Phan Khôi và nhân cách người làm báo ưa phản biện

Thứ hai - 12/07/2010 17:24 1.921 0

Nhà báo Phan Khôi. Ảnh tư liệu.

Nhà báo Phan Khôi. Ảnh tư liệu.
Cuộc tọa đàm chiều 9/7 do NXB Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức đã góp phần dựng lại chân dung Phan Khôi - một trí thức, một nhà báo lớn của báo chí Việt Nam 50 năm đầu thế kỷ 20.

Phan Khôi (1887 - 1959) là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX. Ông thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống. Nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ. Ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận.

Diễn giả của buổi tọa đàm là nhà phê bình Lại Nguyên Ân. Ông là người có đóng góp quan trọng trong việc hệ thống hóa di sản của Phan Khôi, đồng thời góp phần đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhân vật lỗi lạc này trong lịch sử Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Lại Nguyên Ân đã tổng kết lại quá trình hoạt động báo chí của Phan Khôi và nêu bật những đóng góp chính của ông ở lĩnh vực này. Ông Nguyên Ân cho rằng, tuy không "ăn lương" ở bất cứ cơ quan báo chí nào, chỉ hưởng nhuận bút bằng các bài báo cụ thể, nhưng Phan Khôi đã can thiệp rất sâu vào tôn chỉ, mục đích và hoạt động của nhiều tờ báo nổi danh lúc bấy giờ như: Nam Phong, Lục tỉnh tân văn, Thần Chung, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Sông Hương... Là con cháu nhà quan, đã đậu Tú tài, nhưng tác giả Tình già không từng làm quan. Ông viết báo với tư cách như một dân thường phản biện xã hội bằng trí tuệ sắc bén và tư duy cấp tiến của mình.

Chia sẻ nhận định của mình về Phan Khôi, giáo sư, tiến sĩ Chu Hảo - giám đốc NXB Tri Thức cho rằng, sinh ra ở Điện Bàn, Quảng Nam, Phan Khôi là điển hình cho tính cách "Quảng Nam hay cãi". Trong lĩnh vực báo chí, sự hay cãi ở Phan Khôi biểu hiện ở khả năng phản biện xã hội, phản biện tri thức một cách trung thực và dũng cảm.

Ông tham gia vào hầu hết cuộc tranh luận đình đám nhất của giới trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20, từ tranh cãi với Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng cho đến với Hải Triều... Nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc đánh giá, Phan Khôi là người không bao giờ ngại va chạm trước các vấn đề học thuật. Ông là người có công đầu trong việc tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Đồng ý với quan điểm này của Nguyên Ngọc, giáo sư Phạm Duy Hiển cũng cho rằng, Phan Khôi xứng đáng được coi là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam. Ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực như trong các công trình đăng tải trên báo chí. Ông cũng là người có tinh thần phổ biến khoa học cho đại bộ phận dân chúng lúc bấy giờ.

Giỏi Nho học và đã đỗ đến tú tài, nhưng Phan Khôi biết tạm dừng con đường khoa cử ngay khi nhận thấy thời thế đã thay đổi, sách thánh hiền đã nhiều phần lạc hậu. Ông tự học quốc ngữ, học tiếng Pháp và nghiên cứu cả Thánh Kinh. Phan Khôi đã khiến giới trí thức ngày nay phải khâm phục khi ông là một trong những trí thức xuất thân Nho học đầu tiên đứng lên đấu tranh cho nữ quyền đồng thời phê phán những quan điểm Nho giáo hủ lậu.

Tuy vậy, các ý kiến tại buổi tọa đàm đều cho rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho tới nay, vị trí và vai trò của Phan Khôi trong lịch sử Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng mức.

Tác giả: Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây