Nhà văn mê thất huyền cầm

Thứ ba - 18/05/2010 23:14 2.257 0

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Ảnh: Việt Chiến

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Ảnh: Việt Chiến
Cách đây khoảng hai chục năm, tôi gặp nhà văn Nguyễn Văn Thọ ở nhà một bạn văn. Chúng tôi thân nhau ngay. Tình bạn cũng khá giản dị và cảm động.

Lúc đó Thọ vừa mới ở Đức về, trải qua bao lưu lạc, gian truân ở đất người. Con người anh như một khối sắt gỉ han, sau lớp bụi của thời gian và trận mạc còn hắt lên những ánh thép không chịu han gỉ. Thọ sinh năm 1948, quê Thái Bình, đã có 11 năm sống và chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Cá tính Thọ khá dữ dội, thích tranh luận, và yêu ghét sòng phẳng. Anh đến với văn chương bằng những truyện ngắn, bút danh Nguyễn Văn Thọ xuất hiện đều đều trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội và một số tờ báo lớn trong nước.

Tâm sự về nghề văn, Nguyễn Văn Thọ cho rằng “Văn là khó, như càng đi càng thấy rừng rậm. Vậy không nên đi tìm cái gì lớn lao quá. Cái gì mình yêu ở trong rừng, bình tâm nghĩ lại sẽ dứt khoát tìm được lối qua cánh rừng ấy. Có thể lạc lối trong rừng nhưng không thể hèn nhát bỏ cuộc, kể cả phải chết khi ra tới cửa rừng…”. Tôi hiểu anh định nói về cánh rừng văn chương, về những gian lao, khó nhọc của nghề viết và về tình yêu, niềm tin ký thác nơi cuộc đời này, luôn như một thứ ánh sáng dẫn đường đưa người cầm bút vượt lên chính mình.

Trong số các tập truyện ngắn đã in của mình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ rất tâm đắc với tập truyện Thất huyền cầm gồm 12 truyện ngắn khá đặc sắc. Ông cụ thân sinh ra Thọ là một nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc nổi tiếng ở Hà Nội. Những năm cụ còn sống, bạn bè nghệ sĩ đến chơi nhà, cùng nhau đàn, hát và bàn về âm nhạc cổ. Thọ cho biết anh thường ngồi nghe, quan sát và tự thấy cây đàn nào cũng có âm sắc riêng, nhưng riêng cây đàn thất huyền cầm thì giàu giọng điệu, sự hòa âm và sắc thái phong phú hơn. Anh nhận xét: “Phàm những ai chơi thất huyền cầm đã lâu, dụng đàn điệu nghệ, được các cụ khen thì mỗi khi đàn cất tiếng, giữa buổi trưa yên ắng, dù khi nóng hè hay lúc trời thu mát mẻ, tiếng đàn vọng ra ngoài khu chợ, làm ai cũng muốn nghe, kể cả những người lao động, buôn bán bình dân, vật lộn cả năm với mưa gió ở xóm chợ”. Từ suy nghĩ liên tưởng về tiếng đàn này, Thọ cho rằng “Khi tôi viết một cuốn sách và sách đã tới tay bạn đọc, tức là tiếng đàn đã cất lên rồi. Những âm thanh của bảy sợi dây thất huyền cầm đã bay đi. Âm thanh không thể giữ lại. Nó đã tạo nên sự khác biệt, đan hòa vào nhau. Nó liệu có làm bạn quên chút ít nhọc nhằn trong cuộc sống bộn bề này không? Nếu có, Thọ tôi thực là hạnh phúc”.

Có thể nói nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã viết hối hả như thở dốc, như hộc ra không cần phải hoa mỹ bởi cái vốn sống đầy ắp những trải nghiệm, những khốn khó, cay đắng như muối mặn của cuộc đời đã thấm đẫm những trang viết của anh. Các truyện ngắn: Vườn Maria, Nhà ba hộ, Cõi ảo, Phố cũ… xuất hiện trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã đưa anh lên hàng những nhà văn tên tuổi của đất nước.

Và đến năm 2009, Nguyễn Văn Thọ trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh - Quyên, viết về cuộc đời phiêu bạt bất hạnh của người Việt xa xứ với nhân vật chính là một cô gái trẻ vượt biên sang Đức… Anh tâm sự muốn thông qua cuốn tiểu thuyết này để nói về sự “đụng độ” của các nền văn hóa khi con người Việt Nam rời bỏ văn hóa gốc đã bị choáng ngợp, đổ vỡ trước các nền văn hóa khác như thế nào.

Mặc dù sex hiện nay được coi là một thủ pháp câu khách trong văn chương hiện đại, nhưng Nguyễn Văn Thọ không chủ trương lạm dụng, anh chỉ coi sex là đối tượng nhằm phản ánh thực chất của sự việc, của tình huống và cố gắng hướng tới cái đẹp. Thọ cho biết, trong Quyên, anh tận dụng một số thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết cổ điển và đan cài vào những thủ pháp của tiểu thuyết hiện đại. “Về bản chất, nghệ thuật là một con đường vòng xoáy, nó nhại lại những điều đã cũ nhưng ở một cấp độ cao hơn, sau 100 năm nữa những gì cho là hiện đại ngày hôm nay cũng trở thành cổ điển. Sự kết hợp giữa siêu thực và ấn tượng của tranh Pi-cát-xô chính là sự quay lại của những bức tranh đá thời đại hồng hoang của hội họa nhưng ở cấp độ cao hơn. Vậy thì tại sao tôi không nhại lại cái cổ điển trong hiện đại ở một cấp độ cao hơn”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ kết luận khá tự tin.

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây