Tại sao Trịnh Công Sơn lại đồng ý để một thanh niên chưa từng học điêu khắc đến làm tượng cho mình?
Do đất sét “xúi giục”
Ưu Đàm cho biết anh đến với việc làm tượng chân dung rất ngẫu nhiên, do một hôm em trai của anh là Nam Quan đem đất sét về nhà, bị nó mê hoặc. Chân dung đầu tay của anh là tượng Vincent Vangoh, dựa theo cuốn chân dung tự họa của họa sĩ này.
Cha của Ưu Đàm là họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh), sau khi xem tượng Vincent Vangoh, biết con mình có năng khiếu điêu khắc bẩm sinh, nên đã khích lệ. Sau này, khi gặp thi sĩ Trần Dần, được cha giới thiệu, anh đã làm chân dung cho ông. Trịnh Công Sơn là người thứ ba mà Ưu Đàm làm tượng, nhân ông tròn 50 tuổi, bức tượng hiện vẫn trưng bày tại gia đình của nhạc sĩ.
Sau 3 chân dung chợt đến từ cảm hứng của đất sét, khi Ưu Đàm tròn 18 tuổi, lúc đó anh mới chuẩn bị thi vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Cũng quãng thời gian này, anh đã có ý định về việc làm tượng chân dung các văn nghệ sĩ của Việt Nam.
“Hiện nay, khi đã chọn mỹ thuật là nghiệp dĩ, nhìn lại, tôi vẫn thấy quan niệm nghệ thuật chân dung cần nhất là cái thần, nếu không thì chân dung chỉ là một cục đất vô tri. Những chân dung mà tôi đã làm, ngay khi chưa biết gì về nghệ thuật điêu khắc, tôi đều xuất phát từ niềm yêu mến, nên khi gặp nhân vật, tôi đã thấy được điều mà mình phải nắm bắt”, Ưu Đàm tâm sự.
Trịnh Công Sơn hài lòng
Ưu Đàm kể, Trịnh Công Sơn sau một hồi suy nghĩ thì mới đồng ý cho anh làm tượng, dù quanh ông không thiếu các bạn bè là điêu khắc gia nổi tiếng. Ông nói đại ý rằng bản thân thích sự tươi mới, nên thấy hứng thú với công việc làm tượng của một thanh niên chưa từng học điêu khắc.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (giữa)
cùng cha con họa sĩ Rừng - Ưu Đàm năm 1989 bên bức tượng
Trịnh Công Sơn ngồi mẫu cho Ưu Đàm nhiều buổi chiều tại nhà riêng, trong góc vườn nhỏ trên tầng hai ở đường Phạm Ngọc Thạch. Ưu Đàm kể: “Hầu hết thời gian, ông im lặng theo dõi công việc, tránh phát biểu và khi tượng làm xong, ông chụp hình chung với tượng và chúng tôi, vẻ mặt lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn mà lúc đó tôi không thể hiểu được. Ông không nói gì, nhưng linh cảm cho tôi biết ông hài lòng”.
“Cho đến sau này, khi đọc nhiều bài viết về ông qua các người bạn cùng thời, tôi mới hiểu được phần nào cái tâm trạng ấy. Tôi vui vì là người làm tượng đầu tiên cho ông, một tài năng âm nhạc đặc biệt. Đó là một cái duyên may mắn trong cuộc đời sáng tác”- Ưu Đàm nói.
Trịnh Công Sơn phiên bản 2
Ưu Đàm sinh 1971. Học ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1990; thạc sĩ nghệ thuật (Master of Fine Arts) tại ĐH School of Visual Arts, New York, 2005. Đã triển lãm tại New York, Los Angeles, Milan (Italia), London (Anh quốc) và nhiều nơi khác. Tác phẩm được đề cập trên các báo như The New York Times, Time Out New York, Los Angeles Times Register... |
Ưu Đàm có ý định làm lại tượng Trịnh Công Sơn vì qua sách báo và chuyện trò với những người biết về nhạc sĩ này, anh nghĩ có thể làm chân dung theo một cách khác, tích hợp các cái nhìn mới, sau nhiều năm học ở nước ngoài. “Thấy họa sĩ Đinh Cường vẽ nhiều chân dung của Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ tại sao mình không làm thêm nhiều tượng Trịnh Công Sơn mỗi khi có cảm hứng, vì mỗi cái sẽ diễn tả một tinh thần khác nhau, do cuộc đời của nghệ sĩ tài hoa này cũng phong phú và đa dạng với nhiều cảm xúc khác nhau”.
Phiên bản thứ 2 này có kích cỡ bằng tác phẩm đầu tiên, cao 40cm, nhưng mái tóc không bồng bềnh như trước đây. Nay mái tóc được làm gọn lại, gần với đời thực hơn; nét mặt đăm chiêu nhưng trẻ trung hơn. Họa sĩ Đinh Cường, người rất hiểu Trịnh Công Sơn, cũng rất khuyến khích và góp ý trong việc làm tượng.
Theo Ưu Đàm, cuộc đời Trịnh Công Sơn đặc biệt chẳng những do tài năng âm nhạc, mà còn bởi đời riêng đầy bi kịch. “Do những hiểu lầm (tôi nghĩ như vậy), nên có sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp thính giả và người hâm mộ nhạc của ông. Hiện nay, việc làm tượng Trịnh Công Sơn tại hải ngoại cũng là vấn đề tế nhị vì vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết ông. Do đó, khó có thể trưng bày tượng một cách công khai mà không khỏi bị rắc rối. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ đúc đồng tượng của ông trong thời gian tới, và bằng cách nào đó, sẽ đưa tượng ra không gian công cộng, nơi có đông người Việt hải ngoại sinh sống, như một cách để hòa giải những hiểu lầm đây đó. Bởi tôi nghĩ âm nhạc của ông sẽ còn tồn tại lâu dài với người Việt, sẽ vượt qua được các định kiến hẹp hòi”.
Cũng cần nói thêm, sau khi định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1994, Ưu Đàm đã bỏ nhiều năm chuyên tâm vào nghiên cứu nghệ thuật đương đại của thế giới. Anh cũng đã làm tượng của thi sĩ Bùi Giáng, nhạc sĩ Lê Uyên Phương...
Tác giả: Văn Bảy
Nguồn tin: TT&VH
Ý kiến bạn đọc