Sầu trên đỉnh Puvan

Thứ năm - 10/09/2009 11:01 3.052 0

Sầu trên đỉnh Puvan

Năm 1887, Colègan, một tu sĩ người Pháp, đã đặt những bước chân đầu tiên thám hiểm đỉnh Puvan. Và lần đầu tiên trong đời, người đầu tiên trong lịch sử vùng đất, ông đã nhìn thấy cây sầu (Oghdgerygwbbvchfh gfdutvyt) nở hoa. Trong những đoạn ghi chép rời rạc, run rẩy, ông viết: “Những đóa hoa sầu đẹp đến nỗi đáng đánh đổi cả cuộc đời người để được trông thấy chúng dù chỉ một lần”.

Và ông ta đã chết ngay sau đó, chết lặng lẽ trên dãy núi Puvan bí ẩn. Những mẩu xương vụn bị thú rừng tha về hang làm đồ chơi cho bầy thú con, chỉ ít dòng ghi lại gói trong chiếc thùng sắt mãi về sau này lưu lạc trong nhân gian. Nhiều người đã đọc, họ tò mò lên núi mà không biết rằng sầu chỉ trổ bông dưới cơn mưa đầu tiên sau mười ba tháng hạn liên tiếp, không một giọt nước trời nào rớt lên đỉnh núi xa xăm. Vài người biết được điều đó, họ đã thấy bông sầu nở nhưng họ không sống sót để trở về.

Đó là tất cả thông tin mà Vĩnh có khi bắt đầu cuộc hành trình lên đỉnh Puvan. Củi, thằng bé chăn dê dưới chân núi mà Vĩnh thuê dẫn đường, thì hằn học: “Đồ quỉ - cây đó xài không được, dê còn chê, hổng biết mọc làm chi mà vô duyên vô dùng, tui đái vô mấy gốc cây đó hoài cho đỡ tức. Má tui nói cây sầu sống bằng xương dê, xương trâu bò, năm nào bầy dê nhà tui chết nhiều sầu mới trổ bông…”. Coi như thằng Củi biết nhiều. Còn Dịu thì chẳng có tí thông tin gì, chỉ biết Vĩnh tới đó thì cô cũng tới đó, nếu có cáp treo thì tốt, không có cũng chẳng sao, Vĩnh leo núi cô sẽ leo núi cùng anh. Chỉ mong sau chuyến đi này cô được khoản tiền kha khá gửi về quê.

Nơi đó có đứa con nhỏ của cô đang sống với má. Mười tám tuổi cô lấy chồng, chín tháng sau ly dị, bữa ra tòa hai đứa còn nắm tay cười ngỏn ngoẻn suốt dọc đường, bà con nhằn: chưa thấy cặp nào bỏ nhau vui vẻ như tụi bây. Họ không biết hai đứa đã ngoéo tay hứa với nhau rồi, đây là ly dị giả đò thôi, chỉ để làm thủ tục cho Dịu đi lao động ở Đài Loan, thương nhau rồi có ly dị một chục lần cũng sẽ nối lại tình xưa, dễ ẹt. Lúc Dịu về sẽ cưới thêm lần nữa, không chừng còn rình rang hơn lần đầu.

Lúc Dịu về, cô lặng lẽ cất cái chòi nhỏ ở góc vườn nhà má ruột, bẻ xoài sống nhai rau ráu mà nước mắt ràn rụa, cô có con với một ông chủ Đài Loan vô lại và bà chủ còn vô lại hơn khi đẩy cô tay trắng ra đường. Chồng cô xách mác vót qua nhà, chém vào gốc cột: “Sao kỳ vậy, em hứa với tui là mình chỉ giả đò ly dị thôi mà, sao kỳ vậy, kỳ quá?”. Dịu nuốt nước mắt, nắn cái mặt câng lên, trâng tráo: “Hồi đó khác, bây giờ khác”.

Và cái khác biệt gây đau đớn nhất là cái bụng binh rỉnh sau làn áo. Ọc ạch đi làm cỏ rẫy kiếm ít tiền sinh con, Dịu hay bắt gặp chồng (đã cũ) của mình mon men bên kia sông, ngó theo. Tóc anh ta dài ra, người ốm o còm cõi, chắc là nhiều đêm không ngủ được. Một bữa mở cửa ra thấy anh ta say rượu nằm trước nhà. Cũng bữa đó Dịu sinh, cô cắn môi bước qua giấc ngủ của chồng, một mình đến trạm y tế. Tối sau, anh ta lọ mọ tới thăm, lúc đầu chỉ đứng đằng xa ngó day diết, một hồi mới lại gần, nói như hụt hơi: “Chắc là thằng nhỏ này biết kêu ba bằng tiếng Việt - ngó thấy Dịu sắp phản ứng, anh ta nói luôn - tui thương nó như con tui, thiệt mà…”.

Vì câu nói đó Dịu gửi con lại cho má, bỏ lên Sài Gòn kiếm sống. Sự bao dung đôi khi gây đau như mũi dao. Và Dịu trở thành gái bao, tự xem đó là một nghề sống được, cô cười cợt câu cửa miệng mà tụi bạn nghề hay thở than: “dòng đời đưa đẩy”. Vĩnh gặp Dịu vào một hôm nào đó mà cả hai đều không nhớ rõ, chỉ biết cái cách cô nhai nước đá lóc cóc giữa bữa tiệc sang trọng làm Vĩnh buồn cười. Và Vĩnh để cô lại bên mình rất lâu, chỉ vì cô luôn nấn ná chờ hết chương trình chiếu phim mới chịu trút áo xống trước mặt anh, đôi nam nữ trong bộ phim Hàn đã đến được với nhau, cô vui, nhưng khi họ gặp trắc trở, nước mắt cô tràm trụa, cô còn buột miệng chửi thề mỗi khi vai ác bắt đầu bày ra âm mưu thâm độc nào đó: “Má nó, ngon ha, ngon thì chui ra đây, tao bẻ lọi cổ…”. Vĩnh để cô ở lại lâu vì lúc gần sáng cô nhớ con, nhớ chồng thường dịch ra mép giường chênh vênh và khóc.

Vĩnh thì chẳng có nỗi nhớ nào sâu sắc đến nỗi phải thức giấc vào giờ đó. Một thằng bé gào khóc ngơ ngác trước căn nhà sập bẹp, cháy rùng rùng sau trận bom, đó là hình ảnh đáng nhớ nhất, đau buồn nhất cũng bị đè lấp bởi những ký ức mờ nhạt, trống rỗng, mù mù những khuôn mặt người, những cuộc chơi cũng na ná giống nhau cũng rượu và những cô gái đẹp. Ngoái nhìn quá khứ nghĩa là tương lai, hiện tại không có gì để làm, anh thì quá bận rộn, anh phải kiếm tiền và dùng tiền đó đi đến những nơi đẹp nhất, sở hữu những thứ đẹp nhất. Nếu giật mình nghe tiếng khóc của cô gái gọi vào những khuya xa, anh chỉ nằm im, nghĩ: sắp sáng rồi, bữa nay làm gì, đi đâu ta?

Và khát vọng được xem sầu nở trên đỉnh Puvan luôn luôn chập chờn trong tâm tưởng. Vĩnh chờ cơ hội đó đã mười lăm năm, và trong mười lăm năm đó anh đã đi gần như khắp các châu lục, khám phá những ngọn núi, dòng sông, những vùng đất được xem là đẹp nhất. Sau chuyến đi Hồng Kông xem triển lãm viên kim cương lớn nhất thế giới, Vĩnh về nhà và mơ thấy những cây sầu trên đỉnh Puvan bị mây ngậm vào miệng, ướt đẫm. Vùng đất rộng lớn bao gồm cả núi Puvan đã không mưa suốt mười ba tháng ròng; và cô phát thanh viên điệu đàng trong chương trình dự báo thời tiết nói rằng sẽ có mưa, trong vòng một tuần nữa. Vĩnh vùng dậy, bắt đầu cuộc hành trình, gọi Dịu đi theo. Dịu chẳng hỏi han gì suốt một chặng đường đi, cô không quan tâm anh đi đâu, làm gì. Cô chỉ cần tiền và anh thì cần cô trong đoạn đường này, vậy thôi.

Nhưng đến chân dãy núi Puvan hoang vu, phế tích thì Vĩnh nghĩ cần thêm một người dẫn đường. Thằng Củi lù lù hiện ra, một linh hồn mười lăm tuổi trong cơ thể đứa bé lên chín, ở trần, gầy nhom, lem luốc, hai xương vai bén ngót, nhô lên cao, môi nẻ ra, bong những cái vảy nhỏ. Dịu hỏi:

- Ê, nhỏ, làm gì ở đây?

Nó cười, toàn khuôn mặt chỉ long lanh một hàm răng trắng nhởn:

- Tui chăn dê.

- Dê đâu?

Nó lon ton chạy vào hốc núi và lôi ra con dê mỏng dính, một bộ xương xơ xác. Nó chỉ tay mông lung:

- Hồi trước tui chăn cả bầy mười mấy con. Hạn quá nên tụi nó chết hết rồi. Bây giờ chỉ còn con Danh này thôi.

Thử nghĩ có tay máy nào đó chụp ảnh thằng bé còm này với chú thích “chăn dê”, người xem hỏi dê đâu, anh ta nói dê chết hết rồi, hạn hán quá lâu, cỏ cây cháy lá hết, nguồn nước cũng kiệt nên chỉ còn một con dê, nhưng con dê đó cũng chui vào hốc đá trốn nắng, nó kiệt sức lắm rồi. Cũng như chụp ảnh cái hồ nước trống không với chú thích “hai con vịt”, hỏi vịt đâu anh ta bảo vịt vừa bơi ra khỏi hồ. Vĩnh bỗng buồn cười. Thằng bé chăn dê tinh tế nhận ra ngay cái nhìn thiếu niềm tin của Vĩnh, nó lôi ngay trong cái bị bàng rách rưới một cái đầu lâu dê với những hốc xương trống rỗng, hai sừng nhọn vút ra phía sau: “Tui nói thiệt. Đây là con Chương nè, tụi tui thân lắm, nó toàn nằm ngủ chung với tui. Năm ngoái nó dám đánh nhau với chó rừng để cứu tui, nhưng giờ nó chết rồi, tui nhớ nó muốn khùng”. Thằng bé mếu máo nhưng hai mắt ráo hoảnh, dường như nước mắt cũng bị cái nắng dai dẳng rút cạn, bay hơi đi.

Và thằng người khô quắt bắt đầu thể hiện uy quyền của người bản địa, nó ngó bọn Vĩnh, mắt trợn tròng trợn trạc, nuốt nước miếng, hắng giọng:

- Mấy người đi đâu đây?

Vĩnh ngó lên đỉnh núi Puvan đã mù mù mây. Thằng bé cười ngạo nghễ: “Coi tướng ông không biết đường lên đó đâu”. Vĩnh cười: “Tôi không cần biết, vì cậu sẽ dẫn đường cho tôi. Ba chục ngàn, đủ chớ?”.

Thằng bé lẩm nhẩm, ba chục ngàn hả, ba chục ngàn thì mua được ba chục gói mì tôm. Những gói mì mới tinh từ tay ông Tàu chủ quán cứ lào xào trong tâm trí của thằng bé khiến đôi mắt khô vàng sáng lên. Không có cuộc trả giá nào, rẻ mạt, Dịu nghĩ thầm, chua xót. Không hiểu sao cô nghĩ tới con mình.

Cô nhìn khuôn mặt đẹp như tạc từ đá của người tình, cô không thấy lạ chút nào nếu anh lạnh lùng, tàn nhẫn thêm chút nữa. Như đã từng bắt cô phải đếm lại tiền công trước mặt anh. Như đã từng lạnh lùng bỏ đi trước dù cô say mèm vấp té ngay thềm khách sạn. Như thường bỏ mặc lúc cô ngấm rượu, da thịt phơi trần, không đắp giùm một tấm khăn, tấm áo. Cô chỉ ngạc nhiên trước vẻ bồn chồn, háo hức của anh với Puvan, trước sự da diết của anh với Puvan, trong lúc chờ thằng bé “đem con Danh về cất đàng hoàng mới được, lúc này ăn trộm dữ lắm, với lại tui phải cho má tui hay, mắc công má tui lo”.

Thằng bé tên Củi, chứng tỏ bà mẹ cũng tự trọng khi đặt tên con, Vĩnh hơi nhếch mép cười khi nghĩ tới điều đó. Đó là cảm giác bình thường cuối cùng trước khi anh bỗng chông chênh, hơi dại đi, cảm giác anh hay có khi sắp đến một kỳ quan nào đó. Vĩnh hơi vấp ở những gờ đá đầu tiên. Không hề có con đường mòn nào.

Vùng núi Puvan nằm sát biên giới, ngày xưa mỗi năm vài lần thổ phỉ tràn sang cướp bóc. Chỉ còn một làng nhỏ đìu hiu hơn hai chục nóc nhà và lời nguyền chết chóc của những bông hoa sầu trên đỉnh núi đã làm vùng đất này càng hoang vắng hơn. Thằng Củi kể người làng nó căm thù những cây sầu trên đỉnh Puvan, người ta gạt đi trước những lời đồn đãi rằng bông sầu đẹp, đẹp gì cái thứ đó, đẹp gì ác nhơn ác đức vậy! Năm nào cây trổ bông thì cả làng đói nhưng không ai đốn bỏ chúng được, dường như chúng không phải là cây mà là đá. Chẳng ai, kể cả trẻ con, muốn lên đỉnh núi u buồn đó, người ta dần quên lãng trên Puvan còn có những cây sầu. Năm nay nửa làng đã bỏ vào thành phố làm mướn, ăn xin.

Và những con dê được mang tên đám bạn Củi để lúc gọi lên nó thấy ấm lòng. “Trễ lắm là tối nay xóm tui có mưa” - trong cơn hưng phấn, đứa bé khoái chí chỉ về phía làng mình, nhưng ngay lập tức ngón tay nó hơi cong lại, như thể chỉ cần thẳng ra là tay nó hướng ngay vào sự nghèo khó, hắt hiu. Thằng Củi luôn miệng kể lể, nó bò lên trước, trông như con thằn lằn nằm vắt trên những tảng đá dựng, thỉnh thoảng nó dừng lại chờ Vĩnh và Dịu, thỉnh thoảng nó ngây ra nhìn người đàn ông xa lạ và ngượng ngập cười xòa khi ánh mắt của mình bị Vĩnh bắt gặp: “Hồi nào giờ tui chưa biết mặt ba tui, tui nhìn coi ông có chỗ nào giống tui không?”. Câu nói làm Vĩnh khựng lại một thoáng và Dịu nhớ con đến rã rời. Đỉnh Puvan như lún mãi vào những đám mây đen.

- Tối nay trời chắc mẻm mưa - thằng Củi hớn hở - Con Danh chắc khoái lắm, thể nào nó cũng chạy ra sân tắm một bữa đã đời.

Vĩnh còn mong gì hơn, cơn mưa đầu tiên sau hơn bốn trăm ngày nắng như thiêu như rang, và sầu trổ những bông hoa đầu tiên. Vĩnh cảm giác mình chờ lâu hơn mười lăm năm, chờ trước cả khi anh đọc được những dòng chữ nguệch ngoạc đổ tháo của vị tu sĩ người Pháp được trưng bày trong viện bảo tàng. Puvan luôn ẩn hiện vào trong những ngày mai của anh, giúp anh ngồi dậy sau trống rỗng sau mỗi cuộc chơi sau mỗi chuyến đi ta bà thế giới. Anh gần như chạm tay vào tất cả những gì mình muốn, tận mắt nhìn thấy những gì mà người đời ca tụng là tuyệt vời nhất, chỉ những bông sầu trên đỉnh Puvan không tùy thuộc vào tham vọng hay sự giàu có của anh, chỉ những bông hoa sầu trên đỉnh Puvan trong lòng anh cứ mỗi năm một lần tan tác trước những cơn mưa sớm.

Nhưng bây giờ anh đã gần những bông sầu hơn bao giờ hết, ý nghĩ đó làm Vĩnh bươn lên trước một khoảng xa. Dịu bị tụt lại vì mệt, thằng Củi cũng ở cùng cô. Dịu bẻ cành gai viết tên nó lên thân cây chỉ còn tươm chút nhựa: “Củi đang ở đây”, thằng Củi sướng rơn khi vân ve ngón tay dơ èm quanh chữ Củi, nó nói tên nó sao mà gọn hơ. Lần đầu tiên nó thấy được đường nét của tên mình. Nhưng Củi không chơi lâu, trong lúc chờ chân Dịu đỡ mỏi, nó bứt dây leo xâu những chai nhựa đựng nước mà bọn Vĩnh, Dịu đã trút cạn vào hai cổ họng khát khô, quảy lên vai, xúng xính: “Để dành hạn đi vô suối lấy nước uống. Má tui quí mấy cái chai này lắm, đựng nước mắm, nước màu cũng tiện”. Thằng Củi phân trần, coi bộ nó sợ Dịu đòi lại.

Thằng Củi làm Dịu nhớ con, dù chẳng có liên hệ nào rõ ràng. Củi lớn, con Dịu vẫn còn nhỏ, Củi đen nhẻm, con Dịu lại trắng trẻo, xinh đẹp. Nhưng không có gì chắc chắn thằng Củi không là hình ảnh của con Dịu mười năm nữa. Cô bâng quơ:

- Ở với má khổ quá hả?

- Khổ gì đâu... Chăn dê cũng sướng... - thằng Củi ngỏn ngoẻn - không được ở với má mới buồn dữ.

Trời ơi, sau câu nói đó thì Dịu muốn về nhà ngay lập tức. Ngó xuống bãi đất lổn nhổn xương khô - cô không phân biệt được xương của súc vật hay của người - xa vợi dưới kia, cô bỗng ngẩn ngơ không hiểu làm sao mình lại kẹt trên một triền núi xa lạ này. Vĩnh vẫn không ngoái lại, bươn tới đỉnh núi, tới cơn mưa, tới những cây sầu. Dịu cũng đứng lên, bấu víu từng gờ đá vẫn còn nóng rẫy. Cô muốn cùng Vĩnh tàn chuyến đi này, chuyến cuối cùng của một Dịu gió sương. Cô muốn nói một lời từ giã.

Nhưng đến cuối chiều cả ba người mới cùng đứng với nhau, nơi đỉnh núi. Vĩnh ở sẵn đó, không có vẻ gì chờ cô. Trước mặt anh là những cây sầu với những vòm lá đã héo hắt, chực rụng khỏi cành. Mưa lay phay, đỉnh núi Puvan bị buốt trong hơi nước. Trời tối rất nhanh, như thể sau cái chớp mắt màu trời lại thẫm hơn. Thằng Củi lo tối quá không về nhà kịp, nó đứng lóng ngóng như bị nước nóng đổ đít, mà hai vị khách không có vẻ gì muốn quay xuống núi, nghĩa là nó cũng chưa chạm tay tới món tiền công. Đành chờ đợi.

Mưa bắt đầu nặng hạt, thằng Củi quay tròn dưới làn mưa, nó muốn xuống núi để cho má nó hay, mưa rồi, mưa thiệt rồi. Củi sướng như sắp ngất đi, nó lôi cái đầu lâu con dê tên Chương ra nói như khóc, tắm mưa nè mầy, tao đã biểu mầy ráng chờ, thể nào cũng được tắm mưa, mầy không nghe, mầy chết. Dịu đứng gần đó, tóc chảy ướt rượt, ứa nước mắt vì thằng nhỏ đã héo tới mức dầm trong mưa càng quắt queo hơn. Vĩnh thì như phát điên, như đang mộng du khi những vòm lá chết của những cây sầu bỗng phát sáng. Chúng cuốn tròn lại như một búp hoa và từ từ rẽ thành từng cánh từng cánh lấp lánh.

Vĩnh nín thở. Sầu trổ bông.

Lần đầu tiên trong đời, thằng Củi thấy bông sầu nở. Nó nghĩ mấy người thành phố này cũng rảnh thiệt, chắc là hết chuyện làm, nên lặn lội biết bao xa chỉ để tới ngó bông sầu. Trong mắt nó bông sầu còn tệ hơn bông bí vì bông bí ăn được. Thằng Củi bỗng lên tiếng:

- Thôi, tui về, để má tui dầm mình hứng nước mưa tội bả.

Dịu định nói gì đó để giữ nó lại, nhưng khi nhìn vào nó, Dịu đọc được sự căm ghét những kẻ vì bông sầu mà đã cầu mong cơn nắng thật dài, không cần biết nơi này những bầy dê chết cong queo trên đồng cỏ cháy. Dịu giúi ít tiền vào tay thằng Củi, nó không tỏ vẻ mừng, dường như có mưa là có khoai ăn có cơm ăn, nó cũng không cần tiền của những người xa lạ nữa. Và thằng Củi đã biến mất sau màn mưa, chìm lỉm vào bóng tối. Chỉ thấy cái đầu nó nhấp nhô ngọ nguậy rồi bặt tăm. Còn lại tiếng đất đá tuôn rào rào. Dịu lo cho thằng Củi, bỗng dưng...

Không hạt mưa nào xuyên qua vầng sáng kỳ ảo của những bông sầu. Vĩnh bảo Dịu trốn vào đó, và khi quay nhìn lại cô đã ngủ, tay nắm chặt cái túi xách nhỏ. Vĩnh biết trong đó có cái hình cưới, cô cài cành bông giả màu hường lên đầu, quê òm, cười thẹn thò bên cạnh người con trai hơi đen, cũng quê òm. Cô ta không cần tìm kiếm và chờ đợi bông sầu. Nên cô ta ngủ khi bông sầu vẫn nở và vẫn rạng rỡ những sắc màu, ngủ như khi anh vẫn còn nằm trên người cô. Một cuộc đời hèn mọn với những ước mơ hèn mọn luôn làm Vĩnh khó chịu lẫn một chút ngạc nhiên.

Nhưng những gì anh có, anh hưởng thụ nửa đời qua đã tầm thường nhạt nhẽo trước những bông sầu đang chuyển sang phớt tím, trong vắt, hắt sáng lên vùng trời tối tăm mưa gió. Bất ngờ anh không nghĩ ra cái gì còn có thể đẹp hơn nữa. Không còn cái gì xứng đáng với những bông sầu để thay thế trong ý nghĩ về ngày mai của anh.

Và anh biết làm sao với ngày mai? Còn gì để mà chờ đợi, mà chinh phục nữa? Anh còn níu được gì để ngồi dậy mỗi ban mai? Vĩnh quì trước vòm bông sầu, rối bời vì ý nghĩ đó. Cô gái giang hồ kia sống vì con, vì mối tình ngắc ngoải, bị xé lìa; thằng bé tên Củi thất học kia còn có mẹ; anh thì không vì ai, không vì cái gì hết. Anh thấy sợ hãi ngày mai trống rỗng kia. Hoang mang. Ngơ ngác. Rã rời. Vụn nát. Vĩnh gần như quị xuống khi những bông hoa bắt đầu tím thẫm, như màu môi của Lam, mối tình đầu của anh khi người ta vớt xác cô ở ngã ba sông. Vĩnh chứng kiến cô rơi khỏi tàu nhưng Vĩnh chẳng làm gì cả, Vĩnh không biết làm gì trước những xoáy nước, Vĩnh sợ. Như Vĩnh không biết làm gì trước những vụn thịt rơi vãi của những người thân mình trong một buổi bom đạn hôm xưa.

Lúc Dịu thức dậy, người đã ướt đầm mồ hôi vì hình ảnh cái cây khắc tên thằng Củi cứ chập chờn đau đáu, thảm thiết như một tấm bia mộ. Vía cô cứ chạy mãi vào những bụi gai, thịt da bị cào rách bươm, khản tiếng gọi “Củi ơi”. Dịu thức dậy, bông sầu đã rụng tả tơi, những bông sầu bầm lại như máu khô. Và Vĩnh treo mình lửng lơ trên cành sầu khẳng khiu, trơ trụi. Trên đỉnh núi không có thêm đỉnh núi, và Vĩnh không muốn xuống núi, chẳng có gì chờ đợi anh ở đó.

Đỉnh núi mờ sương xào xạc gió, như đang day diết lại lời nguyền. Chỉ người phụ nữ kia là không tin những cây sầu giết người. Cô xuống núi, một mình.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây