Kênh truyền hình nở rộ: Thừa lượng, thiếu chất

Thứ tư - 10/11/2010 04:53 3.018 0

VTV6 - Kênh truyền hình dành cho giới trẻ.

VTV6 - Kênh truyền hình dành cho giới trẻ.
Chưa bao giờ khán giả xem truyền hình có nhiều lựa chọn như bây giờ. Thay vì phải dò "đỏ con mắt" mới tìm được khoảng 8 - 10 kênh như trước đây, nay khán giả lại bị lạc vào "mê hồn trận" với khoảng 100 kênh truyền hình phát liên tục 24/24 giờ trên hệ thống cáp, kỹ thuật số, vệ tinh. Các nhà đài đang chạy đua hết tốc lực để có thể "mang cả thế giới đến gia đình bạn". Thế nhưng, đằng sau sự nở rộ về số lượng thì chất lượng nội dung vẫn có nhiều điều phải bàn.

Đua nhau tăng kênh, tăng chuyên mục

Theo thống kê sơ bộ, tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 100 kênh truyền hình phục vụ khán giả. Ngoài các kênh truyền hình truyền thống và miễn phí như: HTV7, HTV9, VTV1, VTV3, VTV9, các mạng truyền hình lớn cũng đã tăng thêm hơn 70 kênh truyền hình phải trả tiền được mua bản quyền của nước ngoài, trong đó có 23 kênh tổng hợp, 7 kênh tin tức, 9 kênh phim truyện, 17 kênh thể thao, 5 kênh khoa học, 6 kênh thiếu nhi, 6 kênh ca nhạc - giải trí tổng hợp. Các kênh truyền hình mới ra đời gần đây có xu hướng chuyên biệt từng chủ đề: HTVC có HTV1 (thông tin cộng đồng), HTV2 (thể thao), HTV3 (thiếu nhi), HTV4 (khoa học giáo dục), HTVC có kênh thuần Việt, kênh phim truyện, kênh mua sắm... Mạng cáp SCTV có SCTV tổng hợp, kênh hài (SCTV1), hát trên truyền hình (SCTV11), kênh dành cho giới trẻ JanTV, Yeah1TV...

Số lượng kênh tăng, các nhà đài còn liên tục đưa ra các hình thức khuyến mại hấp dẫn để tăng số lượng thuê bao... Song song với việc mở thêm nhiều kênh mới, các đài truyền hình cũng đua nhau tăng chuyên mục với nội dung đa dạng nhằm phục vụ nhiều lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả.

Để giữ chân khán giả, mỗi kênh đều cố gắng sáng tạo những nét riêng biệt. Kênh VTV1, VTV3 và HTV9, HTV7 (dù miễn phí) vẫn tăng cường phim Việt giờ vàng với những bộ phim mới chiếu lần đầu; kênh Bibi chuyên giới thiệu các phim hoạt hình của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ được thuyết minh tiếng Việt; kênh Astro Cảm xúc chủ yếu chiếu phim điện ảnh và truyền hình của các nước châu Á; kênh VBC chiếu phim truyền hình dài tập của các nước Nam Mỹ; Let's Việt là kênh thuần Việt đầu tiên với nhiều chương trình giải trí ấn tượng như: Chuyện phái đẹp, Bệ phóng tài năng, Nhịp điệu trẻ, CLB Diễn viên thử nghiệm... Hầu hết các kênh này đều duy trì những nét đặc trưng, đồng thời liên tục đổi mới theo hướng cập nhật - thực tế - tương tác cao để cạnh tranh khán giả.

Nhưng khán giả vẫn chưa là thượng đế

Với cả trăm kênh truyền hình như hiện nay, có thể nói các đài truyền hình đã phần nào thực hiện được slogan "mang cả thế giới đến ngôi nhà của bạn". Tuy nhiên, cuộc chạy đua giữa các đài truyền hình cũng bộc lộ nhiều điểm yếu khi tồn tại cùng lúc nhiều kênh có cùng phân khúc khán giả dẫn đến tình trạng nội dung na ná nhau, bắt chước nhau khiến khán giả có cảm giác nhàm chán và nhạt nhẽo.

Một chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này cho biết: tình trạng phổ biến hiện nay đối với hầu hết các kênh truyền hình là đuối sóng. Theo dõi kỹ sẽ thấy nhiều phim truyền hình dài tập (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc), video clip ca nhạc (trong nước và quốc tế), gameshow hay talkshow... được phát sóng quay vòng trên nhiều kênh, từ VTV đến HTV, HTVC, VCTV, rồi đến đài tỉnh. Do phụ thuộc quá nhiều vào các chương trình mua bản quyền nước ngoài nên sau một thời gian, nhiều kênh rơi vào tình trạng này. Một số kênh thì gây cảm giác cố nhét chương trình vào cho đủ giờ phát sóng, mà không có sự đầu tư xây dựng mang nét  riêng.

Trên nhiều kênh, các trò chơi trực tuyến thông qua nhắn tin phát triển ồ ạt, lấn lướt nội dung. Ngay cả kênh thiếu nhi cũng nhan nhản, nào là Đấu trường IQ, Limo, Đấu giá ngược, Chị Thỏ Ngọc, Alibaba. Để thu hút tài trợ, quảng cáo nên một số kênh dành cho tuổi teen rất ít tính giáo dục hay định hướng nhân cách, chủ yếu khai thác tin gây sốc trong giới giải trí hay địa chỉ mua sắm. Có kênh với tham vọng sản xuất chương trình thuần Việt nhưng nội dung còn quá mỏng, phần nhiều cóp nhặt thông tin từ các báo, kết cấu chương trình nhàm chán, đơn điệu, rất khó để tìm được một chương trình có chiều sâu văn hoá, có tầm ảnh hưởng xã hội lớn và trở thành thương hiệu được người xem chờ đợi.

Số lượng kênh truyền hình tăng cũng kéo theo sự gia tăng những lời ca thán từ phía khán giả, nhất là những người thuê bao truyền hình trả tiền hàng tháng. Ngoài ca thán về chuyện chương trình lặp lại, nội dung nhạt nhẽo, quảng cáo lấn lướt và bấm remote... mỏi tay mà khó chọn được kênh hay chương trình yêu thích, khán giả cũng kêu trời vì trót tham khuyến mại của các nhà cung cấp dịch vụ mà phải dùng đường truyền kém chất lượng: liên tục mất sóng, ngưng sóng, hình ảnh xấu và mờ nhòe. Đã thế, phí thuê kênh hàng tháng cũng liên tục được điều chỉnh theo chiều hướng ngày một tăng!

Hậu trường ngành truyền hình cho thấy: Đội ngũ sản xuất chương trình hiện nay vừa thiếu, vừa ít kinh nghiệm. Đào tạo nhân lực không được chuẩn bị kỹ trước khi "nở rộ" kênh nên đã diễn ra tình trạng giành giật nhân sự giữa các nhà đài, các kênh với nhau. Dù các đài đẩy mạnh xã hội hóa liên kết sản xuất với tư nhân, song phần đông là công ty quảng cáo và truyền thông, nên chỉ mạnh về tài trợ, chi phí sản xuất hay mua bản quyền, format chương trình, còn nguồn nhân lực theo kiểu vừa làm vừa đào tạo. Bởi vậy, chất lượng của nhiều chương trình chưa đáng "đồng tiền bát gạo" của khán giả bỏ ra.  

 Dù sao, việc nở rộ các kênh truyền hình với cuộc đua của nhiều đối thủ trong cạnh tranh khán giả cũng được hy vọng rằng sẽ đem đến sự đổi thay về chất trong tương lai. Bởi trong cuộc đua này, những kênh không thu hút được khán giả bằng chất lượng và nội dung chương trình sẽ sớm bị đào thải. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, sự phát triển của thị trường truyền hình sẽ còn biến chuyển phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý thông tin sớm đưa ra những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa. Nhà nước cần phải có một chiến lược "dài hơi" để quy hoạch và phát triển mạng lưới truyền hình một cách hợp lý, hiêu quả.

Tác giả: Hoàng Nga

Nguồn tin: SK&ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây