Như mưa qua trảng gió

Thứ hai - 24/06/2013 05:48 5.418 0
Khách ngang qua quán Ái giữa mùa mưa. Đường lầy, xe của khách lút trong cái ổ voi, nước tràn vào ống xả, nồi máy nấc lên rồi ngất. Ái kéo ghế kêu khách ghé quán ngồi, chờ mưa tạnh thằng Đậu sẽ đưa đi tìm ông thợ máy già.
Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn

Áo cao su mỏng, mưa lại xiên xéo làm khách ướt ngoi từ đầu đến chân, đôi giày rã rời bởi bùn nhão. Chỉ bếp lửa cháy lép nhép, Ái bảo cứ treo đồ ướt gần đó để hong. Hơi hôi khói một chút, còn đỡ hơn chịu lạnh.

Mớ giấy tờ ngấm nước, khách loay hoay giở ra phơi, nhờ khói lên kịp cứu cái quyết định nhận việc suýt cháy sém. Khách hỏi trung tâm thực nghiệm giống mới gần hay xa. Ái nhắc chảo cá kho lên bàn, hỏi Đậu “xóm bên có trung tâm đó không ta?”. Thằng nhỏ co chân kiểu nước lụt, hít hà mâm cơm, gãi đầu, “chỗ đó hát lôtô hả?”.

Trời vẫn mưa rúc rắc, gió xé qua song cửa làm trứng mọt bay vào mắt khách. Chìa chén đũa cho người đàn ông lạ, Ái nói khỏi lo đi, mưa tạnh rồi tính, gặp bữa ăn cơm. Một lớp nước mắm phủ lên mặt nồi kho, bên dưới là mớ cá lìm kìm, lần đầu tiên khách biết kiểu kho đắp mền. Ái hơi ngại vì bữa cơm chỏng chơ mỗi món, tắc lưỡi nói phải không mưa bẻ rau muống bóp giấm ăn kèm. Một nắm mưa đậu lại trên tóc Ái, từng hạt tròn trong veo.

Ông già sửa xe đi vắng, nghe nói làm chủ lễ cho đám cúng đình bên sông. Nước trời gột chiếc xe đậu ngoài sân gần sạch hết bùn. Thằng Đậu ngó mây đen lặc lè dồn đống, tắc lưỡi nói điệu này còn lâu mới ngớt hột, “chú ngủ một giấc là vừa”.

Choàng dậy đã tối đến mức khách không thấy được khoảng sân. Quán treo hai cái đèn dây tóc đỏ nhói trước và sau nhà, khoảng giữa ánh sáng võng xuống như bị đẩy vào xa thẳm. Ông già thợ máy ghé quán, xình xang nói ông chỉ biết chùi bugi, xe ngộp nước kiểu này thì hơi nặng, sáng mai gửi đò ra chợ thị trấn mua vài món đồ nghề mới rã máy được.

- Ngủ đi, sáng mai tính.

Ông già khác nào ra lệnh, rồi chìm lỉm trong mịt mùng. Ái bảo “dẹp mấy hũ bánh kẹo kia, lấy sạp đó trải chiếu mà nằm cho thẳng cẳng. Nhẹ tay giùm cái”. Khách nói tôi tên Đại.

Gió và mưa ràn rạt bên ngoài, khách hình dung thật éo le về hai mẹ con Ái, cố thiếp đi trong váng vất mùi rượu trắng, mùi đường mía, mùi lá mục, trong tiếng thằng bé hét trong chiêm bao đù má con ếch bự quá. Thức dậy nghe nói lúc gần sáng trời có tạnh nhưng không ăn thua. Giờ bên ngoài trắng xóa như mưa chưa từng có sự đứt đoạn nào. Chiếc đò chở thằng Đậu đi bổ hàng bán vẫn chưa về, nghĩa là mấy món đồ nghề cho ông già kia vẫn chưa thấy đâu. Nhìn cái quần cộc đàn ông phơi đầu sào phơ phất, Ái nói “rảnh làm gì, vô đây gãi lưng giùm”.

- Người ấm quá, xốp như cái gối gòn.

- Ừ, thịt da ấm từ nhỏ.

- Chết, áo đâu? Có ai kêu cửa.

- Gió đó. Quán ngay trảng gió. Mấy lần đang ngủ gió giở mái nhà quăng xuống kinh. Rồi sao hả? Đâu có sao, tụi này phủ cao su lên nóc mùng ngủ tiếp. Ở lại gãi lưng thêm ít bữa, nghen?

- Thì ở.

Khách nói với ông già chờ đường ráo. Vật lộn mãi, chiếc xe cũng chịu khạc ra những lọn khói đen ngòm. Bảo khách coi quán, “giá đường đậu ghi sẵn trên vách, muốn đi cũng không cần từ giã, cứ đóng cửa mà đi”, Ái xỏ cái áo mưa, cắp nón ra đồng. Nhà có năm công ruộng, lúa sắp trổ đòng đòng mà chưa giặm xong. Thằng Đậu lắn quắn chạy chơi suốt. Khách ngó mưa rây, giở túi nhìn lại mớ giấy tờ nhòe nhoẹt.

Ở một nơi chốn khách mô tả trong điện thoại là “dọc đường”, chỉ mớ giấy tờ, những cuộc gọi nhắc nhớ khách đến từ đâu và phải đi đâu. Mưa vẫn không đầu không cuối, không đến không đi, lúc dào dạt, lúc rỉ rả thầm thì. Miệt này mưa kéo dài đến sáu tháng mới ngưng, đường sá vừa mới ráo lại lầy. Ảo giác vây bủa, khách không biết đây là hôm nay hay ngày đã qua. Một bữa mòn mỏi bởi ý nghĩ mình không thuộc về nơi này, khách quyết liệt xốc balô lên vai. Ái ngồi nhai cóc non, nhắc khách coi còn bỏ sót gì không. Chỉ mình Ái âm thầm biết thứ khách bỏ sót nhưng không nói. Thằng Đậu nhìn theo bóng chiếc xe dần nhòe lẫn trên đường, cho đến khi khách quay đầu lại. Mang về một mớ xoài xanh, khách nói chắc phải làm mấy con bù nhìn để đuổi chim, giữ mớ lúa ngoài đồng sắp chín.

- Gặt cho xong đã. Khách quăng đôi giày trở lại gầm giường.

Thì gặt, Ái háo hức cắn ngập răng vào trái xoài chua lòm, nước ứa tươm trên môi. Những chùm mưa vẫn xòa xuống cái quán cắm chân giữa trảng gió. Nhưng khách đã học được cách phân biệt hai cơn mưa, hai mùa nắng. Cuộc luân chuyển miên viễn của thời gian khách ghi nhớ bằng đứa trẻ sơ sinh khóc lóe ngóe trên giường. Một vụ mía trúng giá. Thằng Đậu lên cấp hai. Ái lại thèm của chua. Cây xoài khách trồng mùa đầu ra trái...

Những tờ giấy gấp tư dưới đáy balô phai gần hết mực, rách beng mép gấp. Lỏng lẻo như những cuộc gọi phía chân trời. Con đường trước nhà đã tráng nhựa, xe đò qua nhà ngày bảy chuyến, Ái vẫn dặn khách muốn đi cứ đi, không cần từ giã. Lần duy nhất Ái bảo khách ở lại là bữa người đàn ông xưng ba thằng Đậu tới thăm. Mấy lần xe đò nuốt khách vào, rồi lại trả về đúng trảng gió. Đi, về không hứa hẹn. Nhưng trước cái bữa ra đồng không về nữa, khách lại bảo “đừng buồn, gặp nhau sau”. Những chiều tà Ái chống gậy ra mân mê nấm mộ dần khô. Bia ghi khách thọ sáu mươi tám tuổi.

Từ tạt qua quán bên đường, khách đi ngang trung tâm thực nghiệm giống mới hai lần. Một bận Ái bị rắn lục cắn phải chở đi bệnh viện, bận sau tiễn thằng Đậu đi lính. Không lần nào khách kịp nghĩ đáng lẽ mình phải ở nơi chốn này.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

 Từ khóa: nguyễn ngọc tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây