Khói trời lộng lẫy (kỳ 1)

Thứ tư - 11/11/2009 00:13 8.164 0

Minh họa: Thành Chương

Minh họa: Thành Chương
1. Nghe tiếng mưa khi mưa hãy còn xiêu xiêu ngoài sông, rồi mưa băng qua bờ lá có căn chòi hoang ở phía Nam cồn, ào vào bãi đất xơ rơ những thân lau sậy cháy, giờ thì mưa đã dội trên mái nhà, trượt theo những đuôi lá mục mưa buông thả vào đất. Khe vách rách rã chẻ mỏng những ngọn gió ướt, chém ngọt qua người, lạnh rởn từng lỗ chân lông.

Tôi lụi hụi ngồi dậy đắp mền cho thằng Phiên. Tấm mền đã đắp cho nó suốt thời con nít, giờ ngắn ngủn, mong ấm cổ thì hở chân, che kín đôi chân thì phong phanh khoảng vai trần. Lại chạm tay vào nó như thường chạm khẽ trong đêm. Có lúc thằng nhỏ hơi mỉm cười, có lúc nó càu nhàu rồi lăn sát vách mùng, có khi nó quạu quọ gạt tay tôi ra. Nó phản ứng kiểu nào tôi cũng vui bởi ý nghĩ, nó còn ở bên tôi.

Nhưng khuya nay, khi tay tôi vờn trên cái mũi chi chít mụn của Phiên, khi cái đầu gối xương xẩu của nó co lại thúc vào sườn tôi đau nhói, vẫn cảm giác thằng nhỏ đang rời đi xa lắm rồi. Nó đi trên chiếc xà lan xa lạ cùng những gã đàn ông xa lạ. Chiều qua, chiếc xà lan đã nhổ neo rời khỏi cồn. Nhưng mưa mùa triền miên cùng với những cơn giông gió cũng không ngăn được nó quay lại, càn rướn vào rặng ô rô rách bươm.

Và không có gì ngăn gã đàn ông trên chiếc xà lan kia tới tìm tôi, với vẻ nham nhở thường ngày, hỏi tôi suy nghĩ tới đâu rồi. Nham nhở như gã của ba ngày trước, khi chìa ra một vuông báo cũ ố vàng và khiêu khích hỏi tôi có gì để đổi không. Mảnh giấy nhỏ nhoi ngó chừng vô nghĩa nhưng gần như tôi không có gì đáng giá đánh đổi, ngoài chính tôi. Gã chỉ chờ đợi điều đó thôi, khẽ cười đắc thắng.

Nhưng tôi tê dại không phải vì tuyệt vọng mà vì những bức ảnh trong bài báo phất phơ trên tay gã. Ba tôi, anh, và tôi của ngày hai mươi ba tuổi. Tấm hình tôi dán trong bộ hồ sơ xin việc, mặt quang quẽ, tóc vén lên vành tai, nhìn thẳng, hơi mỉm cười nhưng mắt tối và sâu. Thật buồn cười, ba cái hình nằm gần như cạnh nhau, nhưng hai người kia đang tuyệt vọng tìm tôi. Ngày trên trang báo dừng lại ở mười ba năm trước.

Ngày hai mươi ba tháng tám. Không biết bữa đó tôi với Phiên đang ở trên chuyến xe đò nào trong một lộ trình trốn chạy. Ngày hôm đó, có thể chúng tôi đang ôm nhau ngủ còng queo trong một toa xe lửa hôi sặc cứt gà, một phòng trọ mốc meo, có thể chúng tôi đang ngồi tàu đò, lúc đi qua cái cồn xanh mịt dừa nước, có ai đó thở dài ứ hự, “cho tui nhiêu tiền cũng không lên cái cồn Bần này ở, buồn thấy mẹ…”, tôi liền kêu tàu ghé lại. Anh tài công xửng vửng, chắc hôn vậy, chắc chỗ này không, tôi gật đầu cười, bồng Phiên bước lên bờ, nói về tới nhà rồi, cưng ơi.

Chiếc tàu de khỏi bờ lá, Phiên vẫn đang ngái ngủ trên vai tôi, không biết rằng từ nay nó sẽ sống một cuộc đời khác, với cỏ cây, với sông nước, và vài ba nóc nhà thưa thớt của xóm cồn.

2.

Khoảng cách ngàn cây số cũng không làm sao ngăn được những chiêm bao. Có thể ban ngày tôi thường nhớ, khi nhìn cỏ cây trên cồn căng đầy sức sống, nhìn những người xóm Cồn í ới giúp tôi lợp nhà, ven vách, nhìn Phiên lửng đửng đi từng bước trên đất… tất cả đều quen thuộc. Như những gì cất giữ ở Viện di sản thiên nhiên và con người.

Mỗi chiêm bao là một lát cắt, một bộ phim dang dở về nơi đó. Có khi tôi thấy vía mình ngập ngừng đi vào một tòa nhà cũ chìm lút trong một khuôn viên um tùm cây cỏ. Qua mấy bậc tam cấp gãy nứt nối với khoảng hành lang hơi tối có vài căn phòng khép cửa, không người. Cuối lối có mảnh sân rộng nằm giữa tòa nhà, nắng sáng rót lưng chừng. Nhiều tấm pano được treo trên bốn bức tường vây quanh, chi chít những khẩu hiệu, bên này là “giữ gìn cái đẹp của nhân loại như giữ nhịp đập trái tim mình”, “Bản chất của cái đẹp là mong manh, dễ vỡ, cần có đủ tinh tế để ghi nhận nó”, bên này là “cần có một tâm hồn lớn để cảm thụ những cái đẹp cuộc đời”. Chữ nào cũng mạnh mẽ, lớn lao.

Vía tôi bị chữ hù, cứ hí húi đong đếm coi tâm hồn mình bao lớn, rồi vía thấy một dòng chữ khác được đắp nổi lên tường, “Không có gì là mãi mãi, hãy cất giữ thế giới này”. Vía tò mò, hồi nhỏ tới giờ chỉ biết đất nước muôn năm, anh hùng muôn năm. Ở đây họ nói không có gì là mãi mãi.

Ấn tượng mạnh vì điều đó, vía đẩy cửa vào.

Và trong những chiêm bao hao khuyết tôi từng đêm từng đêm, những cánh cửa của tòa nhà Viện di sản thiên nhiên và con người luôn mở ra rất chậm hơn cả đoạn phim chậm, sau tiếng kèn kẹt là vùng ánh sáng chói lòa, như thể phía tôi là bóng tối.

Khi đó thằng Phiên lăn sát vào tôi, hay chân nó đập xuống giường trong lúc trở mình làm tôi thức giấc, ký ức vẫn tiếp tục mở ra những cánh cửa, mở ra những rung động, những bất ngờ. Một vài căn phòng giống như biển, ngay lập tức khiến tôi chìm sâu, ngộp thở, mà tôi hoàn toàn không muốn vùng vẫy, chạy trốn. Lý do đôi lúc chỉ vì trong đó có người đàn ông, có thể không đẹp lắm, nhưng mắt mũi, mái tóc, dáng dấp giống như một người nào đó tôi đã gặp trong đời, giống như một người tôi đã mất dấu. Giống như Lam.

Nhưng người đàn ông phỏng vấn tôi hôm xin việc không phải Lam, anh ta hờ hững và xa lạ, lơ đãng khép mở hồ sơ trên tay, lơ đãng hỏi một câu lơ đãng:

- Em có kinh nghiệm gì?

Trời, kể hết chắc tới mai. Tôi đã từng rửa chén và phục vụ ở nhà hàng, sơn tường nhà, phát tờ rơi, chăn trẻ con, xé vé ở rạp chiếu phim… và tôi còn có khả năng tươi cười, bất kể hoàn cảnh nào. Nhưng chẳng hiểu sao khi anh đổi cái tréo chân, tôi lại nói ra một kinh nghiệm kỳ lạ :

- Tôi lắng nghe người ta nói.

- À, vụ này hay nghen, vậy chứ em nghe làm sao?

Tôi nhìn mấy tờ giấy bay lắt xắt trên bàn, và nghĩ mình có quyền nói dóc là trực đường dây nóng cho sản phẩm dầu gội hay thuốc diệt muỗi abc nào đó. Nhưng tôi ngước lên, cố bắt chước vẻ giễu cợt của anh ta, làm bộ điều tôi nói ra đây không quan trọng, “cũng lâu lâu rồi, tôi có làm bồ mướn”.

À, người đàn ông không muốn dừng lại, lạ quá, em kể thêm chút nữa đi. Nhưng có vẻ không có gì nhiều để làm thành một câu chuyện hấp dẫn. Có dạo không tìm ra học phí, bạn bè nói làm bồ mướn cũng có tiền, rồi giới thiệu cho tôi một anh. Chúng tôi gặp nhau không đem quá khứ theo, không có cả tên, gọi anh ơi em ơi như mặc nhiên tên họ là Anh tên tôi là Em. Những cuối tuần, tôi nín thở chờ điện thoại run lên và anh ta nói sẽ đón. Chúng tôi đi ăn, uống, đi tới những cái quán nước vắng người để nói chuyện, tôi nghe. Nhiều khi anh ta không nói gì  nên tôi im lặng, im lặng cũng là cách lắng nghe. Cao trào của mối quan hệ này là một lần anh đó khóc nên tôi cho mượn vai. Tóc anh dày, hơi rối làm cổ và má tôi nhột ran, cả người tê dại, nhưng tôi cố chịu, vì tôi là bồ mướn. Nên vai này coi như được trả tiền rồi.

- Tụi tôi… - tôi nói tiếp với cái điệu hơi phớt đời - không đi xa.

- Ủa, đi xa là đi đâu? Lại giễu cợt.

- Từ thắt lưng trở xuống.

Tôi cười ha ha, kể lại chuyện mình với vẻ thản nhiên mà tôi vơ vét được, nghĩ, chuyện của mình có chút xíu ấn tượng. Bằng chứng là người đàn ông xốc xấp giấy tờ lại, bắt tay tôi.

- Từ giờ cô sẽ lắng nghe thiên nhiên nói.

Cái kiểu bắt tay cũng hờ hững, đầy vẻ ban ơn. Tôi không thấy phiền chút nào, vì đang vui khi xin được việc làm, hay vì ngay lúc đó tôi đã yêu anh rồi, không biết nữa.

3.

Chuyện đời tôi được người xóm Cồn đồn đoán, thì thầm rằng, yêu một người bị gia đình phản đối, tôi bất chấp trốn nhà theo anh ta, sinh thằng Phiên, rồi bị anh ta bỏ, không biết đi đâu về đâu, tôi tạt qua xóm Cồn ở tạm, chờ ba má tha thứ tôi sẽ dẫn con về. Chưa bao giờ tôi kể, nhưng đôi mắt tối của tôi, thằng nhỏ đang luẩn quẩn quanh dưới chân tôi, kiểu cười  tránh những câu hỏi khó, tất cả đã nói thay.

Rằng tôi tới đây chờ đợi một sự lãng quên, giống ông Sáu Câu từng chịu án giết người, giống chị Thiện bỏ lại chồng con và món nợ hụi hè… Những người mà họ nợ dù tình cảm hay tiền bạc, biết họ ở đây, nhưng không ai đuổi theo. Cái cồn nằm giữa dòng sông Mê mênh mông, tự nó như một chốn lưu đày.

Chân trời chỉ nước và cây, mặt trời mọc trên sông rồi lặn vào sông, bờ Bắc bờ Nam chỉ bụi rậm cây cối. Bìm bịp kêu, nắng cũng chìm. Tôi hay nhìn về đó, tự hỏi người ta còn tìm kiếm tôi không?

Một ông già vác cần câu đi qua, hỏi tôi, nhớ nhà hả cô?

Tôi cười nói, dạ không.

4.

Tôi nhớ vài căn phòng, ám ảnh và xao động, như phòng lưu trữ của Viện di sản thiên nhiên và con người. Phòng rộng mênh mông, dài những cái tủ kệ cao đến tận trần nhà, chạy song song tạo nên những lối đi hun hút. Trên kệ người ta xếp hàng ngàn khay hồ sơ, tất cả được ghi chú bằng những ký hiệu lạ lùng. Những thiết bị nghe nhìn đặt rải rác ở các góc phòng. Khi tôi chạm tay vào chúng lần đầu tiên, bằng tất cả nôn nóng tò mò và bối rối, tôi chỉ có thể nghĩ, thôi rồi, mình sẽ chết ở đây.

Nhốt mình trong đó suốt một tuần, và sau này, khoảng thời gian nghỉ giữa những chuyến đi, tôi gần như chọn phòng lưu trữ của Viện là chỗ trú chân, vạ vật. Những lúc buộc phải ra quán ăn, tôi lua ngấu nghiến vì sốt ruột, thời gian ăn tô mì này đủ cho tôi nghe được tiếng lao xao của một bầy gió ngang qua những bờ lá ven sông, hay cảnh mớ lục bình rách nát trôi ra cửa biển. 

Có vài chỗ tôi luôn thấy tiếc nuối khi rời đi, như mộ mẹ tôi, hay căn phòng đó. Nó vừa giống thư viện, vừa giống bảo tàng. Tôi ham lắm, khi lục lọi khay này, tôi đã dòm ngó qua khay bên cạnh, bên đó không biết có cất giữ những bông lau lộng lẫy dưới nắng, không biết có dấu mưa xoi vào đất bắn những hạt bùn nhỏ xíu lên bụi hẹ kiểng, không biết có tiếng một bà cụ rụng răng bệu bạo hò một điệu hò xưa… Lẫn giữa sự háo hức là nỗi tuyệt vọng, có thể hết đời này tôi sẽ chẳng bao giờ thưởng thức hết những hình ảnh, âm thanh đẹp đẽ và rung động của cuộc sống đang được cất giữ ở đây.

Họ vẫn đang làm đầy nó lên.

Và tôi sẽ làm đầy nó lên.

Hồi làm bồ mướn, có lần tôi lén lấy điện thoại thu tiếng nói Anh, buồn buồn lấy ra nghe chơi. Mà nghe lần nào cũng có cảm giác đói, đoạn âm thanh ngắn là tiếng muỗng chao leng keng trong ly cà phê đá, và Anh lơ đãng hỏi, “đói bụng không?”, tôi nhớ khi đó mình đã ứa nước mắt, giả vờ cúi xuống cột dây giày. Tôi hay cảm động với những câu hỏi như đói bụng không, ăn gì chưa…

Công việc của tôi ở Viện cũng gần giống vậy, tìm kiếm và ghi chép những âm thanh, hình ảnh giản dị của cuộc sống được cho là có giá trị, đáng lưu giữ. Nó có thể như một cái phim tài liệu nhỏ có mở đầu và kết thúc, hay chỉ là lát cắt bất chợt của mưa, gió, của lá rụng hay những bông hoa lăn bên sườn đồi…

Tôi từ giã cái ổ của mình ở sân thượng của cư xá sinh viên, nơi có căn phòng nhỏ mà người ta hay gọi “chuồng cu”, nơi tôi nương náu bốn năm học và thêm một năm tìm việc. Ban đêm, tôi hay giả làm tượng phơi sương, rình coi những đôi chim heo yêu nhau ngay bên cạnh mình, bên tai nghe tiếng cờ bay buồn rượi. Là cờ gần như là bạn thân nhất, những đêm mất ngủ có nó thức cùng. Hôm gom mớ hành lý hẩm hiu cùng di ảnh của mẹ đi, tôi ghi lại tiếng cờ bay, coi như là mẫu đầu tay, mang về Viện. Anh trưởng phân ban của tôi râu tóc rối bời, lúc nào cũng bỏm bẻm nhai kẹo cao su, nghe xong anh vạch bụi râu ra cười, “Buồn hen nhỏ, nghe cô đơn dã man, được đó, đem duyệt đi…”. Tôi luôn chờ đợi những cơ hội nhỏ nhoi đó, được tới gặp anh Viện phó mang gương mặt hao hao Lam, với lý do chính đáng. Và vẫn như mọi khi, anh này giễu cợt, chậm rãi và tàn nhẫn.

- Kiếm sọt rác nào xấu nhất quăng cái này vô, xong đi tìm cho tôi những gì sắp mất, ngoài kia nhiều lắm…

Tôi gật gật làm ra vẻ đã hiểu rồi, nhưng ngoài kia chính xác là ở đâu? cái gì sẽ mất?

Có nhiều câu hỏi người ta tốn cả đời để trả lời, thí dụ như câu “Anh có thương em tới chết mới thôi không?” Tôi nghi ngờ mẹ tôi đã từng hỏi cha tôi câu này, hồi còn con gái. Cha tôi thấy khó nói quá, thôi cúi xuống hôn mẹ tôi cho rồi, có ai vừa hôn vừa nói được đâu. Tôi thò đầu ra đời, mẹ mừng húm, tưởng tình yêu trả lời. Nhưng cha tôi cùng chiếc xe tải bèo nhèo bán cây giống chỉ quay lại xóm Chiếc vài lần, thưa, thưa dần và cha tôi không tới nữa, khi tôi ba tuổi. Tôi bắt đầu hỏi một câu dễ òm, “mẹ ơi, chừng nào cha về?”, nhưng mẹ chỉ cười, “chừng nào xong công chuyện mới về”. Vậy chừng nào mới xong? Thì làm xong mới xong, mẹ tôi nói, vui vẻ như là đang chơi trốn kiếm. Tôi rượt đuổi suốt thời thơ ấu, cho đến khi ngơ ngác đội khăn tang đi trong một đám ma ít người đưa, vẫn không nhận được câu trả lời. Tôi hay nghĩ, nếu hôm đó mẹ không gánh rau ra chợ, nếu không tiếc mấy trái cà chua lăn xuống đường, chiếc xe tải không lao tới quá nhanh, chắc chắn buổi tối lại mẹ sẽ kể cho tôi nghe chuyện công chuyện của cha tôi. Nhưng buổi tối bị bỏ lỡ, câu hỏi đó vẫn được day đi day lại, và tôi trả lời theo cách của mình. Như khi mợ tôi tỏ ra hờn giận, “nhà hết gạo rồi, chừng nào ba mầy về dẫn mầy đi?” tôi cười nói trưa nay con không ăn cơm, hồi sáng ăn mấy củ khoai còn no quá chừng. Như những lần sắp nhập học, mợ vu vơ, “không biết chừng nào ba mầy mới về…”. Tôi nhẹ nhỏm cười, hồi hè con đi làm kiếm được ít tiền, con tự đóng tiền trường được, mợ khỏi lo… Nói trớt quớt, nhưng mợ hài lòng.

Hồi đó tôi đã biết một câu hỏi có năm bảy kiểu trả lời, giản dị nhất là toét miệng ra cười, khỏe nhất là kêu “đi hỏi ổng”, phức tạp nhất là đi mấy chặng xe lớn nhỏ tới một chợ xã lún trong bụi đất đỏ, gặp một người đàn ông tóc vuốt dầu mướt rượt bảnh bao, thảnh thơi ngồi chơi bài “tiến lên”, lâu lâu phải day qua phân xử cho hai đứa trẻ đang cự nự. Vợ ông trạc tuổi hơn mẹ tôi, bưng ra cho tôi ly nước hột é, hỏi em cưng kiếm ai ở chợ này, tôi ngó người đàn ông nói, quen sơ sơ thôi, giờ mưa quá nên hết quen rồi. Lớn lên, tôi luôn tự mình tìm giải đáp, những khi thấy lòng thắc mắc.

Như bây giờ đây, tôi đang thắc mắc cái đẹp nào đang và sắp mất. Để tìm câu trả lời, tôi bắt đầu rời khỏi thành phố, bắt đầu những chuyến đi xa. Vì thành phố đã xua đuổi thiên nhiên đi xa. 

Gặp sông tôi xoắn quần lội ọt ẹt cầm máy quay đi theo những con cá thòi lòi chạy rột rẹt trên bãi bùn.

Gặp cỏ tôi nằm phục ở đó, thu lại tiếng dế gáy ran, kiến bù nhọt cắn gần chết.

Gặp cây tôi trèo, quay cảnh một ổ ong vò vẻ treo giữa những chùm bông ô môi cháy đỏ.

Tôi về nói bên mộ mẹ, lúc này con làm mấy chuyện tào lao lắm, mắc cười lắm. Mẹ tôi im lặng, kiểu của mẹ dù sống hay chết, dù chung quanh mẹ người ta đang nhộn nhạo nói cười. Ngày tôi bỏ quê đi ngôi mộ còn nằm tuốt ngoài đồng, giờ thì lọt thỏm giữa một xóm nhà, muốn ra thăm phải chen bên hè của một quán nhậu có rèm che. Đi qua lần nào cũng có người níu lại, kêu cầm mớ tiền rồi đem cái mả đi, chớ giờ người ma lộn xộn xà ngầu, hết phân biệt nổi. Đi qua lần nào cũng có cô nào đó giòn tan than í nhột nè quỷ sứ anh, tiếng đàn ông cười khơ khơ anh đói sữa lắm rồi, lẫn trong tiếng nôn ói ồ ồ đằng sau.

Dòng kinh trước nhà ngoại tôi người ta chặn lấp, những chỗ còn lại thành những ao tù đầy nước, ai đó cắm bảng “cho mướn nền”. Tôi sực nhớ ra thân phận của con sông Ba Bẩy tôi vừa đi qua cũng vậy. Bèo thôi trôi, chỉ còn người trôi, chắc chắn có mấy cô í nhột nè quỷ hà. Di sản của con sông chỉ là hình ảnh những tấm rèm cỏ từ trên bờ buông chới với xuống dòng chảy cuộn cuộn, một bông tra quặn mình trong xoáy nước… mà tôi lưu giữ được.

Và những vẻ đẹp được nhốt trong phòng lưu trữ của Viện là những tiếng kêu thét tuyệt vọng, bất lực trước mất mát, sự run rẩy của nỗi buồn, bởi quá nhiều thứ ta sẽ không bao giờ thấy lại ngoài đời. Bỗng dưng tôi ăn gấp thở gấp ngủ gấp, làm gì cũng gấp. Tôi muốn nhanh nhanh tới những dòng sông khác, cánh rừng khác, cánh đồng khác. Chỉ khi nào nhớ anh sếp ngạo mạn, tôi mới trở về cơ quan, bước vào căn phòng anh, xổ ra bàn mấy chục mẫu, ngẩn ngơ lén ngó anh ta rồi quay ra.

Có khi anh kêu lại, kêu, cô nhìn kiểu chi mà tôi thấy tôi mòn?

Có khi anh ngó lom lom, chui vô chỗ nào mà gai quào rách con mắt vậy?

Có khi anh nói, hèn chi mấy bà bán giày ngoài chợ ế ẩm khóc qua chừng…

Tôi ngúc ngoắc cái ngón chân thò ra khỏi chiếc giày rách, cười rưng nước mắt, bước ra ngoài, nghĩ, trời ơi anh này dễ thương hết sức nói. Rồi tôi đi ngủ, bằng cách đó nước mắt được giữ lại trong mắt. Tỉnh dậy nhiều khi thấy có tấm áo đắp trên người, chắc ai đó đã vào, thấy tôi nằm chò co khó coi quá. Cái tướng nằm, như nhiều người nói, toát ra một nỗi buồn. Tự mình cuộn vào mình, tự mình ôm ấp mình, che chở, tìm hơi ấm của chính mình.

Nhứt thấy tôi nằm ngủ một lần, cậu ta nói tôi như con cá Bảy Trầu, sống khép mình ở những chân ruộng sâu, ẩn náu trong rong rêu và rạ nát, dễ sống dễ nuôi. Nhứt là cộng tác viên của Viện, mê đắm điên cuồng những cái xóm làng miên man bên bờ sông Ngó Ý, nơi cậu chạy đò máy xuôi ngược mỗi ngày. Mỗi tháng một lần Nhứt lên thành phố chở cá giống, ghé Viện, khoe với bất cứ ai cậu gặp, “chuyến này mẫu của em khẳm xuồng luôn”. Mẫu của Nhứt gợi cảm, lay động. Nó buồn buồn như nông thôn buồn buồn. Những mục măng vẹt lá ủ nhú lên sau vài trận mưa đầu mùa. Con rắn mối thì thụt trong bộng dừa mục rã. Trái bình bát chín rớt chủm xuống ao. Những gàu lá, gàu miểng dừa đặt cạnh những khạp nước mưa trong lẻo, đặt ngoài hiên đỡ khát kẽ qua đường. Một đám trẻ ngồi coi ti vi, đứa thút thít khóc vì mối tình trong tuồng cải lương đang lúc đoạn trường, đứa khác lại ngủ khò, nước dãi khô trên khóe miệng. Một cô bé bưng dĩa bánh lá mít chan nước cốt dừa đang đi dưới mưa lất phất, tay nó cầm cái nón nhỏ lóng ngóng che đầu thì sợ bánh ướt, che bánh thì ướt đầu, cuối cùng, nó che nửa này nửa kia, qua nhà kế bên cô trao dĩa bánh cho thằng nhỏ kia, thẹn thùng cô nói, má tao cho má mày bánh.

Mộc mạc không chịu nổi. Tôi mê những mẫu của Nhứt, nên khi lang thang tìm bà cụ ăn trầu hay theo đuổi những cơn mưa, Nhứt gọi điện thoại nói cuối tháng này em lên, tôi lại thu xếp trở về. Sau đó nghe Nhứt sôi nổi, “đó đó, lúc đó em núp bên mé mương nghen chế, ô rô nó đâm đau dã man nghen chế, nên mới quay được cảnh hai thằng nhỏ tắm sông ở truồng đo cu tự nhiên như vầy…”. Sau đó, Nhứt sẽ mời tất cả mọi người trong Viện đi nhậu, bằng tiền thù lao mà cậu ta mới nhận được, chèo kéo cho bằng được, “Bảy Trầu đi cho vui…”. Tôi thích biệt danh đó, nghe như trên tôi có có sáu anh chị, dưới tôi còn vài đứa em, không phải và không phải tôi trơ trọi một mình.

Món quà của Nhứt, tôi mang theo ra xóm Cồn. Tôi tên Trầu, thứ bảy, mẹ của thằng nhỏ một tuổi rưỡi tên Phiên.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây