Cuộc tọa đàm và trình diễn “Lên đồng - bảo tàng sống của văn hóa Việt” (tại L’Espace, tức Trung tâm văn hoá Pháp, Hà Nội 23-2), khán phòng gần 300 chỗ chật kín. Phía sảnh bố trí màn ảnh truyền hình trực tiếp, người xem quây chặt, ban đầu đứng, sau ngồi bệt xuống sàn. Khán giả có người già người trẻ, người nước ngoài.
Những người hầu đồng đích thực có lẽ đều mong được xã hội thừa nhận, không bị kì thị, đánh đồng với mê tín dị đoan hay trục lợi. Vì thế có dịp xuất hiện ở một trung tâm văn hóa lớn có lẽ là điều thật ý nghĩa với họ. Một thanh đồng còn mở hầu bao góp một phần chi phí cho chương trình.
Đây không phải lần đầu GS Ngô Đức Thịnh đăng đàn nói về giá trị của lên đồng, nhưng vấn đề này vẫn mới lạ với nhiều người. GS Thịnh nhắc lại, lên đồng hay hầu đồng là một nghi lễ của Đạo Mẫu Việt Nam. Mục đích của hầu đồng là cầu sức khỏe, quan lộc, may mắn, cả cầu tự. Đạo Mẫu và lên đồng kêu gọi sống đẹp, ứng xử đúng đắn với mẹ tự nhiên, và là những bài học văn hóa, lịch sử, một hình thức trình diễn văn hóa nghệ thuật độc đáo.
“Lên đồng - bảo tàng sống của văn hóa Việt” chính là nhận định của một học giả nước ngoài. Lên đồng tái hiện các vị thần, các nhân vật lịch sử, tái hiện văn hóa các vùng miền. Xem một buổi thấy được nhiều điều về văn hóa Việt. Giống như vào bảo tàng, mà là bảo tàng sống, và vì vậy cần giữ gìn.
Theo GS Thịnh, lên đồng xứng đáng là di sản được UNESCO công nhận, song hiện nay chưa nên đề nghị vì ngay trong nước còn chưa đồng thuận. Các quan điểm khác nhau đều có cơ sở, vì lên đồng nhiều khi bị lợi dụng làm cho biến tướng.
Câu hỏi đặt ra là khi nào lên đồng được chấn chỉnh về đúng nghĩa của nó để xã hội tin tưởng, không mang màu sắc mê tín dị đoan.
Màn trình diễn sau tọa đàm làm không khí càng nóng. Sân khấu do Nguyễn Mạnh Đức, Trần Thế Kôi thiết kế huyền ảo như một điện thờ. Ba thanh đồng Trần An Đức Hạnh, Lê Văn Thương, Nguyễn Tiến Bình phục trang lộng lẫy, múa say sưa trong tiếng đàn, tiếng hát của cung văn, được vỗ tay không ngớt.
Anh Nguyễn Quang Thạch, người được biết đến với những dự án mang sách cho nông dân, về nông thôn, cho biết: “Tôi đã đọc nhiều bài thơ mang tính giáo huấn Mẫu ban cho người quê tôi. Nhớ nhất là có ông quan được Mẫu răn Làm quan ngươi quá hám tiền/ Đến khi dân oán trạch điền còn không?.
Theo tôi đạo Mẫu được đại chúng quan tâm vì nó rất gần gũi. Tôi đến cuộc này để xem ứng xử của người dân đối với văn hóa tâm linh thuần Việt như thế nào, vì cuộc này không có hoạt động cầu may giải hạn gì cả”.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Nguồn tin: Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc