- Anh thấy cái tên mình hiện tại trong làng showbiz thế nào?
- Tôi tự nhận thấy không được như những nghệ sỹ khác ra nghề là đã phát triển lên tới đỉnh ngay. Nhưng, theo tôi, sự lên xuống của một cái tên phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể lên nhanh và cũng xuống nhanh. Còn như tôi, không lên được nhanh và tôi biết cũng không xuống nhanh. Tôi lên sân khấu, biết là không phải ai cũng thích mình. Nhưng với tôi, có 70 % số khán giả ngồi nghe tôi hát là tôi vui rồi. Người ta còn nhớ đến tôi, còn hỏi sao tôi không xuất hiện ở show diễn này hay show diễn kia, đối với nghệ sỹ, tôi cho như thế là đủ.
Ca hát bây giờ không giống ngày xưa, cũng cần xem nhu cầu nghe của khán giả như thế nào, và luôn thay đổi, đổi mới. Có những lúc trong nghề tôi cũng vấp ngã, nhưng tôi không bi lụy. Tôi lấy sự thất bại trong đời sống để làm kinh nghiệp trên sân khấu.
- Thế, anh gặp nhiều thất bại chưa?
- Tôi và Thanh Thảo thỉnh thoảng ngồi với nhau. Chị Thảo nói mong muốn “gà” của mình lên sân khấu phải như thế này như thế kia. Nhưng tôi bảo, chị đã có 10 năm để đứng trên sân khấu, người mới vào nghề không thể lại có kinh nghiệm ngay được. Tôi đã trải qua những giây phút lớ ngớ ấy nhiều lần. Cuộc sống là sự tích lũy. Thực sự đến giờ, tôi biết mình may mắn, được anh em và những nhà tổ chức show diễn thương, cho tham gia những chương trình lớn và tôi tiếp cận nhiều hơn với khán giả.
- Giờ ca sĩ trẻ hơn anh cũng khá nhiều. Có lúc nào anh cảm thấy mình chuẩn bị già nua với nghề?
- Đúng là ca sĩ trẻ bây giờ nhiều quá. Nhưng tôi nghĩ nếu có bản lĩnh vẫn có thể sống tốt trên sân khấu. Tất nhiên mình giờ qua giai đoạn bài “hot” rồi thì giữ vững tên mình trên sân khấu cũng là đáng mừng.
- Anh nói càng ngày càng trưởng thành trên sân khấu. V ậy mà nói mình qua giai đoạn hot, anh không thể tìm cách để giữ mình luôn sống động?
- Cái lầm của tôi là các album của tôi từ trước đến nay đều là theo những câu chuyện đã xảy ra với mình, nỗi buồn trải qua trong đời sống. Từ cảm xúc ấy, tôi đặt các nhạc sỹ sáng tác theo ý của mình. Nhưng khán giả đâu thể chỉ sống bằng cảm giác của riêng tôi, với những câu chuyện của riêng tôi. Chuyện này giờ tôi mới nghĩ thấu, không nên lấy chuyện của mình áp vào chuyện người khác. Mỗi người một hoàn cảnh và người ta muốn nghe câu chuyện của mình. Âm nhạc là để sẻ chia, nếu không được như vậy, tức là không thành công rồi. Nỗi buồn dễ cảm thông nhưng mỗi người có một nỗi buồn riêng và không phải lúc nào cũng hiểu được nhau, cảm được để sẻ chia.
- Thế cụ thể nỗi buồn khó chia sẻ của anh là gì?
- Là chuyện tình cảm thôi. Tôi ước ao người yêu mình chung thủy, nhưng có người thì chỉ cần gặp và yêu, vui vẻ với nhau là được rồi. Tôi khó chịu với những điều ấy.
- Anh nói anh đặt hàng sáng tác theo tâm trạng của mình nên càng ngày càng không “hot”. Nhưng nhạc sỹ sáng tác những bài hay, thường là bằng câu chuyện của họ, cảm xúc của họ. Như vậy, có sự mâu thuẫn ở đây!
- Đúng là mỗi người một cách khác nhau. Anh nói đúng, nhưng cái chính là mỗi kiểu khán giả một khác. Khán giả của đại nhạc hội không thể giống khán giả của phòng trà. Tôi lựa chọn khán giả số đông. Tôi cũng muốn tiếp cận khán giả khó tính hơn nhưng câu chuyện này vẫn là một câu chuyện dài, khó khăn lắm.
- Chạy đua thế thì mệt mỏi lắm!
- Mệt chứ. Có lúc nản lắm, chán thì không đi hát, nghỉ ngơi để giảm stress. Và chỉ đi một mình thôi.
- Sao anh thích cảm giác một mình với nỗi buồn thế?
- Tôi thích cảm giác một mình, tự mình sống trong những cảm giác dằn vặt và tìm ra lối thoát. Nói chung, tôi khá khái tính, không muốn ai phải suy nghĩ hay buồn phiền về chuyện của tôi. Càng nhiều người biết càng cảm thấy rối trí. Tôi không thích người khác nhìn ngó hay phân tích nỗi niềm của mình. Hơn nữa, tôi chưa tìm được người có thể chạm tới phần sâu thẳm trong con người mình.
- Theo anh lý do là gì?
- Tôi cũng không biết nữa. Chắc do duyên số thôi.
- Những người thân của anh, mẹ và bà ngoại đã luôn ở bên anh từ nhỏ đến giờ. Hẳn là họ rất ảnh hưởng đến anh?
- Tôi sống với mẹ và bà ngoại. Hồi nhỏ, ba đi nước ngoài rồi lâu lắm mới về Việt Nam rồi sang Đức định cư rồi mất luôn bên đó. Tôi sống cùng hai người phụ nữ và có cảm giác nhiều lúc tôi bị ảnh hưởng tính cách của phụ nữ một cách rất cảm tính. Điều này cũng chẳng ai trách tôi vì từ nhỏ tôi đã được sống cùng bố đâu. Sự lo lắng, chăm sóc của những người phụ nữ ảnh hưởng đến tôi nhiều. Giờ, tôi đã trưởng thành, tôi nhận thức rõ ràng vai trò của mình trong gia đình. Tôi làm mọi việc vì gia đình. Lo lắng mọi việc cho mẹ và bà . Tôi nghĩ, để người thân tự hào về mình cũng là một cách trả ơn.
- Anh có bao giờ trách ba mình, người đàn ông ấy đã không ở bên anh khi anh cần?
- Có. Hồi ông mới về VN, tôi trách giận ông dữ lắm. Từ nhỏ đi học, tôi đã bị ăn hiếp vì không có ba, không có anh em. Giờ thì tôi nghĩ khác, có những thứ không thể thay đổi được.
- Anh bắt đầu sự nghiệp ca hát một cách tình cờ và rồi làm cả được một liveshow riêng cho mình nữa. Anh thấy vậy đã đủ để vui chưa?
Nghĩ lại thời điểm diễn ra liveshow còn nhiều xúc động lắm. Liveshow của tôi diễn ra vào thứ bẩy mà thứ sáu mới bán được 50 vé. Ê kíp làm thì hùng hậu, Music Box của Thanh Thảo, Hiền Thục, Cẩm Ly, Tấn Beo, Vân Quang Long…bao nhiêu nghệ sỹ được mời đến hát cùng mà trong tình trạng như vậy. Lúc ấy, tôi bị hoảng, tôi vừa lo cho tôi, vừa nghĩ đến êkip, tất cả mọi người đi hát và đạo diễn Trần Vy Mỹ đều giúp tôi bằng cái lòng, cái tâm, không lấy một đồng tiền nào. Tôi lo lắm, liveshow vẫn phải tập, tưởng tượng mọi thứ thật êm xuôi. Tôi cũng nghĩ và nói với những người anh trong nghề đã giúp mình trong show diễn đó. Các anh đều nói không sao và coi show diễn như là một lần làm để ghi hình. Tôi nghe mà rớt nước mắt. Qua ngày thứ 7, cũng thật may mắn là hơn 2000 chỗ ngồi đã bán hết vé. Điều ấy khiển tôi vui.
- Nhưng như thế liveshow này cũng là một kinh nghiệm cho anh?
- Đúng thế, trước đó tôi vẫn đi hát, rong ruổi hết mảnh đất nọ đến mảnh đất kia và có lúc tự thấy chán mình.
Gia Vũ (Thực hiện)
Nguồn: VTC
Ý kiến bạn đọc