Khói trời lộng lẫy (kỳ 2)

Thứ ba - 24/11/2009 08:40 11.097 0

Minh họa: Khởi Huỳnh

Minh họa: Khởi Huỳnh
5.
Chỉ có một đám giỗ ở xóm Cồn, trùng với ngày tôi với Phiên bước chân lên đó. Người ta nhắc, năm trước cô Trầu nhớ hôn, thằng nhỏ con cô mới biết đi lũn đũn, năm nay nó nói sõi, chạy không sót chỗ nào.

>> Khói trời lộng lẫy (kỳ 1) 

Tôi nhìn ra sân, Phiên đang rượt con vịt xiêm trống, cố cưỡi lên, rồi té lăn quay ra đất. Con vịt chạy mất, thằng nhỏ lồm cồm ngồi dậy, day qua nắm đuôi con chó phèn, lại dạng háng định trèo. È ạch. Trong tôi có một tôi ngỡ ngàng kêu thầm, trời đất, một năm rồi sao ?

Một năm. Hai mươi ba lần cười khi người ta hỏi, sao trôi giạt tới chỗ này. Một lần đốt sậy làm rẫy. Năm lần gieo và thu hoạch trên những giồng rau. Một lần bị rít cắn. Một lần cuốc phập vào chân tuôn máu. Tám lần thằng Phiên ấm đầu, sổ mũi, ho. Bốn lần hết gạo nấu cơm, phải giả đò đợi đến bữa qua chơi nhà khác, chờ ai đó mời lơi là nhào vô ăn chực. Ba lần quá giang xuồng đi chợ cách Cồn hai cây số đường sông, ba lần Phiên nhìn thấy người đông. Ba lần bỏ quên thằng nhỏ ở nhà hàng xóm, lúc nhớ ra chạy đi tìm thì nó đã ngủ queo rồi.

Mười năm sống một mình trở thành một thói quen đáng sợ. Tôi thường đi băm băm làm Phiên rớt lại đằng sau, thường ăn cơm bằng dĩa… Giờ phải luôn dặn mình nhớ, mình là mẹ thằng Phiên. Làm mẹ thì nên thường xuyên hôn hít nó, ôm ghì nó quay vòng cho đến khi cả hai chóng mặt quá nằm bẹp xuống đất, thổi vào mấy chỗ nhột của nó cho nó cười nắc nẻ, dành cho nó những trái chín cây ngon nhất, cuộn nó vào lòng lúc nửa đêm… Mẹ tôi đã từng làm vậy, với tôi. Tôi học cách làm mẹ, từ bà.

Và làm mẹ thì không bao giờ để con mình thiếu ăn. Tôi theo ông Sáu Câu đi câu.

Ông già kỳ lạ đó có hai cái chòi cất trên cồn. Chòi phía Tây nằm sát mé sông, mỗi khi nước rong, hay mùa lũ đến nhấn cồn lún xuống, chòi còn trơ trọi nóc. Ông già chuyển lên sống ở chòi phía Đông, vốn ở lưng chừng, nhưng giờ cũng chấm chân vào mép nước. Và trong cái chòi lá quật quăng tơi tả, ông đối mặt với dòng sông, ngồi câu bất kể những ngày mưa dầm tối tăm trời đất.

Ông không mê câu, ông không sắm chiếc xuồng đi tìm cá như những người kiếm sống trên sông.  Ông chờ cá tìm mình. Vì ông hay thèm giết người. Bởi thèm giết người nên ông ra cồn Bần ở, khi mãn tù. Ở đây, nếu sự ham muốn đó trỗi dậy, ông phải lội qua sông, hay chờ tàu đò đi ngang. Có khi tàu tới thì ông ngủ quên dưới tán cây muồng. Có khi lội chạm bờ kia thì ông mệt rã rời, tạnh nguội nỗi khát khao máu người. Nằm thở một lát, ông lội ngược lại cồn.

Người xóm Cồn kể có ngày ông qua sông đến ba bận. Không muốn lội tới lội lui, ông câu cá. Tôi hỏi :

- Chú hết muốn giết người rồi sao ?

- Còn chớ, hận thâm căn cố đế mà. Nhưng nhờ câu cá. Lúc nào muốn quá thì xách câu ra, dặn trong bụng, chừng nào dính được con cá mới được đi nghen. Rủi, có bữa mới thả câu thì thấy nó rị phao.

- Rồi sao chú ?

- Thì bắt cá nướng ăn.

Ông già cười, tôi cũng cười. Tôi tập hỏi để tôi trở về con đàn bà hai mươi chín tuổi, chớ không phải bà già chín mươi hai. Một phần, ở cái đất Cồn này, mỗi lần hỏi đều nhận được câu trả lời, hoặc gần với câu trả lời. Hỏi chị Thiện nhớ chồng không, chị cười khậc khậc, nhớ khúc dưới của ổng, tắm nhớ, nằm nhớ, ngủ nhớ. Hỏi chú thím Đình con gái họ đâu, họ cười, phải thả nó vô ở trong chợ để bẹo coi có ai lấy không, chớ ở ngoài này chắc có nước lấy thằng Thơ “khùng”. Người đàn ông tên Thơ đó sống một mình, suốt ngày ràng cái radio cạnh lỗ tai, mở đài rột rẹt rột rẹt cả khi đi ngủ, có bữa đi ngang qua thấy anh đứng một chân dưới gốc cây trứng cá, hỏi anh làm gì, anh nghiêm nghị, “Đừng nói rùm, con vịt đang học tiếng người”. Hỏi ông Sáu đã giết ai, ông già ngó ra sông, để lời rớt khỏi môi như một giọt rượu chảy ngược qua cái răng gãy, “Ai trồng khoai đất này, vợ tôi”. Và có khi tôi chưa hỏi, ông đã nói, “Thứ đó không phải để câu cá”. Đó là lúc tôi nấn ná gần cây cần câu nhỏ ông dựng ở góc chòi đã lên nước bóng ngời, sợi nhợ mỏng nối với một lưỡi câu lớn không ngạnh, thẳng như cái lẹm may đệm.

Ông già đã bao nhiêu lần thả câu này vào sông chờ tạnh nỗi thèm muốn chạy tìm gã tình địch đã làm ông nhúng tay vào tội ác, tôi tự hỏi lúc nắm đoạn cần câu lạnh buốt, neo lưỡi câu nào nước như một dấu chấm than. Ngồi câu hàng giờ bên cạnh thằng Phiên đang giang tay phơi rún ngủ, tôi tưởng mình đang chờ nó thức dậy để hai mẹ coi cùng về nhà, nấu cơm chiều. Ông già day lại móc mồi, bâng quơ hỏi, cô sợ gì sao?

Tôi nói không, nhưng nhận thấy câu trả lời đó rất bất công với ông, tôi sửa lại, à mà có, cháu sợ mất.

6

Cảm giác mất mát gieo trong tôi hồi nào không biết, lúc ba tôi đi hay khi mẹ tôi chết hay vì Lam ? Làm việc ở Viện di sản thiên nhiên và con người non hai năm thì nó trở thành nỗi ám ảnh.

Ông bảo vệ ở cổng Viện có lần ngó tôi, nói cô Di cười như mặc cái áo, giấu mớ lộn xộn bên trong. Tôi cãi, có gì khác da thịt đâu chú. Ừa, nhưng chắc có đôi ba chỗ đã bầm tím. Thêm một lý do tôi thích những ông bảo vệ, họ biết tôi về khuya hay sớm, biết bữa tối tôi ăn xôi hay bánh mì, biết tôi có áo mới, biết tôi vừa cắt tóc, biết cả ít chuyện riêng tư, “cái cậu chạy đò tên Nhứt gì đó, chắc thương cô Di mà cô không để ý, nên lúc này không thấy lên nữa…”

Tôi nghĩ là không phải, Nhứt không tới Viện nữa bởi những xóm ấp ven sông đã mất. Chính xác là chúng vẫn dọc theo dòng sông nhưng làng mạc trong lòng Nhứt không còn. Lúc đầu Nhứt còn nhăn nhó lác đác, than vãn lai rai khi cái đình thần Thạnh Hưng xây lại, sơn phết như “nhà lầu ở thành phố”, khi người ta làm cửa cho những ngôi nhà vốn bao đời mở phơi lòng, khi người ta dẫn nhập nước mặn vào đồng... rồi thì một bữa Nhứt tới chơi, nói, đi nhậu chế ơi, lần này nữa thôi…

Nhứt không tới nữa. Ấn tượng cuối cùng về Nhứt là cậu ta quăng ly rượu vô vách quán bể nát, chửi thề, “Đ.má nó, quê tui còn mẹ gì, giống như cái biển vậy …”. Điều đó làm Nhứt khác chúng tôi, Nhứt không chịu nổi sự mất mát. Còn người ở Viện đối mặt với mất mát hằng ngày, hàng giờ, ở trong nó, ăn nó, uống nó. Họ buộc phải lựa chọn, hoặc không yêu bất cứ gì, hoặc tập chai sạn trước nỗi đau.

Cách nào thì dẫn con người về một chỗ : vô cảm. Họ có thể giẫm lên những mầm cây vì tin rằng những cái cây này không bao giờ sống sót được mười năm tuổi, khi cái xóm nghèo đang chực hờ gần đó. Họ có thể uống rượu với chim sẻ nướng dù biết đó là những con cuối cùng, cái còn lại là tiếng hót, cảnh chúng sà xuống sân như một bầy lá rụng… lưu giữ trong Viện.

Tôi không còn thích ra quán ngồi, như hồi Nhứt còn tới lui rủ rê. Hồi đó tôi nghĩ đây là dịp mình được gần anh Viện phó, được gần gủi những đồng nghiệp có khi chỉ mới gặp lần đầu. Hồi đó tôi vẫn chưa mở được tất cả những cánh cửa trong Viện, giữa những chuyến đi về. Hiếm hoi gặp một chị Hát lỡ thời, say đắm những cơn gió trời thích anh Đê bên phân ban con người nhưng anh này lại mãi mê đeo đuổi vẻ đẹp của những người thợ mỏ. Mối tình này luôn để ngỏ. Một anh được giới thiệu là ‘xài hao vợ” suốt ngày giang nắng cùng những người đàn bà quang gánh. Mẫu của anh rất hay, những người phụ nữ có đôi vai lệch và bên vai áo sờn, những đôi chân gân guốc vồng lên vì chịu nhiều sức nặng.

Người của Viện đông, nhưng họ cũng như tôi, đi níu kéo những mong manh, chỉ khác, họ hay đi cùng nhóm, thực hiện những chuyên đề về làng nghề, những trò chơi dân gian, hay nghệ thuật dân gian. Lâu lâu, thấy phòng đã lâu im ỉm bỗng dưng hé cửa, bật đèn, biết có người về, tôi ló đầu vào làm quen. Sau đó nhậu nhẹt, khen nhau và chê nhau. Cái anh hay theo mấy cô thôn nữ đội nước lên đồi cát chê anh nằm vùng trong những hẻm lao động đem về mấy cái mẫu tầm thường, lem luốc. Anh này cười nói đẹp đâu phải là mấy cô gái mặc áo dài đi qua cầu khỉ, đẹp là mồ hôi, là da sạm, tay chai. Rồi thì gió qua đồng cỏ là cái đẹp xa xỉ và vô nghĩa, một cánh đồng xanh mạ, hay rẫy bắp đang trổ cờ hay hơn nhiều. Rồi thì bồ câu là vứt đi, chim đồng chim bãi mới đẹp. Rồi thì rừng núi mới kỳ bí, mới nhiều tầng nhiều vỉa cần khai thác, chứ đồng bằng toang hoác, còn gì mà người ta chưa chạm vào đâu. mấy anh phân ban thiên nhiên nói không con nào tàn phá gây hại như con người, đi tới đâu thiên nhiên lụn bại tới đó. Mấy anh phân ban con người sôi máu, vậy thì anh từ chối làm người rồi, con người mà không đẹp thì có gì đẹp nữa.

Lúc đó tôi ngồi rất gần họ, mông bẹp lên xác kẹo cao su của họ, mặt dính dấp nước bọt của họ, mắt thấy vũng ghèn và những bợ rau trên răng của họ, tôi bỗng nghĩ mười năm trước hẳn họ vẫn còn rất đẹp, họ còn biết run rẩy, xốn xang, đau nhói trước cuộc đời, nhưng không ai giữ vẻ đẹp của những người giữ gìn vẻ đẹp, cũng như không ai lãnh đạo lãnh đạo những người lãnh đạo, không ai chiến đấu cho những người chiến đấu. Bỗng dưng cái sự gấp gáp trỗi dậy, tôi sực nhớ mình cần đi tới sông, suối. Bỏ cuộc chơi giữa chừng, ai đó càm ràm, nhỏ này đi như điên, không mệt hả ?”

Tôi xốc ba lô lên vai ngoái lại cười, mệt sao được, em có tới bốn cái chân.

7

Suốt một mùa mưa, tranh thủ nước trời tôi cắm mặt vào rẫy. Mây treo phía lưng tôi mỗi ngày năm bảy tiếng đồng hồ. Trong khi tôi cuốc giồng này thì giồng rau muống đã vượt khỏi gang tay, bên kia cải vừa gieo hạt, nhưng những cây còn sót lại đã lên ngồng hoa chấp chới. Tôi giành đất với lau sậy, lấn từng giồng một. Sao cho mỗi khi xóm Cồn có xuồng đi chợ là có mớ đồ rẫy tôi gởi theo. Và với Phiên mỗi chuyến xuồng về là một cuộc hội hè với bánh kẹo, quần áo mới.

Tôi chờ bí ra trái. Tôi chờ ổi ra trái. Tôi trồng những cây lâu năm. Đôi khi tự thấy hành động này cũng giống như ông già Sáu ngồi bên sông với cần câu lưỡi chữ i, tôi đang neo cặm mình vào mảnh đất này, nuôi Phiên lớn.

Người xóm cồn đi qua rẫy tôi nói, cô Trầu làm lụng như có tới bốn tay. Ểnh người, một tay chống nạnh, một tay đấm lưng, tôi lặng đi với nỗi tật nguyền.

Tôi nhớ Lam. Hồi học cấp Ba, khoảng giáp Tết Lam xin cho tôi theo chú của nó đi sơn tường nhà. Đôi tay tôi lại khô, sau cả năm dài dầm trong mấy chậu rửa chén ở nhà hàng. Tôi gói đuôi tóc dài trong nón, làm chân sai vặt bên dưới, Di ơi lấy giùm thùng sơn, Di, lấy cho cây cọ, giấy nhám đâu rồi, Di và Di, dời thang. Tôi rất thích công việc này vì được kêu Di ơi suốt. Tôi thèm muốn mình được gọi tên, đến nỗi có lần mướn thằng nhỏ bán vé số, nói nó kêu Di ơi đi tôi trả năm ngàn. Nó nói vậy tui làm má bà hen, rồi chống nạnh riết róng, Di, về tao biểu coi. Thấy tôi trào nước mắt, nó cụt hứng, càu nhàu, “thôi bà khùng quá bà ơi, tui lấy tiền của bà chi...”

Nên tôi thích đi làm những chân sai vặt, khoái cảm với những lời rầy rà la mắng. Việc sơn tường càng thích vì khi lơ lửng trên cao người ta sẽ kêu tên tôi nhiều. Lam hay ghé qua công trình của chúng tôi, nói, đi học thêm về tiện đường… Chú Út cười, sao không nói thẳng là mê gái, mậy ? Tôi lừ đừ không ngó tới, miết giấy nhám vào vách tường loang lổ. Tôi không thích Lam nhà giàu rảnh rổi, mới lớp mười một mà đòi yêu đương. Tôi ghét cái tên không biết là trai hay gái, ghét chiếc xe máy tiếng nổ như xé vải. Tôi ghét Lam cha mẹ đủ đầy, thậm chí còn dư mấy má nhỏ ở quận hai quận tám. Tôi ghét cái đầu tóc dày hất ngược bồng bềnh, ghét luôn nước da trắng và cái mũi thẳng, ghét như thể trời lấy hết của tôi để ban cho Lam.

Lam biết, nhưng nó vẫn thích, cuộc sống của một thằng con trai muốn gì được nấy không phải lúc nào cũng gặp một thách thức thú vị như tôi. Một bữa đúng lúc Lam đảo tới đảo lui, de qua de lại, tôi dời cái thang chữ A ra ban công, thang nhôm chạm vào dây điện trung thế làm tôi chết giấc.

Lúc tỉnh dậy tôi đã sống cuộc đời khác. Người ta kể Lam vì cứu tôi nên đôi tay bị cháy, có thể phải tháo khớp tận vai. Có vẻ như ông trời đang lấy của Lam để chia chác, nhưng tôi biết làm gì với một đôi tay nữa, chỉ một thôi đã quá nhọc nhằn rồi.

Nhưng tôi không có chọn lựa nào, Lam đã cho rồi, tôi phải nhận. Thăm Lam khi vừa tỉnh dậy, nó khóc, tôi mếu máo nói,  “không sao đâu, tui sẽ lấy Lam làm chồng”. Lam ngoẹo đầu qua bên vách, cố giấu cơn khóc dữ dội hơn, lúc đó thật sự tôi cảm nhận được trọn thương tổn của một con người, khi khóc mà không có tay để giấu mặt, không có tay để lau nước mắt. Ba bà mẹ Lam ghét tôi cay đắng, nhưng Lam kêu, “ở chơi !”. Hồi đó, báo chí ca ngợi Lam như một anh hùng, nhiều cơ quan tới tận giường tặng bằng khen, tặng tiền, tặng nước mắt cảm thương. Lam hất ánh mắt về đống quà đó, chua chát, “nhồi mấy thứ đó lại, nắn làm tay xài chơi”. Dù vậy, Lam vẫn tiếp nhà báo và trả lời tám cái phỏng vấn, nói tôi không hối hận.

Lam nói không hối hận. Nhưng mắt nó nói tôi hối hận. Mặt nó nói tôi hối hận. Đôi tay áo trống rỗng phơ phất của nó nói tôi hối hận. Tôi chưa bao giờ thấy nỗi buồn nào giống vậy, buồn vì đã làm việc tốt. Buồn vì đã tốt.

Những lần tôi tới chơi, vui thì Lam để tôi đẩy xe đưa nó ra vườn, buồn thì nó đuổi thẳng, về đi, tui không cần thương hại. Tôi chối, “đâu có đâu…”. Lam cười chát ngắt. Ánh mắt tôi đã phản bội, nó nói rõ ràng, tôi thương hại. Không bao giờ dám nhìn thẳng vào đôi vai trụi trơ.

Tôi cố dặn mình hãy nhìn vào đó công bằng như nhìn một người lành lặn, công bằng như nhìn thằng bạn mà mình căm ghét, tôi cười ha ha và nói đáng đời mầy, ai kêu mày giàu, mày sung sướng, giờ ráng chịu. Những buổi tối làm việc ở nhà hàng, tôi cắt cánh gà, và nhìn vào cái thân mình trụi lủi của nó, và thấy không có gì là khó. Nhưng Lam không phải con gà, hay cái cây bị tỉa nhánh, Lam là thằng bạn vì thích tôi nên nhận lãnh tai nạn cho tôi. Tôi không đi làm thêm nữa, học xong tới thẳng nhà nó, cười cười nhăn nhở, bất chấp nó buồn hay vui. Đôi lúc cảm giác chúng tôi đang giày vò, làm tổn thương nhau. Một bữa, lúc tôi ngáp hời hời trong lớp thì bên kia thành phố Thơ nhảy xuống lầu.

 - Mầy sống nhăn răng đây mà còn khóc lóc gì nữa ? - Mẹ Lam hỏi lúc xâu túm tóc tôi, dập đầu tôi vào tường. Tôi bắt đầu cười, bắt đầu sống cho hai người, nhưng việc đó cũng làm tôi tàn tật.

Nghe câu chuyện này, anh Viện phó kêu, thôi khóc nhiều rồi, từ giờ em nín đi. Nhưng tôi đâu có thấy mình đang khóc.

8

Chuyện của Lam, tôi kể anh nghe trong một tối trời mưa. Co ro cúm rúm trong một căn lều ở bìa rừng, lớp lá mục dưới chân ngấm ướt, phải ngồi chồm hổm, hai chân tê rần, tôi lóng ngóng không biết ngó gì để khỏi ngó anh. Cửa lều bóng đêm đã bịt kín.

Anh ở quá gần. Với tay là tới. Không che giấu được vẻ bất ổn, bối rối, sốt ruột. Có điều gì lớn lao, sâu thẳm lắm mới làm anh đánh mất vẻ kiêu bạc, ngạo ngược thường ngày. Tôi ao ước, phải chi mình là lý do, chứ không phải vì cánh rừng này.

Năm sau, người ta sẽ san phẳng chúng và trồng lên một khu công nghiệp. Chúng tôi kéo tới đây, làm chuyên đề rừng trước khi nó biến mất. Nên tôi được đi cùng anh, chuyến đầu tiên, đêm đầu tiên. Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự vật vã của một “con nghiện rừng”. Người ta gọi anh vậy. Những gì anh mang về phòng tư liệu nói vậy. Những khi thầm lén và mơ mộng, tôi đã mở tất cả những khay mang tên anh, muốn rớt nước mắt nhiều lần. Vì mẫu đẹp kinh khủng, lúc nào cũng chực bứt ra khỏi máy móc, đòi sự sống, đòi hơi thở, đòi xanh, đòi không khí trong lành chứ không phải trong căn phòng lạnh ngắt. Nghĩ, nếu ai đã yêu đến vậy thì không thể yêu con người nữa.

Nên anh có kiêu hãnh hơn, lạnh lùng, xa cách hơn tôi cũng không ngạc nhiên chút nào. Chỉ thấy lạ khi con người đó trở nên đa cảm trước sự mất mát. Mười lăm năm anh làm việc ở Viện, bỗng yếu mềm như một đứa mới vào nghề, trong một tối mịt mùng mưa.

- Nghe lời tôi, em đừng yêu bất cứ gì.

Tôi nghĩ thầm, sao làm được ta, mình có tới hai trái tim mà.

- Trời đất, anh ơi, em yêu luôn những cái đã mất rồi.

- Nói tôi biết đi, em đã mất gì ?

Tôi cười, nhưng cười không phải là một câu chuyện để nghe. Giữa cô quạnh, không có chiếc xe nào chạy qua, không có người nào đi qua, tôi không có gì vớ lấy để đắp những hố thẳm trong tôi lại.

- Em kể đi. Em nghĩ trên đời này có người nào muốn nghe em hơn tôi sao ? Anh hỏi.

Ngay giây phút đó, tôi không bao giờ mặc cái áo cười trước anh nữa. Tôi là tôi, trơ trụi, tóc dài xơ xác, gân guốc bụi đời, và rửa mặt mỗi ngày bằng nỗi muộn phiền không đong đếm được. Quá nhiều chuyện tôi muốn kể anh nghe, nhưng tôi bắt đầu từ Lam. Như nàng Sheherazade, tôi để dành vài câu chuyện cho lần sau, không phải vì sợ chết, chỉ sợ không có dịp thứ hai, đêm thứ hai.

Lúc đó tôi không nghĩ là sẽ cùng anh đi tận những đất trời. Lúc đó thì tình yêu giống hệt chiêm bao. Bởi sáng sau thức dậy ở cái bìa rừng đẫm nước, anh lại là anh sếp nhiều kinh nghiệm, thông minh đến lạnh lùng, kẻ cả đến xa cách. Một bữa theo những triền sông tìm những lò rèn, lò cốm, những vườn trầu, cau còn sót lại… thấy ham quá không hay chuyến đi đã dài hai mươi bảy ngày. Về Viện, anh đón tôi bằng cái tát rát mặt, giận dữ nói “sao em không đi lâu hơn nữa ?”. Mà kỳ thiệt, anh lại kéo tôi ôm vào lòng.

Khoảnh khắc đó tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống không phải tiếng chim ríu ran ban mai, không phải tiếng tu hú gọi bạn tình ướt loang sương sớm, không phải tiếng suối rót nước xuống gờ đá, không phải tiếng sóng khơi xa… mà là tiếng của một người yêu nói yêu một người yêu. Tôi nghe rồi, bàng hoàng nghĩ chắc chết mới hết cảm động.

Nhưng tôi phải tỏ ra không cảm động gì cả, khi rời khỏi căn phòng đó, khi gặp một đồng nghiệp ái ngại hỏi, “bị thằng cha khó chịu giũa te tua rồi hả ?”. Tôi cúi đầu buồn tủi cho giống như cô nhân viên ít thâm niên xốc nổi, hay mắc lỗi vừa bị ông sếp khắt khe rầy rà. Thành phố giống như một sàn diễn lớn, và chúng tôi đang cố tròn vai.

Có khi về thành phố lúc cuối tuần, giống như diễn viên chờ vai trong cánh gà, tôi vạ vật ngồi quán ở ngã tư Sương, uống một ly cà phê đá cùng bảy ly trà đá, ngồi từ sáng tới chiều, mong bắt gặp anh chạy xe qua để nhìn mặt, vậy thôi. Có lần thấy anh chở con, đứa nhỏ cao nhòng nên phải khoanh tròn trong lòng ba nó, đằng trước. Vợ anh ngồi sau thổi nhẹ một câu nói nào đó vào vành tai chồng. Chị là tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học, tài giỏi và nhan sắc. Tôi đọc những bài viết sắc sảo của chị in trên báo, thấy chuyện chị không nhận được tình yêu trọn vẹn của anh chỉ vì lúc mặn nồng chị hay mở mắt ra nhìn, thiệt là lý do vô duyên. Anh thì không nghĩ điều đó là ngớ ngẩn, “tôi cảm giác như cổ đọc tôi, dò xét tới gan ruột tôi. Ngay cái lúc con người bản năng nhất, thì cổ vẫn lý trí, vẫn suy nghĩ”.

Tôi cũng thường suy nghĩ lắm, khi quấn nhau, khi mê miết da thịt nhau đến tan thành khói, thành nước. Không thể không nghĩ, khi chỗ chúng tôi ở, nơi chúng tôi tới hay vừa rời khỏi, mọi thứ đang đứng bên bờ vực mất mát, và chúng tôi sẽ cùng nhau bao lâu, tôi tự hỏi. Nhưng dù đây là lần cuối cùng tôi áp tai lên môi anh nghe câu chuyện của dã hương, dầu song nàng, chiêu liêu, sến mũ… thì tôi vẫn đẹp. Tôi không muốn “phải chi…” một điều gì đó về anh, sau khi đã dai dẳng hối tiếc, phải chi tôi đừng có lẻo đẻo theo mẹ hỏi về cha tôi, phải chi trước tai nạn tôi nói yêu Lam cho rồi…

Yêu nhau phải đến trăm lần cuối. Tôi hầu như về thành phố rất vội, nộp mẫu, thanh toán những khoản phí với mấy chị kế toán thủ quỹ đa đoan (lần nào trao tiền cho tôi mấy chị cũng hơi hơi đau xót)… tôi lại khăn gói lên đường. Giữa thành phố tôi ngày càng ngơ ngác, nên có bữa kêu anh xe ôm từ bến xe về Viện, anh này chạy lòng vòng qua tám ngã tư ba ngã bảy, nhưng tôi chỉ trả tiền bằng đoạn đường ngắn ngủn mà tôi biết, thấy anh định há miệng ra cự, tôi cười, ủa, em tưởng anh chạy lòng vòng là vì anh thích em. Bữa khác về Viện gặp một người đàn ông đang đứng tra khóa vào ổ , tôi khều vai ông, lộn phòng rồi chú ơi, đây là phòng viện trưởng đó. Ông già ung dung cười, “thì chú là viện trưởng mà. Bây mới vô làm hả ?” Tôi bật ngửa, dạ con làm được năm rưỡi rồi. Ủa, vậy sao ? - Ông hỏi bằng cái giọng ung dung, lúc nào cũng ung dung, rót trà ung dung, nhắc tới mấy chứng bệnh trong mình, nhắc tới tuổi già, những lần nằm vùi ở mấy bệnh viện vẫn ung dung.

Sự ung dung, chậm rãi làm nhiều cấp dưới sốt ruột, trong đó có anh.

May nhờ hẹn hò khiến cho nỗi chờ đợi trong anh dịu cơn quay quắt. Anh đón tôi ở con đường tôi sẽ qua, rất xa thành phố. Đôi khi tôi là người làm việc đó. Vẫy đúng chiếc xe anh ngồi, rủi trên xe đó có người quen biết chúng tôi, tôi sẽ nói, trời, trùng hợp quá hén, anh đi đâu vậy, rồi tới chỗ nào đó một mình tôi xuống. Hành trình có trắc trở chút đỉnh, nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng được lang bạt với nhau.

Có bữa đi tới cái thác có mỏm đá trông giống đầu con voi, ai đó đắp thêm cái ngà bằng bê tông cho người ta khỏi mắc công tưởng tượng, anh cười chua chát, “Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách hạ nhục, hủy hoại nó. Còn thiên nhiên trả thù bằng cách nào em biết không ? Nó biến mất”. Tôi trân trọng những lời này cũng như câu “anh yêu em”, ghi nhớ dài lâu, cảm kích như đứa học trò ngưỡng vọng ông thầy đã giỏi mà còn đẹp.

Có bao nhiêu tình tôi yêu hết, không để dành. Sắp hết chuyện để kể, cũng lo. Một bữa tôi rủ anh ghé qua một cái quán nước vùi giữa bụi đất đỏ, gặp người đàn ông tóc chải mướt ngồi đằng trước vuốt ve âu yếm mấy con gà nòi, vợ ông mặt héo quắt bưng cái bụng bầu nhọn lểu với hai ly nước mủ gòn ra, ngượng ngập vén những sợi tóc chớm bạc khi tôi hỏi bà mang thai tháng thứ mấy, “trước giờ đẻ toàn con gái, giờ già đầu mới kiếm được con trai nè, bà hất mặt về phía chồng, ổng mừng húm”. Tôi day qua ngó mấy con gà, thấy mình tệ hại hơn tụi nó, bàn tay đó đã lần nào ve vuốt tôi ? Nghĩ vậy, nên níu anh đứng dậy đi, chân bước chấp chới.

Đó là câu chuyện cuối cùng liên quan tới nhân thân mà tôi lâu nay để bụng, coi như đã chia sẻ hết sạch rồi. Nhưng vua vẫn để con nhỏ Sheherazade ở bên mình, bởi vua yêu nó không phải vì những câu chuyện của nó. Vua yêu tâm hồn xanh xao của nó, yêu những quạnh hiu được che giấu bằng vẻ ngoài mạnh mẽ, yêu sự giản dị và và vẻ đẹp rực lên bất chấp bao nhiêu mất mát. Yêu vì khi khám phá vẻ đẹp của nhau, bỗng thấy nỗi đau, niềm đam mê, sự hiu quạnh, hoang mang của người kia cũng giống mình. Yêu vì anh kể về rừng tôi không bao giờ ngủ gật, luôn háo hức dạ dạ, ui trời, vậy hả ?

Nhớ lại thì hồi yêu nhau, anh cũng kể nhiều câu chuyện với tôi. Có bữa anh rủ tôi ghé tạt ở nhà hàng bên đường khi bữa cơm trong thị trấn vẫn còn no căng bụng. Chị chủ quán trạc tuổi anh, là người quen cũ, đã chớm đẫy đà, mà đằm thắm kinh khủng. Mừng đến mắt như cháy ngút lên, nhưng vẫn đằm thắm, “coi anh vui hơn hồi trước”, rồi chị ngó sang tôi, bảo “chắc em phải cảm ơn cô bé này thiệt nhiều”. Anh cười hỏi em khỏe không. Dạ cũng bệnh lặt vặt như người ta, em già rồi. Hai anh em ngồi chơi nghen. Chỉ nói bao nhiêu câu, chị vào bếp, chúng tôi ra sau hè rửa mặt, ướt đầm đìa bởi tiếng ve. Lúc vào thì chị đã dọn ra những món ăn anh thích. Hỏi thăm năm ba người có còn ở Viện, hỏi thăm những đứa con đang học lớp nào, hỏi thăm rừng khộp Chớp Mi, thủy tùng Lac Deo… còn hay mất, hỏi thăm cái suối lần mình bị kẹt lại vì lũ quét còn hay mất, hỏi thăm những người hát dân ca trong bộ tộc Sai So còn hay mất ? Câu nói, nụ cười xoắn xuýt, man mác. Một hồi thấy có đứa nhỏ rớt ra ngoài câu chuyện của hai người, anh day sang tôi nói, trước Trúc làm ở viện mình. Tôi cười nói, dạ, em biết rồi. Tôi biết chị trong phòng tư liệu cơ quan, tôi thương chị như đã từng chào nhau nhiều lần, tôi vẽ chân dung chị từ những mẫu mang tên chị, gắn bó duy nhất với vùng đất Thổ Sầu.

Nhưng mẫu của chị, và của anh nữa, đã dừng lại ở mười hai năm trước. Mười hai năm trước, người ta bắt đầu tới vùng thảo nguyên Thổ Sầu xới tung nó lên tìm quặng, nơi đó biến thành một đại công trường. Chị đưa đơn nghỉ việc. Anh từ giã rừng, nhận chức viện phó người ta đã từ lâu mời mọc. Anh cưới con gái của thứ trưởng. Anh muốn làm viện trưởng, rồi bộ trưởng, anh sẽ vào hội đồng thành phố, hội đồng trung ương, anh sẽ cứu được những cánh rừng bằng tiếng nói của mình. Anh sẽ giữ được chúng bằng quyền lực. Hơn ai hết, anh hiểu cái mà Viện đang gìn giử là vẻ đẹp không hoàn hảo, chúng đã chết một phần, chúng không có cảm giác trên da thịt, không có mùi, vị… Chúng là sự tuyệt vọng của con người.

- Chờ đợi làm anh sắp chết, may nhờ em…

Tôi xỏ những ngón tay khô cứng của mình vào mái tóc dày của anh. Lại nghĩ, có thể đây là lần cuối cùng tóc anh xước nhói vào những ngón tay này. Chút nữa biết đâu có một cuộc gọi từ thành phố, anh sẽ được thứ anh muốn được. Và sân khấu đó sẽ giữ anh lại, vì anh đã là nam chính rồi, tôi cứ thì thụt mãi vai nữ tì, lâu lâu mới chạy ra dạ dạ.

Chắc lúc đó tôi tội nghiệp lắm, khi xó xỉnh nào cũng có kỷ niệm với anh. Nơi anh lần đầu thấu vào tận cùng tôi, nơi chúng tôi bị chó dữ rượt chạy trối chết, nơi kẻ trước kẻ sau è ạch đẩy chiếc xe máy xẹp bánh trên hàng chục cây số đường rừng, và thung lũng Khơi Ma một ngày mưa giông ngợp ngụa, tôi nói, anh ơi, em có thai rồi.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây