Chuyện của Trung ở trời Tây

Thứ tư - 03/08/2011 07:05 3.457 0

Phạm Bảo Trung trong một buổi tập múa hiện đại của Sân khấu mở tại TP.HCM tháng 7-2011, nhân chuyến về nước lần này

Phạm Bảo Trung trong một buổi tập múa hiện đại của Sân khấu mở tại TP.HCM tháng 7-2011, nhân chuyến về nước lần này
Trong lần tái diễn mới của vở múa "Chuyện kể những chiếc giày" (20g ngày 2 và 3-8 tại Nhà hát TP.HCM), giữa những câu chuyện đã từng nghe về nghề múa đầy đam mê nhưng vất vả, sẽ có câu chuyện mới của Phạm Bảo Trung.

Là chàng diễn viên trẻ từng nhận học bổng của nhà hát Cinevox Junior (Thụy Sĩ), Phạm Bảo Trung hiện đang là solist (người diễn đơn) người VN duy nhất trong lịch sử 300 năm của nhà hát ballet Staadtheater Darmstadt (Đức). Trở về VN trong chuyến nghỉ hè ngắn ngày để tham gia “kể chuyện” cùng “những chiếc giày” và hướng dẫn múa đương đại trong chương trình Sân khấu mở, Bảo Trung mang theo nhiều nhiệt huyết của một chàng trai trẻ sống bằng múa ở trời Tây.

Là người Việt nên thích nghi nhanh

Phạm Bảo Trung có vóc người cao gầy, nước da ngăm và đôi mắt một mí không thể lẫn của người châu Á. Nhìn Trung có cảm giác nếu bứt anh ra khỏi cộng đồng của mình và đặt sang một môi trường khác, anh sẽ khó mà hòa lẫn được. Nhưng Trung đã tự làm điều này với chính mình vào năm 2009, khi đang là diễn viên của Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP.HCM, anh đã gửi băng đĩa quay cảnh mình múa sang nhà hát Cinevox Junior ở Thụy Sĩ để tự ứng cử một vị trí solist nam.

Đó là một quyết định nhiều cảm xúc của Trung, bởi dù từng đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới nhưng chuyến đi sang Thụy Sĩ khi đó vẫn là lần đầu tiên anh múa ở nước ngoài trong một thời gian dài. Và gần như là xoay xở một mình. Nhà hát tài trợ cho Trung học phí để học nâng cao về múa, tiền nhà trọ và một phần tiền bảo hiểm, vấn đề còn lại của anh chỉ là... môi trường sống khác, ngôn ngữ khác, cách làm việc khác.

Ở châu Âu mọi thứ đều phải rõ ràng, lúc nào dựng, lúc nào tập, lúc nào diễn, lúc nào nghỉ đều được phân bổ và sắp xếp vô cùng chặt chẽ và khoa học. Một vở múa có thời lượng một giờ rưỡi thì trước đó họ phải bỏ ra ít nhất hai tháng để tập luyện, ít nhất một tuần liên tục chạy thử sân khấu y như thật để đảm bảo khi công diễn tất cả phải hoàn hảo. Những chấn thương về cơ bắp, dây chằng, xương gần như là điều không thể tránh khỏi.

Chuyện kể những chiếc giày là vở múa tôn vinh những diễn viên trên sàn diễn, trong luyện tập vất vả và trong cả những lo toan đời thường. Vở do đạo diễn Nguyễn Tấn Lộc dàn dựng với các tiết mục: Chuyện sàn tập, Chuyện đời thường, Chuyện các chàng trai, Xa nhà, Kỷ niệm, Ngã rẽ, Ước... Vở có sự tham gia của các diễn viên: Tố Như, Thùy Chi, Bảo Trung, Thanh Phong, Khánh Chinh...

Mọi thứ ở đó đều không hề dễ dàng nhưng lại rất công bằng, theo như cách nhìn của Trung. Bởi những người lãnh đạo nhà hát dường như không quan tâm đến bằng cấp mà chỉ quan trọng tài năng thật sự của diễn viên.

Cứ sau một thời gian, Trung lại “khăn gói quả mướp” đi thi tay nghề để tìm cơ hội thử sức ở những nhà hát khác nhau trong hệ thống các công ty ballet ở châu Âu. Hiện nay anh đang ký hợp đồng solist với nhà hát Staadtheater Darmstadt ở Đức, trở thành một trong ba diễn viên châu Á của nhà hát này cùng một người từ Philippines và một người từ Nhật.

Quyết định tuyển Trung, một vị trong ban giám đốc của nhà hát thắc mắc tại sao một người hoàn toàn châu Á như anh lại có cách chuyển động của châu Âu nhiều như vậy. Trung trả lời: “Có lẽ tôi là người Việt nên thích nghi nhanh với môi trường mới”. Và ông ấy bảo: “Vậy thì anh là người VN đầu tiên trong lịch sử 300 năm của nhà hát chúng tôi”.

Múa để khám phá chính mình

Có một điều lạ là Phạm Bảo Trung không hề thích múa và không hề chọn múa là con đường tương lai của mình. Múa đến với anh qua ý muốn của mẹ, khi bà mong anh thi vào trường múa để... đỡ lông bông. Những năm đầu học múa thật sự là khoảng thời gian vô vị của Trung khi anh phải học những kỹ thuật ép dẻo, ballet đầy “nữ tính” và “ẻo lả” (cách nói của Trung). Bạn bè cùng lứa trêu “ôi con trai mà đi học múa” làm Trung “ngượng hết cả mặt” mỗi khi gặp.

Nhiều lúc Trung cũng nghĩ lẽ ra mình nên học một môn thể thao nào đó sẽ “oai” hơn nhiều. Những suy nghĩ đó theo Trung đến khoảng năm 4 của chương trình học, khi anh bắt đầu tiếp xúc với... những kỹ thuật múa có vẻ nam tính hơn. Khi đó Trung bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về múa, nghiêm túc hơn với múa và dần dần bắt đầu yêu múa. Thế giới múa của Trung từ đó cũng bắt đầu rõ ràng hơn với những giờ tập luyện vất vả nhưng đầy đam mê.

Đến nay, khi múa đã gần như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đã ngấm sâu vào cơ thể và tâm hồn thì mong muốn của Trung là: trở thành một diễn viên múa yêu nghề và sống được bằng nghề. Sống được, tạm thời có thể là ở châu Âu, nhưng vài năm nữa có thể là ở VN, khi múa đã được mọi người quan tâm hơn.

Đó là câu chuyện về những chiếc giày ở trời Tây mà Trung cùng những người bạn của mình sẽ kể với khán giả. Những chiếc giày mang hơi thở, niềm tin, ước mơ và những khát khao cháy bỏng. Thỉnh thoảng giữa mùa đông châu Âu, Trung đi bộ về nhà sau đêm diễn và vắt óc nghĩ xem mình có thể chế biến được món ăn Hà Nội nào với những thứ còn lại trong tủ lạnh không. Đó cũng là một niềm vui nho nhỏ mà Trung gom nhặt mỗi ngày để tiếp tục múa, một mình, ở xa nhà.

Tác giả: Hoàng Oanh

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây