PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Điện ảnh Việt đang bị tha hóa và nghiệp dư"

Thứ tư - 22/06/2011 23:15 5.066 0

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Việc những bộ phim được đầu tư kinh phí lớn và được lên lịch phát sóng trên VTV liên tiếp bị buộc phải ngừng phát sóng do áp lực dư luận như Anh chàng vượt thời gian hay Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long..., và những bộ phim được chiếu vào giờ vàng nhưng lại yếu kém về mặt chất lượng khiến khán giả phải đặt nhiều câu hỏi tới điện ảnh Việt Nam đương đại.

Vậy nguyên nhân do đâu và lối thoát cho sự khủng hoảng ấy như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, hiện đang là cố vấn văn học kịch và mới đây nhất là tham gia trong vai trò giám khảo cuộc thi tìm kiếm “Vua hài đất Việt” để tìm nguyên nhân và lối thoát cho nền điện ảnh Việt Nam.

- Xin chào Bà, là một người từng có những bài nghiên cứu chuyên sâu và theo dõi khá sát sao nền điện ảnh nước nhà, việc những tác phẩm điện ảnh thời gian gần đây bị dư luận lên tiếng quá nhiều về chất lượng có cho thấy việc chọn kịch bản của các đạo diễn hiện nay có phải hơi dễ dãi? 

- Không phải dễ dãi mà không có kịch bản hay để chọn, buộc phải chọn những gì mình có trong tay. Hiện nay, chúng ta đang quá thiếu những kịch bản tốt để cho ra đời những bộ phim hay.

- Một bộ phim khi bị lên tiếng về chất  lượng, các đạo diễn thường đưa ra rất nhiều lý do, ví như việc vin vào cái cớ không có kinh phí để bao biện cho chất lượng phim. Nhưng ví như bộ phim về Lý Công Uẩn, được đầu tư tới 109 tỉ cho 19 tập phim nhưng cuối cùng thu về một bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt, lỗi là do đâu?

- Lỗi do bản thân đạo diễn, không phải do tiền, cũng chẳng phải do khán giả khắt khe hơn, mà do đạo diễn không có tài, đến nỗi phim đang chiếu phải ngừng. Ví dụ như bộ phim Xin thề anh nói thật tôi thấy nó chỉ nên phát sóng để lấp sóng chứ không phải để chiếu vào giờ vàng. Sản xuất ào ào ra như thế này thì khó có thể có chất lượng.

Xin thề anh nói thật chỉ nên để "lấp sóng" 

- Vậy mà những bộ phim như vậy lại được phát sóng vào giờ vàng?

- Việc chiếu phim Việt vào giờ vàng là để tạo mọi điều kiện cho phim Việt phát triển, để nhằm thúc đẩy xã hội hóa sản xuất. Nhưng thực sự những cái đó chưa đem lại gì về mặt chất lượng và những bộ phim mà không xứng với giờ vàng thì nó giễu cợt giờ vàng. Giờ vàng lẽ ra phải phát phim vàng, có nghĩa là chất lượng phải vàng, nhưng hiện giờ giờ vàng nhưng phim thì lại là chất lượng đồng hoặc chì. Nên nó lệch với giờ vàng, khán giả kêu là phải, kêu đến mức bộ phim đã quay, đã lên lịch chiếu mà cuối cùng phải ngừng phát sóng, vậy thì cái tiền của ấy đi đâu? Cần phải có hội đồng duyệt chất lượng xem được thì mới chiếu. Không phải cái gì sản xuất ra cũng chiếu thì nó sẽ dẫn đến việc không thể phát sóng.

Anh chàng vượt thời gian buộc phải ngừng phát sóng 

- Có thế thấy những bộ phim được chuyển thể từ kịch bản văn học thu hút công chúng hơn rất nhiều?

- Rất đơn giản vì  những tác phẩm điện ảnh có cấu trúc bắt đầu từ tác phẩm văn học, được thể hiện bắt đầu từ việc viết trên giấy, thế nên người ta gọi kịch bản phim là cái đã được viết trên giấy và tuân thủ toàn bộ quy luật của sáng tạo văn học. Chúng ta cần những kịch bản phim hay, trên thế giới cũng vậy. Nhiều bộ phim trên thế giới đã chuyển thể rất thành công từ những tác phẩm văn học kinh điển. 

Ở Việt Nam, chuyển thể thành công từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh phải kể tới Một chuyện chép ở bệnh viện, Mùa len trâu, rồi Chuyện của Pao, Đời cát... Cái căn cốt của tác phẩm văn học tạo nên một tác phẩm điện ảnh hay. Ý nghĩa của văn bản trên giấy trắng mực đen ngoài việc diễn đạt ý nghĩa để người ta xem nó còn là cơ sở để người ta chuyển thể sang những thể loại khác, ví dụ như tác phẩm văn học hay chuyển sang kịch bản sân khấu, chuyển sang kịch bản điện ảnh, thậm chí chuyển sang cả ngôn ngữ khác như múa.

- Nhiều người nói phim điện ảnh Việt đang rơi vào thời kì khủng hoảng, những đề tài cũ và rơi vào vòng luẩn quẩn, chưa có sự đột phá mới mẻ?

- Chính xác, bây giờ rất ít phim đọng lại trong lòng người xem, mặc dù bây giờ có một phương tiện rất tốt để phim đến lòng công chúng là truyền hình nhưng có những bộ phim chết từ trong trứng, có những bộ phim ra mà công chúng không thể xem nổi, phim chất lượng yếu rất nhiều. 

Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long - Phim Trung Quốc nói tiếng Việt 

- Khán giả vẫn còn ấn tượng với những bộ phim đậm chất Việt Nam và rất đi vào lòng công chúng của đạo diễn Trần Anh Hùng, mặc dù đạo diễn không hề sống ở Việt Nam, còn đạo diễn Việt lại không thể tìm nổi một đề tài hay?

- Không cứ phải ở Việt Nam hay nước ngoài mới làm được phim hay, quan trọng là họ có tâm huyết. Những đạo diễn sống ở nước ngoài như Trần Anh Hùng làm được phim hay vì họ vẫn suy tư về Việt Nam, vì đó là niềm đam mê của họ. Không chỉ Trần Anh Hùng, mà Nguyễn Võ Nguyên Minh là một ví dụ, ông am hiểu văn hóa Việt Nam mặc dù xa nước tới 40 năm. Bộ phim Mùa len trâu ông dựng về đề tài đồng bằng sông Cửu Long hết sức thuyết phục và đạt nhiều giải quốc tế đến nỗi người ta nói rằng đạt đến độ “sém Oscar”. Cái thành công trong việc dựng được rất chân thực đời sống từ ngàn đời nay của người dân đồng bằng sông Cửu Long rất ấn tượng. Phải có sự suy tư sâu sắc mới làm được như thế. 

- Dường như hiện nay các đạo diễn rất dễ dãi khi chọn những diễn viên không chuyên như người mẫu hay ca sĩ để thu hút khán giả vào bộ phim của mình mà hoàn toàn không chú ý vào mặt diễn xuất, đó là một phần không nhỏ ảnh hưởng tới chất lượng phim?

- Thì người ta có thể thích chân dài, thích hoa hậu. Ví dụ như Jennifer Phạm, rồi Dương Trương Thiên Lý... Thế mạnh của họ là người đẹp, và có thể có sự thông minh nhất định, nhưng tuyệt nhiên đôi khi chỗ mạnh ở lĩnh vực khác lại trở thành chỗ yếu trong diễn xuất, giống như người ta nói họ là những bình hoa di động trên màn ảnh là vì thế, nói về khả năng diễn xuất, về phương diện nghệ thuật và kĩ năng thì hầu như không có. Muốn trở thành một diễn viên điện ảnh ở Liên Xô người ta phải học từ 5- 8 năm, ở Việt Nam cũng vậy, họ phải học 4 năm rồi học thêm và rèn luyện thêm ngoài thực tế. Không được đào tạo một chút nào thì làm sao có khả năng diễn xuất bài bản.

- Như vậy có thể  gọi là cách làm việc rất thiếu chuyên nghiệp?

- Tôi đã gọi đó là sự tha hóa và nghiệp dư. 

- Khán giả đang không được tôn trọng?

- Tất cả đạo diễn, diễn viên...đều thiếu tôn trọng khán giả. Không phải lỗi của một mình đạo diễn, diễn viên. Lỗi cũng tại người xem, một số đông chỉ cần những bộ phim như thế là được rồi. 

- Theo Bà thì liệu có lối đi nào cho nền điện ảnh Việt thoát khỏi khủng hoảng như hiện nay?

- Không có gì là không có lối thoát. Mình cần gọi tên đúng bệnh mà nó gặp phải, ví như tôi gọi là nền điện ảnh Việt đang bị tha hóa và nghiệp dư.

Việc đầu tiên chúng ta phải làm là từ nguồn nhân lực, đào tạo bài bản, nhất định phải đặt lại vấn đề đào tạo. Hai là phải bắt đầu từ từng khâu của nó. Phải có chiến lược để phát triển và chiến lược ấy phải thực sự dựa trên quy luật sáng tạo. Phải huy động tính tự ái nghề nghiệp của các nhà văn, chúng ta không thể để tình trạng phát triển nghiệp dư, tùy tiện và thiếu tài năng như thế. Phải đòi hỏi sự tận lực tận tâm với nghề. Người cầm bút hiện nay số đông không có sự chuẩn bị kĩ cho việc lao động nghệ thuật dài hơi. Các quan niệm cũng có phần nhẹ nhõm khi chỉ coi đây là cuộc chơi. Hiếm lắm mới có người chịu ném cả cuộc đời mình vào nghệ thuật, mà rõ ràng, muốn làm được phim hay thì cần tất cả những yếu tố trên.

Xin cảm Bà rất nhiều về cuộc trò chuyện!

Thùy Linh (thực hiện)
Nguồn: VTC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây