Đoạn đường đến nhà cậu Viễn còn hơn hai cây số, lội qua cánh đồng và khoảng giồng sắn, trở ngại lớn là phải qua sông. Ngày nắng ráo không thành vấn đề, gặp cảnh mưa dại gió mai đúng là gay thiệt, nhưng không gì có thể khiến cô chùn chân. Ngay từ khởi hành, lúc mặt trời chưa kịp chiếu những tia nắng ấm áp hong khô dây tóc tiên còn ướt đẫm sương quấn quanh bờ rào, cơn mưa bất ngờ ập xuống và kéo dài dai dẳng. Một ngày u ám sắp trôi qua, chờ chút nữa cũng thế thôi. Cô nhã nhặn cám ơn “Được mà chị!” rồi đứng lên xốc lại balô, choàng áo mưa lao mình vào màn mưa lất phất.
Cánh đồng sau mùa gặt khoác lên mình bộ áo xác xơ, rải rác mấy bụi lứt điểm xanh cao lêu nghêu giữa bạc phếch lơ phơ cỏ dại. Cảnh vật trông thê lương, cũ kỹ, tối tăm hệt mười mấy năm trước, lần đầu Quyên theo mẹ về Lung Cau ăn đám giỗ nhà cậu Viễn. Một chuyến đi trở thành định mệnh, buồn hơn đưa đám khi mẹ con cô vừa vứt bỏ lại phía sau trận hỗn chiến dữ dội giữa mẹ và ba.
Quyên trầy trật bước đi trên con đường bờ mẫu sình lầy và trơn trợt lượn ngoằn ngoèo qua cánh đồng mông mênh. Chạy dọc theo dòng kênh đầy ứ, từng bầy cá trắng lội lờ đờ trên mặt nước đục ngầu. Gió liu riu thổi, thỉnh thoảng rít lên ớn lạnh. Đó đây vang lên tiếng con cúm núm gọi chiều, chạnh lòng buồn. Mấy con nhái bầu bé như viên kẹo nhảy tung toé khi bị đánh động, đáp trả bằng dàn đồng ca “ngắt ngang… ngắt ngang…” não nùng, ai oán. Từ căn chòi vịt xiêu vẹo phía xa, giọng người con trai trầm trầm cất lên “Nếu mai thất nghiệp anh về đồng sâu cắm câu, bắt con nhái bầu, ra giữa đầu cầu, chờ khi nước lớn cắm câu…” chừng mang tâm trạng anh hùng lỡ vận, cám cảnh đời trai chí cả lúc túng mạt tìm chén cơm manh áo bằng nghề cắm câu. Âm vọng đồng chiều nhè nhẹ dội vào khung cửa ký ức của Quyên, đã gập gềnh hé mở từ hôm hay tin cậu Viễn về sống luôn ở Lung Cau.
“Người ta đi hay về, ở đâu làm gì mặc xác họ. Mẹ con đã khổ cả đời sờ sờ ra đó con không ngán hay sao lại còn muốn dính líu vào. Oan tình ngõ hẹp, dì khuyên con càng tránh xa càng tốt con à!”. Bà dì nỉ non khi biết Quyên có ý định về Lung Cau gặp cậu Viễn. Nhưng Quyên vẫn quyết hành động theo ý mình. Cô chính là người sẽ thay mặt mẹ tặng cho cậu kỷ vật mà mình cất giữ, làm sao mà không thực hiện lời trối trăn của mẹ! Cậu đã thôi làm cánh chim say trời bạt gió, dừng chân trên mảnh đất quê nhà, tạo lập cho mình một mái ấm. Vui nhất là có cả dì Saly và anh Xà Cừ cùng về.
Vẫn giọng kẻ cả cố hữu, Phan cằn nhằn đổ thêm dầu vào lửa: “Đang vô đợt học mà nghỉ, bài vở theo không kịp làm sao mà thi cử?”. Quyên cười khẩy, nhằm nhò gì, học tại chức mà, đâu cần ghi chép cho nhọc lòng, yêu cầu cuối đợt đóng tiền ngon lành là có trong tay xấp tài liệu photo đầy đủ hết, tự tin đi qua cửa ải thi cử nhẹ tựa lông hồng.
“Không gặp cậu Viễn, em cũng sẽ không chú tâm học hành được. Ôm cặp vào lớp thêm chật chỗ, chỉ tốn công vô ích thôi” - Quyên tỏ thái độ phản kháng cứng rắn không gì ngăn cản được.
Phan cố che giấu bực mình, giọng điềm nhiên đầy mỉa mai: “Thân không xong mà tính chuyện bao đồng. Gì mà lo lắng cuống quít lên thế, làm như chị hai cậu Viễn không bằng!”.
“Cần chi phải là chị hai chị ba. Đơn giản em thích thế!” - Quyên ngúng nguẩy, giọng dè bỉu.
“Thử hỏi cậu Viễn là gì mà em quan trọng vậy, em không về có ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới hôn!”
“Cậu Viễn là gì cũng được, mặc kệ tui, không cần anh xen vào!”
Bà dì đang ngồi đánh bánh bông lan trên bộ ván ngừng tay, bực dọc gắt gỏng: “Con nói vậy mà nghe được hở Quyên. Phan nói không đúng hay sao mà con cứ cãi chày cãi cối hoài. Thiệt là càng lớn càng ương ngạnh khó bảo!”
Mặt chù ụ, Quyên dùng dằng đi vào buồng, ấm ức ra mặt khi thấy Phan mỉm cười tỏ ý đắc thắng. Cô biết mình khó lòng mà chiến thắng phe đồng minh, lâu nay luôn có cái nhìn hắc ám về cậu Viễn. Tốt hơn là im lặng cho qua rồi liệu đường tính sau. Công bằng mà ngẫm nghĩ cho đến nơi đến chốn thì không thể trách Phan được, anh có lý do chính đáng của mình. Thật tình Phan nói đâu có sai, cậu Viễn là gì mà cô cảm thấy “rất quan trọng” trong cuộc đời mình, ngay cả bản thân cũng không thể lý giải được. Không là bà con thân thích, cũng chẳng dây mơ rễ má, thế mà gắn bó lâu dài bền chặt. Thiệt ngộ! Mà dù có thể khẳng định rành mạch, tả hình dáng rõ ràng thì cô chắc chắn sẽ không cho Phan biết. Ấy là bí mật tình cảm thầm kín, hết sức riêng tư, người trong cuộc mới cảm được.
*
Bóng chiều chạy sầm sập giăng mắc vào rẫy sắn bạt ngàn khi Quyên vừa qua khỏi cánh đồng, đặt đôi chân mỏi nhừ lên giồng cát êm mịn. Đứng ngạo nghễ trên gò đất nhô ra làm uốn khúc con đường mòn, cây ô môi cao lêu nghêu vừa trổ hết bông, những cánh hoa tím nhàn nhạt tuôn lả tả phủ lên một khoảng rộng xung quanh gốc, khoe vô số trái non. Mưa vẫn rào rạt, mải miết đuổi nhau làm muôn vàn chiếc lá sắn xanh thẫm rung rinh, nhảy nhót liên hồi. Chìm vào giữa cảnh chiều quê hiu quạnh, Quyên chợt nhớ câu ca có lần tình cờ nghe cậu Viễn nghêu ngao “Ai về Giồng Sắn Lung Cau / Mưa xạc gió xào thương mẹ nhớ cha” …
“Thấy em đi một mình chị đâm lo, vô lỡ không gặp đò trở ra cực lắm!”
Đang nghiêng vai sửa lại dây balô cho bớt cấn, Quyên nghe giọng chị Thanh êm dịu sau lưng. Cô bối rối: “Chị làm em ngại quá!”. “Có gì đâu!”. Sao mà không hở chị, người gì mà tốt đến thấy thương. Chẳng những nhiệt tình mời vào nhà, đãi đằng nước nôi khi trú mưa mà còn tận tình chỉ dẫn cặn kẽ và không ngại trời mưa gió đi theo thăm chừng. Mình cũng vô tình quá, Quyên thầm tự trách không một lời hỏi thăm gia cảnh, chắc chị phải là thân chủ hoặc bà con chi đấy: “Chị họ hàng sao với cậu Viễn vậy?”. Chị Thanh cười ngượng ngùng, khẽ lắc đầu, lắt lay nét buồn phảng phất qua ánh mắt tròn, đen lay láy.
Hai người cất bước trong im lặng, chốc có cơn gió thổi qua u u, những ngọn dây sắn rạp mình tuôn mưa đọng trên lá rơi lộp độp. Lát sau, chị Thanh ngập ngừng hỏi: “Em có phải là con của cô Liễu hôn, chị thấy sao giống cổ quá, nhớ loáng thoáng đã gặp đâu rồi thì phải?”. “Dạ, đúng rồi! Hồi đó chị học cùng lớp với cậu Viễn à!”. Chị lại cười nhẹ lắc đầu: “Chị như me tháng chạp, dở thấy mồ đâu có học lên tới cao dữ vậy. Chị biết cô lúc về thực tập, anh Viễn có rủ theo chơi mấy lần. Cô có tặng cho chị hai quyển sách!”.
Đó là những năm sau ngày giải phóng, mẹ là giáo sinh trường sư phạm trong chuyến đi thực tập, được phân công phụ trách ngay lớp của cậu Viễn. Anh chàng lớp trưởng cao ráo, khuôn mặt nghiêm nghị với nụ cười rất sáng và học giỏi nhất lớp đã chiếm lấy cảm tình của cô giáo tương lai. Do cậu Viễn là dân vùng giải phóng, bom đạn càn phá liên miên khiến việc học hành gián đoạn, trễ đôi năm, nên tuổi tác mẹ và cậu sít sao nhau. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi cũng đủ nẩy nở một tình cảm đẹp đẽ giữa hai người. Quyên không dám chắc mẹ và cậu Viễn còn có gì nữa hay chỉ chừng ấy thôi.
Niên học vừa kết thúc, cậu Viễn tình nguyện nhập ngũ, gác lại sau lưng nỗi nhớ về
“Chị nhớ hình như là mấy năm sau đó, cô Liễu xuống nhà anh Viễn có dắt em theo!” Chị Thanh cắt ngang kéo Quyên về thực tại. “Dạ!”. “Lâu quá không gặp, suýt chút là quên. May là em càng lớn càng có nét giống cô, hệt như cô lúc còn trẻ”.
Nhận xét gì mà giống cậu Viễn quá vậy, Quyên tự nhủ. Câu nói rất giản đơn vậy mà đã thật sự ám ảnh cô, lưu cữu mãi trong ký ức không cách gì xoá được, chắc có lẽ suốt cả cuộc đời, khi trở thành ngòi nổ mở màn cho trận chiến cuối cùng giữa mẹ và ba.
Lần ấy, cũng như bao lần khác cậu Viễn ghé thăm nhà, bận rộn thế nào mẹ cũng thu xếp để có một bữa ăn gia đình. Hiển nhiên ba cũng phải góp mặt, dù là miễn cưỡng kể từ khi ông tỏ rõ thái độ thù hằn ghen tuông sau chuyến về Lung Cau. Nếu là một ai đó xa lạ, tinh ý cỡ nào đi nữa, khi ngồi cùng bàn ăn, khó mà phát hiện mối bất hoà giữa hai người đàn ông, do được che đậy khéo léo bởi lối hành xử rất ư quân tử. Vừa ăn uống vừa chuyện trò thân mật, thoải mái như huynh đệ tình thâm lâu ngày có dịp gặp nhau. Ba Quyên tay bắt mặt mừng, thăm hỏi hết chuyện nọ đến điều kia. Cậu Viễn thì khỏi phải nói, cẩn trọng, ăn nói nhỏ nhẹ, giữ gìn ý tứ, một tiếng cũng anh, hai tiếng cũng anh. Mẹ kín đáo quan sát, bà không bao giờ thôi hy vọng, mong có sự thông hiểu giữa hai người đàn ông để lòng được thanh thản, sống cuộc sống bình yên của một người đàn bà đã an phận. Quyên vô tư cười đùa, hãnh diện khi cậu Viễn khen: “Ngày lớn giống mẹ quá, khác nào hai chị em!”.
“Chuyện vợ con cậu cũng lo tính gấp đi, lớn tuổi rồi!” - Ba Quyên giọng quan tâm chia sẻ.
“Thì em cũng tính đấy chứ, ngặt cái vướng víu đủ thứ rứt không được!”.
“Hay là cậu rước dì Saly về luôn là tiện nhất!” - Mẹ Quyên góp chuyện.
“Em sẽ cố gắng thu xếp, lần sau về có gì báo tin cho anh chị hay!” - Cậu gãi gãi đầu, tỏ vẻ khó xử.
Rồi chẳng bao giờ có lần sau đó. Lệ thường khi cậu Viễn vừa đi khỏi là xảy ra cảnh cơm không lành canh không ngọt, nhưng lần này đã trở thành trận cuồng phong quét sạch tất cả những gì còn sót lại của cái gọi là gia đình. Quyên tức đến vỡ ngực, chân tay rụng rời chứng kiến cảnh ba mình sau giây phút ngồi bất động trên bộ salong, mặt đằng đằng sát khí, bất thần đứng bật dậy, chộp lấy con sư tử đá dùng làm gạt tàn thuốc trên bàn, ném mạnh vào khung hình, lộng bức ảnh đen trắng chụp hồi mẹ còn con gái, treo trên tường đay nghiến: “Từ nay về sau thử coi còn nhớ thương luyến tiếc nữa không!”. Sau cơn chấn động tinh thần, mẹ cô gượng dậy chút ít. Nhưng rồi bà không đủ sức chịu đựng nổi những đòn tấn công phủ đầu cay nghiệt tiếp theo. Đầy dã tâm và hết sức tàn bạo của kẻ vũ phu. Căn bệnh tim đã mang bà đi xa không đầy ba tháng sau đó.
“Hay tin cô Liễu mất anh Viễn có về, bỏ ăn bỏ uống mấy ngày. Ảnh thề sẽ bỏ xứ đi luôn, chị thất vọng não nề nhưng đâu có quyền gì cản bước”, chị Thanh chuyển sang giọng tâm sự. “Có con chim nào bay hoài mà không mỏi cánh, rồi thì cậu Viễn phải trở về như chiếc lá rơi về cội thôi, lo gì!”. Quyên an ủi chị, cũng là an ủi chính mình. “Ừ, thì về cội, nhưng trớ trêu là rụng về cội khác rồi! Phải chi ảnh dọc ngang phương trời nào đó thì còn ngóng trông thắt thỏm, dù sao đỡ ngậm ngùi hơn, đằng này…”. Chị Thanh ngập ngừng không nói hết câu. Bấy nhiêu cũng đủù sáng rõ đôi vầng nhật nguyệt chuyện tình cảm thiết tha của chị dành cho cậu Viễn. Điều này đối với Quyên không có gì là lạ. Một người tài hoa, sống dạt dào tình cảm như cậu là con gái ai mà không thích. Khi yêu Phan, đôi lúc xảy ra bất hoà, cô ao ước anh có một chút gì đó giống cậu Viễn . Ví như anh chạy đờ người để tìm cho được hoa chanh, hoa bưởi về nấu nước cho cô tắm lúc con trăng mười sáu vừa nhô lên toả sáng lọt vào khoảng giếng trời rộng mười mét vuông sau nhà, chẳng hạn.
Ra tới bến đò thì trời sập tối. Dòng sông chìm trong tĩnh mịch, nước lững lờ trôi, ánh lên màu trắng nhờ nhờ hoang lạnh. Đàn muỗi đói đánh hơi người kéo lại kêu vo ve. Đom đóm cũng bắt đầu nhấp nháy, lập loè hàng bần hai bên bờ. Quyên thầm biết ơn chị Thanh, giờ này một mình giữa cồn bãi cô liêu này không biết cách phải xoay trở sao, lỡ xảy ra bất trắc gì la làng khản cổâ chẳng ai hay. “Em nhớ mang máng là hình như phải xuống ghe đi một đoạn sông mới tới nhà cậu Viễn. Vậy giờ mình ở đây chờ khoảng bao lâu nữa mới có ghe hở chị?”. Chị Thanh cười gằn: “Đứng chờ có nước làm mồi cho muỗi. Để chị lại nhà chú Hai mượn ghe đưa em qua bển!”
Lên bờ, Quyên chưa vội quây lưng, đứng tần ngần cảm thấy thật khó xử. Không rủ chị Thanh cùng vào nhà cậu Viễn thì có vô tâm lắm không. Chị có tình ý gì khi đưa cô đến tận nơi mà có vẻ luyến tiếc trước lúc quây về. Nếu đánh tiếng rủ rê, giả sử chị đồng ý thì có gây phiền phức hoặc tạo cảnh ngộ éo le mặt đối mặt giữa chị và dì Saly.
“Nhà có thắp đèn, em vô đi. Cẩn thận coi chừng trượt té. Chị về!”- Chị Thanh giục, tay chống sào đẩy mũi ghe tách bến.
“Dạ, chị về!” - Quyên bối rối lập lại lời chị một cách vô thức.
*
Quyên rón rén đưa tay kéo cánh cửa khép hờ bước vào. Chiếc đèn bóng hột vịt đặt trên đầu tủ thờ toả ánh sáng lờ mờ, phủ loang lổ lên đồ đạc, đủ để cô nhận rõ sự vắng vẻ đang bao trùm. Cậu Viễn ơi, con về nè! Còn dì Saly và anh Xà Cừ đâu rồi! Tịnh không một tiếng động. Thoảng thoảng mùi nhang trầm cho biết chủ nhân vừa có chuyện đi đâu đó. Tháo balô, Quyên đặt lên bộ ván và ngồi xuống cạnh bên. Mấy con bù mắt xúm lại cắn hai bắp chân trần lấm lem bùn đất đang bỏ thỏng xuống, cô ngứa ngái khó chịu. Bỗng có tiếng động, kèm theo là tiếng dội nước lỏn xỏn phía sau nhà. Đoán cậu Viễn về, Quyên vội vàng ngồi thụp xuống đầu bộ ván ẩn nấp. Thấy bóng dáng cao lớn, thân thuộc từ phía sau bước ra nhà trước, cảm giác Quyên rạo rực lạ kỳ. Cậu Viễn đưa tay vặn ngọn đèn sáng lên, ngó quanh quất, ầu ơ: “Ai để đồ đây rồi đâu vậy cà!”. Quyên sửa giọng: “Ai trồng khoai đất này!”. Không kềm nỗi vui mừng đang tràn ngập trong lòng, Quyên đứng lên cười hề hề.
“Dì Saly và anh Xà Cừ đâu hở cậu?” - Cô dè chừng hỏi sau khi quan sát khắp lượt.
“Về trên Tây nguyên luôn rồi!”
“Sao lại trở về trển, có chuyện gì hở cậu?”
“Không có chuyện gì hết! - Cậu Viễn tỉnh queo. Bình thường thôi, có gì đâu mà con trố mắt vậy. Hồi đó sao thì giờ vậy, chuyện tình cảm của cậu với dì Saly thì con đã hiểu hết rồi còn gì. Hổm rày mẹ con cổ cũng có ý gặp con, cậu thấy phiền quá nên thôi. Hồi sáng này đi, thằng Xà Cừ vẫn còn nhắc!”
“Tiếc thật!” - Quyên ngồi lặng im, cảm giác chơi vơi, hụt hẫng. Suy nghĩ ngổn ngang bao câu hỏi không thể tỏ bày và cũng không tự mình giải đáp. Cậu không đủ sức giải thoát khỏi sự giam cầm những buộc ràng mà mình vướng phải để tìm chân trời mới? Lẽ nào hình ảnh của mẹ đã án ngữ trong tâm hồn và khoá chặt trái tim cậu? Gần hai mươi năm sống, tình cảm giữa cậu và dì Saly chỉ là hai đường thẳng song song, không hề rung động, giao nhau trong khoảnh khắc yếu mền nào? Đơn giản đó chỉ là chuyện ân nghĩa phải đền đáp để sống cho nhẹ người thôi sao!
“Định mệnh đã sắp bày như vậy rồi Quyên à, hoàn cảnh không cho phép con người ta làm khác được!”. Trầm ngâm giây lát, giọng cậu chậm rãi.
“Thế lúc đó sao cậu không lời giải thích cho mẹ con biết rõ sự tình, rằng cậu chỉ là kẻ thế vai thôi. Đến giây phút cuối mẹ vẫn còn ân hận vì quyết định lấy chồng vội vàng của mình!”
“Không có cơ hội, muộn mất rồi. Sau khi bị rít cắn cậu được già Phúc cứu chữa tận tình nhưng mấy tháng sau mới bình phục. Người phát hiện ra cậu bị nạn hôm ấy là Saly. Chồng cô ấy vừa mất. Cô ấy buồn và lang thang vào rừng định tự tử theo chồng thì gặp cậu. Vì cái nghĩa đó mà cậu nhận làm bố thằng Xà Cừ. Đến lúc về quê, gặp lại mẹ con để phân trần hơn thiệt thì cơ sự đã an bày!”
Cậu thở dài âm điệu nằng nặng sầu tư, Quyên nghe tui tủi làm sao. Thế là xong, là đã lỡ một chuyến về.
Đêm cồn bãi dần chìm sâu thăm thẳm, thanh vắng lạ kỳ. Mưa tạnh hẳn, gió cũng ngừng xô dạt cây lá, chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả.
“Còn bây giờ cậu tính đi chứ, hổng lẽ ở một mình vầy hoài sao!”
“Thủng thẳng cái đã!” - Cậu cười cười, giọng ơ hờ.
“Thủng thẳng là đến chừng nào, chần chừ riết là muộn lần nữa đó. Ở cơ quan con mới vô làm có ông tuổi cỡ cậu vừa cưới vợ tháng rồi, tướng tá thấy rầu muốn chết, nội nhìn cái thùng nước lèo là oải chè đậu liền. Sao mà so với cậu của con được, còn thanh niên chán!”
“Hì, thì thanh niên sống lâu năm!”
Hai cậu cháu cùng cười, tiếng cười như bao lớp sóng khơi xa, vỗ tăm tắp vào ghềnh đời, nhẹ nhàng xoá tan nỗi dằn vặt suy tư trong tâm trí mỗi người.
Cơm nước xong, cậu Viễn giăng mùng trên ván, bảo Quyên đi ngủ: “Cậu phải ra canh sào đáy, con dám ở nhà một mình đêm nay hôn?”. “Dạ được. Cậu khỏi lo, con mà sợ ma cỏ gì!”
*
Giật mình tỉnh dậy sau giấc ngủ say như chết, Quyên khoan khoái lắng nghe tiếng gà gáy “Ò ó o…” vọng lên từng hồi liên tục gần xa. Ngó bên ngoài, trời tờ mờ sáng, cô bật dậy bước ra thềm ba, theo thói quen làm vài động tác đá chân múa tay đánh động gân cốt, hít thật sâu không khí trong lành cảm thấy dễ chịu. Từ bến trước nhà, cậu Viễn áo vắt vai mặc mình trần trùi trụi, ướt sũng, tay xách đục lững thững đi vô: “Con ngủ ngon không?”
“Trời sập con cũng không hay. Tép cá chạy nhiều không cậu?”
“Nay có con về hên quá, trúng khẳm luôn, bán cho bạn hàng hơn hai ký lô mà còn nhiêu đây nè!”
Quyên “Ồ!” lên khoái chí.
“Cá đối nấu canh chua bần, số còn lại kho khô tiêu, con thấy được hôn Quyên!”
“Cậu này, hỏi quê con hoài!” - Quyên cười híp mắt. Đây là món cô khoái khẩu nhất, sáng đói bụng mà nghe nhắc đến là muốn “đổ mồ hôi” lưỡi liền. Đã khá lâu rồi thì phải, cô không có dịp thưởng thức món ăn dân dã được chính tay mẹ chế biến. Dù cho đều đặn cứ mỗi năm, vào mùa bần chín rộ, thì có người từ bến chợ đôi ba lần đem túm cá đối, kèm dăm bảy trái bần chín đến nhà, nói rằng có bà con (chắc chắn không là cậu Viễn) từ Lung Cau gửi đò lên. Mẹ không thể từ chối, bà nhận lấy rồi đem cho lại ai đó. Đôi lúc Quyên thấy tiếc, đòi mẹ nấu, thì bà chỉ làm vừa đủ cho cô ăn, xong tém dẹp sạch sẽ không còn dấu vết. Mãi sau này cô mới hiểu, nguyên nhân xuất phát từ cha, không rõ từ đâu biết được đó là món ăn “ruột” của cậu Viễn truyền cho mẹ, ông đã dằn mâm ném chén không thèm cầm đũa khi mẹ nấu nón canh bần cá đối, quên rằng trước đó từng khen lấy khen để, dân dã đầy bổ dưỡng, nhậu hoài không say.
Mà đâu chỉ có chuyện cỏn con ấy, không biết ai cho cha biết tất tần tật những điều có liên quan giữa mẹ và cậu. Từ chuyện cậu phải làm lễ cưới với gì Saly trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Đến chuyện cũ meo mốc như trong chuyến thực tập, mẹ đi dã ngoại bị té sông, lên cơn sốt, cậu phải thức suốt đêm canh chừng trong căn nhà lá ọp ẹp ở khu tập thể giáo viên của trường, hôm sau cậu đèo xe đạp gần bốn mươi cây số đưa mẹ về thị xã. Đúng là có kẻ nào đó giấu mặt, rắp tâm phá hoại gia can người khác.
Đắn đo mãi, cậu mới lên tiếng giải toả nỗi thắc mắc bấy lâu. Quyên hú hồn hú vía, may là chị ta còn hy vọng, chưa đến nỗi mất hết nhân tính, nếu không thì biết đâu đã nhận chìm xuồng tiễn một người không biết bơi lội về chầu Hà Bá.
“Thôi, chuyện đã vậy rồi vì cậu mà con tha thứ cho người ta, ở đời ai mà không lầm lỗi. Dù gì thì cậu cũng nặng ơn những ngày mình đi xa, chị không ngại sớm hôm hủ hỉ, chăm sóc cụ bà”.
“Thì phải bỏ qua chứ đâu bắt đền ai được”.
“Giờ hai cậu cháu mình chèo xuồng đi chợ chơi”.
“Dạ, chút nữa đến chợ cậu để con mua đồ về nấu món “ruột” cho cậu ăn nghen. Đảm bảo nếu không ngon, con bỏ nghề”.
Buổi sáng, mặt sông đầy lãng đãng hơi sương. Hai bên bờ rặng bần xanh mê, ngái ngủ, đứng im phăng phắc. Mấy tay ba khía mải mê rong chơi trên chót vót tàu dừa nước giật mình bởi tiếng chim thức dậy chíu chít gọi ngày, vội tuông “rào rào” xuống ẩn mình vào các bụi bập lá. Gió sớm mai thổi phả hơi lạnh khiến Quyên rùng mình. Trông điệu bộ ngồi co ro trước mũi, không khéo cảm lạnh mất, cậu Viễn cởi áo bộ đội bạc màu sương gió đang mặc đưa cho cô: “Áo nè, con khoác bên ngoài cho ấm, cậu quen rồi!”
Không chút ngần ngại, cô cầm lấy và vội mặc vào, như vẫn còn chưa đủ ấm, đưa tay kéo cổ áo lên cao và quàng kín ngang mũi. Một mùi vị quen thuộc của ký ức ập về, rất riêng, chẳng lẫn vào đâu được. Suốt một quãng thời gian dài thơ ấu, không lần nào gặp cậu Viễn, mà cô không ôm vai, bá cổ, mặc sức trèo lên lưng hay ung dung ngồi cuộn vào lòng cậu như con mèo nhỏ. Cái hơi ấm thân thuộc ấy đã in sâu vào giác quan vốn nhạy cảm của cô không gì có thể tẩy xoá được. Hôm nay, khi đã biết thế nào là những rung động giới tính, bắt gặp lại mùi “đặc trưng” đó, tự nhiên cảm thấy nồng ấm, phấn chấn lạ thường.
Từ ngày mẹ mất, tuy sống cùng người dì độc thân, được yêu thương và chăm lo hết mực, nhưng thật sự tâm hồn Quyên là khối cô đơn. May mắn có Phan bên cạnh, anh chính là nhịp cầu để cô dè dặt đặt bước chân sầu muộn, yếu đuối đi vào đời. Tuy có chênh lệch về tuổi tác, ban đầu là thầy, rồi chuyển thành anh và yêu nhau lúc nào không hay. Nhưng càng dấn thân vào đời, cô càng thấy choáng ngợp, bức xúc khó chịu do lệ thuộc vào anh. Phan quá già dặn. Cuộc sống mọi thứ đã được kinh nghiệm của anh lập trình sẵn, từ ăn ngủ, học hành, làm việc, đi chơi. Chuyện yêu đương cũng chẳng khá hơn. Tất cả đều được lý trí định lượng, cân đong đo đếm. Ngay cả nụ hôn cũng chẳng làm cô say đắm. Đâu ai còn hứng thú khi đã biết quá rõ về điều mình thông thuộc từng chân tơ kẻ tóc, mỗi lần má tựa môi kề phải tốn bao nhiêu calo và khối con vi khuẩn mang đủ thứ mầm bệnh truyền cho nhau (lời Phan từng thuyết giảng) nghe cứ nhờn nhợn. Trong mắt anh, Quyên vẫn mãi là cô bé ngày nào, với những suy nghĩ non nớt, phải ngoan ngoãn làm theo những đều anh vạch sẵn. Một tình yêu êm đềm, không gió giông bão táp, nhàn nhạt cứ như ngà ngà hơi men. Đôi lúc con người ta muốn say bí tỉ một bữa cho quên trời đất cũng chẳng được. Anh không nhìn thấy ẩn bên trong bản tính nhút nhát thường nhật của cô là những khát khao chực cháy bùng, thiêu đốt mọi giới hạn ràng buộc nếu vô tình có tàn than bay vào.
“Nghĩ gì mà con ngồi suy tư vậy?”
“Con đâu có nghĩ gì!”. Cô chống chế, cảm giác ngài ngại quây mặt chỗ khác, giấu cái nhìn e lệ.
Ghe chầm chậm trôi, đến ngang cây bần già thấy chùm trái sai oằn ngộ nghĩnh, Quyên đòi hái. Cô đứng lên chông chênh, chụp nhánh bần trước mặt. Ghe vẫn còn đang trờ tới, khiến cô mất thăng bằng. Cậu Viễn thấy thế, hô lớn: “Từ từ, để cậu vịn cho bẻ!”. Nhưng đã không kịp nữa rồi, Quyên chới với ngã tùm xuống làn nước lạnh cóng.
Về đến nhà, thay đồ xong cô leo lên ván trùm kín mền mà cứ rung cầm cập vì lạnh, vì sợ hãi. Cả một điều gì đó rất mơ hồ khiến cô vừa ngường ngượng vừa thích thú. Trong cơn hoảng hốt, nhưng cô vẫn đủ tỉnh táo để nhận sự khác lạ lúc toàn thân cọ sát, bấu chặt lấy thân thể cứng như gỗ lim khi cậu bồng cô lên ghe. Đầu óc cô trở nên vất váng, mụ mẫm, lởn vởn những hình ảnh lộn xộn, màu sắc rối bời, nhanh chóng rơi vào cơn mê. Những chùm bần đung đưa rồi nở bung tung toé, vô vố trái bần xanh tròn đủ kích cỡ bay mịt mù xung quanh cô. Chúng tí tửng nhảy qua lại, lên xuống, xoay vòng làm cô mất phương hướng. Có trái trôi từ từ, nhìn rõ mồn một lớp vỏ xanh bóng, có trái lao vun vút hình dáng nhoè nhoẹt. Cô tung tăng bước đi, dang rộng hai cánh tay đón lấy. Từng quả, từng quả một chạm khẽ vào đôi bàn tay mền mại thì tan biến trước khi cô khép nắm tay lại. Bỗng một tràng cười quen thuộc như trêu chọc cất lên giòn tan, réo rắt kéo cô quây mặt về nơi xanh rì hoa cỏ. Ôi, Mẹ! Cậu Viễn! Anh Xà Cừ, còn ai bên cạnh anh! Chào dì Saly! Lại một tràng tiếng cười nữa vang lên từ phía khác, nghe vừa quen vừa lạ, quái gở làm sao. Cô giận dữ khi bắt gặp khuôn mặt của người, mà suýt chút nữa đã nói lời đề nghị khiếm nhã rằng cậu Viễn hãy bầu bạn cùng. Chút nữa là đưa kỷ vật “đôi bông tai” của mẹ dành tặng cho cậu mừng chị về làm người nâng khăn sửa túi. Cô thét lớn: “Không, cậu Viễn!”
“Cậu đây nè, gì mà nhăn nhó mặt mày vậy. Để cậu lấy dầu bóp chân tay cho ấm, rồi ăn cháo nóng giải cảm là khoẻ hà!”.
Cậu ngồi bên cạnh, lo lắng nhìn Quyên. Cô tung mền, xoãi chân tay thả lõng nằm bất động. Cơ thể bỗng râm ran, nóng dần lên rồi căng mưng mức như có ngọn lửa thiêu đốt. Đôi bàn tay to khoẻ, nham nhám vì những vết chai của cậu xoa nhẹ đến đâu, cô có cảm giác da thịt mình tan chảy đến đó. Và một mùi vị quen thuộc, đầm đậm, nồng gắt lại ập đến, lùa vào mũi, vào miệng, len lỏi vào từng tế bào, dồn nén lồng ngực bằng nhịp đập rộn ràng. Người như bị vỡ vụn ra thành những mụn sắt, không cưỡng lại được sức hút từ thoải nam châm, Quyên ôm xiết cổ cậu Viễn, ngã đầu vùi sâu vào khuôn ngực vạm vỡ nóng rực. Cô thấy toàn thân bị nhấc bổng lên, chơi vơi giữa vùng không trọng lực, treo lơ lửng trong vòng tay săn chắc càng lúc càng thít chặt vòng eo thon thả đến ngạt thở.
Choàng tỉnh dậy, Quyên nhẹ nhàng đưa tay lên ôm lấy cánh tay gân guốc của cậu Viễn, đang bình thản xoa hai bên tóc mai, cử chỉ âu yếm, ngập tràn yêu thương. Những cảm xúc mà cô vừa trải qua không biết là hư hay thực. Khép hờ mắt, cô thầm mỉm cười, cảm thấy vô cùng sung sướng. Sự sung sướng của một người con gái yếu đuối vừa tìm thấy một sức mạnh mới. Cô để mặc cho mọi cảm xúc bay bổng, tận hưởng niềm si mê cuồng cháy, lâu nay bị đè nén, vùi chôn trong sự phiền muộn, mệt mỏi, yếu hèn.
*
Một chiều, Quyên đang đùa chơi với con chờ Phan về ăn cơm thì tình cờ phát hiện thấy bức thư nằm vướng trên bụi hoa lưu ly cạnh cổng rào. Thư gửi cho mình, ai vậy ta. Quyên hồi hộp mở ra xem, nét bút nghiêng nghiêng thân quen, vỏn vẹn chỉ mấy dòng ngắn ngủi. Mắt cô mở to hết cỡ, lướt êm ái qua từng con chữ lồ lộ, nhảy nhấp nhỏm khỏi mặt tờ giấy.
Quyên! Cậu rất mừng khi biết con có được một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Phần cậu vẫn bình thường, vừa lên đến Tây nguyên, dì Saly bệnh nặng cần chăm sóc. Anh Xà Cừ cũng đã có gia đình rồi. Dự định lần này chắc cậu sẽ ở luôn trên đây. Cho cậu gửi lời thăm Phan. Cậu V của con.
Cầm lá thư trong tay, Quyên bần thần, ngẩn ngơ hồi lâu, người nhẹ tềnh tênh như trôi dạt về chốn nào vô định. Ôm chặt con vào lòng mà vẫn cảm thấy thật chồng chềnh tựa đang ngồi trên ghe của buổi chiều năm năm về trước, bùi ngùi pha lẫn xốn xang, quyến luyến khi cậu Viễn đưa cô về. Trước mắt cô hiển hiện thật gần nụ cười hiền lành, chứa chan tình cảm gần gũi, ấm áp của cậu. Bóng cậu mờ dần, mờ dần rồi khuất dạng, hoà hẳn trong màu ráng chiều Lung Cau.
Tác giả: Phong Hân
Ý kiến bạn đọc