Nhạc sĩ Từ Huy: Phải đâu mong đợi ngậm ngùi

Thứ sáu - 25/02/2011 10:21 2.412 0

Nhạc sĩ Từ Huy.

Nhạc sĩ Từ Huy.
Nói tới Từ Huy - nhạc sĩ, hẳn nhiều thính giả đã biết, song với đông đảo độc giả, nhất là độc giả phía Bắc, không mấy người biết Từ Huy còn là một nhà thơ. Từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thơ ông đã xuất hiện trên tạp chí "Đối diện" ở Sài Gòn. Đây là thời kỳ ông tham gia phong trào xuống đường tranh đấu của học sinh sinh viên miền Nam. Sau này, NXB Trẻ đã cho in một tập thơ có cái tên rất... lạ là "Hình như là hình như" của Từ Huy.

Trước đây, trong một bài trả lời phỏng vấn, cố nhạc sĩ Từ Huy, tác giả của những tuyệt phẩm như "Mong đợi ngậm ngùi", "Ngày tết quê em","Một thoáng quê hương", "Ngày em đến"... đã tâm sự cởi mở rằng: "Cuộc đời sáng tác của tôi còn dài. Tôi cảm thấy vui khi có nhiều bài hát của mình đã phục vụ cho công chúng. Bây giờ tôi vẫn vui khi tết đến thì nghe người ta hát "Tết tết tết tết đến rồi...", đến thi hoa hậu thì lại nghe: "Tà áo em, bay bay, bay bay trong gió nhẹ nhàng"... Bây giờ vẫn còn sáng tác, có ít tiền vui chơi, nhậu nhẹt với anh em".  Mới đó mà đã hơn 4 năm trôi qua, kể từ ngày người nhạc sĩ có gương mặt hồn hậu và rất đỗi trẻ thơ ấy đã ra đi sau một ca xuất huyết não...

Trước nhạc là... thơ

Nói tới Từ Huy - nhạc sĩ, hẳn nhiều thính giả đã biết, song với đông đảo độc giả, nhất là độc giả phía Bắc, không mấy người biết Từ Huy còn là một nhà thơ. Từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thơ ông đã xuất hiện trên tạp chí "Đối diện" ở Sài Gòn. Đây là thời kỳ ông tham gia phong trào xuống đường tranh đấu của học sinh sinh viên miền Nam. Sau này, NXB Trẻ đã cho in một tập thơ có cái tên rất... lạ là "Hình như là hình như" của Từ Huy.

Không chỉ có thơ, tài năng của Từ Huy còn thể hiện cả ở lĩnh vực hội họa. Từng có thời gian ông làm họa sĩ trình bày cho báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh.

Với Từ Huy, thơ, nhạc hay họa đều là sự bổ sung cho nhau, làm phong phú thêm cho cuộc sống của ông.

Nhạc sĩ Từ Huy tên thật là Tạ Từ Huy. Ông sinh ngày 15/10/1944 tại Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Trước giải phóng, ông từng học Cao đẳng Mỹ thuật Huế, rồi Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông đến với nghệ thuật từ rất sớm, và luôn thể hiện là một nghệ sĩ đa tài. Vậy nhưng, trong tập thơ "Hình như là hình như", ông lại viết: "Đôi khi nghĩ lại đời mình/ Thấy hình như chỉ là hình như thôi..." và "Hình như những đĩa dầu hao/ Nên không còn sáng những thao thức dài"... Với Từ Huy, âm nhạc là sự chắp cánh cho thơ bay bổng hơn. 

Ông từng kể: "Lúc còn trẻ tôi làm thơ là chính, sáng tác nhạc rất amateur, khúc thức chưa ổn định. Đến sau giải phóng thì tôi mới viết nhiều hơn. Thơ và nhạc hay hòa quyện trong những tác phẩm của tôi như một lẽ tự nhiên".

Chính vì quan niệm vậy nên một lần, nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đùa vui: "Nếu đọc thơ Từ Huy thì hãy quên đi Từ Huy nhạc sĩ và đừng hối hận về điều này", Từ Huy đã đáp ngay tắp lự: "Thơ là nơi để sống riêng mình, thật với mình hơn cả, nhưng nhạc là cái mà… mình có duyên và có những cơ hội để vận vào mình".

Đêm nhạc "Ngày tháng phiêu bồng" tưởng nhớ nhạc sĩ Từ Huy.

Làm theo đơn đặt hàng - vẫn hay

Sinh thời, nhạc sĩ Từ Huy là người từng lên tiếng phản đối việc sáng tác chạy theo thị trường. Ông bức xúc: "Nhiều anh nhạc sĩ bẻ ngòi bút thế này thế kia, anh cầm tiền nhưng không bản lĩnh, viết cái gì cũng được, đạo đức của người làm nghệ thuật thế nào thì âm nhạc sẽ thế ấy".

Tuy nhiên, bản thân ông cũng không hiếm khi nhận lời về tỉnh này tỉnh kia, cơ sở này cơ sở khác để sáng tác theo đơn đặt hàng của họ. Thậm chí có khi là sáng tác theo "lời mời" của một nhà máy... bia.  Ông xác định rõ ràng: "Viết theo đơn đặt hàng để sống và sống để tiếp tục sáng tác những gì là của mình, riêng mình". Nói vậy song ở khía cạnh này, ông cũng đặt ra cho mình những yêu cầu nghiêm ngặt. Trả lời câu hỏi của một phóng viên: "Anh từng khẳng định mình có viết theo đơn đặt hàng. Theo anh, khi viết những ca khúc như vậy cần phải nghĩ đến điều gì?", Từ Huy trả lời: "Tôi viết rất nhiều dạng ca khúc này. "Một thoáng quê hương" (sáng tác chung với Thanh Tùng), "Đà Lạt mộng mơ" đều là theo đơn đặt hàng. Điều quan trọng chúng là âm nhạc và mang ngôn ngữ nghệ thuật. Điều này chỉ có khi người viết có trái tim. Khi xác định được mình sẽ viết cái gì, viết cho ai, để phục vụ cái gì, viết trung thực với bản thân mình chưa, thì anh có viết cho riêng người yêu anh cũng chẳng sao". Và ông nói vui: "Viết nhạc theo kiểu "bạn anh, em cũng không chừa" thì có mà chết".  

Theo nhạc sĩ Từ Huy, ông có duyên ngay từ ca khúc đầu tiên viết theo đơn đặt hàng. Đó là ca khúc "Một thoáng quê hương" ông viết cho cuộc thi hoa hậu Báo Phụ nữ. Hiện ca khúc này vẫn vang lên rộn rã trong các chương trình biểu diễn thời trang áo dài với những ca từ thực đẹp: "Bay bay tà áo tung bay/ Xôn xao một trời nắng đỏ/ Tung bay tà áo tung bay/ Áng mây trắng đầu ngọn gió" và "Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu Pari, Luân Đôn hay ở những miền xa..."

Một sự "tiên báo"?

Như nhiều người đã biết, trong chuyến đi Đà Lạt để lấy cảm hứng sáng tác, vào  sáng ngày 6/9/2006, nhạc sĩ Từ Huy đã bị đột qụy. Ông được đưa đến Bệnh viện Lâm Đồng trong tình trạng xuất huyết não do huyết áp tăng cao ở mức 220/120. Sau hơn 24 giờ phải tiếp oxy tại đây, nhạc sĩ được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Sau 4 ngày chống chọi với bệnh tật, mặc dù được các bác sĩ tận tình cữu chữa, song nhạc sĩ Từ Huy vẫn không vượt qua được. Ông ra đi lúc 9h40' ngày 10/9/2006.

Theo bạn bè thân cận với nhạc sĩ Từ Huy kể lại thì trước khi mất ít ngày, ông có những phát ngôn hơi... lạ. Nhạc sĩ Bảo Phúc từng kể, sáng 5/9, khi mọi người đi thăm khu đất mà một số anh em mới mua ở Bảo Lộc, khi có người lên tiếng hỏi Từ Huy: "Anh em ở đây ai cũng có vài mẫu đất, còn Từ Huy có được bao nhiêu rồi?", Từ Huy đáp ngay: "Em chỉ cần một mét mấy là đủ". Nhận thấy câu nói của mình hơi... sái, Từ Huy vội chữa lại: "Nhưng phải 50 năm nữa em mới cần".

Còn đây là một tình tiết mà tác giả Lê Phùng đã kể lại trong bài viết của mình: "Khi chuyển viện từ Đà Lạt về Bệnh viện Chợ Rẫy, cả nhà Từ Huy đều choáng váng khi cầm chiếc điện thoại di động Nokia của anh do Võ Quang Dũng trao lại - trên màn hình của chiếc điện thoại ấy, anh đã tự mình cài đặt một vòng hoa tang với những cánh hoa ly ly màu tím. Tại nhà tang lễ 25 Lê Quý Đôn, tối 11/9 bạn bè, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà báo... cùng quây quần uống rượu bên anh lần cuối đã chuyền tay nhau để xem vòng hoa tang ấy, ai cũng nước mắt lưng tròng".

Hồn nhiên như trẻ thơ

Nhạc sĩ Thanh Tùng nhận xét: "Từ Huy là nhạc sĩ trẻ thơ. Với anh, dù 6 tuổi hay 60 tuổi cũng thế, rất trẻ thơ, hồn nhiên với cuộc sống và có tấm lòng yêu âm nhạc hết mình".

Nhớ về Từ Huy, bạn bè thường nhớ về một người nhạc sĩ với mái tóc bồng bềnh lãng du, nhớ tới khuôn mặt hồn hậu với nụ cười thường trực trên môi. Với Từ Huy, đam mê lớn của ông là được vui vầy cùng bè bạn, được la cà đây đó, và viết nên những ca khúc dạt dào cảm xúc, được công chúng rộng rãi đón nhận... Một người bạn, trong ngày đưa tiễn Từ Huy về cõi vĩnh hằng, đã viết trên báo một cách  rất thấm thía rằng: "Câu hát nào vẫn từng ngày, từng giờ bay nhịp nhàng theo bước chân, cánh áo học trò, thiếu nữ... "Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…". Cho chúng tôi được nhẩm hát lúc này: "Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Là thấy tâm hồn Từ Huy ở đó"… Huy ơi!...".

Với chủ đề "Ngày tháng phiêu bồng", cách đây hơn một năm, vào ngày 20/9/2009, một đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Từ Huy đã diễn ra trang trọng và cảm động tại Hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM. Theo phản ảnh của báo chí, khán giả đã đến chật kín khán phòng để thưởng thức nhạc Từ Huy. Không ít người phải lặn lội xa xôi mới đến được với đêm nhạc này.

Đã có những tiếng vỗ tay, xen tiếng nấc nghẹn ngào khi mỗi bái hát của Từ Huy được biểu diễn xong. Đó chính là tín hiệu cho thấy nhạc của Từ Huy vẫn còn tiếp tục đồng hành cùng công chúng...

Ở cõi xa xôi, nhạc sĩ Từ Huy nào đâu phải "mong đợi ngậm ngùi"?

Tác giả: Vũ Phượng

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây