Tranh cãi bất tận quanh "Cánh đồng bất tận"

Thứ bảy - 30/10/2010 11:26 2.492 0

Lan Ngọc (Nương) và Dustin Nguyễn (Võ) trong Cánh đồng bất tận - Ảnh: BHD

Lan Ngọc (Nương) và Dustin Nguyễn (Võ) trong Cánh đồng bất tận - Ảnh: BHD
Hơn một tuần sau khi bộ phim "Cánh đồng bất tận" dựa trên truyện cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư ra mắt khán giả, những tranh luận, khen chê xung quanh bộ phim vẫn kéo dài... bất tận.

Cùng lúc với các tranh luận trên báo, mạng thì doanh thu của bộ phim cũng tăng lên khá cao - một điều hiếm thấy đối với một bộ phim không được xếp vào dòng giải trí đơn thuần.

Một trong những lý do khiến bộ phim gây chú ý nhiều như thế là do nó được chuyển thể từ một tác phẩm văn học đã quá nổi tiếng. Điểm chủ yếu mà các nhà phê bình và khán giả nêu ra để đánh giá bộ phim cũng xoay quanh những điểm giống và khác giữa phim và truyện.

Về vấn đề này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - tác giả truyện ngắn và Nguyễn Phan Quang Bình - đạo diễn bộ phim.

Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi đi coi phim chứ không đi xem truyện của mình”

Trên blog của mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã thẳng thắn bày tỏ thái độ không bình luận, không trả lời gì về phim Cánh đồng bất tận. Thế nhưng, chiều 29.10, có lẽ do mối “thâm tình” riêng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã đồng ý trao đổi với PV Thanh Niên, coi đó như là lần “trả lời lần cuối” về những gì muốn nói xoay quanh bộ phim này. 

* Cảm xúc của chị thế nào khi phim làm từ truyện của chị đang nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, gây sốt trên nhiều trang mạng xã hội với những bình luận trái chiều và doanh thu của phim trong những ngày đầu công chiếu gây bất ngờ với con số trên 4 tỉ đồng?

Thực tình tôi mong khán giả hãy xem phim một cách thoải mái, chứ vào rạp không thưởng thức phim mà cứ ngồi so với truyện thì thiệt cho cảm xúc của các bạn quá

Nguyễn Ngọc Tư

- (Ngập ngừng khoảng 1 phút) Tôi không... thấy như thế nào hết. Vì ngay từ đầu tôi đã từ chối không đọc kịch bản, không tới phim trường, không gặp đoàn phim, mặc nhiên coi phim đó không liên quan tới mình. Giờ phim có ra sao, hay hay dở, thành công hay thất bại, tôi vẫn giữ cảm xúc đó. 

* Chị có nghĩ sự thành công của bộ phim là vì hiệu ứng từ tác phẩm văn học từng gây tiếng vang lớn của mình và khán giả đến với bộ phim số đông là những bạn đọc yêu quý cuốn sách?

- Tôi “yêu” câu hỏi của bạn quá (cười). Tôi không thể trả lời hơn ở câu hỏi này..., chỉ có thể nói lúc đầu bên BHD mua bản quyền truyện để làm phim, tôi đã khoái rồi. 

* Tại sao chị nói không muốn đứng gần, giữ khoảng cách đủ xa bộ phim?

- Tôi nói là giữ mình đủ xa chứ tôi đâu có chối bỏ phim đó đâu. Tôi không nhập nhằng vì hiểu mỗi loại hình nghệ thuật có khán giả riêng. Phim là phim, truyện là truyện. Phim có đời sống riêng của nó còn truyện thì đã “sống” lâu rồi, tùy người ta muốn nói sao thì nói. Riêng tôi, tôi không so sánh giữa truyện và phim. Nếu tôi muốn dự phần thì đã làm ngay từ đầu rồi, chứ lúc đầu mình từ chối, giờ thấy phim thu hút, mình nhào vô nhận là không đúng tôi rồi. Tôi không muốn (được hay bị) thơm lây hay thúi lây. 

* Chị nói phim xem “cũng được” vì nghĩ có nhiều sạn, không sợ mất lòng nhà sản xuất sao? 

- Thực sự tôi thấy phim coi được, chứ không phải “hay lắm”. Khán giả nào không xem cũng tiếc lắm à, vì có cái đáng xem chứ. Anh họa sĩ bạn tôi nói anh xem phim Việt, đọc sách Việt hay nghe nhạc Việt đều với tâm thế “người nhà”, và người nhà thì sẵn sàng bỏ quá cho nhau. Phim có những điểm cộng, điểm trừ, nhưng chỉ vì điểm trừ đó mà không nhìn nhận phim hay là không đúng. 

* Khi ngồi trong rạp xem Cánh đồng bất tận, chị xem phim với tư cách chỉ đơn thuần là khán giả, hay là một nhà văn đi xem những dòng chữ của mình thể hiện trên màn ảnh?

- Tôi coi là coi thôi, không nghĩ đi xem truyện của mình. Và tôi thấy tội nghiệp thật sự với nhân vật Nương và Điền, nên tôi đã sụt sịt nước mắt. Tôi nghĩ khóc là chuyện thường, bởi ai cũng có sẵn tình người trong mình, sao mà không mủi lòng cho được.  

Nguyễn Phan Quang Bình: “Kể câu chuyện gai góc bằng khuôn hình lãng mạn”

Làm vừa lòng các nhà phê bình đâu dễ

* Một số nhà phê bình đòi hỏi bộ phim phải mô tả bi kịch của người nông dân theo hướng bi kịch của xã hội, như một trong những thông điệp của tác phẩm văn học. Còn xem phim, ta sẽ thấy đây là bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình. Liệu đây có phải là lựa chọn của anh? Có phải vì anh ngại một bộ phim phản ánh và phê phán hiện thực một cách quá gai góc có thể khiến nó khó được duyệt?

“Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua không gian và thời gian đồng bằng sông Cửu Long, vì nó nói được về tình yêu, sự mất mát, nỗi khát khao được hạnh phúc của con người mà dù ở đâu và khi nào cũng vẫn vẹn nguyên như thế. Chính vì vậy khi làm phim, tôi cũng tập trung hơn đến câu chuyện chung này. Nói vậy, không phải tôi xem nhẹ yếu tố văn hóa Nam Bộ, vốn dĩ sẽ làm bộ phim độc đáo, và hấp dẫn hơn; nhưng tôi nghĩ cũng cần phải biết tiết chế những yếu tố văn hóa địa phương đến đâu, để người xem dù ở vùng miền nào cũng dễ đồng cảm với bộ phim” - Nguyễn Phan Quang Bình
- Tôi thích làm những bộ phim giản dị về thân phận của con người. Có lẽ đó là điểm mạnh của tôi. Và khán giả có thể tự tìm thấy những thông điệp, những bài học cho bản thân mình thông qua những câu chuyện của những con người nhỏ bé đó.

* Có người phản đối việc anh quay cảnh nông thôn Nam Bộ quá đẹp, trong khi thân phận con người quá u ám. Một số người lại thích sự tương phản đó, họ cho rằng nó khiến ta cảm thấy đau đớn hơn cho nhân vật. Anh nghĩ thế nào? Anh có cố ý tạo ra sự tương phản đó?

- Khi bắt tay thực hiện bộ phim này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách thể hiện bộ phim. Tôi đã tự đưa ra nhiều phương án, nhưng cuối cùng tôi chọn cách cố ý kể một câu chuyện gai góc, khốc liệt bằng những khuôn hình lãng mạn, bằng ánh mắt nhìn thế giới của Nương. Tôi thực sự rất vui và cảm động khi đọc được một bài bình luận phim trên báo Hollywood Reporter (một tờ báo chuyên ngành về điện ảnh của Mỹ) vì tác giả Maggie Lee, là một người tôi chưa bao giờ gặp mặt, đã xem phim 1 lần ở LHP Pusan và đã kể lại câu chuyện giống như cách tôi muốn nói: “Dù bộ phim có nhiều bối cảnh lãng mạn và đầy chất thơ, thì nó vẫn lột tả sự độc ác và sự đồi bại của con người đã hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ.

Những trải nghiệm đau buồn của các nhân vật và những tình huống nặng nề mà đôi lúc đạo diễn đưa vào câu chuyện đã được làm dịu bớt bởi những đầm sen và cánh đồng đẹp như mơ. Những khung cảnh đó tồn tại không chỉ như một sự trang hoàng đẹp đẽ cho bộ phim mà nó còn nhắc cho người ta nhớ rằng cái đẹp vẫn mãi tồn tại, và hạnh phúc vẫn là điều có thể, như cách đạo diễn thể hiện ở đoạn kết đầy cảm động của bộ phim”.

* Anh lý giải thế nào về cảnh quay anh đã rất chăm chút - cảnh Sương tắm ở đìa sen, và bản thân cảnh này cũng mang ý nghĩa ẩn dụ, trong khi một nhà phê bình bảo để có cảnh quay đẹp ấy anh đã đi ngược với hiện thực vì đìa sen là nơi gai góc, bùn lầy và bẩn nhất, không ai có thể tắm?

- Khi đi chọn cảnh, trên mỗi cánh đồng tôi đi, mỗi nơi tôi đến, tôi thường gặp những đìa sen: những đìa sen đang được người dân khai thác và những đìa sen bỏ hoang. Lúc đó tôi nghĩ đến hình ảnh của nhân vật Sương, một cô gái điếm nhưng ẩn bên trong là tâm hồn của một người phụ nữ bình thường muốn thay đổi, gột bỏ quá khứ của mình để hy vọng tìm đến một bến đỗ bình yên hơn cho cuộc đời mình. Cuối cùng tôi chọn một đìa sen bỏ hoang với những đài sen tự nhiên, hoang dại và nhiều chỗ dập nát trong một cánh đồng nước mênh mông để thực hiện cảnh quay này. 

Ngôn ngữ điện ảnh khác với văn học

* Một trong những điều khiến người đọc xót xa nhất khi đọc tác phẩm văn học là tác phẩm miêu tả sự biến dạng về mặt tinh thần (và cả thể xác) của Nương và Điền trong cuộc sống trôi dạt. Đặc biệt, những trang viết về việc hai chị em có thể đối thoại trong câm lặng, việc chúng “nghe” được tiếng nói bầy vịt khiến người xem xót xa tận cùng. Thể hiện điều đó trên màn ảnh quá khó, hay vì một lý do nào đó mà anh vẫn chưa thể hiện điều này?

- Không hẳn. Ngôn ngữ điện ảnh khác với văn học. Điện ảnh cần hành động và hành vi để diễn viên diễn xuất. Ngoài ra, với độ dài hơn 100 phút của phim tôi đã phải rất đau lòng cắt rất nhiều đoạn cảm động trong phim, kể cả trường đoạn quay rất hay về con vịt mù và hai chị em Nương, Điền... vì tôi biết không thể ôm đồm hết mọi chi tiết vào một bộ phim. Nếu nhắc đến con vịt không thể nhắc đến một lần mà phải một số lần đáng kể, nếu thế phim sẽ dài ra rất nhiều. Có thể bản phát hành DVD không bị giới hạn về thời lượng phim, tôi sẽ dựng thêm một phiên bản nữa của phim có câu chuyện này.

Phạm Thu Nga - Phan Cao Tùng (thực hiện)
Nguồn: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây