“Cải lương dừng lại chứ không chết”

Thứ tư - 10/11/2010 05:14 2.394 0

Vở "Bến nước Ngũ Bồ" (Nhà hát Thế Giới Trẻ TP.HCM) được khen ngợi trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2009

Vở "Bến nước Ngũ Bồ" (Nhà hát Thế Giới Trẻ TP.HCM) được khen ngợi trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2009
Sáng 9.11, trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM đã có buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng sân khấu cải lương tại TP.HCM” với sự có mặt khá đông đủ những “cây đa cây đề” trong giới.

Đó là NSND Huỳnh Nga, soạn giả Lê Duy Hạnh, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, đạo diễn Hồng Dung, NSƯT - nhạc sĩ Thanh Hải... Điều lạ là không có nghệ sĩ biểu diễn nào đến dự, trong khi “mặt tiền” của cải lương khi “giao tiếp” với khán giả chính là các nghệ sĩ này.

Buổi tọa đàm có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nghệ sĩ. NSƯT Trần Minh Ngọc nói: “Nghệ sĩ đi làm nhiều thứ quá, nhiều sô quá, không còn dồn sức cho cải lương. Tập tuồng rất khó vì không tập hợp được nghệ sĩ. Chúng ta thiếu sự quản lý chặt chẽ, cứ xử sự theo tình cảm, không ai có trách nhiệm, nhận lời rồi đến trễ hoặc bỏ tuồng cũng chẳng sao”. NSND Huỳnh Nga phát biểu: “Công chúng bỏ cải lương vì nghệ sĩ diễn không có lực. Lực của nghệ sĩ là “tình” là “máu”. Gần đây, nhiều anh gọi là kép chánh mà chỉ biết ca theo băng cassette chứ không học bài bản đàng hoàng, hoặc đòi ca bài dễ, bắt sửa tuồng theo giọng của mình. Hoặc vừa ngồi xe vừa đọc kịch bản để chạy sô, rồi đeo máy nhắc tuồng vô lỗ tai, vừa diễn vừa nghe làm sao có hồn. Chưa kể, họ còn hát nhép”.

 

NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc phát biểu trong tọa đàm - Ảnh: H.K

NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng có nhiều yếu tố làm cải lương bước lùi. Chẳng hạn, kịch bản hiện nay đa số là “kịch có ca” chứ chưa đúng chất tự sự trữ tình của cải lương. Cảm giác cải lương đang bị “kịch hóa”. Rạp hát thiếu thốn, nếu có thì trang trí sân khấu cũng cũ kỹ, đơn sơ. Còn hễ hoành tráng thì lại vượt khỏi khuôn khổ sân khấu. Còn theo NSƯT Thanh Hải thì cải lương chưa đáp ứng thị hiếu công chúng mà đang giậm chân tại chỗ. Thiếu quảng bá nên không đi vào lớp trẻ, các em có khi thích cải lương nhưng không dám tiếp cận vì sợ bị chê là “sến”, là “quê”. Nghĩa là chúng ta không nâng được ý thức của công chúng về nghệ thuật dân tộc, khác hẳn với phương Tây luôn đề cao vấn đề này từ khi còn bé.

Soạn giả Lê Duy Hạnh (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) nhìn nhận: “Chúng ta thiếu lý luận phê bình nên không định hướng được cho cải lương. Muốn khôi phục hay phát triển cải lương cũng phải trên chiến lược chứ không phải làm từng khâu nghệ sĩ, hay rạp hát, kịch bản…”. Tuy nhiên, NSND Huỳnh Nga lại có cái nhìn lạc quan hơn: “Tôi không cho là cải lương chết, mà nó đang dừng lại và đi vào công chúng với hình thức các phong trào đờn ca tài tử. Mấy năm gần đây, nhiều cuộc thi ở các địa phương, hoặc Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng đều kích thích phong trào ca hát trong nhân dân. Đến nỗi ở nông thôn, đám cưới, đám giỗ, thôi nôi gì cũng có đờn ca tài tử”. Ông Lê Duy Hạnh cũng cho rằng cải lương đã dừng lại rồi, và nó chỉ xuất hiện với những bản vọng cổ, vẫn còn giữ được định hướng rất đẹp, rất truyền thống. Từ đây, sẽ có điểm tựa để cải lương bật dậy.

Cải lương vẫn còn ngổn ngang khó khăn. Mà hành động thực tế thì dường như quá ít. Sau tọa đàm, những ý kiến hay chẳng biết có rơi vào quên lãng?

Tác giả: Hoàng Kim

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây