Dương Bích Liên là một trong nhóm tứ kiệt của hội họa Việt
Phải để Bác tạm biệt chứ
Cuối xuân 1952, từ Thái Nguyên, Dương Bích Liên - một trong những họa sĩ đầu tiên được kết nạp Đảng đã được Hội Văn nghệ Việt Nam tin cậy cử đến an toàn khu để vẽ Bác Hồ. Ấn tượng đầu tiên của nhà họa sĩ trẻ khi gặp Bác là Bác không hề thể hiện một "uy quyền", một khoảng cách nào. Ngay sau lời hỏi han, Bác dặn: "Bác nhiều việc, không có thời gian ngồi làm mẫu. Muốn vẽ, Bác cháu ta phải tìm cách thức nào đấy để tiện lợi cho cháu cũng như cho Bác".
Gần một tháng sống và làm việc bên Bác, nhà họa sĩ trẻ đã tỉ mẩn ghi chép những cảnh huống sinh hoạt hết sức đời thường của vị lãnh tụ, như cảnh Bác rắc ngô cho gà ăn, cảnh Bác ngả lưng trên chiếc chõng tre, đặc biệt, trong cuốn sổ tay của mình, Dương Bích Liên còn ghi lại các tư thế... cầm thuốc lá của Bác.
Thời gian thấm thoắt trôi qua. Trong khi Dương Bích Liên còn muốn ghi chép nhiều hơn nữa những chi tiết đời thường gần gụi thân thương ấy của vị Cha già dân tộc để sau này có dịp chuyển tải vào tranh thì bất ngờ, ông nhận được lệnh lên gặp một đồng chí lãnh đạo văn nghệ để báo cáo kết quả. Xem xong những ký họa, trong đó có bức vẽ cảnh Bác ngồi viết, ống quần hất lên lộ cả đầu gối gầy ốm, đồng chí lãnh đạo văn nghệ tỏ ý không hài lòng.
Ngay hôm sau, Dương Bích Liên được gọi trở lại cơ quan cũ "theo yêu cầu công tác". Phục tùng lệnh trên, ông vội vã tạm biệt các đồng chí phục vụ Bác khăn gói lên đường từ sáng sớm. Trưa hôm đó, không thấy bóng người họa sĩ, Bác Hồ hỏi đồng chí phục vụ: "Thế chú họa sĩ lâu nay vẽ Bác đâu rồi, sao hôm nay không thấy?". Người phục vụ báo cáo với Bác là họa sĩ đã được điều động về đơn vị. Bác ngạc nhiên nói: "Mời họa sĩ lên vẽ Bác thì trước khi đi phải để Bác gặp cảm ơn và tạm biệt chứ". Rồi Bác bảo, nếu họa sĩ chưa đi xa thì gọi họa sĩ quay trở lại dùng cơm với Bác.
Trong bữa cơm chia tay, Bác nói chuyện với Dương Bích Liên về danh họa Picasso mà Bác từng gặp gỡ tại Paris và được ông vẽ tặng một bức chân dung. Cuối bữa ăn, Bác ân cần hỏi họa sĩ trẻ có nguyện vọng gì không. Dương Bích Liên xin Bác cho đi vẽ đồng bào dân tộc thiểu số. Bác mừng lắm. Người dặn: "Chú vẽ Bác, Bác rất cảm ơn. Nhưng nên tập trung vẽ quần chúng cách mạng. Vì Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng".
Có lẽ, vị lãnh đạo từng e ngại trước những bức ký họa quá đời thường mà Dương Bích Liên ghi lại từ Hồ Chủ tịch năm ấy đã không thể ngờ rằng, đó chính là chất liệu góp phần để nhà danh họa sau này tạo nên những bức vẽ thật ấn tượng về Bác, trong đó có bức "Hồ Chủ tịch qua suối" đoạt giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980 và hiện được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Xin thu mình nhỏ lại...
"Đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế nên tôi xin thu mình nhỏ lại" - Từng không ít lần, Dương Bích Liên thổ lộ như vậy.
Sinh thời, Dương Bích Liên rất ít bạn bè. Ông chỉ năng đến chơi với Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Bùi Xuân Phái là bạn cùng học với ông từ thời là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Họ thấu hiểu và cảm thông nhau, dù giữa hai người có những khác biệt trong quan điểm nghệ thuật.
Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái thì Dương Bích Liên là người rất "kị" người... lạ. Đang ngồi chơi với Bùi Xuân Phái, nhưng hễ thấy có bất kỳ ai đến chơi, là ông đều lặng lẽ đứng dậy ra về. Gần như đã thành thói quen, mỗi khi ông đến, ông thường rón rén tới bên cửa sổ khẽ nhòm xem trong nhà có khách không, nếu có, ông sẽ lại rón rén chuồn rất nhanh. Theo Bùi Thanh Phương, người nhiều lần chứng kiến cảnh này thì không phải Dương Bích Liên có tính kiêu ngạo mà bởi vì thời đó, ngoài những người trong giới họa, hầu như thiên hạ chẳng ai biết Dương Bích Liên là ai. Thậm chí, có người còn nhầm Dương Bích Liên với một... nữ ca sĩ. Vì tên ông trùng với tên nữ ca sĩ Bích Liên, một giọng ca rất nổi tiếng thời đó.
Sinh thời, Bùi Xuân Phái đã vẽ hai bức chân dung Dương Bích Liên, cả hai bức đều thể hiện nỗi cô quạnh, buồn đau của nhà danh họa. Dương Bích Liên cũng vẽ một bức chân dung Bùi Xuân Phái, và trong bức vẽ này, ông thể hiện một Bùi Xuân Phái với những giằng xé, thảng thốt.
Việc Bùi Xuân Phái ra đi vào tháng 6 năm 1988 không biết có ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của Dương Bích Liên? Chỉ biết là, Dương Bích Liên ra đi vào trung tuần tháng 12 năm ấy, với cách "hành xử"... chẳng giống ai.
Không sáng tác nổi khi có phụ nữ trong nhà
Dương Bích Liên sáng tác không nhiều. Có đến 2/3 tác phẩm của ông là về đề tài phụ nữ. Chân dung phụ nữ của ông rất đa dạng. Đó là những cô gái đẹp ông "phát hiện" ra trong cuộc sống đời thường, mang một vẻ đẹp dung dị, thuần khiết.
Theo tác giả Lã Xưa, sinh thời, Dương Bích Liên không vẽ nổi chân dung thiếu nữ khi biết cảnh đời của họ quá éo le. Một lần vẽ chân dung một cô gái có vẻ mặt âu sầu, nghe cô kể làm công nhân Xí nghiệp da giày Thụy Khuê, bị chồng đánh, mẹ chồng chửi bới cả ngày, Dương Bích Liên liền ngừng vẽ. Không có tiền, ông cởi ngay chiếc áo bu-dông đang mặc đưa cho cô gái, bảo cô mang ra Ngõ Gạch mà bán lấy tiền. "Rồi Dương Bích Liên bỏ dở không vẽ bức tranh ấy nữa vì buồn. Và suốt mùa đông năm đó, ông co ro chịu rét, vì chẳng còn chiếc áo ấm nào để mặc".
Là một người vẽ nhiều và vẽ đẹp về phụ nữ, vậy nhưng điều khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên là cả đời Dương Bích Liên sống cô độc, không có người phụ nữ nào ở cạnh bên để nâng khăn sửa túi? Sự thật thì không phải không có những cô gái say mê họa sĩ, muốn đến nhà chăm sóc ông, thậm chí muốn làm vợ ông, nhưng rồi cũng chỉ được vài ngày, ông lại bảo họ đi. Ông từng giải thích với một người bạn về hành động kỳ quặc của mình: "Tôi không thể sáng tác nổi khi mà có phụ nữ trong nhà".
Phụ nữ trong tranh Dương Bích Liên thường đẹp một cách dung dị, trí thức chứ không lộng lẫy, kiêu sa, đặc biệt chinh phục người xem bởi cái "duyên thầm". Đó là những bức chân dung "Sang mà không lòe loẹt. Đẹp mà không lẳng lơ", "cho ta cả cái Đẹp lẫn cái Thiện" - như nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương.
Nguyện vọng khó thực hiện
Cuộc sống của Dương Bích Liên những ngày cuối đời phải nói là khá thanh bần. Căn phòng nhỏ ở 55 Bà Triệu của ông gần như chẳng có gì ngoài một bộ bàn ghế mộc mạc và chiếc giường nhỏ phủ ga trắng muốt mà không bao giờ ông muốn ai đó ngồi lên. Mặc dù khó khăn, song ông cũng luôn nhờ bạn bè mang tem phiếu đi bán chứ không chịu xếp hàng chờ mua đồ.
Có lần, ông nhận vẽ bức tranh theo "đơn đặt hàng" của một người bạn. Khi bức tranh hoàn tất thì lại được một Việt kiều Pháp trả cao hơn. Ông nói với người bạn để ông bán cho vị khách kia. Bán được, hai người chia đôi và ông sẽ vẽ "bù" cho người bạn bức tranh khác. Người bạn không chịu, nói ông sẵn sàng trả đúng bằng giá của người Việt kiều ấy. Thế là nhà danh họa... tự ái, quyết định... đốt bức tranh. "Thôi, anh em mình không thống nhất được thì ta đốt bức tranh này đi". Vì vụ này mà cả hai sau đó đều... lăn ra ốm. Mất một thời gian hai người không đi lại với nhau.
Danh họa Dương Bích Liên ra đi vào tầm buổi sáng (không rõ giờ giấc) ngày 12 tháng 12 năm 1988. Trước đó, ông đã quyết định... tịch cốc (không ăn, chỉ uống rượu). Một người hàng xóm của họa sĩ lên gọi cửa không nghe thấy tiếng ông trả lời, đã nhòm qua khe cửa và phát hiện thấy cánh tay của họa sĩ buông thõng bên thành giường.
Dương Bích Liên từng bày tỏ nguyện vọng sau khi chết: "Sau này, trong cái ngày tôi sang bên kia thế giới, tôi muốn đến đưa tiễn tôi là hai đứa trẻ nhỏ, một trai, một gái, chúng ăn mặc thật correct. Chỉ có hai đứa trẻ ấy, đi lững thững theo chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang và đừng có người lớn nào đi theo cả". Không ai dám chiều theo ý muốn đó của ông. Chỉ sau khi ông mất vài năm, trong bộ phim có tựa đề "Sắc vàng lặng lẽ", các nhà làm phim đã dựng lại toàn bộ chi tiết theo nguyện vọng của nhà danh họa: Trong khung cảnh chiều thu, có hai đứa trẻ ăn mặc rất điệu đàng, theo kiểu châu Âu, lững thững đi theo chiếc xe ngựa chở cỗ quan tài, vừa đi chúng vừa rắc những cánh hoa xuống hai bên đường...
Năm 2000, danh họa sĩ Dương Bích Liên đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt II).
Tác giả: Trần Phi Long
Nguồn tin: VNCA
Ý kiến bạn đọc