‘Được’ và ‘chưa được’ khi giới thiệu văn học Việt Nam

Thứ hai - 11/01/2010 13:57 2.374 0

‘Được’ và ‘chưa được’ khi giới thiệu văn học Việt Nam

Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam mới đi hơn nửa chặng đường đã vấp phải không ít phàn nàn của báo chí lẫn người trong cuộc về cách tổ chức lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp… so với những mục tiêu lớn mà Ban tổ chức đề ra.

Dưới đây là trao đổi với nhà thơ Nguyễn Duy, người tham dự Hội nghị từ đầu tới giờ xung quanh các vấn đề này.

- Hội nghị lần này nhận được nhiều lời chê hơn là những tiếng khen từ chính những người tham dự. Bản thân nhà thơ thấy thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Dân gian có câu “Ma chê cưới trách”. Đã hội họp thì khó tránh được lời ra tiếng vào. Nhưng đúng là hội nghị lần này, ý tưởng thì tuyệt vờinội dung tổ chức thì chưa ăn nhập với nhau. Chương trình quá lớn, anh em trong Hội Nhà văn rất nhiệt tình, rất vất vả, lo liệu từ A đến Z, nhưng cũng chính vì thế mà thành không chuyên nghiệp. Bây giờ làm hội nghị là một chuyên môn, cần cả một công ty riêng chuyên tổ chức hội nghị. Giá mà Hội thấy được điều đó, làm hợp đồng với các công ty thì hiệu quả vừa cao mà anh em cũng đỡ vất vả hơn.

- Tính không chuyên nghiệp trong cách tổ chức lộ ra ở những khâu nào thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Thứ nhất, đây là một hội nghị về dịch thuật mà khâu dịch thuật lại thất bại. Có rất nhiều ý kiến hay mà ta không trao đổi được với nhau do không có người phiên dịch giỏi am hiểu về văn chương. Có chuyên đề còn không chuẩn bị trước người phiên dịch, đến khi diễn giả lên phát biểu mới đi hỏi người trong hội trường xem có ai xung phong… Ta không thiếu những chuyên gia thông thạo văn học lẫn dịch thuật nhưng hội nghị lại không vận động được họ, không tận dụng được họ, không mời được họ giúp đỡ.

Thứ hai, trong nhiều nội dung của hội nghị ta hay quan trọng hoá, chính xác là long trọng hoá trong khi chỉ cần làm một cách nhẹ nhàng, giản dị. Nhiều bài tham luận của các diễn giả Việt Nam cũng nghiêm trọng hoá vấn đề như thể họ sợ nói điều gì lệch lạc, thế này thế khác.

Nói chung, nếu bắt lỗi thì nhiều chuyện lắm. Dù sao thì hội nghị đã làm được việc là cho anh em một dịp được gặp gỡ nhau, trao đổi nghề nghiệp, công việc, giao lưu gặp gỡ với các nhà văn, dịch giả nước ngoài. Nếu thấy điều đó là quan trọng là tôi cho là hội nghị đã thành công.

- Nhưng điều mà công chúng quan tâm là: sau khi được Nhà nước rót cho một khoản tiền không nhỏ để tổ chức một sự kiện lớn thì hiệu quả của nó thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Nói đến cái hiệu quả quảng bá thì cần cả một quá trình, một lộ trình chứ không thể thấy ngay sau khi hội nghị kết thúc. Nhìn lại sách dịch Việt Nam ra tiếng nước ngoài từ trước đến nay, ta thấy có 2 loại: loại 1 là loại phục vụ nhu cầu chính trị, được nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, dịch- in - biếu. Loại thứ 2 là loại có giá trị văn học đích thực được thế giới quan tâm, tự dịch ra và xuất bản tại nước họ, đôi khi có nhu cầu chính trị từ phía người dịch. Loại này đều do phía nước ngoài tự tìm đến chúng ta chứ không phải do ai quảng bá, cũng không do nhà nước bỏ tiền đầu tư. Thậm chí những tác phẩm này còn bị từ chối ở trong nước, và tác giả thì gặp không ít khó khăn hoạn nạn.

Vậy cốt lõi là chúng ta có tác phẩm đáng để cho người ta tìm dịch và xuất bản hay không chứ không phải nhà nước có đầu tư để quảng bá hay không. Chúng ta có những tài năng văn học hay không và những tài năng ấy có được hưởng đầy đủ quyền của nhà văn trong lao động sáng tạo hay không, có được môi trường xã hội ủng hộ và tạo điều kiện để họ phát huy tự do trong sáng tác hay không.

- Vậy hoá ra, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam tổ chức ra cũng không có ý nghĩa gì nhiều?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Có chứ. Nó đặt ra nền móng niềm tin để hy vọng. Hy vọng là sẽ có những thay đổi trong tương lai. Hy vọng là Hội Nhà văn nhận ra điều cần làm là phải bảo vệ được hội viên và tạo điều kiện hợp lý, xứng đáng cho nhà văn về cả tinh thần lẫn vật chất để tạo ra những tác phẩm có giá trị. Chứ cứ đầu tư sáng tác cào bằng theo kiểu phát chẩn như hiện nay thì dù là tỷ VND hay tỷ USD cũng không ra được tác phẩm lớn.

- Nếu Hội nghị này được tổ chức lần nữa (và chắc là sẽ tổ chức lần nữa) theo nhà thơ cần phải thay đổi những gì?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Phải tổ chức ở quy mô nhỏ hơn và sâu hơn. Cần phải mời đại biểu có chọn lọc cả trong và ngoài nước, những người thực sự quan tâm đến sự sống còn và phát triển của văn học Việt Nam và có khả năng đóng góp cho văn học Việt Nam. Tôi thấy có nhiều người được mời tại hội nghị lần này không thực sự quan tâm đến mục tiêu của hội nghị cũng như không có khả năng đóng góp gì.

- Ông có nghe được những đại biểu nước ngoài bày tỏ thái độ đối với cách tổ chức hội nghị lần này?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Tôi không tiếp xúc nhiều với các đại biểu nước ngoài ngoại trừ những người bạn Mỹ đã có mối quan hệ từ trước. Họ rất ý nhị và xã giao nên cũng không bày tỏ gì cả. Tuy nhiên tôi biết họ có nhiều băn khoăn, không hài lòng thông qua những câu “giá như” của họ.

- Xin cảm ơn nhà thơ!

Tác giả: Hoàng Hồng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây