Xe miền tây

Thứ hai - 22/02/2010 11:43 4.775 0

Minh họa: Hồng Nguyên

Minh họa: Hồng Nguyên
Người ta mở một đường bay từ Sài Gòn về Cà Mau. Mỗi khi có dịp đi khỏi nhà, mình lại có thêm một lựa chọn hoặc níu cánh máy bay vượt dặm dài hoặc leo lên xe đò đi túc tắc. Hoặc loay hoay ngồi chưa ấm chỗ đã vụt đến nhà hoặc rị mọ tám giờ đồng hồ ê ẩm mông, đau nhừ lưng, đờ cả cổ. Và mình thường chọn cách thứ hai.

Mình gọi đó là “liệu pháp đường xa” mỗi khi cần phải chống sốc vì phải đi về giữa hai thế giới sống khác biệt. Quả thật thần kinh mình hơi… mỏng. Nên hoang mang gởi lại ngã ba Trung Lương. Đãi bôi bỏ bên cầu Mỹ Thuận. Ấm lạnh người đời mình thả xuống bắc Cần Thơ. Hội hè miên man bỏ lại ở quán ăn bên đường, cùng với được mất đắng cay sau những ngày rời tổ. Có quá nhiều thứ phải bỏ lại, và mình cần có thời gian. Cũng may đường rất dài mà xe chạy thì chậm rãi, nhà cũng xa vừa vặn để mình trở lại là mình (hoặc gần giống mình).

Cũng có khi đi xa tới vùng đất nào đó rất xa, nhớ miền Tây quá lúc quay về mình dứt khoát leo xe đò. Có ít nhất ba thứ đặc miền Tây mà hầu như trên chuyến xe miền Tây nào cũng có: nhạc bolero (hoặc vọng cổ), dầu gió, và… người miền Tây (thí dụ như mình).

Thứ nào mình cũng chịu được, nhất là chịu được cả mùi dầu gió Kim, Nhị Thiên Đường, Trường Sơn… nồng nặc trên một chiếc xe kín mít rù rì máy lạnh. Người miền khác ưa không vô. Có lần ngồi cạnh một anh cứ phe phẩy tay trước mũi chê hôi, mình muốn… đánh anh ta một trận để anh thuộc cho rành cái câu nhập gia tuỳ tục. Thưa anh xứ này người ta bôi dầu gió lên mũi cho ấm, chà xát lên lưng trừ cảm cúm thông thường, uống cả dầu gió những khi đau bụng, hôi gì mà hôi. Tôi đây nè, mới chui ra khỏi bụng mẹ đã được tẩm dầu khuynh diệp, chưa đầy tuổi đã ngủ cùng bà ngoại, nghiện mùi cốt trầu, dầu gió đến nỗi không ngủ được lúc bà đi đâu vắng.

Mình không quen chủ doanh nghiệp nào bán dầu gió để hỏi coi miền Tây hoang dại này mua của anh (chị) nhiều bao nhiêu, nhưng rõ ràng là miền Tây vẫn còn ăn dầu gió thở dầu gió. Ngồi xe đò thì thấy rõ, có nhiều thím bị say xe cứ như tưới tắm bằng dầu. Mình vài ba năm trước cũng hay say, trước khi đi chuẩn bị nào gừng nào củ sắn nào dầu gió xanh… trước khi lên xe còn lượm cục đá bỏ vô giỏ. Nghĩa là vài ba năm trước mình còn… hôi, theo như cách nghĩ của anh bạn đường đến từ xứ khác, từ một nền văn hoá khác.

Dù vậy, mình cũng thòm thèm xoắn áo động tay, vì than vãn dầu gió chán anh lại than vãn mấy cái bài bolero đang ca trong xe văng vẳng. Bài Gió thổi bên sông quặn lòng là vậy mà anh ta phì cười đã thấy giận rồi, chuyển qua Đồi thông hai mộ, Chuyến đò không em cảm động gần chết, mà anh nhăn nhó vậy có phải khó coi, ứa gan không? Nếu vậy thì “Anh tài xế ơi, có nhạc nào mùi hơn nữa thì mở lớn lớn nghe chơi. Hương Lan, Thanh Thuý hay Cẩm Ly… cũng được”, mình chọc tức anh chơi mà cả xe nhao nhao góp lời, “Ừa, được đó”.

Thôi anh chịu khó, xe đò miền Tây nó vậy, bolero cũng như dầu gió, không có sao thành… miền Tây. Nếu anh đừng nôn nóng, đừng phủi như phủi bụi ngay từ đầu, anh sẽ thấy trong mỗi bài ca có một vài câu được lắm, ngọc nằm trong đá chớ đâu. Đây Phố đêm đèn mờ giăng giăng/ Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên…; đây Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng/ Đường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng; đây Dòng đời ngược xuôi bèo mây tan tác…; đây Thói đời cười ra nước mắt khi trắng tay gọi tên bằng hữu giờ giàu sang quên kẻ thâm giao…

Mình thiệt tình không dám chắc là chúng hay, nhưng chẳng lẽ anh bạn không từng có mối tình dở dang như vầy, từng buồn như vầy, từng than thở như vầy, rằng nếu không dang dở làm sao trọn đời nhớ em… Năm ba bữa nữa anh còn ở lại miền Tây là còn gặp bolero dài dài, ở quán ăn, chiếu nhậu, ở những chiếc xe bán nước giải khát rong ngoài đường. Nếu may (tôi nhấn mạnh là may), anh sẽ nhận ra vẻ đẹp của bolero, vào một chiều ngồi bên dòng sông mênh mang, ngó lục bình trôi dưới trời mưa mỏng; hay một buổi trưa hoang hoải ngó những cây thốt nốt trầm ngâm, kiêu hãnh cô độc đứng trên đồng; hay chút nữa đây xe sẽ trôi vào đêm tối, khung cảnh ngoài kia chìm trong mụ mị, anh nghe Cuốc kêu bên trời ta gối lá ngắm trăng lên, hoa bần rơi trắng đôi bờ kinh…, biết đâu anh không còn bĩu môi chê nhạc gì mà sến chảy nước, tới bán bia ôm, đi xe đò cũng viết thành bài hát nữa là sao? Nhưng không bolero thì lấy đâu ra những bài hát cho những người thân phận mỏng, anh?

Mình thu nắm đấm (tưởng tượng) lại, thôi kệ anh cứ ghét đi, ghét cũng là nhớ, nhiều khi còn nhớ hơn thương, chớ giỡn. Bỗng nghĩ, hay là mình ham miền Tây đến mù quáng đi rồi? Ví dụ như chuyến xe miền Tây này đâu có gì hay, ngồi mòn mỏi mất thời gian, phải ngồi máy bay thì đã ngủ một giấc, đã được ôm trẻ con vào lòng. Nhưng mình vẫn chọn xe đò, lý do gì thì mình đã kể rồi. Mình thương cái chị say xe mắt nhắm nghiền mà miệng hỏi han leo lẻo. Ông ngồi đằng sau có kiểu chuông điện thoại bằng câu vọng cổ Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ…, mà bao giờ chờ xuống xề ông mới chịu bắt máy nói chuyện, nói oang oang. Kiểu nói chuyện điện thoại mình gặp rất nhiều trên xe đò, lớn tiếng, đầu thì gật lắc, tay xua xua, hấp háy mắt.

Thôi thì chân chất, ừ thì quê mùa… miền Tây mà, có phải Sài Gòn Hà Nội đâu. Đây là một thế giới khác rồi. Trên những chuyến xe mình từng xuôi ngược, có thím còn mua bắp luộc, bánh mì làm quà. Xe ghé quán ăn dọc đường, nhiều người ngồi chồm hổm chờ ngoài sân không dám ghé mông ngồi vào ghế, sợ thức ăn đắt đỏ. Đi qua quầy trái cây mình thấy có người đứng đằng xa dòm, tay nắn hai túi áo bà ba mỏng, trên miệng túi cài cái kim tây. Có lần mình ngồi cạnh một bà già, cứ ngồi cắn lúa lóc cóc, lúa đó là bà lận lấy từ trong nẹp vạt áo, mới tài.

Những người miền Tây quăn queo lam lũ thật thà này, bolero này, dầu gió này mình không bao giờ gặp trên những chuyến bay. Biết cái lý do mình thích đi xe đò, bạn bè có người cười, mình chống chế bằng một câu danh ngôn nổi tiếng, những gì thuộc về con người thì không xa lạ với tôi. Nhưng trong bụng nghĩ, thôi bà sến thì nói đại là sến cho rồi. Có sao đâu!

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây