Đồng Đức Bốn: Một thời “đại náo” làng văn

Thứ ba - 04/05/2010 22:52 3.272 0

Đồng Đức Bốn: Một thời “đại náo” làng văn

“Một con người đặc biệt bậc nhất trong làng văn VN, cả trong đời thường lẫn trong văn chương”, nhà thơ Trịnh Hoài Giang, nói về Đồng Đức Bốn như vậy. Còn nhà thơ Dư Thị Hoàn thì nói, đó là người đã “đại náo” làng văn.

Tác giả của những vần thơ lục bát kỳ lạ, đọc nghe rợn cả người như Chăn trâu đốt lửa trên đồng/Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/Mải mê theo một con diều/Củ khoai nướng để cả chiều thành tro, hay Trở về với mẹ ta thôi/Kẻo mai chết lại mồ côi dưới mồ đã ra đi đúng vào ngày lễ tình nhân cách đây bốn năm sau những ngày làm náo động cả nền thơ VN.

Đi từ ngã tư Quán Toan, huyện An Dương, TP Hải Phòng, hỏi nhà ông Bốn ở đâu, người ta chỉ: Sau cái chỗ bán nhiều hoa quả kia, thấy cái nào to nhất thì vào, là nhà ông Bốn.

Đó là một ngôi nhà kỳ lạ, mái bằng, hình hộp vuông như nhà ống, nhưng lại điểm hoa văn và gắn đèn trang trí theo kiểu châu Âu, màu sơn thì xanh rất hiện đại. Bức tường rào cao chừng ba mét, gợi cảm giác của một pháo đài, trong khi cánh cửa nhà bằng kính dày bự, trong vắt giống một khách sạn 5 sao. Trong nhà đồ cổ xếp cạnh xe Dylan, thần Vệ nữ đứng cạnh tượng Quan Công vác thanh long đao, rượu tây trong chai 5 lít sánh vai những hũ rượu thuốc bên trong có rắn hổ mang to như bắp tay đang vươn cổ. Đồng Đức Bốn sẽ hiện ra sau giọng đọc thơ ồ ồ, tay rót rượu mời hoặc có khi vớ nguyên chai rượu tây, một chiếc cà vạt, hoặc móc túi lấy đô la tặng bạn.

Những câu chuyện mà người ta đồn thổi về Đồng Đức Bốn nhiều như những vần thơ lục bát trong cuốn thơ nặng 3,8 ký lô của ông mới in. Nào khi còn hàn vi, ông Bốn có lần nhờ nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ lừng danh mua chịu hai thùng bia rồi thôi không trả, nhà thơ họ Doãn đành bỏ tiền túi trả thay. Ông Phạm Hiệp, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng có vợ là chủ một cửa hàng rượu bia cũng được ông Bốn mượn mấy thùng bia. Hỏi, ông Hiệp chỉ cười hề hề: “Thế mới là nhà thơ chứ”.

Khi đã nổi tiếng, và có tiền. Người ta thấy có một Đồng Đức Bốn thật bí ẩn, điện thoại di động đôi khi đính một nhẫn vàng trang trí, thỉnh thoảng a lô cho ông A bà B để thị uy. Khi làm đêm thơ, Đồng Đức Bốn cho vẽ chân dung mình lên vải trắng treo suốt hai tầng nhà hát Tháng Tám ở Hải Phòng. Rồi Đồng Đức Bốn làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, trong khi chờ đợi, nhiều người kể rằng Đồng Đức Bốn thường đến cổng nhà một ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn VN tại Hà Nội và réo gọi ông này hỏi tại sao chưa cho vào Hội!

Tôi nghe chuyện ông “quỵt” tiền, bán tín bán nghi, vì thế khi Đồng Đức Bốn còn sống, gặp ông tôi hỏi: Khi ông mới nổi tiếng, trong giới văn nghệ người ta lưu truyền rất nhiều những giai thoại về ông, liên quan đến chuyện bê bối tiền bạc, tài sản của anh em, chuyện này xuất xứ từ đâu? Ông cười hề hề: “Đúng là mấy năm về trước, tôi gặp khó khăn, bố chết, con chết, em chết, mình thì in sách. Cũng có vay mượn của anh em, mượn rồi chậm trả thôi chứ chưa hề quịt của ai một đồng nào. Bây giờ nói một cách mạnh bạo ra, anh em có tiền tỉ, thì tôi cũng có tiền tỉ, cũng cấp lại cho anh em trong văn chương rất nhiều... ai thiếu, năm trăm một triệu tôi cho luôn”. Ông làm gì mà ra tiền nhiều thế? Ấy, ấy, tôi có bảy giải thưởng và tám tập sách bán được. Các cơ quan có khi người ta trả gấp đôi, gấp ba. Có tập như Trở về với mẹ ta thôi tính ra lãi đến bốn trăm phần trăm. Tập Chăn trâu đốt lửa lời hơn hai chục triệu. Tập Chuông chùa kêu trong mưa cũng thế, đây là ba tập mà sau này tôi chết đi rồi thì người ta vẫn còn phải nhớ. Ngoài ra thì cái đất làng tôi tự nhiên trở thành khu công nghiệp, tôi có hơn một mẫu ruộng đền bù. Tiền ở đó chứ đâu.

Sự thật là như thế. Đồng Đức Bốn trở thành mạnh thường quân lúc nào không hay. Bạn bè văn nghệ ai đến ông cũng tiếp, ai nghèo ông cũng cho, tết hoặc lễ, trong túi Đồng Đức Bốn thường có đô la, ông mừng tuổi anh em bằng ngoại tệ là chuyện thường. Những người làm thơ, viết văn Hải Phòng đến thăm Đồng Đức Bốn, thường được tặng một tập san kèm phong bì nhuận bút, về nhà giở phong bì ra có tiền nhưng báo thì chẳng thấy có bài của mình gì cả.   

Kiếm tiền cũng nhẹ nhàng, mà làm thơ lục bát cũng nhẹ nhàng, nhanh gọn? “Thơ tôi là cảm xúc của tôi, như bài Chăn trâu đốt lửa, tôi viết trong một phút. Khi mình đau khổ thì thơ tự nhiên nó ra. Tôi viết trong đầu, sửa trong đầu, đánh máy ra là xong. Lục bát khó nhất là biết chắt chiu, như bài Chiều nay hồ Tây có dông mà nhiều người thích, đầu tiên tôi viết đến hai tư câu, sau cắt lại còn mười, cuối cùng thì chỉ còn có một câu là: Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm. Thơ của tôi, không nói ngoa đâu, tôi chết đi rồi người ta vẫn nhớ đến đấy.”.

Trước Tết, ông còn gọi điện cho anh em văn nghệ gửi tặng một tập sách dày và nặng như một hòn gạch 3,8 cân. Ngày 10 tháng giêng, Đồng Đức Bốn cấm khẩu. Và đến ngày lễ Tình nhân, chỉ sau ngày thơ Việt Nam năm 2006 có vài bữa, thì Đồng Đức Bốn, con người đã gây ra bao nhiêu cuộc bàn luận, tiêu tốn biết bao giấy mực của người đời đã yên nghỉ. Không biết ông sẽ tiếp tục làm thơ lục bát hay chỉ trở thành một người giàu có nơi chín suối, nhưng chắc rằng những bài thơ ông đã viết, người ta còn đọc và sẽ nhớ rất lâu.

Tác giả: Lưu Quang Phổ

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây