Chỉ có ba nhân vật trong vở và đều không có tên. Anh bảo vệ cho ca sĩ mang mã số 21 (NSƯT Thành Lộc), ca sĩ ngôi sao (Lương Thế Thành), cô khán giả ái mộ (Lê Khánh). Ca sĩ được khắc họa rất... tệ. Mặc áo ren rua tùm lum. Đánh bóng tên tuổi bằng những xì-căng-đan giả tạo. Vay mượn giọng hát của người khác, mình chỉ hát nhép theo. Rồi khi sự việc bại lộ, ca sĩ ngôi sao im lặng mặc cho cô người yêu phải hiến mình cho kẻ khác để cứu hào quang của anh ta. Cuối cùng, anh ta cũng chà đạp nốt tình yêu của cô. Ngôi sao là như thế, sáng bằng ánh sáng của người khác, thiêu cháy đời mình và thiêu cháy cả trái tim của khán giả. Một đống tro tàn phơi bày khi cánh màn nhung hạ xuống.
Nhưng khán giả cũng có lỗi. Lê Hoàng khắc họa một lớp khán giả nhí nhố thích đi “xem” hơn là “nghe”. Cho nên mới đòi hỏi ca sĩ phải đẹp, phải biết nhảy nhót, biết xã giao trên sân khấu. Một thị trường âm nhạc mà giọng hát bị lấn lướt bởi những yếu tố phụ, thì làm sao lành mạnh được. Khán giả đã “lậm” những món đó rồi, đến khi nghe được giọng hát thật tuyệt vời của anh bảo vệ xấu xí, họ vẫn không tin. Họ vẫn tẩy chay anh và trở lại với những thói quen cũ, ủng hộ các ca sĩ ngôi sao bằng những con gấu bông, bằng những trò trẻ con... Chính họ góp phần cho ra đời những ca sĩ như thế. Đến lượt họ, phải hy sinh vô nghĩa cho những “sản phẩm - ca sĩ” đó.
Nhân vật của Thành Lộc cay đắng nhất trong ảo tưởng của mình. Anh ta có giọng hát hay, nhưng vì ngoại hình xấu nên phải cho ca sĩ vay mượn giọng hát. Cái tôi một ngày nọ trỗi dậy, bởi lời mắng nhiếc của cô gái rằng anh ta chỉ là một kẻ vô danh. Thế là anh ta tống tình, rồi tự xuất hiện trên sân khấu. Rõ ràng anh ta phả vào đó những làn gió rất đẹp, khuấy động trái tim người nghe. Nhưng một mình anh ta không cứu nổi nền âm nhạc đã xuống dốc này. Chưa kể, có giọng hát thôi chưa đủ, còn cần đến những điều kiện khác. Ca sĩ ngôi sao kia là một cực đoan, còn anh ta lại là một cực đoan ngược lại. Vì vậy, cả hai người đều phải rời sân khấu ra đi. Dẫu sao, giọng hát ấy cũng day dứt trong tim người nghe, thương cảm hơn, luyến tiếc hơn.
Kịch của Lê Hoàng không dễ diễn. Vậy mà các nghệ sĩ đã cuốn hút khán giả suốt hơn 2 giờ đồng hồ. Nụ cười chua chát chưa kịp tắt thì lòng thương cảm nghẹn ngào đã dâng lên bởi một giọng hát đẹp bị chôn vùi, tuyệt vọng. Dường như người có tâm chỉ đủ làm một hòn sỏi ném xuống mặt ao, tạo nên vài vòng xoáy, rồi chìm mất tăm trong quên lãng. Bi kịch của thị trường âm nhạc là vậy.
Tác giả: Hoàng Kim
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc