Nguyễn Trọng Tạo và Ký ức mắt đen

Thứ hai - 18/01/2010 21:58 2.678 0

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tập thơ song ngữ "Ký ức mắt đen" (Memory of black eyes) của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa được Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Tập thơ do nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai và chuyên gia ngôn ngữ của Mỹ Hilary Watts chọn và chuyển ngữ.

* Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhiều người không tin ông hoàn toàn không biết về một “sự kiện trọng đại” như vậy...

- Khi 21 bài thơ của tôi do nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai tuyển chọn và dịch xong bước đầu tôi mới được biết. Chắc người dịch muốn làm tôi bất ngờ chăng? Tuy nhiên, việc chọn dịch này là do Quế Mai thấy thích và tự động làm. Ðiều này khiến tôi rất vui.

Thơ của tôi cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và in ở nước ngoài, nhưng mới chỉ dịch từng bài hoặc từng chùm, ví dụ như trên một tạp chí văn học của UNESCO in tiếng Ba Lan đã giới thiệu chùm thơ bảy bài của tôi, do nhà thơ Lâm Quang Mỹ và một nhà thơ Ba Lan kết hợp chuyển ngữ cùng lời giới thiệu của một nhà phê bình nổi tiếng Ba Lan. Còn lần này Quế Mai có ý thức dịch thơ để in thành một tập thơ của tôi do cô tuyển chọn. Ðó là một tin rất vui đối với một nhà thơ ở VN.

Quế Mai còn cẩn thận hơn nữa là nhờ một số nhà thơ làm thơ bằng tiếng Anh đọc thẩm định giúp bản dịch, trong đó có nhà thơ nữ Mỹ Mary E. Croy vì thích tập thơ này mà viết lời giới thiệu khá trân trọng. Chính tôi đã vẽ bìa cho tập thơ này, nghĩa là tôi rất vui trước “sự kiện trọng đại” này chứ.

* Dịch văn xuôi đã khó, dịch thơ có lẽ còn khó hơn. Khi thơ được dịch sang một ngôn ngữ khác, ông có sợ thơ mình sẽ mất đi tính nhạc, hình ảnh hay một biện pháp nghệ thuật nào đó mà chỉ có tiếng Việt mới thể hiện được?

- Người ta nói “dịch là diệt”, tuy vậy bài thơ gốc sẽ được sống trong một ngôn ngữ khác. Có thể sự chuyển dịch làm rơi rụng ít nhiều cái hay trong tiếng Việt, nhưng nó lại được bù đắp bằng một tư duy khác của ngoại ngữ. Ngay người Việt chúng ta hầu hết tiếp cận với thơ nước ngoài thông qua bản dịch sang tiếng Việt, nhưng người đọc vẫn tìm được sự chia sẻ với nhà thơ và bài thơ gốc đấy chứ.

Ta phân biệt được sự khác nhau của các nhà thơ và còn nhận biết được cả nền văn hóa của chính họ. Vậy thì các nước khác tất nhiên phải tiếp cận được thơ Việt qua bản dịch mà thôi. Riêng trường hợp Quế Mai và Hilary dịch thơ tôi, theo Mary Croy, người dịch không những chuyển tải được tâm hồn lẫn tư tưởng mà còn giữ được cả tinh thần của nhạc điệu. Ðó là tài năng và cố gắng của người dịch.

* Với tư cách là một nhà thơ, ông kỳ vọng điều gì từ Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN đang diễn ra?

- Hội nghị này đã đặt nền móng cho cây cầu quảng bá văn học VN ra thế giới. Nó khích lệ những người dịch trong và ngoài nước, khích lệ cả người viết và các nhà xuất bản cũng như các công ty phát hành sách. Qua đây, Chính phủ và các ngành liên quan sẽ nhận thấy phải quan tâm và đầu tư hơn nữa cho công việc này, vì văn học nghệ thuật chính là sứ giả của tâm hồn, của văn hóa và xã hội VN.

 

 

Ảnh: N.T.T

Ký ức mắt đen cùng với tập thơ song ngữ Cánh đồng người của Trần Quang Quý và tập thơ tiếng Anh Thời máu xanh của Nguyễn Thụy Kha cũng chính là những món quà tặng gửi đến các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN đang diễn ra tại Hà Nội.

HUY SƠN thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây