất cứ điều gì của mình cũng buộc bạn bè phải sẻ chia. Thục thôi tới khu nhà thờ, thôi tới bất kỳ những nơi đã cùng Duệ đặt dấu chân qua. Thi thoảng, trong giấc ngủ chập chờn, những giấc mơ đá lại hiện về. Có điều, khuôn mặt đá, những con mắt đá là khuôn mặt của Duệ, mang cái nhìn của Duệ, khắc khoải, triền miên. 

Rồi Thục cũng kết thúc thời gian, kết thúc công việc ở nơi chốn ló mặt ra là thấy đá, để quay về. Hôm trước ngày về, Lãng Tử rủ: Lên nhà thờ đá đi! Thục dần dừ. Sao vậy, em thích tới đó mà, thích thì cứ việc đi. Mặc áo dài lên đó tôi ký họa cho vài bức chân dung. Em có khuôn mặt cô hồn, à không, mang hồn của đá. Lãng Tử là vậy, đàng sau vẻ ngang tàng, luôn phân phát cho người khác niềm vui, sự chia sẻ. Vì vậy, Thục đã kể với Lãng Tử nỗi ám ánh và những giấc mơ về đá. Những giấc mơ buồn, đầy bất trắc luôn đeo bám Thục, kể từ khi trót… chạm tay vào những bờ tường đá rêu phong. Chứ sao vì đá cũng có linh hồn mà! Lia những nét cọ mềm mại trên nền vải, Lãng Tử cao giọng: Đầu cúi thấp xuống, nữa, nữa. Rồi giữ nguyên tư thế đó nghe. Bộ bà tưởng mọi vật chung quanh đều vô tri vô giác à. Không đâu, ngay đến cành cây ngọn cỏ cũng có linh hồn em ạ. Tôi đã từng chứng kiến… Khi Lãng Tử bắt đầu chuyển cách xưng hô từ em qua bà một cách lộn xộn, khi cái điệp từ: tôi đã từng chứng kiến, được cất lên là một câu chuyện hấp dẫn sắp được kể, có thể là tếu táo phịa, nhưng cũng có thể là rất thực. Em nghĩ đi, nói người Pháp đã xây dựng nên khu giáo đường này cũng như những tòa biệt thự quanh đây, nhưng thực chất họ chỉ góp cái đầu, khối óc, còn lại là bàn tay, công sức của phu phen người Việt mình. Những người phu đục, đẻo đá, đã làm việc triền miên trong điều kiện khắc nghiệt. Ăn uống thiếu thốn lại lao lực quá sức, phải thồ, cõng vật liệu lên độ cao hơn một ngàn mét. Hồi đó, đâu có đường sá như bây giờ, họ phải gồng mình dưới nắng táp da và cái lạnh thấu xương tủy. Biết bao người đã bỏ mạng trong chuỗi ngày lao lực dài đăng đẳng. Trong từng thớ đá phủ rêu kia là mồ hôi, nước mắt và cả máu của vạn phu phen. Âm khí bao đời vẫn còn quẩn quanh vương vít trên cành cây ngọn cỏ…, đã quyện vào trong những giấc mơ của em. Tại sao không, vì trong em có sự mẫn cảm, như người ta nói là: đồng thanh tương ứng… Ông nói thiệt hay bịa. Làm sao ông biết? Trời, tôi phải tìm hiểu chứ. Tới một nơi nào cũng phải hiểu qua nguồn gốc lịch sử nơi đó. Bộ bà tưởng dân cầm cọ tụi tôi chỉ biết nhìn ngắm thôi sao. 

Buổi chiều cuối cùng trên nhà thờ đá, và câu chuyện của Lãng Tử đã mang lại cho Thục sự yên bình. Mai Thục về Nam, về với miệt vườn hiền hòa hoa trái quanh năm, sẽ khép lại chuyến đi nhiều vui buồn được mất… Chuyến đi đã giúp Thục nhận ra rằng còn có những nỗi buồn, sự mất mát lớn hơn nhiều và sau những mất mát, tang thương, những gì còn lại là vĩnh cửu. Như những bức tường đá rêu phong dầu dãi vẫn sừng sững trăm năm nghìn năm nữa, dẫu là trong mưa nắng, tàn phai... 

----------------------
(*) Thơ Chí Mỹ

Tác giả: Thu Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây