* Thưa anh, có điều gì đáng nhớ từ các cuộc gặp gỡ giữa anh với các em học sinh - độc giả thiếu nhi ở Thụy Ðiển?
- Ðó là câu chuyện liên quan đến tiếng Việt mà báo chí vừa xới lại mới đây. Ngoài cuộc trò chuyện với học sinh cấp III của trường dạy tiếng Pháp mang tên L’Ecole Française, tôi có đến nói chuyện tại thư viện cộng đồng của thành phố Halmstad, cách Stockholm khoảng 5 giờ tàu lửa.
Halmstad là một thành phố nhỏ, khoảng 10.000 dân, trong đó có khoảng 100 gia đình người Việt. Hôm đó tôi gặp khoảng 80 em học sinh ở Halmstad và các vùng phụ cận, hầu hết đều sinh ra và lớn lên ở Thụy Ðiển. Chính phủ Thụy Ðiển luôn khuyến khích các công dân Thụy Ðiển có gốc gác nước ngoài trau dồi tiếng mẹ đẻ, nên các em có giờ học tiếng Việt ở trường.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết Thư viện cộng đồng Stockholm mời anh tham dự tuần lễ sách quốc tế thiếu nhi không phải do họ biết anh qua Từ điển mở Wikipedia như một nguồn tin trên mạng đã đưa, mà do nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần - từng được giải Peter Pan của Tổ chức IBBY Thụy Điển - giới thiệu. |
Tất nhiên đa số các em nói tiếng Việt không lưu loát lắm nhưng buổi gặp gỡ rất ấm cúng và cảm động. Ðặc biệt, các phụ huynh người Việt luôn hỏi tôi có cách nào giúp con em họ có thể đọc sách Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ một cách trôi chảy, chứng tỏ các bậc cha mẹ rất tha thiết đến việc gìn giữ những gì thuộc về nguồn cội.
* Hoạt động trọng tâm của tuần lễ sách quốc tế về thiếu nhi là gì?
- Hoạt động trọng tâm có lẽ là cuộc hội thảo diễn ra ngay ngày đầu tiên. Các nhà văn trình bày những vấn đề mình quan tâm, tất nhiên liên quan đến văn học thiếu nhi, sau đó trả lời các câu hỏi của người nghe. Những ngày tiếp theo, chúng tôi được sắp xếp đi thăm và làm việc với các tổ chức nghiên cứu về thiếu nhi và văn học thiếu nhi ở Thụy Ðiển, các thư viện lớn, các nhà xuất bản và gặp một số nhà văn trong Hội Nhà văn Thụy Ðiển.
* Theo anh, nhà văn Thụy Ðiển có sống được bằng nghề viết?
- Tôi có hỏi về điều này và được biết hiện nay có 40-50 nhà văn Thụy Ðiển sống được bằng nghề. Nhưng khác với ở Việt Nam, ngoài nhuận bút các nhà văn Thụy Ðiển còn có thu nhập bằng tiền đi nói chuyện tại các trường học, tiền được các thư viện trích lại và trả cho nhà văn căn cứ vào số lượt người mượn sách.
Tác giả: An Ni
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc