Nhà thơ Thanh Thảo: Yêu mọi thứ rồi sẽ yêu văn học

Thứ tư - 02/12/2009 22:13 2.748 0

Nhà thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo
Thanh Thảo, tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam.

Sau 1975, ông chuyên hoạt động về văn học  nghệ thuật, làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi. Phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam...

Thanh Thảo đã được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông rubic (1985), Đêm trên cát (1985), Từ một đến một trăm (1988)...

* Chào nhà thơ Thanh Thảo! Ông đang sống tại quê hương Quảng Ngãi, một vùng đất có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Bích Khê, Tế Hanh, Nguyễn Vỹ... Ông có thể cho biết vài nét về tình hình sáng tác văn học trẻ ở địa phương?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Nói văn học trẻ cũng cần một tiêu chí nào đó để khu biệt với văn học... già, chẳng hạn: đó là độ tuổi: tuổi đời hay tuổi nghề, những tác phẩm của họ có khác về phong cách so với những người sáng tác trước đó...

Nếu chỉ tính đơn thuần về độ tuổi thì anh chị em được coi là "sáng tác trẻ” ở Quảng Ngãi hầu hết đều đang độ tuổi từ U40 trở lên cả! Nghĩa là hơi bị... già. Nhưng nếu tính "trẻ, già” ở cách viết thì nhiều anh chị em sáng tác ở Quảng Ngãi đang còn trẻ. Nghĩa là họ còn đang phát triển, còn nhiều triển vọng. Thơ có Phạm Đương, Nguyễn Ngọc Hưng, Hà Huy Hoàng... Văn xuôi có Vũ Thị Thanh, Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Hồng Sơn...

Về văn xuôi thì Quảng Ngãi xưa nay hơi bị "hẻo", nhưng ba cây bút văn xuôi tôi nêu tên đều viết có nét riêng tuy họ viết hơi bị ít, vì văn xuôi đối với họ tuy là "một phần tất yếu của cuộc sống" nhưng cuộc sống của họ còn nhiều phần "tất yếu" lớn hơn. Thơ có thế mạnh hơn ở văn nghệ Quảng Ngãi, nhưng để trở thành một nhà thơ có thể khẳng định mình trên thi đàn thì quả không dễ.

* Bài thơ Đàn ghita của Lorca được đưa vào giảng dạy lớp 12. Với tư cách là tác giả, ông cần lưu ý giáo viên và học sinh những điều gì khi tiếp cận?

- Đây không phải bài thơ cổ động hay tuyên truyền về đề tài, chủ đề gì. Nó chỉ là bài thơ đơn thuần, thi pháp lại hơi nghiêng về thơ hiện đại. Nhưng tôi khẳng định nó không phải là bài thơ khó hiểu, không hề "hũ nút".

Những hình ảnh, hình tượng trong bài thơ này dù có một chút tuợng trưng hay siêu thực cũng chỉ đề nghị người đọc nên tìm hiểu thêm về văn hóa phong tục và cách sống của người Tây Ban Nha, về đất nước Tây Ban Nha. Và đặc biệt là tìm hiểu về nhà thơ vĩ đại của đất nước Tây Ban Nha là Federico Garcia Lorca. Về thơ ông, về cuộc sống và cái chết của ông, về chủ nghĩa phát xít, về số phận của thơ ca trong một thế giới còn chứa chất những nguy cơ, những hận thù, những chia rẽ.

Khi ta cảm nhận bài thơ với tất cả những tình cảm đối với Lorca, với đất nước và con người Tây Ban Nha, với những trận đấu bò tót và triết lý về con người mã thượng, về cái sống và cái chết, về sự tôn trọng nhân phẩm và tôn trọng đối thủ, dù đó là một... con bò tót.

Khi ta nghe vang trong mình nhịp điệu mê hồn của âm nhạc Flamenco, tưởng tượng về những vườn cam và Oliu xanh ngát của xứ sở Andalusia - quê hương Lorca - ta sẽ dễ dàng tiếp nhận bài thơ này như một trong những cầu nối cho ta đến với thơ Lorca.

* Bài thơ có nhiều chi tiết mang tính đa nghĩa, hay và khó hiểu như: Tiếng đàn như cỏ mọc hoang/giọt nước mắt vầng trăng... Rất nhiều giáo viên và học sinh muốn hỏi ý kiến của nhà thơ?

- Như trên tôi đã nói, những hình ảnh trong bài thơ này có thể mờ theo hướng đa nghĩa, nhưng nó không bao giờ khiến ta chệch hướng. Khi "tiếng đàn như cỏ mọc hoang" thì về mặt nào, nó mang niềm tin về sự tái sinh và bất diệt của nghệ thuật, của thơ ca. Còn "giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng" là một liên tưởng đa chiều về khả năng "long lanh" - chiếu rọi vào nhau - của "nước mắt", "vầng trăng" và "đáy giếng".

Nếu nói thêm, thì đó đều là những hình ảnh thuộc "mệnh Thủy" - nghĩa là nước. Mà nước thì vốn mềm và khó nắm bắt. Người ta cũng hay nói thơ thuộc "mệnh Thủy" vì thơ cũng có những đặc tính giống như nước.

* Trong thời buổi kinh tế hiện nay rất ít người theo con đường văn chương. Nhà thơ có tâm sự gì với những bạn trẻ yêu thích và muốn theo đuổi con đường văn chương?

- Tôi chỉ nghĩ thế này: thật ra văn học (hay rộng hơn là văn học nghệ thuật) chính là "một phần tất yếu" của cuộc sống con người. Nó lại thuộc phần hồn phần vía của con người. Nó có thể là trợ thủ, là bạn, là cầu nối giữa con người với nhau và giữa con người với vũ trụ.

Nhưng để có thể yêu văn học hay tự nguyện gắn đời mình với nó thì ngoài chuyện cần nhiều thứ khác, cái cần nhất và đầu tiên là tình yêu. Yêu mọi thứ rồi sẽ yêu văn học, khát mọi thứ rồi sẽ khát văn học.

*Xin cảm ơn nhà thơ.

Tác giả: Đào Tấn Trực

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây