Tọa đàm do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các nhà phê bình, đồng nghiệp, người thân và rất đông đảo người yêu thơ Lưu Quang Vũ. Sự kiện này diễn ra nhân dịp ra mắt Tuyển thơ Lưu Quang Vũ - Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.
Thơ, theo đánh giá của phần lớn các nhà nghiên cứu, chỉ xếp hàng thứ hai trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng nhiều thành tựu của Lưu Quang Vũ. Đỉnh cao của anh là kịch. Nhưng như nhà phê bình Lưu Khánh Thơ - em gái anh - và các bạn bè nhận xét, Vũ thực sự đam mê và đắm đuối với thơ ca. Kịch dường như là thứ nghệ thuật Lưu Quang Vũ viết để sống với cuộc đời thường nhật; còn thơ mới là thứ anh viết để sống với chính mình, với bạn bè, với tình yêu và cả những khát vọng nhân văn, cao cả.
Dẫu Lưu Quang Vũ chia sẻ: "Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng / Thơ tôi là mây trắng của đời tôi", hay tự nhận "thơ tôi viển vông, cay đắng, u buồn", nhưng khối óc hay suy tư và trái tim nhạy cảm của tác giả Hương cây đã để lại nhiều vần thơ ám ảnh, có sức sống lâu bền.
Nhà phê bình Vũ Quần Phương nhận xét, Lưu Quang Vũ là một "hồn thơ đắm đuối" với cuộc đời, với dân tộc, với con người. Anh viết về tiếng Việt, về đất nước trong chiến tranh, về con người loạn lạc buồn hắt hiu bằng những câu thơ giản dị nhưng xót xa: "Ba đứa da vàng ngồi uống rượu / Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu / Chúng mình không có bom nguyên tử / Chỉ có thuốc lào hút với nhau". Vũ Quần Phương cho rằng, Vũ có cái nhìn hơi khinh bạc và giễu cợt. Nó đặc biệt có hiệu quả với kịch. Nhưng không ít nơi, ít lúc, chất giọng, cá tính này phảng phất cả vào thơ ca.
Chất thơ của Lưu Quang Vũ có nhiều tự sự, lời thơ, câu chữ rất mềm và trong sáng. Thứ hấp dẫn dài lâu với độc giả chính là chiều sâu suy tư và nhạc tính của những câu thơ. Nhà thơ Anh Ngọc nhận định: "Thơ nằm giữa văn học và âm nhạc, nên thơ cần được đọc lên. Thơ Vũ là loại thơ như thế". Cũng theo Anh Ngọc, "Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay ở lứa tuổi 20" với những vần thơ giàu tính chiêm nghiệm và một cách vô tình, giàu chất triết lý như: "Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay / Ta đã có những ngày vui sướng nhất / Đã uống cả men nồng và rượu chát / Đã đi qua cùng tận của con đường / Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên: / Buồm đã tới và cánh đồng đã gặt".
Vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. |
Buổi tọa đàm đặc biệt xúc động, với những khoảnh khắc cười ra nước mắt khi bạn bè và người thân của cố thi sĩ kể lại những ký ức một thời đã qua. Trong cuộc đời, Lưu Quang Vũ có nhiều cuộc tình, nhưng in đậm dấu ấn trong thơ ca là Xuân Quỳnh, người vợ thứ hai của anh, người anh đã viết tặng những câu thơ: "Khi những điều giả dối vây quanh / Bàn tay ấy chở che và gìn giữ / Biết ơn em, em từ miền gió cát / Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng". Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh - bạn thân của Lưu Quang Vũ - kể, cuộc sống của hai thi nhân, hai con người nổi tiếng ấy nghèo lắm. Thế mới có chuyện vui mà ông nhớ lại: "Một lần, tôi đến thăm Vũ và Quỳnh thấy trên giá sách có cuốn 'Gã khờ" của Dostoievxki. Tôi ngỏ ý mượn, Quỳnh nói ngay: 'Ông cầm về đi, để đó, lần nào tôi cũng đọc ra 'Gà kho".
Còn nhà văn Đỗ Chu - cũng là một người bạn lúc sinh thời của Lưu Quang Vũ - chia sẻ: "Cuộc đời Vũ có nhiều đau xót, nhiều nỗi buồn, nhiều sự trả giá vì thơ ca. Nhưng Vũ đã được sống rất hạnh phúc, đã nhận được rất nhiều yêu thương. Giá như trời cho Vũ và Quỳnh thêm chừng 10 năm nữa, thành tựu thơ ca của hai người sẽ còn rất tỏa sáng".
Nói đến đó, Đỗ Chu mắt đỏ hoe, nghẹn ngào: "Cảm ơn Vũ vì anh đã dạy cho chúng tôi nhiều điều. Sống trong thời đó, Vũ là người kiêu hãnh và sang trọng".
Tác giả: Hà Linh
Ý kiến bạn đọc