Cụ Lan Phương - tác giả của những trang hồi ức Các bạn văn bút của Lan Khai viết về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Trần Huy Liệu, Vũ Ngọc Phan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Trần Huyền Trân… Cả hai ông Sơn Tùng và Lan Phương đều sinh thời thuộc Pháp năm nay đã vào tuổi 83 và rất quí trọng nhau. Người ở thượng nguồn sông Lô, người ở Thủ đô Hà Nội, nhưng thường xuyên dốc bầu tâm sự với nhau bằng những bức thư những bài viết đầy tâm huyết về tình bạn về nhân tình thế thái, những băn khoăn về tuổi trẻ và tương lai đất nước mà tôi tìm đọc được. Đây là thế hệ đã sống qua những cơn nóng lạnh của lịch sử, từ chế độ thuộc địa đến chế độ dân chủ cộng hoà, những cuộc chiến tranh vệ quốc với hoà bình. Nên khi trò chuyện hay viết cho nhau họ có một cảm thức rất riêng của lớp người từng trải.
Lần nào đến thăm nhà văn tôi cũng được mời vào chiếu văn của Sơn Tùng, nên từng có cơ may được hầu chuyện cả nhà văn quá cố Hữu Mai, nhà thơ Lê Đạt… Tôi đã được Sơn Tùng mời vào phòng văn của ông, một căn phòng chật hẹp, đi tới chỗ bàn viết như qua một đoạn giao thông hào, hai bên tường là sách. Tôi không khỏi ngạc nhiên một người như Sơn Tùng mà lại ngụ ở một căn nhà xoàng như vậy tại thủ đô Hà Nội, có đủ loại khách xa gần trong ngoài nước thường xuyên lui tới gặp ông? Những khoảng thời gian quí hiếm đó tôi khám phá được ở Sơn Tùng nhiều mặt từ văn chương đến cuộc đời. Sơn Tùng là một kho tri thức lớn từ cổ tới kim từ đông sang tây. Dường như con người ông là sự kết đọng của lịch sử văn hóa Việt Nam. Được trò chuyện với Sơn Tùng, tôi tâm đắc nhất là những tri thức về lịch sử văn học dân tộc. Ông là một nhà văn đi nhiều, học rộng, sống lâu, có mối tâm giao với nhiều nhà văn hóa lớn ở nhiều thế hệ như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai cùng các nghệ sĩ và học gỉa nổi tiếng như Văn Cao, Nguyễn Khắc Viện, Phan Ngọc… Và niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời ông từng được sống và làm việc với Bác Hồ. Tôi tìm thấy trong con người Sơn Tùng nhiều thế hệ người Việt Nam. Ông vừa có cái bóng của những nhà Nho đầu thế kỷ XX vừa có cái dáng của người trí thức thời Pháp thuộc, vừa có tính cách của một nhà văn hiện đại; cái vẻ chân chất của người nông dân và những nét hồn nhiên mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ. Ông đi làm cách mạng từ tiền khởi nghĩa; tham gia kháng chiến suốt tuổi thanh xuân, trong những ngày đất nước còn chia cắt, đi chiến trường bị bom rơi đạn lạc thành người thương tật. Nếu cứ nhìn vào tập hồ sơ bệnh án của một thương binh nặng (hạng ¼) thì không ai tưởng tượng được lại còn một nhà văn Sơn Tùng cho đến hôm nay. Nhưng đó là sự thực. Sơn Tùng đã quyết sống và có ích cho đời. Ai đã cứu ông trở lại với đời? Tất nhiên có đồng đội có thày thuốc có người vợ thấu tình. Song chưa đủ. Chính Sơn Tùng đã cứu mình ra khỏi những cái chết kề bên, những cơn bệnh dày vò trên 40 năm qua để có một đời văn cao đẹp đến không ngờ. Ông luyện tập thân thể bằng mọi cách, ông rèn tinh thần bằng mọi khả năng. Ông chú trọng quan niệm “trị bệnh không dùng thuốc”. Phải chăng ý chí “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều” nên ở tuổi 83 Sơn Tùng vẫn có một bộ óc như “cuốn từ điển sống”minh mẫn đến lạ thường!
Sơn Tùng bước vào nghiệp văn không định trước. Năm 1950 ông bắt đầu viết những trang ký về kháng chiến. Năm 1955 ông cho ra đời bài thơ đầu tay “Chiếc nón bài thơ” đã trở thành bài hát. Rồi tiếp đến ông là nhà báo chiến trường, nhà văn của những trang ký và tiểu thuyết. Từng đọc các tác phẩm Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Bác về, Từ làng Sen, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng, Bác ở nơi đây, Chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa hề thấu ngọn nguồn, Con người và con đường, Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến người vẽ cờ Tổ quốc, Anh hoạ sĩ mù, Bên khung cửa sổ, Lõm, Vườn nắng… tôi cảm nhận chỉ riêng những cuốn Búp Sen xanh, Bông Sen vàng, Lõm… cũng đủ thấy chân dung và tầm nhìn của một cây bút đi tiên phong về nghệ thuật.
Búp sen xanh (1981) ra đời trước thời kỳ đổi mới, gây ồn ào dư luận bởi một cây bút dám đưa chuyện riêng tư của vĩ nhân vào tiêủ thuyết, nhưng rồi chính cái hồn của Búp Sen xanh đã tự tìm lấy chỗ đứng vững chắc trong bạn đọc. Đây là cây bút có con mắt sớm nhìn ra chiều sâu nhân bản của một nền nghệ thuật. Nhà văn phải biết khám phá cái bình thường và cao cả sống trong mỗi con người. Và chuyện tình của nhân vật vĩ nhân có được tái tạo trong tiểu thuyết thì lại càng chân thật và cao đẹp biết bao, hơn là kiểu nhân vật vĩ nhân được thần thánh hoá trong tưởng tượng của nhiều người. Lõm (viết 1976, xuất bản 1994) cũng là cuốn tiểu thuyết được thai nghén từ hiện thực chiển tranh chống Mĩ đến trước thời kỳ đổi mới hàng chục năm đã đem lại những bất ngờ cho bạn đọc: Vì sao thân phận những cô gái “bán hoa” tưởng chừng như “bỏ đi” ấy mà vẫn chứa chan lòng nhân ái, bao dung và khát vọng nhân văn, biết thương yêu bộ đội, chở che cho cách mạng? Hóa ra họ vẫn là huyết mạch của nòi giống tổ tiên, là một phần dân tộc. Đi sâu vào khám phá thế giới bên trong con người, Sơn Tùng đã tìm ra nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn của con người Việt Nam được hình thành bền lâu trong lịch sử. Các hình tượng nghệ thuật của Sơn Tùng cho thấy quan niệm nghệ thuật mới mẻ về con người của ông đã đi xa hơn nhiều cây bút cùng thời. Sơn Tùng viết về lãnh tụ với một niềm đam mê bất tận, không để nhằm “hưởng lộc” của vĩ nhân mà để khám phá kho báu tinh thần của dân tộc kết tinh trong một con người vĩ đại, nên ông mải miết hành trình để đi tới tận cùng của cái chân, thiện, mĩ mong dâng hiến tất cả cho hiện tại với tương lai. Tác phẩm của ông đã được nhiều học giả từ nhiều quốc gia Mĩ, Pháp, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Nga… quan tâm lui tới chiếu văn của Sơn Tùng. Năm qua Sơn Tùng đã từ chối nhận giải thưởng về thành tích tuyên truyền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, bởi lý do ông đã làm việc đó trên hai chục năm rồi! Dường như ông viết văn từ những động lực của tâm can chứ không phải từ nghị quyết.
Việc tái hiện không gian lịch sử và tái tạo chân dung các danh nhân là thế mạnh của Sơn Tùng. Cho dù, sáng tác là hư cấu, nhưng Sơn Tùng không bắt đầu mọi việc từ một tờ giâý trắng mà nhân vật và sự kiện của ông đã từng hiện hình trong lịch sử được tái tạo qua vốn văn hóa sâu rộng và tri thức nghệ thuật của ông dồn lên trang viết. Hình tượng các danh nhân trong tác phẩm của Sơn Tùng là tổng hoà các phẩm chất dân tộc và thời đại nhưng được hình thành từ cái nôi văn hóa quê hương, gia đình. Bên những gì là cao cả thiêng liêng, Sơn Tùng hay chú ý khám phá những điều nhỏ bé trong đời thường nhân vật, không phóng đại, tượng trưng, nhưng tìm cách cho quá khứ được tái sinh nên dễ đồng cảm với người đọc. Trong đó, lòng yêu Tổ quốc tình thương đồng bào là phẩm chất cao đẹp nhất của con người kết tinh trong hình tượng nghệ thuật của ông. Quan niệm nghệ thuật của Sơn Tùng vừa có màu sắc dân gian vừa có cái nhìn hiện đại. Thêm vào đó là lời văn bình dị tự nhiên kéo người đọc lại gần người viết.
Tác phẩm ký của Sơn Tùng, hình thành từ kho tư liệu phong phú được xây đắp suốt cuộc đời ông. Có tư liệu ông là người trong cuộc; có tư liệu ông thu thập trên con đường văn nghiệp. Ông trân trọng từ những mẩu giấy cũ có hồn người đến những bức ảnh nhạt nhoà qua năm tháng, những bút tích của bạn bè đồng chí, những kỷ vật bình dị của những nhà văn, người lính, người nông dân, ngư dân, em nhỏ, người dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước từ chiến tranh đến thời bình thành kho tư liệu “con người”, rồi từ đó tạo dựng lên những bức tranh chân thực về cuộc sống. Là một nhà văn thương tật, tàn nhưng không phế Sơn Tùng dấn thân vào nghệ thuật, lĩnh vực “khó khăn và nguy hiểm” của anh hoa tài thức bao đời nay lặn lội tìm mình, và ông đã đi đúng lộ trình mà mình đã chọn. Sơn Tùng hiểu rất rõ: Nghệ thuật chỉ có còn và mất chứ không hề có sự “ưu tiên”. Ông viết về trẻ thơ, về phụ nữ về người lính về kẻ thù, về bà mẹ Việt Nam về danh nhân lịch sử và văn hóa, về thiên nhiên đất nước…
Ở đâu ông cũng khám phá, đề cao lòng nhân ái và khát vọng, những góc khuất của lòng người. Vì thế văn chương của Sơn Tùng không cần đến tuyên truyền quảng cáo mà vẫn giành được số đông bạn đọc. Ngoài lúc cặm cụi bên trang giấy, lúc trò chuyện bên chiếu văn, Sơn Tùng còn trong vai một diễn giả thu hút trong các trường học và những khu dân cư ở khả năng diễn thuyết của mình bằng cái tâm và cái tầm văn hóa của một con người từng trải. Ông từng đọc rất nhiều: Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và tín ngưỡng Việt Nam. Trong ông có cả vốn kinh điển chủ nghĩa Mác Lê nin và những học thuyết phương Tây khác. Ông hiểu sâu chữ Hán và đọc thông Tiếng Pháp; hiểu các tác phẩm lớn trên thế giới và yêu nền văn học dân gian… Tất cả kho tri thức đó, cuối cùng đều được ông soi vào tinh hoa của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Mỗi lần gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng, ra về tôi đều mang theo tâm trạng vừa khâm phục kính yêu vừa bồi hồi suy tưởng. Khâm phục kính yêu bởi trong ông vừa là một nhà sư phạm vừa là một nhân cách văn chương, sống hết mình vì cái đẹp và cái thiện giữa một không gian biến đổi mênh mông của thị trường kinh tế và văn hóa đất nước. Đồng thời với sưong gió tháng năm, liệu nhà văn Sơn Tùng thực hiện được bao nhiêu hoài bão nữa, khi ông đã quá bát tuần rồi? Một ngày cuối đông Kỉ Sửu, nhà văn đã tâm sự với tôi, ông còn nhiều món nợ: cùng với Chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa hề thấu ngọn nguồn, ông còn “món nợ” với vùng quê Hoa Luỹ Diễn Châu Nghệ An, nơi ông cất tiếng khóc chào đời bên biển, nơi có nhiều câu chuyện xúc động của ngư dân và những sự tích về Cá Ông Voi, ông vẫn chưa làm trọn vì nhiều lúc nâng cây bút lên viết, từ vết thương sọ não máu lại thấm ra… “Còn sống còn nghĩ được thì còn viết cháu ạ! Cái Đức của tổ tiên mình lớn lắm, nhà văn nhà giáo phải giữ cho trọn nghĩa để con cháu mình còn đi tiếp.
Bác Hồ khi còn sống, vừa toan tính việc nước, nhưng luôn lo lắng tới tương lai…”. Mỗi khi cho ra đời một cuốn sách mới, Nhà văn Sơn Tùng đều gửi tặng tôi và đề từ trang trọng. Vừa qua ông gửi tặng tôi cuốn sách Người dẫn đường (khúc ca Sán Dìu) của nhà thơ dân tộc Ôn Quang Thiên… Ông nói đầy tâm huyết: “Di sản văn học dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam giàu đẹp lắm, nhưng ta chưa nghiên cứu được nhiều”. Gần gũi Sơn Tùng, tôi cảm nhận đây là một nhà văn nhậy cảm với cái đẹp và cái thiện cùng những mặt trái của phạm trù này ở khắp nơi, cảm hứng trong ông luôn bắt nguồn từ cái thực và quyết tâm đi đến cùng cái thiện. Trên căn gác chật hẹp, ngõ Văn Chương phố Khâm Thiên Hà Nội có một chiếu văn rộng mở, cho hay: ai theo được “cái nghèo” của Sơn Tùng, và “cái giàu” của nhà văn ai có được. Ông là Sơn Tùng, đúng với hàm nghĩa văn chương của các bậc tiền nhân nói về một loài cây dãi dầu sương gió trên non cao rừng thẳm nhưng có một khoảng trời lộng lộng, bao la để hiến dâng cho đời hổ phách, phục linh. Xin kính chúc nhà văn Sơn Tùng thêm sức khoẻ để đi tiếp lộ trình cao đẹp mà ông đã chọn từ thuở thanh xuân của thế kỷ đã qua.
Tác giả: Trần Mạnh Tiến
Nguồn tin: Văn nghệ trẻ
Ý kiến bạn đọc