* Lý do nào khiến PGSTS Văn Giá quyết định thay đổi công tác về làm việc tại Khoa Viết văn , trường ĐH Văn hoá khi tuổi đã không còn trẻ nữa?
Vốn trước đó tôi công tác ở Khoa Báo chí- Học viện báo chí và tuyên truyền. Tôi về đây là do lời mời của thầy Trần Đức Ngôn, thầy giáo cũ của tôi từ thời tôi đang học ở đại học sư phạm. Tuy nhiên, lúc đó có 2 lý do chính để tôi quyết định về: thứ nhất, tôi nghĩ, ở mãi một chỗ cũng chưa chắc đã hay, nên thay đổi chỗ công tác để có thể “làm mới” lại bản thân mình; thứ hai, về cái nơi dạy sinh viên viết văn, viết lý luận –phê bình thì là cái công việc tôi vẫn làm hàng ngày, chắc là cũng hợp. Thế là quyết định về. Thực ra, tôi cũng không nghĩ ngợi sâu sắc gì lắm đâu. Bản tính tôi cũng thích “xê dịch” mà.
* Thời điểm ông về Khoa Viết văn viết văn cũng là thời điểm “sóng gió” với không ít ý kiến cho rằng cần phải giải thể khoa vì nó đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của mình. Việc duy trì nó không còn mang lại hiệu quả nữa. Điều ấy khiến ông không thấy e ngại sao?
Có người bảo tôi, cái đất ĐH Văn hóa nói chung, cái đất trường Nguyễn Du nói riêng cùng chung một ông Thần thổ địa là “đất dữ”, nên phải suy nghĩ cho chín chắn hãy quyết định. Tôi nghĩ, mình là dân nhà văn, chuyên tâm viết lách, có ham hố chức tước gì đâu mà sợ. Vả lại, chẳng có cái gì gọi là “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” cả. Cái đợt thi tuyển lần vào đầu tiên khi tôi mới về, tức là năm 2007, có đến trên 120 hồ sơ dự thi sơ tuyển. Thế có nghĩa là nhu cầu xã hội vẫn quá lớn. Sau này cũng vậy. Vẫn cứ đông người đăng ký thi vào. Điều ấy chứng tỏ nơi đây vẫn còn là sức hút cho những người nuôi dưỡng khát vọng viết văn.
* Điều đầu tiên ông làm khi nhận công tác tại trường viết văn Nguyễn Du là gì?
Việc đầu tiên của tôi là củng cố lại đội ngũ những người được mời đến giảng dạy. Tôi chú trọng mời những nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có uy tín chuyên môn cao, một số chuyên gia đầu ngành về một số lĩnh vực, những nhà văn nhà thơ có bề dày thành tựu. Có một số tên tuổi nổi tiếng trước đó đã tuyên bố đoạn tuyệt với trường Nguyễn Du. Nay tôi kiên trì mời lại, họ thương tôi nên đã nhận lời. Đó là các thầy Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn Nguyên Ngọc và một vài người khác.
* Người viết trẻ thường dễ bị ảo tưởng khi có một vài tác phẩm đăng báo, một vài giải thưởng kèm những lời khen tặng vốn dĩ dư thừa ở giới văn chương. Sự ảo tưởng khiến cho họ sớm tự mãn . Nhưng cũng chính điều ấy khiến cho họ dễ bị vấp ngã. Ông đã giúp gì cho các học trò của mình, với tư cách một người thầy, một người đi trước?
Bên cạnh việc truyền thụ học vấn, chúng tôi cố gắng phát hiện ra cái chất, cái tạng riêng của mỗi học viên; đồng thời cũng chỉ ra cái hạn chế mà họ đang mắc phải để giúp họ khắc phục. Như vậy, bên cạnh việc khích lệ họ, chúng tôi còn làm cả công việc “giải mê” cho một số người sớm ngộ nhận, tự mãn, nông nổi. Công việc này cũng cần kiên nhẫn lắm. Đôi khi, ngay cả ý kiến phản biện của tôi, không phải đã được nghe ngay đâu. Tôi phải phối hợp thường xuyên và rất sát với những nhà văn nhà thơ đến chấm và trả bài định kỳ để đưa những người ấy trở về “mặt đất”, để họ biết mình là ai, và đang đứng ở chỗ nào của cõi văn chương. Tôi luôn yêu cầu các nhà văn đến chấm trả bài tác phẩm định kỳ nhận xét đến nơi đến chốn, không nể nang. Nhiều khi để học trò nếm mùi thất bại ngay từ lúc đang học hành là cách giúp họ trưởng thành. Nhờ vậy, đến khi ra trường, họ có sự tự tin và bản lĩnh hơn.
* Theo ông, đào tạo sinh viên viết văn: Dễ hay khó? Vì sao?
Rất khó. Theo như thầy Nguyễn Đăng Mạnh kể lại: nhà thơ Xuân Diệu có lần nói rằng ở đời có 3 loại người kiêu nhất, đó là các cô gái đẹp, những đứa trẻ con, và những người viết văn trẻ. Các cô gái xinh đẹp họ kiêu thì rõ rồi. Đứa trẻ con, nó được chiều chuộng, nó đòi hỏi hồn nhiên, người lớn phải luôn luôn thỏa mãn nó, nếu không nó lăn đùng ra đất nó khóc, nó đòi bằng được thì thôi. Và những người viết trẻ, thì họ đang mơ mộng, đang chưa biết ai vào ai, đang coi mình là trung tâm mà. Thế nên, đào tạo cái đám kiêu như thế là điều không dễ dàng gì. Tuy nhiên, được thường xuyên lên lớp, tiếp xúc, trao đổi với họ, mình cũng… bị trẻ lây.Thế là lãi rồi còn gì.
* Vừa vặn 3 năm ông gắn bó với môi trường làm việc đề cao tính sáng tạo này, điều ông hài lòng và chưa hài lòng với sự phát triển hiện nay của khoa viết văn là gì?
Tôi chưa hài lòng gì cả. Nhưng điều an ủi tôi lớn nhất đối với tôi là đã có những học viên của tôi đi vào đời sống văn học một cách khá chững chạc. Mặc dù thành tựu của họ chưa phải đã lớn lao gì, nhưng họ cũng đang là những gương mặt trẻ nằm trong trong diện mạo văn học trẻ của đất nước. Thực ra thì hiện nay tôi lo lắng nhiều. Việc đầu tư theo hướng đặc thù đang rất hạn chế, chỉ “nhỉnh” hơn một tẹo so với các khoa khác trong trường Đại học Văn hoá (ĐHVH) thôi. Như thế thì còn khó khăn muôn vàn. Ví dụ, từ khóa 7 trở về trước, do 3 năm tuyển một lần, nên chỗ ở của các học viên rất sang, 2 người một phòng. Nay, chỉ có diện chính sách mới được ở trong ký túc xá, mà cũng 4 người một phòng. Còn lại, họ phải đi thuê nhà trọ. Thế thì làm sao có được môi trường thuận lợi cho họ học tập và sáng tác. Và còn nhiều điều thiếu thốn khác. Thực sự, chúng tôi chưa được đầu tư theo hướng đặc thù một cách đúng mức. Mà điều này, trường không đủ thẩm quyền giải quyết. Nó phải được Bộ, cơ quan trên Bộ thông suốt và đầu tư mới có thể có hiệu lực.
* Trong lần trò chuyện gần đây, ông có đề cập đến lộ trình “trường trong trường” - tức là khoa viết văn hiện nay sẽ trở lại tên trường cũ, hoạt động theo mô hình trường trong trường. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?
Trong tổng thể chiến lược phát triển của ĐHVH từ nay cho đến 5-10 năm tới sẽ phát triển thành Trường Đại học văn hóa- nghệ thuật quốc gia Việt nam, lúc đó khoa sẽ trở lại tên Trường Viết văn Nguyễn Du theo mô hình “trường trong trường” đã từng có từ 1996 đến 2004. Khi đó sẽ mở rộng quy mô đào tạo, liên kết đào tạo với nước ngoài, phát triển thêm ngành, chuyên ngành như báo chí, dịch thuật, biên tập văn học…Sắp tới đây chúng tôi mời ông Taraxov- Hiệu trưởng trường viết văn M.Gorki và ông Trưởng ban đối ngoại sang dự lễ kỷ niệm để tái thiết lập quan hệ như đã có một thời rất đẹp nhằm từng bước liên kết và hợp tác đào tạo. Các ông ấy đã nhận lời.
* Cùng với hoạt động của khoa viết văn, hiện nay chúng ta có trung tâm bổi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội nhà văn (học ngắn hạn) và lớp bồi dưỡng viết văn của ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội (học 5 năm). Sự xuất hiện nhiều lớp/ khoá đào tạo viết văn như vậy liệu có dẫn đến tình trạng lớp thì vẫn mở mà học trò thì không có?
Bây giờ nền giáo dục Việt nam buộc phải làm quen với có chế cạnh tranh, chống độc quyền. Nơi nào mạnh, có uy tín, nơi đó có sức thu hút người học. Chúng tôi không thể có sự lựa chọn nào khác. Mở rộng các loại hình đào tạo, các cấp đào tạo là phương châm sống còn của chúng tôi. Muốn thế phải nâng cao uy tín chuyên môn, chứ không có cách nào khác.
* Trong việc đào tạo hiện nay của nhà trường có những điều chỉnh ra sao để phù hợp với yêu cầu của xã hội cũng như giúp các học viên sau khi ra trường có thể dễ dàng xin được việc làm chứ không phải là trở về quê nhà với tấm bằng viết văn trong tay?
Từ trước tới nay, tôi chưa thấy một ai ở trường viết văn Nguyễn Du chịu tay trắng về quê cả. Họ năng động lắm. Có người vào cơ quan văn học, có người vào báo/ tạp chí chuyên văn chương ở trung ương và địa phương. Số còn lại, khá đông, họ tỏa đi làm báo, làm xuất bản, làm tổ chức sự kiện, làm PR…Khả năng thích ứng của người Việt là phi thường (cười). Họ vẫn ôm mộng sáng tác văn chương. Còn khi nào họ có thành tựu thì vẫn cứ phải chờ. Cái giống viết văn lạ lắm, không thấy họ in ấn gì, cũng chớ nên vội cho là họ “triệt sản”. Tuy nhiên thì nếu khoảng mươi năm mà anh chả có tác phẩm nào thì năng lực sáng tác của anh cũng đáng ngờ lắm.
Trong nội dung chương trình, chúng tôi đã đưa thêm bộ môn Kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí với số lượng tiết cũng kha khá, ngoài ra tôi cũng mời thêm các cua giảng về các loại hình nghệ thuật, rồi kỹ năng viết kịch bản phim…để tăng cường tiềm lực cho học viên thích ứng với cuộc sống hiện đại.
* Có người đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai của văn học trong thời buổi của nghe nhìn nặng về giải trí này, liệu chúng ta có thể lạc quan về sự phát triển của Trường viết văn trong tương lai?
Mỗi một loại hình văn hóa nghệ thuật đều có cái ưu thế và cái nhược điểm của nó. Chúng chỉ tôn vinh lẫn nhau, bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu nhau. Làm sao có thể bằng lòng được với văn hóa nghe nhìn, một thứ văn hóa nặng về tính đại chúng, giải trí, quảng cáo, có tính tức thời, thời thượng…Nên anh nhất thiết phải bổ sung bằng văn hóa đọc. Chỉ có đọc mới có thể có được tri thức bậc cao và chiều sâu của tâm hồn, văn hóa. Cho nên, văn chương mãi mãi vẫn tồn tại và là dưỡng chất không thể thiếu của con người. Đào tạo viết văn với nhiều hình thức năng động vẫn là một nhu cầu có thực của xã hội hiện nay. Nơi khoa viết văn chúng tôi đang đáp ứng và đáp ứng tốt cái nhu cầu đó.
* Vâng, tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của ông, đó là văn chương mãi mãi vẫn tồn tại và là dưỡng chất không thể thiếu của con người trong bất kì hoàn cảnh nào. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và cũng xin chúc cho sự phát triển của trường viết văn Nguyễn Du trong thời gian tới.
Tác giả: Phong Điệp
Nguồn tin: phongdiep.net
Ý kiến bạn đọc