Nguyễn Anh Vũ: Sáng tác trẻ âm ỉ cháy

Thứ năm - 13/05/2010 19:46 2.270 0

Nguyễn Anh Vũ

Nguyễn Anh Vũ
- Anh nghĩ gì khi người ta cho rằng hầu hết những sáng tác trẻ hiện nay là những câu chuyện hoặc sex hoặc mang khuynh hướng trinh thám. Xu hướng đấy có làm bó hẹp văn chương hiện thời không?

Tôi không nghĩ như vậy. Số lượng các sáng tác có yếu tố sex hay trinh thám quả thực có nhiều nhưng không phải là “hầu hết” trong các sáng tác trẻ gần đây. Nếu để ý kỹ thì ta có thể thấy nhiều đề tài khác nữa cũng được khai thác nhiều. Hơn nữa, theo tôi, sex hay trinh thám không có gì đáng phải phàn nàn nếu những sáng tác đó thực sự là văn chương, thực sự mang tới cho người đọc thẩm mỹ tốt. Nếu các tác giả giỏi khai thác những đề tài đó thì chắc chắn sẽ cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm nhiều giá trị nhân văn và mới mẻ, cũng vì vậy mà có thể mở rộng biên độ chứ không bó hẹp văn chương hiện thời. Tuy nhiên, cái đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố mà trong đó tài năng và sự nghiêm túc với văn chương là những yếu tố tiên quyết. Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều sáng tác đậm mùi thị hiếu bình dân. Nhưng không sao, mỗi tác giả đều có độc giả riêng của họ và họ cũng đem lại những giá trị nhất định cho độc giả của mình.

-Số lượng các tập truyện ngắn hiện trên các quầy sách rất lớn với rất nhiều những tên tuổi, song sự lựa chọn của người mua, người đọc, vẫn là những cái tên quen thuộc như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, và nhiều nhà văn thuộc lớp chống Mỹ… Theo anh, có phải bạn đọc chúng ta vẫn chưa sẵn sàng đón nhận những tên tuổi mới hay họ chưa đủ mới để thu hút bạn đọc?

Văn học ngày nay đang bị lấn lướt bởi rất nhiều loại hình giải trí khác. Hơn nữa, trên giá sách thị trường, ngay cả sách của các tác giả tên tuổi cũng bị “chèn ép” bởi rất nhiều những tác giả nước ngoài nổi tiếng đã và đang được dịch, in với số lượng lớn và được quảng cáo PR rầm rầm trên nhiều phương tiện. Những tác giả quen thuộc như bạn nói chỉ “lợi tên” hơn những tác giả mới một chút thôi. Với tính chất cởi mở của những độc giả trẻ thì có lẽ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn những cái tên tuổi mới ngày càng trẻ trung tươi tắn và phong phú từ đề tài, giọng điệu tới phong cách. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những độc giả khó tính và có nền tri thức cao sẽ rất kỹ lưỡng khi mở ví ra trả cho những cuốn sách ít giá trị văn chương. Theo tôi thì có khá nhiều tác giả mới đang được độc giả hào hứng đón nhận.

-Chúng ta đang bàn về truyện ngắn trẻ liệu có bứt phá, và để có khả năng bứt phá trước hết cần đến những tiêu chí nào, tài năng, sự trải nghiệm, hay tình yêu với văn chương đây?

Tài năng, sự trải nghiệm cũng như tình yêu với văn chương là những yếu tố cần chứ chưa thực sự đủ để truyện ngắn trẻ hôm nay bứt phá. Văn học ngày nay muốn phát triển còn cần nhiều yếu tố khác nữa như sự thông thoáng, cởi mở hơn về các giá trị thẩm mỹ, về tư tưởng của xã hội cũng như chính bản thân tác giả; cần những chiến lược dài hơi về truyền thông; cần sự hỗ trợ của hội nghề nghiệp cho những khuynh hướng sáng tác mới; cần những nhà phê bình có tầm và tâm huyết đồng hành để có thể định danh định dạng những phong cách, trào lưu mới… Với riêng tôi, nếu còn giữ được tình yêu với văn chương thì sớm muộn những tác giả mới sẽ khẳng định được giá trị. Thêm một chút may mắn nữa thì thành công đến sẽ nhanh hơn.

-Đổi mới những tìm tòi là những gì người ta vẫn nói về truyện ngắn trẻ , song đó cũng mới là những cựa quậy, những nét phá cách. Tôi nghĩ chỉ những điều  đó cũng đủ tạo nên hơi thở thời đại chứ chưa cần những thay đổi lớn mà người ta mong muốn nào là tư tưởng cũng như nghệ thuật. Anh nghĩ gì khi các sang tác của thế hệ mình luôn bị coi là chưa hài lòng?

Nếu nói về truyện ngắn trẻ thì ngay bản thân cái sự “trẻ” ấy đã bao gồm cái mới, cái phá cách rồi. Văn học “nói” bằng “cái miệng của thời đại”. Mà cũng cần phải xem ai là người chưa hài lòng về văn học trẻ hiện nay. Và cũng cần phải nhận diện những giá trị đích thực của thời đại được soi chiếu thế nào trong tác phẩm, được thể hiện dưới lăng kính sáng tạo ra sao trong truyện ngắn trẻ nói riêng và văn học nói chung. Để đánh giá một cách thấu đáo về những giá trị mới có lẽ cần có độ lùi về thời gian. Thực sự, văn học trẻ hiện nay có không ít những tác giả giàu nội lực và tâm huyết với văn chương. Không ít những tác phẩm của họ đã khẳng định được tầm tư tưởng, cũng như những đổi mới nghệ thuật nhưng cũng không ít thất bại. Không ít những cuộc dấn thân trên con đường sáng tạo và đổi mới nghệ thuật ở Việt Nam. Với những người có kiến văn rộng thì đó là những thành công đáng được ghi nhận nhưng chưa được đánh giá tốt bởi những cái đầu nhiều hoài nghi. Những người viết trẻ rất cần một điều. đó là sự cởi mở của những “con mắt xanh”. Thành tựu của văn học trẻ sẽ được dựng nên bởi cả lượng và chất; bởi từ nền tới đỉnh. Theo thời gian, những tác phẩm mới sẽ đắp dày và vẽ ra rõ nét diện mạo của thế hệ trẻ với những thành tựu nghệ thuật mới và chân giá trị. Nhưng nghiêm khắc mà nói thì chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm đỉnh cao mang tính đột phá sáng tạo, có khả năng thuyết phục được cả những độc giả thông thường lẫn giới nghề nghiệp.

-Các cuộc thi truyện ngắn hiện nay được tổ chức thường xuyên và cũng đã có những gương mặt mới cho văn đàn, nhưng dường như các tác giả vẫn chưa giữ được sự dài hơi, điều đó cũng là một phần để người ta chưa hài lòng với những gì mong đợi. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc như một tâm sự của một người viết trẻ được không?

Với đa số các tác giả trẻ, nhất là những người mới chập chững bước vào con đường văn chương chuyên nghiệp như chúng tôi thì giải thưởng đôi khi là một đòn bảy tốt cho văn nghiệp nhưng cũng nhiều khi là một gánh nặng. Sau các giải thưởng, thường thì, các tác giả một là tự tin viết lách khá tung tẩy với sự yểm trợ của hào quang; hai là quá rụt rè rón rén vừa đi vừa dòm xung quanh trên dưới vì sợ hỏng cái danh đã có. Có một tiền bối nói với tôi rằng hình như với một số tác giả, giải thưởng là “bàn thờ”, còn với một số khác, giải thưởng chỉ là “bàn đạp”. Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, các giải thưởng là những kỷ niệm đáng trân trọng, ghi dấu những thời khắc đẹp của nghiệp viết. Và những thời khắc đó qua rất nhanh. Tôi không bị những hân hoan ấy bám riết lấy mình, và thật tự nhiên, tôi để nó lắng xuống ngay để có thể tiếp tục nghĩ tới những chặng mới. Tôi khao khát được viết những trang mới mà trong đó tải được hết những không gian văn học đang đầy ứ trong tưởng tượng của mình. Tất nhiên tôi vẫn trong giai đoạn củng cố lối viết riêng. Sức ép lớn nhất của tôi không phải là có phá cách hay đổi mới được gì hay không, việc đó hiển nhiên thế hệ chúng tôi đã có, nói như một nhà văn đi trước: “Những người trẻ , họ trẻ và mới từng hơi thở ra hít vào”. Sức ép thực do chính mình đặt ra. Trước mỗi sáng tác mới, tôi sợ không viết ra được những điều mình nghĩ, những niềm vui hay đau đớn bi kịch mà mình thấy trong đời, sợ không bày ra được những không gian cảm xúc mà mình muốn vào tác phẩm. Một phần, sau giải thưởng tôi viết ít hơn là vì không muốn những sáng tác sau lại dở hơn những cái mình đã viết. Có vẻ “sợ hơi nhiều” và hơi cầu toàn, nhưng cái tạng mình nó thế, biết làm sao. Tôi gắng giữ sự cẩn trọng trong việc viết. Thời gian thật đáng quí. Tôi nghĩ rằng không nên cướp thời giờ của bạn đọc bằng những trang viết nhạt nhẽo, độn sổi. Cảm giác “bất nhân” như giao cho người đọc một đống đất lớn, bắt họ sàng, rồi rút cục họ chẳng sàng được cái gì giá trị, hoặc chăng vài mẩu lóng lánh giả kim… Văn chương đường trường, tôi nghĩ rằng nên chờ đợi các tác giả (đã đoạt giải) đó lâu hơn thay vì một vài năm. Sự dài hơi hay nói cách khác là sắc vóc văn chương của họ sớm muộn sẽ được bày ra sau một quá trình lao động miệt mài và nghiêm túc. Hy vọng thế!

-Đã bao giờ anh coi văn chương là một cuộc chơi và cuộc chơi nếu vui vẻ sẽ dài lâu, và ngược lại chưa? Nếu coi đó chỉ là cuộc chơi liệu có phải là thiếu nghiêm túc không?

Bạn sẽ không hỏi như vậy nếu biết tôi lao động thế nào. Có thể tôi không công bố sáng tác một cách liên tục nhưng chưa bao giờ tôi coi văn chương là một cuộc chơi. Cái nghiệp đã mang vào thân, rứt ra sao được, nó là một phần làm nên con người tôi bây giờ. Sắp tới, tôi sẽ ra mắt tiểu thuyết đầu tay với tên tạm gọi là “Ngẫu”, một tiểu thuyết đề tài đương đại dự kiến dài khoảng 300 trang. Bạn chờ đọc xem đây có phải là một “cuộc chơi” “thiếu nghiêm túc” không nhé.

-Nếu cần khẳng định những đóng góp của những người viết trẻ anh sẽ nói điều gì?

Những người viết trẻ hôm nay, hít vào thở ra tới từng làn hơi mong manh nhất ở mỗi ngóc ngách thời đại của mình, vẫn tự nuôi ngọn lửa khao khát sáng tạo dù trong bão lốc cuộc sống nhiều khi tưởng chỉ còn tro nguội. Nhưng vẫn âm ỉ cháy. Bằng chứng là không ít những trang viết tài hoa, không ít những tác phẩm làm bạn đọc thổn thức, lay động nhân ái… Nhiều tác giả đã trinh phục những lớp độc giả trẻ mà nếu chỉ bằng những tác phẩm kinh điển của các thế hệ trước sẽ không làm họ hào hứng với văn học trong nước đến thế. Nói một cách tích cực thì những người viết trẻ đã có công khi đã bắt đầu thiết lập được những lớp độc giả mới cho văn học trong nước, và tiêu cực với hệ quả đi kèm là một số mầm mống bệnh tật (vấn đề này nếu tiện ta nên bàn thêm vào một dịp khác)… Họ tôn trọng truyền thống bằng cách gắng làm nên những giá trị mới sao cho xứng với những gì các thế hệ đi trước đã tạo ra. Tôi nghĩ không ông bố nào thấy vui khi thằng con nhăm nhăm làm ra những món như bố đã làm. Vậy nên xin các ông bố đừng vội bực mình hoặc khắt khe với các con làm chúng thui chột, cũng đừng nuông quá chúng lại tưởng mình đã hay. Nói cho vui vậy. Những người viết trẻ chúng tôi thực sự rất mừng khi đã được sự ghi nhận của bạn đọc cũng như các thế hệ đi trước, nhất là đã thấy đâu đó có sự “gật gù” từ những bậc có kiến văn rộng. Một vài người trẻ có chiều hướng “trái ý”, “cãi lại”, vậy mà sau những “hư đốn” thông thường, hình như họ cũng làm được nhiều việc “tử tế” và “có lý”. Họ thực sự đã có trách nhiệm với những gì mình viết ra.

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây