"Cánh đồng bất tận": Đừng đòi hỏi cái gì bất tận

Chủ nhật - 31/10/2010 08:03 2.737 0

"Cánh đồng bất tận": Đừng đòi hỏi cái gì bất tận

Khi vé bán tại các rạp chưa… bất tận, những cuộc tranh cãi của khán giả, kể cả các nhà phê bình… chưa bất tận thì vé trong tuần đầu công chiếu đã bán được ngót nghét sáu tỷ cho Cánh đồng bất tận.

Doanh số, lãi sau thuế, sau chi phí chưa hẳn đã hiển thị chất lượng một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng một tác phẩm hay ắt phải có khán giả. Đó là mối quan hệ trớ trêu giữa kinh tế, thị trường và nghệ thuật.

Thật đau cho những phim làm hàng triệu đô mà chỉ có vài người xem. Chúng ta không thể tuyên truyền chỉ cho vài ba người mà lãng phí đến từng ấy. Đó là mối quan hệ trớ trêu giữa nghệ thuật và đầu tư kinh tế.

Xem phim Cánh đồng bất tận, nói khiêm tốn như tác giả tiểu thuyết cùng tên Nguyễn Thị Ngọc Tư trên báo Tuổi trẻ: “đó là một bộ phim xem được...” làm tôi thấy đắc ý. Trong chất lượng chung của nền điện ảnh nước nhà, Cánh đồng bất tận đã gây ra một cơn sốt vé bất ngờ, những tò mò bất ngờ, sự cảm động bất ngờ, những xung động nước mắt tự nhiên. Điện ảnh hơn một tác phẩm văn học bằng chữ là có hình, tiếng, nhạc... tức là làm sống động, dựng đứng những con chữ thành đời sống chúng ta nhìn thấy hàng ngày và sống được như Cánh đồng bất tận đã là mừng.

Số phận những người đàn bà trong Cánh đồng bất tận để lại cho ta những nỗi đau bất tận. Cảnh dùng keo dán sắt hành hạ Sương (do diễn viên Đỗ Hải Yến đóng) và cảnh hãm hiếp của một đám côn đồ lưu manh ở cuối bộ phim với Nương (do Lan Ngọc đóng) phản ánh phần nào góc tối xã hội. Tôi thích câu của ông Nguyễn Đăng Trừng ở diễn đàn Quốc hội: “tham nhũng (sự xấu xa, đồi bại -lời của người viết) ở xã hội ta giống như dòng văn học hiện thực phê phán cuối Thế kỷ 19: thấy hiện trạng mà không thấy giải pháp”.

Bộ phim là một sự tố cáo đối với những tội ác mới, rất thời sự nhưng lại mang diện mạo hoàn toàn cũ của thời thực dân phong kiến. Nó tàn bạo và mọi rợ, rẻ tiền và tiểu mưu, đê tiện và không che đậy… Cánh đồng bất tận cảnh giác sự trở lại của một thói áp bức cũ giống như hàng loạt nước châu Âu cảnh giác về sự trở lại của loại phát xít mới.

Mơ tưởng về một xã hội đang phát triển hoàn hảo là một mơ tưởng hão huyền. Không cảnh giác với mặt trái của nó là sự đồng loã. Nghệ thuật đồng loã với cái xấu là nghệ thuật phi nghệ thuật. Cánh đồng bất tận là một tác phẩm nghệ thuật, trong chừng mực nào đó đánh động đến nỗi đau của lương tâm và cảnh giác thòng lọng của cái ác.

Phải dành những mỹ từ không quá tiết kiệm cho diễn viên Lan Ngọc. Một diễn viên triển vọng và đáng được khen ngợi trong lối diễn. Thật như đã trải nghiệm, sống với phim như cay đắng thế ngoài đời. Diễn như đời sống là không diễn. Không lên gân, không nói quá mà vẫn cho người xem những co giật cảm xúc là hoàn thành một vai diễn ưu tú.

Phim cho ta một thi ảnh đẹp, diễn viên và nhan sắc đẹp. Nó đúng với chữ minh tinh màn bạc nhưng đôi lúc chưa chắc đã đúng với một miền quê lam lũ của Đồng Tháp Mười với sông nước, ghe thuyền, thói quen sống. Đôi lúc lại thấy thèm một nếp nhăn khốn khó và gầy guộc của gương mặt nhân vật, tai ương của thiên tai, cái nhớp nhúa của đời sống thường nhật. Theo hướng này có lẽ Cánh đồng bất tận sẽ còn bất tận hơn.

Tôi thích bài thơ của Thanh Hải do cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc: “Mùa xuân - một mùa xuân nho nhỏ”. Cánh đồng bất tận cũng có thể là một mùa xuân nho nhỏ. Thà thế còn hơn. Nó có thể góp phần cho mùa xuân lớn của điện ảnh Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Thị Vừng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây