* Thưa ông, xin bắt đầu bằng một câu hỏi rất... cũ: ông đã phát hiện Murakami như thế nào?
- Tôi vào làm biên tập viên của NXB Shinchosha năm 1976, bộ phận tạp chí, việc của tôi là nhận bản thảo, thường là của những tác giả trẻ. Murakami bắt đầu gửi bản thảo cho chúng tôi vào năm 1979. Đấy là truyện ngắn Bà cô nghèo. Tôi đọc thấy hay và linh cảm đây là một tác giả đầy triển vọng. Tôi chủ động tìm đến quán bar nhạc jazz của Murakami.
Hồi ấy ông ấy rất bận rộn với công việc ở quán bar. Tôi phải chờ đến 12 giờ đêm, Murakami mới đóng cửa quán và chúng tôi ra ngoài đi uống một chút để nói chuyện. Dạo ấy Murakami là người sống về đêm. Sau khi tập truyện ngắn đầu tiên được in, ông ấy bỏ hẳn việc kinh doanh và chuyên tâm vào viết lách. Ông ấy cũng bỏ thuốc, bắt đầu chạy bộ vào các buổi sáng.
Ông ấy bắt đầu làm việc vào ban ngày với một kỷ luật cực kỳ nghiêm túc. Và Murakami duy trì cuộc sống kỷ luật ấy đến tận giờ phút này.
* Ông làm việc với Murakami như thế nào? Biên tập viên ảnh hưởng đến nhà văn hay nhà văn “át vía” người biên tập?
- Tôi đọc bản thảo của Murakami giai đoạn đầu ngay tại quán bar của ông ấy. Thường thì câu chuyện diễn ra thế này: “Đoạn này hay nhưng hơi khó hiểu” - “Vậy hả, để tôi viết lại”. Hôm sau: “Đoạn này thì tốt rồi, nhưng đoạn này lại có vấn đề, có thể viết hay như vậy nhưng dễ đọc hơn nữa được không?” - “Được, tôi sẽ đọc lại, sửa được thì tôi sẽ sửa”.
Murakami rất chịu khó viết lại, không phải chỉ ngày xưa, khi chưa nổi tiếng, mà bây giờ cũng vậy - tất nhiên là nếu ông ấy thấy hợp lý. Tất nhiên, khi ông ấy đã cương quyết giữ quan điểm của mình thì không ai có thể lay chuyển được, tuy nhiên ông ấy bao giờ cũng giải thích cặn kẽ vì sao mình làm vậy.
Cũng có những khi Murakami không in sách ở NXB của chúng tôi mà in ở NXB Koransha (hầu như Murakami chỉ in sách ở hai NXB này), như cuốn Rừng Na Uy, ông ấy viết khi đang ở Ý và viết thư yêu cầu tôi gửi lời bài hát tiếng Anh này sang Ý cho ông ấy. Tôi đã đi kiếm một cái đĩa Beatles, nghe bài hát rồi ghi lại lời và gửi sang cho Murakami.
* Ngay cả khi biết ông ấy sẽ không in Rừng Na Uy ở NXB mình?
- Vâng, tất nhiên. Tôi biết là lần này ông ấy sẽ không in ở Shinchosha nhưng tôi vẫn gửi, vì tôi thích cuốn sách ông ấy đang viết, và vì tôi với biên tập viên chuyên trách Murakami bên Koransha có một tình bạn - tình đồng nghiệp đặc biệt. Các NXB có thể cạnh tranh nhau, còn chúng tôi chỉ có một mục đích chung: chăm chút cho những cuốn sách hay của Murakami và của tất cả các nhà văn khác.
* Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, bà Tsushima, một nhà văn nổi tiếng đại diện cho nền văn học Nhật Bản và là con gái của văn hào Dazai Osamu, đã thẳng thắn nhận mình là một người “dị ứng Murakami” và cho biết ở Nhật có rất nhiều người như bà, thậm chí có hẳn trào lưu “chống Murakami”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Một cuốn sách hay một tác giả mà hầu như tất cả đều nói là hay thì thật khó viết về nó cho ấn tượng. Đơn giản nhất là nói ngược lại. Đó là hiện tượng bình thường. Còn xét từ chuyên môn thuần túy, chê Murakami rất dễ. Có quá nhiều thứ để chê, mà phổ biến nhất là nhiều người nói các tình tiết trong tác phẩm của ông “phi lý” và “không Nhật Bản”. Nhưng nếu xem xét dưới mọi góc độ một cách tích cực sẽ hiểu vì sao cả thế giới say mê ông.
Một tác phẩm như Biên niên ký chim vặn dây cót, độc giả không đọc sự hợp lý của tình tiết mà đọc như những tình tiết ấy viết cho riêng mình. Bản thân tôi vẫn đọc theo cách ấy từ thuở nhỏ, không chỉ với Murakami.
Có lẽ, cũng bởi vậy mà ngay cả người Hàn Quốc - vốn chưa hề thích văn học Nhật Bản - cũng đang say sưa tìm đọc Murakami và tạo nên một “cơn sốt” ở Hàn Quốc. Một nhà văn Hàn Quốc giải thích với tôi là: người Hàn Quốc đọc Murakami như một thế giới trong tiềm thức, rất khó để phân tích và lý giải hiện tượng này.
* Ngoài Murakami, ông còn biên tập sách của ai nữa? Hình như chỉ có sách của Murakami bán chạy và tái bản liên tiếp, còn các nhà văn khác thì không. Ông có bi quan về tương lai của văn hóa đọc trước cơn lốc của Internet?
- Tôi có biên tập sách của nhiều nhà văn khác, trong đó có Kenzaburo Oe, Miyamoto Teru... Tất nhiên số lượng bản in thì không ai so được với Murakami, nhưng chỗ đứng của họ với công chúng yêu văn học Nhật và thế giới không vì thế mà mất đi. Tôi cũng không bi quan về tương lai của văn hóa đọc.
Nó không bao giờ mất cả. Chỉ có điều, chúng ta luôn phải giải quyết hai vấn đề: sức hấp dẫn của bản thân cuốn sách (về phần này thì tôi vẫn tự tin lắm) và không gian cho văn hóa đọc. Nó là kho sách của NXB, của cửa hàng sách và thư viện gia đình. Lượng bản in đang sụt giảm, nhưng nếu giải quyết tốt hệ thống phát hành và không gian lưu giữ sách thì cho dù có số hóa sách, có iPad, Kindle (thiết bị sách điện tử), người ta vẫn cứ sẽ tìm sách hay để đọc thôi.
* Đã biên tập 34 năm, qua hàng ngàn bản thảo, tình yêu của ông với sách có còn như ngày đầu?
- Tôi sinh năm 1952, bằng tuổi Bảo Ninh. Tôi đọc sách của ông ấy qua bản dịch tiếng Nhật và ngay lập tức bị chinh phục. Tôi sang VN chỉ để tìm gặp và nói chuyện với ông ấy - vì sách thì NXB khác đã in rồi. Người mê sách là như thế.
Còn tình yêu với sách, rõ ràng khi đã phải đọc bản thảo liên tục trong 34 năm, không thể nói tình yêu với nó vẫn như thuở ban đầu, nhưng không thể nói nó mất đi hay vơi đi, phai nhạt đi, nó chỉ chuyển sang một cách khác mà thôi vì sách hay vẫn nhiều lắm, như Murakami, sau bảy năm im lặng không viết tiểu thuyết lại đang ra bộ 1Q84 mà VN sắp có bản tiếng Việt đây này.
* Xin chân thành cảm ơn ông.
THU HÀ thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc