Hiếm có người trẻ nào biết viết nhạc, viết dồi dào, viết đều đặn mà lại sợ "bị” người khác phát hiện như Toàn Thắng. Cứ đơn giản chỉ với một cây ghita, một chiếc microphone cũ, những bản demo mộc mạc đã ra đời, đánh dấu sự trưởng thành và vươn lên từng ngày của một người trẻ trót đam mê nghệ thuật.
Lần đầu tiên nghe Uống trà trong live show tháng 6 của Bài hát Việt, nhiều người ngỡ ngàng nhận ra: âm nhạc sao lại có thể dung dị đến thế? Những ca từ như "Sáng sớm... tôi tỉnh dậy rất sớm... đôi mắt cứ lim dim... bố kéo mày vào uống với bố một ly trà... mẹ kêu mẹ hỏi chuyện học hành... mẹ làm cho một bữa sáng... cả nhà quây quần bên ấm trà... bố cười, mẹ cười, chị cười... và tôi cười" cứ tự nhiên để lại trong lòng người nghe thứ cảm xúc trong veo, nhẹ nhàng...
Đó là phong cách sáng tác rất riêng của Toàn Thắng: trong sáng, giản dị nhưng cũng đầy cá tính. Nhìn vẻ bề ngoài trẻ con của Thắng, khó lòng tưởng tượng nổi anh chàng chính là chủ nhân của hàng loạt ca khúc như Ngôi nhà lạc lõng, Uống trà, Bữa cơm (đã trình diễn trong live show Siu và các chàng trai vừa qua)...
Trong thời buổi "loạn lạc" ca khúc trẻ với nội dung và ngôn từ nhạt nhẽo, chính cảm xúc trong trẻo, bình dị và "thật như đếm" trong mỗi sáng tác đã làm cho Thắng có chút gì đó khác biệt và dễ nhớ đến.
Toàn Thắng thể hiện chính sáng tác của mình trong live show Siu và các chàng trai |
Không dám nhận mình là một nhạc sĩ bởi lẽ anh là dân ngoại đạo, chưa một ngày học về sáng tác, anh chỉ khiêm tốn gọi mình là kẻ thích viết nhạc, viết theo cảm hứng bộc phát bản thân chứ không theo đơn đặt hàng của ca sĩ, và càng không phải để kiếm tiền. Âm nhạc của Thắng khá nhất quán khi anh thường chọn cho mình các concept (chủ đề) trước khi bắt tay vào viết.
Ví dụ với chủ đề Tôi, xoay xung quanh Tôi là cái nôi gia đình, là bạn bè, công việc, đặc biệt giá trị của gia đình luôn đóng vai trò chủ đạo, là nguồn cảm hứng lớn của anh. Từ đó hơn chục ca khúc như Chim cúc cu rời tổ, Ngày của tôi, Uống trà, Bữa cơm, Điều tiếng... đã ra đời. Mỗi bài hát là sự trải nghiệm bản thân của một người trẻ đang bước những bước chập chững vào đời.
Thắng là người ưa biến hóa, nhất là trong sáng tác, nhạc của anh vừa có chút rock mạnh mẽ, lại vừa có chút dỗi hờn của dòng dân gian đương đại, vì vậy không phải ai nghe cũng thích và muốn thể hiện. Nhiều ca sĩ trẻ đã tìm đến Thắng nhưng rồi lại ra đi vì họ cho rằng nhạc của anh "không ăn thị trường". Chấp nhận sự thật ấy, thậm chí anh còn quyết định nghỉ làm một năm để tập trung sáng tác với suy nghĩ thật đơn giản là muốn ghi chép lại cuộc sống trên nền của những giai điệu.
Xuất hiện gần đây nhất trong live show Siu và các chàng trai, Toàn Thắng đã cho thấy khả năng sáng tác khá tốt với bốn ca khúc Đôi cánh, Buồn trong veo nhớ óng ánh, Là con trai cũng tuyệt và Bữa cơm mà nhóm Unlock đã trình bày.
Ngồi ngân nga vài đoạn của một ca khúc mang âm hưởng dân ca đương đại, Thắng thích thú chia sẻ: "Mình không nổi tiếng nhưng mình vui vì được hát và sáng tác theo đúng sở thích của mình". Hi vọng với suy nghĩ đầy chất nghệ sĩ như thế, Toàn Thắng sẽ còn có những bước tiến dài trên con đường âm nhạc.
Sau hai năm ca khúc Cô bé mùa đông bị "rò rỉ” trên các trang online, năm 2007 ca sĩ Thủy Tiên đã mua lại sáng tác đầu tay này của Toàn Thắng để song ca cùng Đăng Khôi. Ngay lập tức Cô bé mùa đông trở thành "hiện tượng" thời điểm đó. Một ca khúc trong trẻo với ca từ nhẹ nhàng, ngọt ngào, mà theo Thắng là "đúng chất của một thằng bé học lớp 12". Không dừng lại ở đó, cũng trong năm này Thắng đã gây bất ngờ khi lần đầu tiên tham gia Bài hát Việt với ca khúc Ngôi nhà lạc lõng, tạo được nhiều phản ứng tích cực. Tháng 6 vừa qua, tiếp tục tái ngộ trong sân chơi vẫn được đánh giá là "hàn lâm", ca khúc Uống trà của Thắng đã lọt vào chung kết sau ba tháng tuyển chọn. Và trong đêm chung kết trao giải Bài hát Việt của quý 3 vào cuối tháng 9 vừa qua, Uống trà của Toàn Thắng đã nhận giải "Bài hát của quý” với bình chọn từ hội đồng nghệ thuật. |
Tác giả: Minh Trang
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc