“Nó bịnh nằm liệt giường cả tuần nay chứ đâu”.
“Chết cha, coi chừng cúm đó nha bay, giờ ba cái dịch cúm kiếc ghê lắm à!”.
Chú Ba “tám” vài câu rồi nâng tạ lên, mấy thớ thịt theo đà nổi cuồn cuộn.
“Lát tập xong con qua thăm nó nè, mà thấy nó cũng đỡ rồi, tuần sau đi tập lại thôi mà!”.
Tôi và thằng Khỏe chơi với nhau từ hồi hai đứa còn ở truồng tắm mưa. Nhà hai thằng chung vách, thân nhau như anh em. Ngày nào học làm về hai thằng cũng tranh thủ ra phòng tập này, bỏ ra một hai tiếng cho thân hình to khỏe.
“Hai tụi bay mắc cười quá hén. Thằng tên Khỏe, thằng tên Mạnh, hèn chi đi chung với nhau!”.
Hồi đầu biết tên tụi tôi, mấy ông chú ông bác trong phòng tập ai cũng chọc. Mắc cười hơn là hai thằng nhìn tướng thì đô con vạm vỡ mà lại lùn xủn.
“Thằng Mạnh mà không đi chung với thằng Khỏe là tao thấy kỳ kỳ liền”.
“Kỳ sao chú Ba?”.
“Là mày mạnh mà mày hổng có khỏe đó mà!”.
Nói xong chú cười khà khà, còn mấy ông bác ngồi cạnh khục khặc hắc hắc. Ba má tụi tui đặt tên cũng hay thiệt, hổng biết hồi đó có phải là hàng xóm nên chạy qua trao đổi ý kiến nhau không. Hai thằng tôi gần nhà, lớn lên lại học chung lớp, chung trường, chuyện lớn nhỏ gì cũng có nhau.
Ba năm trước, một chuyện xảy ra làm tôi ghi nhớ đến suốt đời.
* * *
“Khỏe, đỡ chưa mày? Mấy ổng ở ngoải hỏi mày hoài đó”.
“Ờ, tao là Khỏe mà, mày còn phải hỏi!”.
Nó với tay lấy cái nạng dựng ở chân giường. Tôi đỡ nó đứng dậy, ra ban công hóng mát.
“Mấy ổng còn tưởng mày dính cúm nữa kìa”.
“Hè hè, mạng tao lớn lắm mày ơi, cùng lắm là “vầy” thôi chứ gì”.
Nó lúc lắc phần thịt còn sót lại trên cơ thể mình.
Bụi bay vào mắt làm tôi cay xè. Nó quay sang vỗ vai bôm bốp:
“Mới nằm nhà mấy bữa mà ngứa ngáy quá trời, cơ nhão hết rồi, mai tao với mày đi tập!”.
“Ờ mai học về tao qua chở mày...”.
Tôi đang học dở năm 3 đại học. Thằng Khỏe đi học trung cấp hơn hai năm, về làm tiệm sửa đồ điện chung với ông già ở nhà. Bà già nó bán cháo sườn ngay trong chợ. Còn ông bà già tôi giờ đã lớn tuổi, có hai ông anh bà chị thì đi dựng vợ gả chồng hết cả, cuối tuần mới thấy về thăm. Nhà buồn nên ổng bả làm mấy cái buồng điện thoại công cộng, kiếm đồng ra đồng vào.
“Thằng Mạnh mày học hành cho đàng hoàng, bớt bớt chơi cho ba má nhờ nha mày!”.
Bà chị lúc nào cũng chỉ lo tôi hư hỏng. Có một thời đúng là tôi đàn đúm ăn chơi bạt mạng thiệt nhưng qua lâu rồi. Cỡ ba năm trước mà nói cái kiểu vậy là tôi nạt lại liền, rồi phóng xe phắn đi nhậu, sáng mai cũng chưa thấy đường về. Nghe thấy thằng Khỏe thằng Mạnh cả xóm lúc đó đều xanh mặt, lè lưỡi. Quậy phá, đánh lộn, nhậu nhẹt, cờ bạc, đề đóm, cá độ, đua xe... chẳng bao giờ thiếu mặt hai thằng.
“Khỏe ơi, đi tập mày!”.
Nó chống nạng bước ra. Tôi dìu nó, bế lên xe rồi đưa lại cái nạng cho nó kẹp ở nách. Cứ tầm 6 giờ đi học về thay đồ xong là tôi qua chở thằng Khỏe cùng đi tập tạ. Chân phải bị cưa ngang đầu gối nhưng có lẽ chỉ là một trong nhiều lý do nó không đi xe. Cái xe đã nát bét sau vụ tai nạn. Lúc co giò nằm trong bệnh viện, nó cười man dại:
“Phải chi cái đầu tao cũng nát như cái xe thì hay biết mấy ha mày!”.
“Mày đừng có điên!”.
Tôi tát nó một cái đau muốn vỡ mặt, dù biết nó đang bị kích động rất mạnh. Nó phá lên cười ha hả. Bà già nó khóc sưng hết hai con mắt. Ông già nó lên cơn đau tim. Còn tôi thì đứng ở đó, lành lặn, không hề hấn sứt mẻ gì.
Đến khi bác sĩ báo gia đình hay buộc phải cưa chân, bà già nó ngất xỉu ngay tại chỗ.
“Ê thằng Khỏe hết cúm rồi hả mày!”.
“Yên tâm đi chú Ba. Thằng Khỏe này ông trời còn bắt sống lâu lắm, chưa chết liền được đâu”.
“Ghê ta. Mà tao nói tụi bay ra đường đeo cái khẩu trang vô đi đâu cũng không có sợ…”.
Nó chống nạng ngồi xuống ghế làm các động tác khởi động cơ bản. Phòng tập của chú Ba giờ này thường rất đông. Ổng là huấn luyện viên, hùn hạp với mấy người bạn cũng toàn dân thể hình mở phòng tập từ lâu lắm rồi. Chủ yếu là có chỗ cho anh em đến tập tành, rèn luyện, sẵn tụ tập ngồi tán dóc với nhau. Chú Ba cho in, treo trên tường mấy chữ rất to: “Một trí óc minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”, vừa tới cửa đã đập ngay vào mắt.
Hai thằng Khỏe - Mạnh đi đâu cũng dính lấy nhau. Bỏ tạ vô đòn cho nó, dìu nó nằm lên ghế đẩy tạ, tập cơ ngực. Mỗi lần nhìn nó tập với một chân cụt ngủn, mím môi hít vào thở ra, mắt tôi lại hoen cay.
“Tao mà đã phóng là đố thằng nào bắt kịp, mày yên tâm đi!” – Nó gào lên át tiếng gió vun vút đập mạnh vào mặt hai thằng.
“Hả, mày nói cái gì tao không nghe…” – Tôi ngồi đằng sau lưng nó hét to.
“Mày điếc hả. Tao nói là không thằng nào hơn thằng Khỏe này đâu!”.
Chúng tôi đang trong một cuộc đua chí tử. Hai giờ sáng. Men rượu làm đầu óc phấn chấn hơn khi nào hết. Tôi ngó qua hai bên đường. Chỉ thấy những vệt sáng loẹt xoẹt của ánh đèn đường và mấy cái xe tải chạy ngược chiều để lại. Tôi buột miệng: đẹp, đẹp! Nó quay lại:
“Dẹp cái đầu mày chứ dẹp!”.
Tôi nhìn ra sau xem thử tụi kia hửi khói “đã” không. Không thấy thằng nào bám theo. Về nhất rồi, thằng Khỏe mà đua thì chỉ có nhất…
“Tập đi, ngồi thừ ra làm gì đó mày?”.
Tôi ừ hử, bỏ thêm hai cục 5 ký vô đòn, nằm xuống ghế hít một hơi đầy lồng ngực rồi nâng tạ lên. Tập như vầy 4 hiệp tất cả. Mỗi hiệp nâng từ 8 đến 12 lần. Tạ xuống hít sâu vào, tạ lên thở ra. Chơi tạ mà nghỉ một hai bữa là người thấy “xuống” liền, nói chi cả tuần không đi. Tập xong phải ăn thiệt nhiều vô, nhất là thịt cá để nuôi cơ. Tụi tôi không phải dân chuyên nghiệp, vận động viên thi đấu nhưng tướng tá đều thuộc hàng “chuẩn” trong phòng tập.
Từ hồi vào tập đến giờ, không ai đả động gì đến cái chân của nó. Các chú các bác đối xử với thằng Khỏe như người bình thường, coi tụi tôi giống con giống cháu. Mấy thằng choai choai và xêm tuổi rất kính nể, coi thằng Khỏe là đàn anh đi trước để phấn đấu.
Cái câu chú Ba treo trên tường làm mấy thằng có suy nghĩ “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” đều phải coi lại. Không biết ở đâu chứ riêng tôi quả quyết ai đã chọn luyện tập thể hình đều là những người có tư cách, suy nghĩ chín chắn. Tụi nghiện ngập, cờ bạc, hút xách, phá phách, hay bọn nhóc ngày nào cũng dí mắt dí mũi hai tư trên hai tư lên màn hình máy tính, mê game online bỏ quên sự đời thì không bao giờ bén mảng đến phòng tập. Đơn giản vì thân hình cò ma của chúng chẳng hề thích hợp ở chỗ này.
Đã biết quan tâm đến cơ thể mình nghĩa là còn yêu cuộc sống lắm. Thằng Khỏe từng muốn cái đầu nó bị bánh xe tải cán cho nát bét. Cái xe tải đã cướp đi một chân của nó không thương tiếc. Nó nằm viện xong về nhà bỏ luôn thi tốt nghiệp phổ thông. Mấy tháng sau vẫn trốn chui trốn nhủi trong nhà, không gặp ai kể cả tôi – thằng bạn chí cốt. Lần đầu thấy cái nạng, cả nhà nó và tôi đều sốc. Tôi thương nó hơn cả anh em ruột, đau muốn xé lòng. Bữa nào tôi cũng qua an ủi, nhưng nó cố tránh mặt. Khốn nạn! Sao lại là nó mà không phải tôi. Tôi đập cửa phòng: Khỏe, còn coi tao là bạn thì mở cửa ra. Không thấy phản ứng gì hết. Tôi lại đập mạnh hơn: Mày muốn trốn trong đó suốt đời hả Khỏe, vậy thì cũng như mày đã chết, bị cái xe tải cán cho dẹp lép. Nghe chưa thằng hèn!
Không biết có phải vì tự ái mà sau đó nó mở cửa cho tôi vào. Gương mặt nó hốc hác tiều tụy, người gầy gò hệt như sắp chết.
“Ngày nào tao cũng mơ thấy cái chân phải. Nó nhảy lấc cấc quanh cái xe máy tao chở mày… Đêm, chân đau âm ỉ, đau dai dẳng mà không sao hết được. Choàng dậy sờ xuống thì đâu thấy nó đâu”.
Tôi đưa nó cái nạng gỗ. Dìu nó tập những bước đầu tiên, chệnh choạng. Không còn chân nên nó không đi xe được nữa. Nó cũng rất sợ lái xe, dù từng là một yên hùng xa lộ chẳng biết sợ ai. Tập được một tháng thì nó đi lại thành thạo.
“Nhìn tao có giống thằng xì ke không Mạnh?”.
Giống thiệt. Nó chỉ còn da bọc xương. Mấy tháng trời nó chẳng ăn gì nhiều, toàn uống thuốc giảm đau, thêm một bụng đầy nước rồi lăn ra ngủ. Nhưng giấc ngủ cũng chập chờn đứt đoạn bởi những cơn đau tưởng tượng từ cái chân đã mất.
“Cái chân nó về nói chuyện với tao...”.
Cơn đau đã chuyển biến thành những ảo giác khó hiểu. Nó kể cái chân trèo lên người, đạp vào mặt nó, đá nó văng xuống giường. Khi tao nhốt mình trong phòng, lúc nào tao cũng thấy nó đối diện. Nó rượt tao chạy bán sống bán chết dù tao chỉ còn một chân. Nó giận tao lắm. Nó nói nó chết để cứu tao. Nó chết để cứu tao mày ạ. Vậy mà tao lại muốn chết…
Thằng Khỏe ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ.
Không phải tôi mà chính nó gợi ý chuyện đi tập tạ.
“Ở nhà chồn chân quá mày. Mấy môn đá banh, đá cầu thì tao chịu, nhưng tập thể hình thì…”.
Từ một thằng chán đời, nó tỏ ra rất phấn chấn. Chắc bởi đêm nào cái chân cũng về đạp vào mặt cho nó tỉnh. Nó nhờ tôi chở đến trường trung cấp đăng ký dự tuyển. Vì chưa có bằng phổ thông nên nó phải học thời gian lâu hơn. Tôi tưởng tượng cứ mỗi lần ý chí nó chùng xuống, cái chân lại xuất hiện, đá vào mông nó một cái rõ đau. Thế là nó phải chống nạng đứng lên chạy tiếp. Hồi ấy tôi thi xong phổ thông rồi thi tiếp đại học, may sao đậu được nguyện vọng hai. Sáng sớm tôi chạy qua chở nó đi học, rồi lên trường. Tối 6 giờ học về thay đồ xong xuôi lại cùng nó chạy qua phòng tập. Ròng rã cho tới khi nó có cái bằng nghề về sửa đồ điện tử chung với ông già. Còn tôi học bốn năm mới tới lượt ra trường.
“Đời tao mất đi cái chân, nhưng ông trời cho tao lại cái khác. Là thằng bạn như mày đó Mạnh”.
Nó lại khóc. Tôi chọc:
“Mày tên Khỏe mà sao yếu đuối quá trời, đụng xíu là khóc!”.
Cái thằng Khỏe ngang tàng, bất cần đời ngày xưa hoàn toàn biến mất. Đúng hơn là cặp bài trùng “hung thần” Khỏe - Mạnh đã mất dạng. Tôi dành dụm mua cho nó cái chân giả, vừa thẩm mỹ, vừa tiện đi lại hơn. Nó cầm lấy rồi cất vào trong tủ. Tôi ngạc nhiên. Nó nói:
“Cảm ơn mày nghen Mạnh. Cái chân mày tặng cho tao tao rất quý, tao sẽ giữ nó cẩn thận. Nhưng tao muốn để bình thường vậy, cho mỗi lần nhìn xuống tao biết tao sống vì cái gì”.
Lần này thì tới lượt mắt tôi cay xè. Mắt tôi vẫn thường cay khi chứng kiến thằng Khỏe ngồi say sưa sửa đồ điện, cái chân cụt vắt vẻo lên ghế. Hay mỗi lần nó nâng tạ trong phòng tập kín người đẫm mồ hôi nhễ nhại… Phải rồi Khỏe, mày còn tao làm một đôi chân sống cơ mà.
“Nằm ở nhà một tuần, có nhiều chuyện xảy ra lắm!”.
Nó lấy khăn thấm mồ hôi trên cổ. Tôi mệt quá, với bình nước suối tu cho đã khát. Thằng Khỏe bị sốt cao, cứ tưởng là cúm thiệt. Đi khám bác sĩ hóa ra không phải, ổng cho một đống thuốc, uống cả tuần thì hết. Nó nói lúc sốt cao, cái chân lại về gặp nó. Cái chân bảo lần này là lần cuối cùng, từ rày về sau nó sẽ không về đạp lên mặt thằng Khỏe nữa. Cái chân nó cũng “siêu thoát” hả mày? Tao không biết. Sau trận sốt đêm đến chân tao không còn đau nữa. Không bao giờ đau nữa. Mày nhìn nè, chỗ này nó mới nhú lên một phần thịt mới.
Tôi nhìn kỹ hơn phần thịt còn lại trên cái chân phải. Chẳng biết lúc đó tôi có bị hoa mắt hay không. Phần thịt trông giống như một cái miệng đang mỉm cười. Một nụ cười mãn nguyện.
Hai năm sau thằng Khỏe lấy vợ. Trong phòng tập, mỗi tháng anh em mua một cái thẻ có sẵn ba mươi ô, mỗi ô có giá trị một ngày. Mỗi ngày đến tập thì xuất trình cho cô bé đứng ở quầy ngay trước cửa ra vào để đánh dấu vào một ô. Vợ thằng Khỏe sau này là cô bé trực ở quầy đó. Bữa nọ tôi buột miệng hỏi, sao em lại thương thằng Khỏe. Vợ nó tủm tỉm, em thương nhất có lần ảnh nói một câu làm em nhớ hoài:
“Vy à, đời anh có thể tàn, nhưng anh…”.
Chưa nghe dứt câu thì thằng nhóc con đã hức lên re ré. Má nó phải dỗ: A má thương, má thương, chú Mạnh bạn ba con tới thăm nhóc nè. A má thương, má thương…
Tác giả: Lưu Quang Minh
Ý kiến bạn đọc