Nghệ sĩ đó là Vương Quốc Kim (sinh năm 1941, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắc Lắc, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, hội viên danh dự của 5 tổ chức nhiếp ảnh nước ngoài), hiện sống tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc).
Vương Quốc Kim đến với nhiếp ảnh khoảng năm 1965. Nhưng vì những khốn khó của đời thường, những thăng trầm của số phận và cả những éo le của đất nước, ông chỉ “dám yêu” mà không “dám chơi”, buộc phải vùi đầu vào làm ảnh dịch vụ để kiếm sống, khiến ông chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng bù lại, sau này ông trở thành một trong những bậc thầy buồng tối nổi tiếng ở các tỉnh nam miền Trung một thời. Tôi còn nhớ cách đây khoảng 15 năm, khi việc áp dụng phần mềm photoshop trong xử lý ảnh ở VN chưa phổ biến, ông đã dùng kỹ thuật ghép phim, che chắn bằng tay rất tài hoa để cho ra đời những tác phẩm vừa hợp lý về ánh sáng, bố cục, vừa có tính nghệ thuật cao. Điển hình là tác phẩm “Không gian và thời gian”, “Chồi”. Sau này gửi dự thi quốc tế đã đoạt huy chương Asahi Shimbun (Nhật Bản), huy chương vàng FIAP...
Năm 1995, ông chợt thăng hoa rực rỡ, liên tục những năm sau đó cho ra đời hàng loạt tác phẩm như “Vũ điệu mặt trời”, “Cùng thưởng thức”, “Thương tâm”, “Nhớ mẹ”, “Vượt sóng dữ”, “Giọt nước mắt hạnh phúc”, “Đêm trở về”, “Im lặng”, “Dáng xuân”, “Mẹ và bé”, “Chiều về”... Đến nay ông đã có trên 50 tác phẩm mà mỗi tác phẩm đều giành ít nhất 3 giải thưởng quốc tế trở lên, trong đó có những tác phẩm giành tới 10 giải thưởng quốc tế. Trong số 208 giải thưởng của ông có 13 huy chương Asahi Shimbun Nhật Bản, 42 huy chương vàng và cúp vàng, 50 huy chương bạc và cúp bạc, 60 huy chương đồng và cúp đồng, 43 bằng danh dự của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) và gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Ông được nhiều hội nhiếp ảnh quốc gia đánh giá cao. Và vì vậy ông đã được mời tham gia nhiều hội ảnh và chấm ảnh ở nhiều quốc gia Châu Á.
Thế mạnh nổi bật trong tác phẩm của ông là ở thể loại chân dung, với những khoảnh khắc sống động nhất của đối tượng. Những tác phẩm phản ánh cảnh sinh hoạt đời thường của ông cũng đều là những khoảnh khắc lung linh của cuộc sống, có giá trị khái quát cao về văn hóa, tập tục hoặc là những nét sinh hoạt điển hình (thể hiện rõ nhất ở tác phẩm “Cùng thưởng thức”, “Chiều về”...). Ông quan niệm: “Đã là ảnh nghệ thuật thì phải đẹp, đẹp về màu sắc, ánh sáng, bố cục, chi tiết; cái đẹp phải được đưa lên hàng đầu. Thông tin trong bức ảnh cũng chỉ là thông tin về cái đẹp”. Và vì vậy, cách “chơi” ảnh của ông cũng kỳ công. Ông chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong bức ảnh, từ sợi tóc đến từng giọt nước mắt, động tác của ngón tay, thế đứng, thế đi, chiều ánh sáng, tông màu... Mỗi năm ông đi săn ảnh hàng chục lần, hết vào Nam lại ra Bắc, ra tận cả nước ngoài, như Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia... Nhưng bình quân mỗi năm ông cũng chỉ cho ra lò khoảng 4 – 5 ảnh. Ông xử lý ảnh rất kỹ.
Có thể nói: Hiện nay Vương Quốc Kim là một trong những người “chơi” ảnh nghệ thuật ở nước ta thành công nhất. Thành công không chỉ ở số huy chương mà còn ở sự mến mộ của bạn bè và công chúng.
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc