* Phóng viên: Buổi giao lưu ngắn ngủi của chị trong ngày 12-11, tại cà phê Thứ Bảy (số 37 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 - TPHCM), nhân dịp tập truyện ngắn mới nhất Khói trời lộng lẫy của chị vừa ấn hành có vẻ như chưa làm mãn nguyện những người yêu thích tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vì có quá nhiều người hâm mộ phải đứng ở "vòng ngoài". Chị có thấy mình còn mắc nợ độc giả?
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Trời đất! Tôi có biết gì đâu. Ban tổ chức bảo giờ đó tới thì tới, mà thấy đông nghịt, hoảng ghê, áy náy nữa. Tôi sợ chỗ đông người nên nếu có hẹn ngày gặp lại, chắc tôi phải uống thuốc "chống sợ" mới tính tiếp...
* Nhà văn ít khi nào được gọi là "sao" nhưng có vẻ như Nguyễn Ngọc Tư là ngoại lệ khi sự xuất hiện của chị cũng "hot" như một ngôi sao ca nhạc, điện ảnh. Điều này có mang đến những xáo trộn trong cảm xúc của một người luôn "giấu mình" ở quê xa và âm thầm viết như chị?
- Ui trời, "sao" là cách mọi người ghẹo tôi thôi. Có lẽ do tôi núp trong tối lâu quá, mọi người thấy tò mò. Cái ánh sáng chói lòa đó làm tôi phải hít thở sâu suốt, lúc mới đến. Tôi sợ thật. Khi qua rồi, hơi giật mình, sao mình có thể qua được nó? Ba ngày sau thì tôi quên mất những cảm giác đó.
* Khi phim Cánh đồng bất tận ra mắt, chị "bị ép" phải nhận xét về phim và cũng đôi lần chị trả lời theo kiểu không làm mất lòng ai trên báo khiến cho nhiều người nói rằng "Tư bây giờ khéo quá, mất cái chân quê, mộc mạc đi rồi". Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ chữ nghĩa, lời lẽ có thể làm đau con người ta. Tôi có thể nói bất cứ gì trong khi la cà ở quán xá nhưng trên truyền thông thì không. Dấu vết đó không thể xóa. Tôi không thích cứ nói cho sướng miệng, những thứ có thể là đá.
* Có nhiều ý kiến tiếc nuối khi những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chuyển thể thành phim, thành kịch, kiểu nào xem cũng không "đã” bằng đọc truyện. Là người đẻ ra tác phẩm, bản thân chị có thấy mình mất mát?
- Không. Tôi chẳng mảy may đau khổ gì. Tác phẩm của tôi đã ra đời với một hình thức khác, đi xa hơn, rộng hơn, công chúng đa dạng hơn. Chúng có thế nào đi nữa không làm truyện của tôi tệ đi, không thay đổi được câu chữ của tôi. Cho đến lúc này, tôi thấy vẫn ổn. Tôi còn có thêm... tiền nuôi trẻ em nghèo hiếu học - hai con tôi ấy mà.
* Có nhiều nhà văn đã bắt tay vào viết kịch bản và từng có nhà sản xuất có ý định mời Nguyễn Ngọc Tư viết kịch bản. Nếu nhận được những đề nghị này, chị nghĩ sao?
- Tôi cũng thích nhưng không phải bây giờ. Tôi còn nhiều việc phải làm với văn chương. Những đứa trẻ con trong nhà đang tiêu xài thời gian của tôi ghê lắm. Có những việc để sau cũng được, nhưng với trẻ con, ta không thể bảo này con ơi khoan khoan hãy lớn lên, đợi mẹ làm chuyện này, chuyện kia tí.
* Chị có đặt cho mình một "chỉ tiêu" để theo đó mà phấn đấu như một số người viết hiện nay vẫn lên kế hoạch cho văn chương?
- Tôi tùy tiện lắm nhưng tôi có cơ quan, không thể chỉ nhận lương mà không làm việc. Những việc đó đôi khi cũng mang cho tôi niềm vui, cho gia tài tôi vài cái truyện hay vài tản văn... Tôi sẽ viết đến khi nào không viết được nữa thì thôi. Nói như một nhà văn nọ là "tôi đi chỗ khác chơi". Tôi nghĩ văn chương cần có cái duyên, cày cật lực nhưng đã hết duyên thì sẽ làm ngao ngán bạn đọc lắm.
* Từng có ý kiến nói rằng văn của Nguyễn Ngọc Tư buồn quá, như thể ngòi bút của Tư gói cả trời đau thương của thân phận con người trong đó để thoát ra thành con chữ nên nhân vật của chị bao giờ cũng mang một nỗi buồn mênh mông với số phận trầm luân. Vì sao chị không thử một lần chọn khắc họa "nỗi vui" cho những nhân vật của mình?
- Xem nào, từ đây tôi sẽ lưu ý suy nghĩ coi chuyện nào vui mà viết truyện được người ta nhớ, người ta ấm ức...
* Nhà văn miền núi Cao Duy Sơn có nói: "Mỗi một người viết đều cần rào cho mình một thửa đất để cày xới". Có bao giờ chị nghĩ rằng lúc nào đó sẽ canh tác đến tận cùng khoảnh đất của mình và sẽ đi tìm, vỡ hoang một thửa đất khác?
- Tôi vẫn thấy mình như mới bắt đầu, mới mùa đầu, mới gieo mầm. Hồi trước, tôi có mảnh vườn trồng nhiều rau lắm, cứ thu hoạch ở cuối vườn thì giữa vườn, rau đã xanh um. Dân quê tôi chỉ có mảnh vườn, mảnh ruộng để họ làm lụng thu hoạch cả đời. Tạm thời, tôi còn thích mảnh đất này quá.
* Nguyễn Ngọc Tư và đất Mũi Cà Mau như hai thực thể không thể tách rời, giả dụ như chị bị tách ra khỏi vùng đất này thì chị có mất đi những điều... bất tận?
- Vì tôi đã từng giả dụ kiểu vậy nên đến giờ, tôi vẫn chưa muốn rời bỏ đi đâu. Nửa đời, tôi đã sống không biến động nên không hình dung được mình sẽ ứng phó với biến động như thế nào? Mình tan đi hay mình sẽ vững vàng, dày dạn hơn? Mình biến mất hay vẫn còn đứng lại?
* Về lại đất Mũi sau những ngày Cánh đồng bất tận xôn xao, "ngày mai của những ngày mai" chị sẽ tiếp tục làm những gì, viết những gì?
- Mỗi ngày, tôi lại chăm chút cho hai thằng trẻ con ấy lớn lên và cố gắng viết trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại. Chậm thôi, giữ lửa và chờ đợi...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Khói trời lộng lẫy, đúng thời điểm tác phẩm điện ảnh Cánh đồng bất tận "oanh tạc" màn ảnh rộng và vở kịch Nửa đời ngơ ngác (chuyển thể từ tác phẩm Chiều vắng của chị) cũng đang tạo dấu ấn trên sàn diễn. Những tác phẩm của nhà văn đất mũi này đang đến với công chúng bằng sự cộng hưởng của cả ba lĩnh vực. |
Tác giả: Tiểu Quyên
Ý kiến bạn đọc