Người viết sử bằng thơ

Thứ tư - 08/12/2010 08:45 3.138 0

Ông Vũ Trung Chính

Ông Vũ Trung Chính
Gặp anh Vũ Trung Chính một đôi lần gì đó, trong thoáng qua, vội vã vì công việc. Vào tiết cuối thu đầu đông năm 2010, lại được Vũ Trung Chính tặng cuốn Việt Nam lịch sử diễn ca mà chính anh là tác giả, NXB Thanh niên ấn hành, tôi có thêm những dữ kiện để hiểu và quý trọng anh hơn.

Thời chiến tranh chống Mỹ, đang làm Trưởng phòng nông nghiệp huyện, Vũ Trung Chính viết đơn tình nguyện đi bộ đội, hành quân vào chiến trường Quảng Trị đúng năm 1972 có “mùa hè đỏ lửa”. Năm 1976, Vũ Trung Chính được chuyển ngành trở về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Ninh. Với tấm bằng kỹ sư cộng với tinh thần của người chiến sĩ vừa từ chiến trường trở về, Vũ Trung Chính làm việc rất năng nổ, hiệu quả. Nếu tính cả những tấm huân chương chiến công, huân chương chiến sĩ giải phóng và rất nhiều kỷ niệm chương, huy hiệu khác, Vũ Trung Chính xứng đáng để ứng cử cho chức lãnh đạo Sở. Nhưng anh tự biết, người có tính bộc trực, thẳng thắn như anh thăng tiến trên con đường quan chức không hề suôn sẻ, sẽ là vô cùng gian nan, có những lối đi không phù hợp với bản chất của anh. Cuối cùng, Vũ Trung Chính chọn con đường không chức tước, nhưng được làm việc phù hợp với chuyên môn của mình. Chẳng hạn, những năm đầu thập kỷ tám mươi rất thiếu lương thực thì Vũ Trung Chính nghiên cứu trồng khoai tây vụ đông trên đất thịt nặng, anh đích thân xuống nhiều vùng nông thôn hướng dẫn nông dân thực hiện, mang lại cho họ những nguồn thu nhập đáng kể. Có những công trình khoa học của Vũ Trung Chính cùng với hai kỹ sư Lê Văn Nhạ và Phạm Ngọc Khảnh đã được tổ chức quốc tế FAO đánh giá cao như công trình thể nghiệm làm lúa vô tính...

Đến tuổi hưu, không có nhà cao cửa rộng ở thành phố, Vũ Trung Chính nhận giấy tờ rồi về ở  thôn Đại Đê, xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định, nghĩa là trở về cố hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tài sản anh mang theo chẳng có gì đáng giá ngoài những cuốn sách. Sách kỹ thuật nông nghiệp, sách văn học, lại có cả sách sử học nữa. Không còn bị hối thúc về việc cơ quan, Vũ Trung Chính thảnh thơi, ngoắc mục kỉnh lên bắt đầu viết sử. Ngồi giữa ngôi làng hẻo lánh bên bờ sông Đào mà anh lại viết toàn chuyện quốc gia đại sự! Anh có lối thể hiện lịch sử khá độc đáo: viết bằng thơ, thể song thất lục bát. Chỉ trong vòng 200 trang sách, anh thâu tóm lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước cho tới tận ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975. Cô đọng thế nhưng người đọc vẫn không cảm thấy thiếu hụt, bởi Vũ Trung Chính biết chọn những gì là tinh túy, rường cột nhất của lịch sử để gieo vần thể hiện.

Chẳng hạn anh viết về việc Hồ Quý Ly sau khi soán ngôi nhà Trần, xưng đế rồi xây thành nhà Hồ ở Thanh Hóa:

...Ngai vàng nay đã về tay/Nhà Hồ gấp rút hoàn xây đô thành/Bao của cải quan quyền vơ vét/Dồn vào xây thành quách Tây đô/Lầu son gác tía nguy nga/Vào trong cung cấm bước ra sân rồng...

Hay là anh mô tả các danh sĩ chống Pháp dưới triều Nguyễn:

...Trương Công Định sáng ngời ý chí/Đánh đến cùng chẳng kể gian nguy/Mặc Vua hạ chiếu bắt về/Nhưng ông quyết chiến đến khi hơi tàn/Nguyễn Trung Trực lật chìm tàu Pháp/Rất hiên ngang khi sắp hành hình/Đinh Công Tráng với Ba Đình/Xây thành đắp lũy tung hoành bao phen...

Riêng phần chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường miền Nam, Vũ Trung Chính viết rất sinh động, bởi bản thân anh đã là “một pho sử sống”. Tuy nhiên, người đọc sẽ không có cảm giác tiếc nuối, nếu như ở một số phần anh thể hiện những vấn đề nhạy cảm của lịch sử bằng cái nhìn mới mẻ hơn. Người đọc cũng có quyền hỏi tác giả: Ở triều Lê, một ông vua sáng như Lê Thánh Tông có công lớn canh tân đất được, làm nên một niên hiệu Hồng Đức võ công văn trị, vì sao trong Việt Nam lịch sử diễn ca lại không có một dòng nhắc đến?

Loại ra một vài hạn chế đó, thì có thể nói Việt Nam lịch sử diễn ca của Vũ Trung Chính là một ấn phẩm khiêm nhường nhưng có ích. Viết giản dị, bằng thơ, người đọc cảm nhận về sử bằng cảm xúc như thưởng thức thi ca, nhất là với những người dân nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với những pho sử đồ sộ thì cuốn sách của anh Vũ Trung Chính càng trở nên hữu dụng.

Tác giả: Lê Hoài Nam

Nguồn tin: SKĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây