Đứng ngoài bộ phim
Trang hầu như chỉ cập nhật thông tin về bộ phim qua báo chí, tức cũng như những người bình thường khác. Nguyên nhân của việc "đứng ngoài" này, theo Trang, vì cô tôn trọng công việc chuyên môn của những người khác và muốn dành thời gian cho công việc chuyên môn của mình - viết truyện.
Ðạo diễn Thanh Vân là người chủ động đề nghị biến một tác phẩm của Trang thành phim truyền hình, và thay vì cuốn Phải lấy người như anh vốn đã rơi vào tầm ngắm của ông từ lâu, Trang lại gợi ý cuốnCocktail cho tình yêu được lên phim trước. Vì theo cô cuốn này có nội dung phù hợp số đông khán giả hơn. Phân vân duy nhất của Trang là thấy đạo diễn hút thuốc nhiều thế, không biết nhân vật nam chính trong phim có hút thuốc không. Trang nghĩ vui nếu có thì sẽ xung đột với tinh thần "no smoking" mà Trang luôn quán triệt trong tác phẩm.
Thật ra ngay từ khi viết truyện, Trang đã hình dung về nó như một bộ phim mà cô đóng vai trò nhà sản xuất. Trang hình dung rất rõ về các nhân vật, bối cảnh, thậm chí cả diễn viên. Nhưng đó chỉ là những hình dung của riêng Trang, hầu như không được chia sẻ với ai.
Cuối năm 2007, Trang thỏa thuận với một nhà sản xuất việc chuyển thể Cocktail cho tình yêu thành phim truyền hình 24 tập. Họ đồng ý để Trang tự viết kịch bản. Khi viết xong 50%, nhà sản xuất đặt Trang trước hai lựa chọn, hoặc nâng số tập lên 40 và hoàn thành toàn bộ kịch bản trong thời gian ngắn kỷ lục, hoặc ký biên bản thanh lý hợp đồng. Trang thấy sức mình không theo được cách đầu nên chọn cách sau.
Trang đang chờ đợi phản ứng của những độc giả lâu năm của cô với phim Cocktail cho tình yêu để sau đó quyết định số phận các tác phẩm khác của mình.
Chấp nhận sách sống một đời sống khác
Khác với sự chủ động của Trần Thu Trang, nhà văn Phan Hồn Nhiên lại hoàn toàn bị động với việc Công ty của cô sẽ thành một phim truyền hình. Khi một nhóm biên kịch trẻ ngoài Hà Nội triển khai kịch bản dựa trên truyện dài Công ty và sau đó gọi điện thoại liên lạc với Nhiên, cô cũng đồng ý dù thật sự trước đấy không có ý định và cũng không nghĩ truyện của mình thích hợp để làm phim.
Công ty là câu chuyện kể của từng nhân vật, với cái nhìn từ bên trong. Vì thế Phan Hồn Nhiên chú trọng vào diễn biến tâm lý hơn là diễn tiến hành động (vốn là tiêu chí đầu tiên cần thiết cho một chuyển thể kịch bản). Tuy nhiên, Phan Hồn Nhiên cũng hiểu và xác định phần việc của mình với tác phẩm đã xong, độc giả cũng đã đón nhận sách một cách ưu ái. Vậy nên, để tác phẩm có thể sống một đời sống khác cũng không phải là điều gì quá khó chịu.
Và Nhiên để biên kịch làm việc độc lập, không xen vào, không đòi hỏi phải xem qua đề cương hay tham gia ý kiến. Cô quan niệm kịch bản là của biên kịch, phim làm xong thuộc về nhà sản xuất và đạo diễn, không phải của người viết tác phẩm gốc. Phan Hồn Nhiên cho rằng tôn trọng và không gây cản trở người khác là thái độ cần thiết trong quy trình này.
Ðang phụ trách nội dung báo Sinh Viên VN, công việc của Nhiên quá bận. Cô chia sẻ mình chỉ có thể nghĩ về những việc đang và sắp làm, không còn thời gian suy tính bày biện thêm việc cho những tác phẩm đã hoàn tất, ngay cả với một lĩnh vực rất hấp dẫn và lý thú như phim ảnh. Nhiên nghĩ có lẽ viết kịch bản là một công việc khó, đòi hỏi phải được học hành bài bản và có kỹ năng mà Nhiên thì tự thấy không giỏi và không tìm được hứng thú, tốt nhất là không nên cố gắng.
Phan Hồn Nhiên: Đòi hỏi đạo diễn có cách nhìn nhân vật giống hệt mình là điều kỳ quặc, thậm chí không tưởng trong điều kiện làm phim truyền hình ở VN. Tất nhiên khi viết là đã sống tận cùng với nhân vật, thì tôi vẫn xác định chân dung nhân vật dù lên phim vẫn như khi mình viết. Phía cuối cầu vồngchuyển thể từ truyện Công ty của tôi lên sóng, thú thật tôi cũng sờ sợ một chút khi nhìn diện mạo các nhân vật, chẳng hạn như Lim hay Peter Yeo, theo kiểu bỗng dưng giáp mặt những “người quen xa lạ”. Dù sao đó cũng chỉ là vấn đề của riêng tôi. Thêm nữa, do đặc thù công việc, tôi không có điều kiện theo dõi phim, trừ một đoạn ngắn của tập đầu tiên. Nhưng tôi hi vọng khán giả ít nhiều thiện cảm với các nhân vật mà đạo diễn đã bồi đắp nên. Trần Thu Trang: Tôi là fan của Kim Dung, từng xem hàng chục bộ phim dựng từ tiểu thuyết kiếm hiệp của ông, mỗi lần xem là một lần thất vọng: nếu không vì Tiểu Long Nữ mặc áo đen thì cũng vì mặt Trương Vô Kỵ quá nhàu, hoặc Hắc Mộc Nhai dựng bằng bìa quá dỏm... Tôi nghĩ: mới đóng vai người đọc-truyện-xem-phim mà mình đã phản ứng quá khích như thế, đến lúc đóng vai người viết-truyện-xem-phim mình sẽ còn bạo động đến đâu? Vậy là tôi quyết định không xem phim Cocktail cho tình yêu để tránh những “hậu quả” đáng tiếc (cười). |
Tác giả: Cát Khuê
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc