Lê Thi viết Ngược dòng mất ngót hai năm. Một cái máy tính cũ, mỗi ngày bà lọ mọ gõ, chỉnh sửa con chữ để ý tưởng về cuốn tiểu thuyết đầu tay thành hiện thực.
Ngược dòng lấy bối cảnh lịch sử, những biến động đổi thay của đất nước từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đến khi hòa bình lập lại sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Trên cái nền ấy, xoay quanh cuộc đời cô Tám, Lê Thi đã tái hiện được những biến thiên sinh động của một thời, trong đó có sự đổi thay của từng cá nhân. Họ học chữ quốc ngữ, gọi nhau là đồng chí, cùng nhau chạy bom, chia sẻ nhiều đau thương mất mát...
Lê Thi ưa miêu tả: tả người, tả cảnh, tả cả tâm trạng. Hình như bà không để ý đến sự nén chặt của cấu trúc câu chữ. Có sự thủng thẳng và hiền lành trong lời quê góp nhặt, có biến tấu ngôn ngữ bình dân khi theo lối rẽ của từng nhân vật.
Nét hồn nhiên, giàu yêu thương là thứ đáng yêu nhất của bà lão viết văn này. Bà thừa nhận trong tiểu thuyết đầu tay của mình rằng: trăm năm vì một chữ tình. Dẫn dắt người đọc theo hết tác phẩm, ở trang cuối là một lời tự sự: “Tôi hay cô Tám như con cá bơi ngược dòng, gặp nước lũ đẩy xuống lại trồi lên, cuối cùng đã về đến đích với tấm thân trầy da trớt vảy, tôi không hiểu vì sao tôi sống được đến bây giờ...”.. “Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này”...
Tác giả: Trần Anh
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc