Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: Quyết không làm nghệ thuật tài tử

Thứ sáu - 25/02/2011 09:24 4.149 0

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã lý giải sự thành công của Hoàng Kim Đáng: "Anh đi nhiều, sống nhiều, từng trải nhiều, cường độ và nhịp điệu làm việc lúc nào cũng ở tình trạng thời chiến. Và anh đã lựa chọn, đã cân nhắc rất công phu, để chỉ bấm máy khi đã phát hiện thấy thần thái. Đó là những lúc xuất thần khiến cho người nghệ sĩ với đối tượng hòa chung làm một, làm cho mọi vẻ đẹp được xuất hiện vừa khác thường và đặc trưng, vừa là nghệ thuật của khoảnh khắc, vừa là ấn tượng vượt thời gian".

Quen thân đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn thật bất ngờ trước lời tựa của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn sách vừa ảnh vừa tập hợp các bài viết, nhan đề: "Thăng Long- Hà Nội Việt Nam...ký" của Hoàng Kim Đáng, vừa ra mắt bạn đọc tháng 10/2010. Có lẽ bởi gần nhau mà cảm thấy bình thường, hay bởi thời gian cứ trôi đi vùn vụt mỗi người bị cuốn theo những đam mê trong công việc...; để rồi bỗng thấy thật khâm phục ông: Hoàng Kim Đáng, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng.

Lại nhớ, vào khoảng năm 1987- 1988, Hoàng Kim Đáng rủ tôi đến nhà họa sĩ Hoàng Đình Tài (cùng công tác với ông ở Trường Sơn năm xưa) để chụp ảnh. Lúc đó, trong căn phòng nhỏ đơn sơ của Hoàng Đình Tài đã có mặt các danh họa Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Ngiêm, Trần Lưu Hậu và họa sĩ Lê Trí Dũng. Các họa sĩ say sưa bàn luận nhiều khi to tiếng; vài họa sĩ trẻ ngồi nghe như nuốt từng lời; còn Hoàng Kim Đáng chăm chú với cái máy ảnh, thỉnh thoảng nghe xoạch...xoạch. Rồi đận năm 1989, Hoàng Kim Đáng khi ấy đang điều hành phân hội Nhiếp ảnh của Hội Văn nghệ Hà Nội đã tổ chức một số tay máy trẻ đi lang thang phố cổ để chụp. Trước khi đi, Hoàng Kim Đáng trao đổi: Cố gắng ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc của những gì còn lại của phố cổ (con người, kiến trúc, sinh hoạt...); bởi chắc rằng sau này muốn mà không còn để chụp và lưu giữ.

Cũng trong những năm đó, Hoàng Kim Đáng đã có sáng kiến tổ chức được vài cuộc phát động và triển lãm ảnh "Hà Nội đẹp và không đẹp". Những cuộc triển lãm đó có sức hút và ảnh hưởng khá rộng trong giới nhiếp ảnh cả nước; một số tỉnh, thành phố đã học tập mô hình ấy. Ở đây phải nói thêm rằng, trong tình hình xã hội lúc ấy, để có thể ra đời một triển lãm như thế và được chính quyền, xã hội chấp nhận là một nỗ lực dáng ghi nhận. Tôi nêu vài việc để minh chứng đằng sau vẻ bề ngoài như còn hơi hướng của ông giáo trường làng, dáng đậm, hơi chậm rãi của Hoàng Kim Đáng là cả một bầu nhiệt tâm với công việc, vì công việc nhiều khi đến quên bản thân. Cũng bởi xì xầm đây đó trong giới ảnh rằng tư duy của ông cũ, hay nệ đến mức sùng bái các nhân vật danh tiếng...

Hoàng Kim Đáng đâu có cũ, tư duy ông đi trước nhiều đồng nghiệp; có lẽ bởi do nhu cầu công việc ông thường hay tiếp xúc với những con người ưu tú của thời đại; và bản tính ham học hỏi đã giúp ông có một vốn kiến thức tổng hợp dày dặn mà không nhiều người có được.  Từng cùng công tác ở báo Văn Nghệ nên nhà thơ Hữu Thỉnh đã hiểu thấu tư duy, tình cảm con người Hoàng Kim Đáng: "Hóa ra, Hoàng Kim Đáng không chụp ảnh mà chụp tình, không chụp người mà chụp chính anh. Mỗi bức ảnh là bằng chứng sinh động và hùng hồn, anh đã chụp rất thành công cái tình của anh với người ấy, cảnh ấy".

Trải qua nhiều cơ quan văn hóa: Báo Văn Nghệ, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, báo Người Hà Nội, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương; với nhiều chức trách: Thư ký tòa soạn báo Người Hà Nội, Phó tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hoàng Kim Đáng có nhiều điều kiện đặt dấu chân tới mọi miền Tổ quốc. Ông trăn trở, tìm tòi, khám phá những vẻ đẹp của con người, đất nước thông qua lăng kính của một nghệ sĩ tài năng mỗi ngày mỗi chín.

Đến tập sách khá quy mô này của Hoàng Kim Đáng, mọi người mới thêm lần nữa cảm phục năng lực thẩm thấu và diễn giải văn chương của ông. Những bài viết, trang viết của ông về đất nước hay con người đều hồn hậu, trong sáng, đầy ắp lượng thông tin; đặc biệt những tư liệu về lịch sử. Cũng thật không nhiều nghệ sĩ được tiếp xúc, chụp và viết về những con người xuất sắc của đất nước như Hoàng Kim Đáng; có thể kể: "Những lần được gặp và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp", "Nhà văn Nguyễn Tuân với sông Đà", "Võ An Ninh - cây đại thụ nhiếp ảnh Việt Nam", "Xuân này cụ Hoàng Đạo Thúy - nhà văn hóa lớn gần 100 tuổi", "Trần Quốc Vượng với Hoàng thành Thăng Long", "Văn Cao trong ký ức tôi", "Gặp giáo sư Trần Văn Giàu", "Hình ảnh giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng", "Nhà viết kịch Tào Mạt - những lần gặp", "Nhà văn Tô Hoài vào tuổi 90"... và bài viết chỉ duy nhất ông có được, đó là viết về cụ Hải Âu - người chăm sóc vua Hàm Nghi suốt mấy chục năm cho đến những ngày cuối đời. Một mảng viết cũng lưu dấu ấn Hoàng Kim Đáng sắp được ông xuất bản, đó là tập sách lý luận - phê bình và tiểu luận về nhiếp ảnh: "Nhiếp ảnh Nghệ thuật hiện thực và sáng tạo".

Cùng ra mắt trong dịp tháng 10/2010, ngoài tập "Thăng Long- Hà Nội Việt Nam ký"; Hoàng Kim Đáng còn chủ biên bộ sách ảnh đồ sộ - công trình kỷ niệm 1000 năm lập đô do NXB Hà Nội ấn hành, mang tên: "Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh". Đây là bộ sách ảnh công phu được ông dày công thực hiện trong mấy năm trời. Điều đặc biệt nữa thấy Hoàng Kim Đáng là người trực tiếp thiết kế mỹ thuật của bộ sách.

Trong hàng vạn bức ảnh Hoàng Kim Đáng đã chụp về chiến tranh, cảnh sắc đất nước, lễ hội, phong tục, con người...Ảnh về phong cảnh, di tích hay lễ hội của Hoàng Kim Đáng thường ít chất hoành tráng, bề nổi như của nhiều nhiếp ảnh gia. Vì thế, ấn tượng thị giác khiêm nhường; nhưng phía sau nhiều tác phẩm là sự suy nghĩ, khám phá của tác giả. Đến Hội An, ông đi tìm và khắc họa bằng được dấu ấn và sự giao lưu văn hóa còn lại phảng phất trên những gương mặt phụ nữ nơi này. Đó là văn hóa người Hoa, người Nhật, người Việt... Hướng ống kính vào các lễ hội, ông đi tìm cái hồn cốt, thần thái mà phản ánh; chứ ít khi sao chép hiện thực. Thế nên, hiểu được ảnh Hoàng Kim Đáng nhiều khi phải có một vốn văn hóa nhất định.

Thêm một bất ngờ thú vị nữa khi Hoàng Kim Đáng cho biết sắp xuất bản tập thơ và ảnh của mình. Vậy ra, trong con người ông, cho dù cận kề cái tuổi thất thập vẫn luôn luôn là một nghệ sĩ năng động và đa tài. Xin mượn lời nhà thơ Hữu Thỉnh cho phần kết: "Hoàng Kim Đáng kiên quyết không làm nghệ thuật tài tử, mà là xả thân, hóa thân, là ném hết cả hồn vía vào ống kính. Đó là bí quyết giải thích vì sao ảnh của anh lại có sức truyền cảm mạnh mẽ đến thế".

Tác giả: Cao Minh

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây