Ngày xanh cùng lá

Thứ tư - 09/12/2009 17:13 2.916 0

Ngày xanh cùng lá

Đang lúc bộn bề công việc, bất thần nhận được tin của Giang, nhắn cho hay vườn dừa lão Khụ trong giai đoạn chạy nước rút hoàn tất hồ sơ để đề nghị công nhận di tích, về ngay có chuyện cần. Thoáng phân vân, tôi quyết gạt bỏ mọi thứ lu bu vây bám, mà dù có cố cũng không thể tập trung tư tưởng giải quyết được. Chộp vội túi đồ nghề, tức tốc về quê.

Rẽ vào lộ làng quen thuộc, bên tai rười rượi gió, tôi đi như trôi bồng bềnh trong biển âm thanh, vọng ra từ hai cánh vườn dừa vi vu tấu khúc chiều miên man. Hiển hiện trước mắt dáng gầy gò của lão Khụ ngồi bó gối trên bộ ván gõ đen, đặt cạnh hiên nhà, lặng lẽ ngó đăm đăm hướng về hàng dừa cao ngất ngưởng “độc nhất vô nhị” của làng. Được chính tay lão trồng hồi năm mười ba tuổi, trải qua thăng trầm được mất của cõi đời, trở thành niềm tự hào theo tháng năm cao vời vợi của lão. Niềm tự hào được dân trong làng kính trọng và thừa nhận. Ấy vậy mà tôi và Giang lại cả gan ngang nhiên xâm phạm, xoi mói, nghi ngờ cái sự thật đã là hiển nhiên:

“Ông có phịa không đấy, bằng ấy tuổi mà ông biết trồng dừa à?”. Giang cố tình cà khịa, khơi nguồn cho câu chuyện kỳ thú về cái làng nhỏ ven sông mà ông là chứng nhân duy nhất còn hiện hữu. Giơ cánh tay gân guốc, ông quả quyết với hai chúng tôi: “Mồ tổ tụi bây, tuổi ấy ông mày còn làm tới giống gì nữa, tay không bắt con lợn rừng gần cả tạ. Hổng tin chạy về hỏi ông nội mày biết ngay. À quên, ảnh đâu còn mà hỏi, nhưng dứt khoát tao không lừa chúng mày đâu, yếu thì phải dùng trí chứ mậy, nhưng phải gan lì mới được à nghe! Nhát cáy như tụi bây tối ngày đeo vú mẹ có nước mà húp cháo. Chà, ông mày quên nữa rồi, húp cháo là còn may lắm đấy, chứ biếng nhác chỉ có nước đói phơi thây!”.

Hai thằng nhóc chúng tôi nhìn nhau cười ậm ực, đắc thắng vì kế “điệu hổ ly sơn” gợi cho ông kể chuyện lần nào trổ tài cũng thành công. Vừa nhâm nhi, giọng ông rè rè tiếp tục câu chuyện về cái ngày xưa ông cha mở đất. Khốn lắm. Làng xóm thưở giặc giã tan hoang, mịt mù gió bụi, vắng vẻ đìu hiu. Cả dãy đất phì nhiêu ven sông chỉ có dăm bảy gia đình chạy loạn từ miệt đồng bưng đến cắm dùi, khẩn hoang trồng trọt. Bằng sức lực thần kỳ dựng nên làng, nên xóm yên vui, bất chấp cọp gầm rắn mòng huýt sáo rợn người, cá sấu thành tinh đội đèn loang loáng cất tiếng ngáp dài trên sông đầy giữa đêm khuya.

“Ông mày chí khí lắm đấy, cóc sợ gì hết! Gì nữa hai thằng giặc con? Hỏi mấy câu lãng vô phương, heo nào mà cắn được tao. Cánh tay ông mày bị mất miếng thịt là bị thương đấy. Bữa đó biệt kích đổ quân, tao xem thường ráng lột cho xong mấy trái dừa, chưa kịp chui xuống hầm bị nó nhả đạn tới tấp. Số ông mày không lớn là chết mấy đời dương rồi. Chỉ tội anh em…!” _ Lão Khụ run run, vẻ mặt đầy xúc động, thở dài tiếp: “Tụi bây lại dụ ông mày nhớ đến chuyện hồi nẩm hồi nao buồn não nuột nữa rồi. Tao sắp khóc mất, đứa nào đưa bì thuốc rê tao vấn điếu cái coi!”.

Thủ sẵn trong tay, Giang vội vội vàng vàng đưa cho lão, lấy diêm ra đánh lửa giúp lão mồi thuốc. Xong, nó lại ngồi buồn thiu, hình như cũng phát khóc khi nghe lão kể tường tận về cái chết bi thương của ông nội nó. Tôi thấy mắt mình cay cay. Câu chuyện thì cũ rích, hai thằng thuộc nằm lòng, thế mà mỗi lần nghe ông nhắc lại, đứa nào cũng ngồi đến độ ngơ ngác canh thâu. Không đơn giản là những chuyện được mất của một đời người đã trải qua, mà ông là cuốn biên niên của xóm, khắc ghi dấu ấn những ngày tháng liệt oanh nhưng cũng có quá nhiều đau thương mất mát.

Sau này lớn lên tôi mới biết đó là những buổi chiều đáng giá ngàn vàng, chớ hồi đó dù có mê mẩn thật nhưng không đến nỗi ngày nào cũng muốn được nghe ông kể chuyện. Đó là cái kế do hai đứa dày công nghĩ ra hòng có nơi nương thân hợp pháp không bị quở phạt. Tôi không phải ôm củi cho mẹ nấu cơm, Giang thì để mặc chị nó loay hoay lùa vịt vào chuồng.

Chính nhờ những buổi chiều như thế, lúc học hành ra trường làm việc ở một cơ quan báo chí, bài viết lớn đầu tiên của tôi là về cái xóm nhỏ anh hùng ven sông của mình. Trong đó, vườn dừa lão Khụ là tâm điểm sáng chói của những chiến công, hứng chịu nhiều đau thương nhất. Bản thân vườn dừa có một thành tích đáng tự hào, đã che chở và nuôi dưỡng cho biết bao chiến sĩ. Có người từng bám trụ nơi đó trở thành dũng sĩ, được phong tặng anh hùng. Cũng là nơi ngã xuống của hàng chục anh em trong trận bom kinh hoàng, di ảnh được thờ chung trong nhà ấp. Báo đăng, tôi về đọc cho lão nghe, rồi cả xóm chuyền tay nhau, ai cũng không cầm được lòng. Bây giờ, tuy có thâm niên, lao vào viết lách, đi nhiều nơi, biết nhiều cảnh ngộ, nhưng câu chuyện lão kể vẫn chiếm trang trọng trong tâm trí của tôi, ăn sâu vào ký ức hồn nhiên mộc mạc. Những lúc căng thẳng, tôi thường đọc lại bài viết đầu tay của mình như để giải khuây. Tự mỉm cười ở phần kết. Khi ấy, bằng tấm lòng chân thành tha thiết, tôi mạo muội cho rằng vườn dừa lão Khụ rất xứng đáng để được công nhận di tích. Vì vậy, khi nghe Giang báo tin, tôi hồ hởi về ngay, đinh ninh thế nào cũng vớt được một bài có trọng lượng.

*

Thẳng một mạch, tấp vào nhà Giang, chị hắn nhanh nhẹn: “Kha, may quá, em về thiệt là đúng lúc, hổm rày trông em chẳng khác nào nắng hạn đợi mưa rào. Tình cảnh như cứu hoả em ơi. Thằng Giang bận công việc ngoài ủy ban lát nữa mới về, em coi qua lão Khụ liền đi!”.

Những tưởng nhà lão đang dọn dẹp sắp đặt các thứ để đón đoàn về khảo sát, xem xét hồ sơ về cái vụ chuẩn bị công nhận di tích, tôi tỉnh bơ: “Vậy chừng nào trên mới xuống hả chị, chắc cũng tốn một khoản đãi đằng tiếp đón không ít!”.
Chị chưng hửng nhìn tôi: “Cậu này lâu lâu về nói nghe lạ thế, tiệc tùng gì hở em, trên nào mà xuống. Chị em mình ở đây ăn cho hết nè! Bà ta cũng cận ngày rồi, có ăn mừng thì cũng đợi ra ngày tròn tháng, chưa biết vuông tròn mà lễ lộc gì. Chỉ khổ thân chị Hoài, khóc sưng con mắt, tất phải kiếm chỗ nào mà nương thân. Lão Khụ từng tuổi đó còn ham vui, rước hoạ vào thân để thiên hạ cười!”.

Tôi há hốc mồm kinh ngạc, không tin vào tai mình bởi chẳng hiểu ất giáp gì, “Bà ta là ai mà cận ngày, chị Hoài cớ gì lại khóc sưng con mắt, còn lão Khụ ra đến nông nỗi gì thiên hạ phải cười chê trong khi xưa nay nổi tiếng là người nhân nghĩa tử tế nhất làng”. Hơn năm nay rước bà già lên sống cùng, giao mảnh vườn cho ông cậu họ chăm sóc, tôi chưa lần nào về quê, lẽ nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi lại có quá nhiều thay đổi đến bất ngờ như thế: “Chị nói sao?”. “Thằng Giang chưa kể em biết à?”

Sau cái gật đầu của tôi, bằng điệu bộ mỉa mai, chị cho biết chẳng rõ trời xui đất khiến thế nào để lão Khụ thành quà quạ nuôi tu hú. Cả xóm rùm beng cả năm sáu tháng trời nay khi lão trở về sau chuyến đi Đồng Tháp thăm ông bạn già chiến đấu, lượm đâu một bà sồn sồn dắt theo tòn ten về, mời cả xóm đến uống rượu, tuyên bố lão đi bước nữa, ai cũng ngỡ ngàng chắp tay bái phục. Nhưng thấy bà ta cũng tội nghiệp, hiền, siêng năng, bao nhiêu công việc nhà, vườn tược một mình gánh hết, chị Hoài rảnh rang. Nếu bình yên vậy thì cũng phúc biết mấy. Đằng này cái bụng bà ngày một to, ông Khụ dẫn ra trạm khám thì biết có bầu tám tháng rồi. Mọi người mới tá hoả tam tinh, con ai chớ nào phải con của lão.

“Thấy cảnh chị Hoài mà tức anh ách, cha mình bị người ta lừa mà cũng không nói câu nào. Mấy thằng cha độc mồm độc miệng hỏi họ có ngủ chung với nhau hôn thì lắc đầu lia lịa. Thiệt thà hết chỗ nói. Gặp người khác là quậy tới bến cho con mẻ bỏ nhà đi luôn. Trôi sông lạc chợ hú hí ở đâu đã đời chừng bụng mang dạ chửa nhè ông già cúp thùng thiếc mà bám!”.

Dù chưa rõ đầu đuôi gốc ngọn, thực hư ra sao, tôi tin ắt hẳn có cơ duyên khuất lấp nào đó chớ đố ai ba đầu sáu tay mà lừa được lão. Giang về tới, hắn cười hềnh hệch: “Chị Hoài trông mày về lắm đó!”. “Trông cái con khỉ khô, chuyện vậy mà mày dóc tao làm chi!”. “Thì cũng tại hồi trước mày hay ước vườn dừa lão được công nhận di tích để được chăm sóc, giữ gìn, không khéo mai mốt ổng trăm tuổi, chị Hoài lấy chồng, sợ vườn dừa đẹp nhất làng sẽ điêu tàn. Nay tự dưng ổng có con ngang hông an tâm nhá. Tao nghĩ bạn mình tinh thông chuyện trời đất nên đùa chút, chứ thử hỏi vườn dừa làm sao mà công nhận di tích cho được”. Lối suy luận tầm phào của thằng bạn nối khố cũng chí lý, tôi cười trừ: “Làm ơn đừng dài dòng nữa, đi qua bển với tao!”.

*

Trời ngã hẳn về chiều, những hàng dừa thân thuộc vươn sừng sững, da mốc meo ánh lên dưới tia nắng xiên khoai cuối ngày.

Đã thành thói quen, hai đứa không đi thẳng vào nhà mà vòng sang phía hiên dưới, nơi đặt bộ ván gõ đen lão Khụ ngồi đăm chiêu. Cảnh cũ người xưa không gì vời đổi. Khác biệt chăng là lão ngồi tỉnh khô, mắt sáng quắc, không nhâm nhi như thường lệ, thay vào đó là bộ tách trà để trước mặt. Thoáng nhận ra tôi, lão reo lên: “Chó con, mày về hồi nào, Hoài đâu, coi có gì đem ra cho nó ăn!”.

Chị Hoài từ trong bước ra, mặt mày trông buồn thiu, khẽ khàng hỏi tôi chuyện nhà cửa, làm ăn. Vừa trả lời chị, tôi để mắt vào trong, tìm thử coi “bà ta” mặt mũi thế nào mà lại khuynh đảo được trái tim của cái lão đã hiên ngang vượt qua mấy mùa lửa khói, nhưng hoàn toàn im ắng. Đoán chừng hiểu ý tôi, chị hạ giọng: “Cuốn đồ đi hồi khuya rồi, tía hồi sáng giờ buồn bỏ cơm ngồi vậy đó. Đâu em coi an ủi ổng dùm chị đi!”.

“Tụi bây toa rập nhau gì đó, người ta đi rồi chưa vừa lòng hay sao?” - Lão Khụ giọng quở trách, thở dài thườn thượt. “Tía rầy la oan cho con không, con có nói gì đâu, thấy cổ cũng tội nghiệp chứ bộ!”. Nháy mắt với tôi ý nhắc ngồi ráng tìm cách chia sẻ với lão, chị kêu Giang theo ra vườn phụ đuổi bắt gà nấu cháo, lâu lâu mới có mặt đông đủ như vầy.

Hai ông cháu ngồi bên nhau lặng im, tôi chẳng biết cách gì để cho ông bớt buồn, người già coi vậy chớ dễ tủi thân, chưa tỏ nguồn cơn nói không khéo họ giận mình đắc tội. Nhấp ngụm trà, lão chép miệng than: “Tội nghiệp bụng mang dạ chửa, hổng biết đi vậy rồi ăn đâu, ở đâu!”. “Thì chắc phải tìm nhà quen mà tá túc, ông lo gì!”. “Được vậy thì đâu có đi theo ông già hết gân này cho mệt xác!”. “Quê cổ ở đâu?”. Lão nhíu mày: “Tao cũng quên hỏi ở đâu, hình như tuốt miệt trong thì phải!”. “Trời đất, ông gan thật đấy, không biết quê quán gốc tích họ hàng mà dám dắt về nhà, lỡ chồng con cổ đi tìm gặp mặt tình ngay lý gian ăn nói sao đây!”.

“A!” - Lão ngớ người, phân bua: “Thiệt tình tao vô ý quá, thấy người ta khổ mà quên thăm hỏi trước sau cho rành mạch”.

“Vậy chớ ông gặp cổ ở đâu?”

“Để tao nhớ lại cái coi!...”

*
Chuyến đò vô xẻo Quít cập bến, ai cũng tay xách nách mang đứng dậy lẹ làng lên bờ, hối hả kéo nhau về. Vậy mà người phụ nữ cạnh ông vẫn ngồi rũ rượi bất động, cơ hồ sầu thảm bi đát tận bước đường cùng. Suốt mấy tiếng đồng hồ đi chung, thấy cổ buồn ông không dám bắt chuyện, giờ tới bến không chịu lên mà mắt còn rươm rướm, đoán cảnh ngộ cũng trái ngang. Khoác túi đồ lên vai, ông dượm bước nhưng kịp nghĩ, biết đâu người ta gặp cơn túng quẫn ngặt nghèo cần giúp đỡ. Nhẩm tính số bạc tiền lận lưng mang theo kha khá, nhiều không dám chứ lộ phí xe cộ nhầm nhò gì, lỡ có thiếu hụt chút đỉnh thì ghé nhà bạn hỏi mượn cho chuyến về. Thấy cảnh người ta vậy mặc tình bỏ đi cầm lòng sao đặng: “Cô không lên mà còn ngồi đây mần chi?”. “Biết đi đâu bây giờ hở anh Hai?”. Trời đất, nghe kêu bằng “anh Hai” ông nổi da gà. Từ hồi vợ theo ông theo bà đến nay ngót mười mấy năm đâu ai ngọt ngào như vậy. Chòm xóm từ nhỏ đến già gặp ông một tiếng cũng lão, hai tiếng cũng lão phát chán, ngỡ mình thuộc hạng xếp xó chờ ngày vứt đi. Thình lình bữa nay có người gọi anh, đột nhiên thấy trẻ ra, máu nóng chạy rần rần huyết quản, hứng chí ông tiếp: “Vậy chứ không phải cô ghé xẻo Quít à!”. “Dạ, phải mà cũng… không phải!”. Kỳ vậy, cô ta nhầm chuyến hay ông xúi quẩy gặp người cõi trên. Chủ đò giục tất cả hành khách làm ơn mau lên để quây về nghỉ, ông bảo: “Phải hay không gì cũng lên bờ rồi tính!”.

Khi ông hỏi lại lần nữa đi đâu thì cổ tuôn như mưa, ông bực mình gắt, như là chỗ thâm tình quen biết từ đời thuở nào: “Cứ nói thẳng ra, thử tui có giúp được gì hôn!”.

“Vậy chứ anh Hai đi đâu? Em… ” - Giọng sụt sùi, cô hỏi.

Đúng là đang cảnh cùng tâm quẫn trí nên hồi nãy giờ nói toàn mấy câu không biết đường nào mà lần. Đã tới chỗ sơn cùng thủy tận này còn hỏi, đâu phải như cô tới đây rồi mà nói không biết đi đâu. Không vô xẻo Quít chỉ còn nước đi tìm Hà Bá. Vậy mà có người tính đi tìm Hà Bá thiệt, may nhờ gặp được ông ra tay nghĩa hiệp dắt vô xẻo Quít chơi rồi theo luôn về quê…

“Chồng con cổ đâu!”

“Nghe kể mà tội nghiệp, số phần lận đận năm bảy đường mới phiêu dạt thế!”.

Thấy ông không còn buồn nữa, tôi bạo dạn lên tiếng: “Ông định hốt trọn ổ le le hà!”. “Mày tưởng ông khùng tới mức đó sao, ham hố gì. Chẳng qua thấy người ta khổ giúp được thì giúp, để cái đức cho con cháu nó nhờ. Người ta khổ thiệt chứ đâu có ý lợi dụng gì mình, cổ tính ở nhờ sinh nở cứng cáp rồi kiếm kế sinh nhai. Nhưng tụi nó làm quá cổ chịu không nổi đi mất rồi!”.

Đằng sau nhà vô, biết lão Khụ nguôi ngoai chuyện cũ, chị Hoài vỗ vai lão: “Tía bỏ qua đi, bữa nay có hai thằng nhóc hầu rượu cho tía nè!”. Lão đằng hắng: “Để tao thui thủi một mình bây đừng trách sao già mà khó quá, có gặp thằng Sơn nói nó chịu ở rể tao mới gả, không đừng hòng! Mà giả sử bây giờ người ta quây trở lại tụi bây còn nặng nhẹ nữa hôn?”. Chị Hoài hăm hở: “Dạ, con khoái liền, có cổ ở nhà mình hủ hỉ cũng vui. Mai mốt cổ sanh em bé con dỗ nó ngủ hát như vầy há tía”. Rồi bằng giọng ngọt ngào, phơi phới tuổi xuân, chị khẽ ngân nga: Ầu ơ! Con cò nó mổ con lươn / Bớ chị ghe lườn lấy tía tôi không / Tía tôi lịch sự lịch sàng / Cái lưng mốc thích, cái đầu chôm bôm.

Đắc ý, lão cười lay động vườn chiều xào xạc, đưa tay vỗ đùi, trách yêu: “Mồ tổ tụi bây, con gái con đứa! Nuôi hai mấy năm trời nay mới nghe nói một câu mát ruột mát gan, thiệt là hổng uổng công, chắc cũng mống chuồn lắm rồi!”. Chị Hoài đỏ mặt, chối bây bẩy: “Tía này!”.

Chợt có tiếng người râm ran ngoài ngõ, hỏi thăm nhà lão Khụ. Giang nhận ra người quen là anh chàng đưa thư ở xã cạnh bên, đến báo tin người nhà lão Khụ đang chuyển dạ. Lão ngồi bật dậy, dặn chị Hoài ở nhà, bảo tôi và Giang cùng gấp rút đi. Chị Hoài như vừa sực nhớ điều gì, nói vọng theo: “A, con mắc mưu tía rồi!”

Quá ba giờ sáng, ba ông cháu lót tót về nhà. Chị Hoài hình như cả đêm không ngủ hay sao mà khi biết chúng tôi về vội thức dậy bật đèn, vồn vã hỏi được mấy ký, trông giống ai. Tôi định nói với chị rằng chuyện thằng cu giống ai thì chỉ có trời may ra mới biết, nhưng sợ lão Khụ cho ăn đòn, tôi cười đùn đẩy: “Ông thấy nó có giống ông hôn?”

“Thằng này lại lãng nữa rồi, hỏi vậy mà cũng bày đặt hỏi, không giống tao chẳng lẽ giống mày à!”

Tôi với Giang nhìn nhau lắc đầu chịu thua. Hết đường ý kiến ý cò. Vợ người ta vượt cạn bình an vậy mà ông lại nói cười vui như hội, hãnh diện làm như vợ mình không bằng. Giục Giang xuống bếp đốt lửa hâm lại nồi cháo nấu đầu hôm chưa kịp ăn, lão lui cui đi rót rượu. Mừng đến độ run tay để đổ cả ra ngoài, la í ới cầu cứu tôi vào vịn quặn.

Ngồi trên ván, rượu rót ra, không nói câu nào, lão đánh ực cái gọn hơ rồi đưa sang Giang. Cứ thế chuyền tay nhau nhẹ nhàng mà uống, lẳng lặng nghe gió chầm chậm cuốn trôi màn đêm. Chừng đà đà say, lão gật gù: “Giờ mà ngủ nghê gì nữa!”

“Ông cháu mình uống tới sáng luôn!” - Tôi phụ hoạ.

“Mày hơi bị lẩn thẩn rồi đó, thấy gì hôn?”.

Tôi ngước nhìn theo Giang hướng về hàng dừa lão cao ngất ngưởng.

Ngoài vườn, ngày đang bắt đầu xanh lên cùng lá.

Tác giả: Phong Hân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây