Có những người đàn ông, khi ngắm nhìn gương mặt say ngủ của những đứa con lúc nửa đêm, sẽ trào dâng cảm giác yên bình vì biết không có gì bất ổn đang xảy ra với thế giới này. Nhưng nhà văn người Mỹ Cormac McCarthy lại không như vậy. Khi cuốn tiểu thuyết The Road của ông xuất bản năm 2006, nhà văn kể lại nguyên nhân ra đời của cuốn sách: "4 hoặc 5 năm trước, con trai tôi - John, lúc đó mới 4 hay 5 tuổi - và tôi đến El Paso (Texas). Chúng tôi ở trong một khách sạn đã cũ. Một đêm, lúc khoảng 2h sáng, khi John đang ngủ, tôi thức dậy, ngắm nó và nhìn ra ngoài cửa sổ. Mọi thứ im lìm và tôi có thể nghe được tiếng tàu từ xa lắm - một âm thanh cô độc. Tôi bỗng mường tượng ra hình ảnh của thành phố này trong 50 hoặc 100 năm nữa - lửa cháy trên các ngọn đồi, vạn vật chết chóc. Bỗng dưng tôi nghĩ đến con trai bé nhỏ của tôi. Rồi tôi viết được hai trang bản thảo. 4 năm sau, tôi nghĩ, nó không thể cứ chỉ là hai trang của cuốn sách mà phải là một cuốn sách. Đó là cuốn sách về người đàn ông đó và cậu bé đó".
Cuốn tiểu thuyết về hai cha con mà McCarthy nói đến đã mang về cho ông giải Pulitzer. Và cùng với những cuốn sách khác, nó được đánh giá là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học thế giới thập kỷ qua. Bộ phim chuyển thể từ cuốn sách cũng sắp được khởi quay với diễn viên Viggo Mortensen trong vai người cha và Kodi Smit-McPhee trong vai cậu con trai.
The Road, như McCarthy nói, là cuốn sách về "lòng tốt". Nhưng vì lấy bối cảnh một xã hội Mỹ bị ám ảnh bởi ấn tượng về những bộ lạc ăn thịt người, dịch bệnh và sự tàn phá môi trường, cuốn sách gợi nhớ đến những tác phẩm khác của ông như Blood Meridian và No Country for Old Men - nơi sự kinh hoàng và cái chết hiện hữu hoành hành mà không có đối thủ.
Những ngày này, báo chí đang nói nhiều đến sự thất bại của các nhà chính trị tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về biến đổi khí hậu trong việc tìm ra câu trả lời thích hợp cho những hiểm họa môi trường mà các nhà khoa học đã cảnh báo. Họ không đủ giàu trí tưởng tượng để nhìn thẳng vào tương lai. Đáng lẽ, trước khi hội nghị diễn ra, các nhà chính trị cần được đọc The Road.
Để viết The Road, McCarthy đã dành rất nhiều thời gian đến Viện Santa Fe gần nhà ông ở New Mexico - một học viện do nhà vật lý Murray Gell-Mann thành lập - nhằm nghiên cứu phục vụ cho quá trình viết cuốn sách. Khi được hỏi về thảm họa ông đề cập đến trong The Road, nhà văn trả lời: "Tôi không biết. Nó có thể là bất cứ điều gì: núi lửa hoạt động hoặc chiến tranh hạt nhân. Là thảm họa gì không quan trọng. Vấn đề là, bạn sẽ làm gì với nó".
Bản tiếng Việt của cuốn sách. |
Trong cuộc trò chuyện với Wall Street Journal, McCarthy chia sẻ, rất nhiều đoạn đối thoại trong The Road là những mẩu trò chuyện giữa ông và con trai được đưa nguyên văn vào tác phẩm. Ông kể: "John có lần hỏi tôi: 'Bố, bố sẽ làm gì nếu con chết?'. Tôi trả lời: 'Bố sẽ chết cùng con'. Nó nói tiếp: 'Vây là bố con mình lại được ở bên nhau'. Đó là một trong những cuộc nói chuyện giữa hai bố con".
Với những gì đã xuất bản, McCarthy được coi là người bi quan số một trong nền văn học Mỹ. Bằng những câu văn lạnh lùng, ông soi sáng một thế giới, trong đó vạn vật hầu như dần biến thành tro bụi.
McCarthy nổi loạn chống lại cha từ khi còn trẻ. Ông cũng là người không nhận thấy giá trị gì trong việc học ở trường. Nhà văn tương lai thích theo đuổi sự hiếu kỳ của riêng mình hơn. Ông kể: "Tôi nhớ hồi còn học ở trường, thầy giáo hỏi chúng tôi có sở thích gì không. Tôi là cậu học sinh duy nhất có mọi sở thích. Tôi có tất cả sở thích của các bạn… và tôi kể chúng ra, kể hết, cả những điều bí mật. Tôi có thể gợi ý cho mỗi bạn một sở thích mà vẫn còn khoảng 40 - 50 cái để mang về nhà".
Nhà văn bị đuổi khỏi Đại học Tennessee và phải trôi nổi đi tìm việc làm một thời gian dài sau đó. Rồi ông gia nhập không quân trong 1 - 2 năm và bắt đầu đọc sách trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Alaska. Niềm say mê văn chương đến với ông từ đó.
McCarthy kết hôn ba lần và có hai cậu con trai, nhưng ông không dành nhiều thời gian cho gia đình. Ông đi nhiều và thường xuyên ở trong những khách sạn rẻ tiền. Ông tắm ở hồ, tự cắt tóc cho mình và rất ngần ngại khi phải đối diện với cánh báo chí cũng như độc giả. Tất cả gì cần nói, ông đã thể hiện trong tác phẩm.
Tác giả: Hà Linh
Ý kiến bạn đọc