"Bà đỡ" của nhiều tác phẩm văn nghệ nổi tiếng

Thứ năm - 18/11/2010 03:56 2.820 0

Nhà thơ Bảo Định Giang (ngoài cùng bên trái) cùng nhà thơ Hoàng Trung Thông (giữa) và họa sĩ Mai Văn Hiến (ảnh chụp năm 1962).

Nhà thơ Bảo Định Giang (ngoài cùng bên trái) cùng nhà thơ Hoàng Trung Thông (giữa) và họa sĩ Mai Văn Hiến (ảnh chụp năm 1962).
Một điều đáng trân trọng nữa ở Bảo Định Giang, là đối với những người thuộc tầm quản lý của mình, hoặc là bậc hậu sinh, ông luôn có cách xử sự chu đáo, chí tình như vậy, mà với các bậc đàn anh, ông cũng luôn thể hiện một thái độ trọn vẹn, có trước có sau.

Cuộc đời ông kinh qua nhiều chức vụ, song chủ yếu vẫn là làm quản lý trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Sáng tác nhiều, trong đó đậm nhất là mảng nghiên cứu phê bình, chính luận, song lại để đời hai câu thơ ai cũng biết mà chưa hẳn đã nhớ tên tác giả (vì ngỡ là của... dân gian): "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ". Có thể nói, sinh thời, nhà thơ Bảo Định Giang là người bạn thân thiết của các văn nghệ sĩ, là "bà đỡ" mát tay của nhiều tác phẩm văn nghệ nổi tiếng...

Chọn bút danh như một lời thề

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Bảo Định Giang tên thật là Nguyễn Thanh Danh. Ông sinh năm 1919 tại xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, và tạ thế ngày 1 tháng 2 năm 2005 tại TP HCM. Về việc chọn bút danh Bảo Định Giang, ông từng kể, đại ý: Ở quê ông, cuộc đời và khí tiết của Anh hùng Nguyễn Hữu Huân (còn gọi là Thủ Khoa Huân) từ lâu đã trở thành huyền thoại, là niềm tự hào của nhiều người dân quê. Bởi vậy, nhân một lần đọc được câu thơ của một tác giả khuyết danh viết sau ngày Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp đóng gông đưa lên thuyền xuôi dòng Bảo Định đến Mỹ Tịnh An hành quyết, sự xúc động khiến ông đi tới quyết định chọn cái tên Bảo Định Giang đặt cho bút danh của mình. Ông bảo, việc chọn bút danh đó chính là "lời thề" của ông với ông cha trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946. Sau này, ông đã nhắc lại việc này bằng mấy câu thơ viết trên sóng nước Vàm Cỏ Tây: "Ôi, dòng sông nuôi ta khôn lớn/ Xin được từ đây mượn đặt tên/ Từ thuở xuống thuyền lên máy chém/ Ơn người đầu đội mãi không quên/ Nghĩa nước tình nhà hằng để dạ/ Bước đường kháng chiến nặng hai vai/ Trả ơn đời, trả ơn cha mẹ/ Nguyện gắn đời ta với bút này".

Xuất xứ hai câu thơ nổi tiếng

Nhà phê bình văn học Trần Thanh Đạm, nhân nhắc tới những câu thơ đầu tiên của Bảo Định Giang mà ông đọc được trong kháng chiến chống Pháp, trong đó có câu "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ" đã không ngần ngại đi đến kết luận: "Câu ca dao bông sen Tháp Mười có lẽ là một trong số bài thơ hay nhất về Bác đến nỗi trở thành ca dao dân gian. Ít người nhớ và biết đến tác giả".

Quả là, nếu nói về độ "phủ sóng", thật khó có hai câu thơ nào viết về Bác được trích dẫn và được nhiều người nhớ đến vậy. Sau này, nhà thơ Bảo Định Giang đã kể lại hoàn cảnh ra đời hai câu ca dao đó: Bấy giờ ông đang là Trưởng ban Tuyên truyền của Bộ Tư lệnh Quân khu 8. Một hôm, ông tình cờ được gặp đồng chí Lê Duẩn đến họp với Bộ Tư lệnh Quân khu. Cuối buổi chiều sau khi họp xong, đồng chí Lê Duẩn đã nắm tay Bảo Định Giang, dẫn ra cái nền còn lại của tháp 10 tầng mà Đốc Binh Kiều đã dựng lên từ cuối thế kỷ XIX, dặn mấy ý lớn. Trong đó, điều đồng chí Lê Duẩn đặc biệt nhấn mạnh, là trong công tác tuyên truyền, phải làm sao để đồng bào miền Nam biết nhiều về Bác Hồ (bấy giờ là năm 1946). Thậm chí, phải có được những bài hát, bài ca dao... viết về Bác Hồ phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Nghe những ý kiến chỉ đạo đầy tâm huyết của đồng chí Lê Duẩn, lại chứng kiến cảnh hàng nghìn đóa sen hồng đong đưa trong gió sớm, trong lòng nhà thơ trẻ dấy lên một cảm xúc rạo rực, xao xuyến khác thường. Bất giác, trong tâm trí ông nảy ra hai câu:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.

Trước khi được đưa vào tập "Tập văn cách mạng và kháng chiến" xuất bản ở chiến khu Việt Bắc, cũng như được in trên sách báo rộng rãi trong vùng Đồng Tháp Mười, bài ca dao này đã "sống" dưới hình thức truyền miệng.

"Bà đỡ" mát tay...

Nhà thơ Bảo Định Giang là mẫu cán bộ được cấp trên tin tưởng, nhân dân quý mến, bạn bè nể trọng. Có một thời, Bộ Văn hóa và Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam có chung một Đảng đoàn, và với cương vị Thường trực Đảng đoàn, có thể nói, hầu hết công việc tổ chức nhân sự, tài chính... đều liên quan đến Bảo Định Giang. Với tính nhẫn nại, hết mình vì việc chung, ông đã thực sự chinh phục được đông đảo anh em văn nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc, kể cả những người "khó tính" nhất.

Trong những câu chuyện kể về tấm lòng của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ, Bảo Định Giang đặc biệt nhớ tới một tình tiết mà ông chứng kiến: Lần ấy, khi bất ngờ thấy Bác Hồ đi ngang qua một trạm xá, một nghệ sĩ nhiếp ảnh vội chạy tới xin được chụp ảnh Bác. Anh em cận vệ không ưng, nhưng Bác đồng ý. Nhà nhiếp ảnh luống cuống bấm máy liên tục. Bác thấy vậy thì lắc đầu, ôn tồn bảo: "Chú chụp như vậy là hỏng, phải bình tĩnh mới được. Để Bác đứng lại cho mà chụp". Cách xử sự ân cần, tinh tế của Bác đối với nhà nhiếp ảnh nói trên chính là một bài học bổ ích, nhắc nhở những người làm công tác quản lý văn nghệ như Bảo Định Giang phải thật tỉ mỉ, tinh tế trong xử sự đối với anh em, đồng nghiệp...

Không chỉ đôn đáo chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho các văn nghệ sĩ, Bảo Định Giang còn là người có trách nhiệm tổ chức cho nhiều đoàn văn nghệ sĩ thâm nhập chiến trường. Bản thân ông cũng từng vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 Nam bộ động viên anh em. Với cương vị Tổng biên tập báo Văn nghệ, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn nghệ Giải Phóng, từng có thời kỳ Bảo Định Giang được xem là "trạm chung chuyển" tác phẩm của hàng trăm văn nghệ sĩ miền Nam gửi ra Bắc. Những cuốn "Từ tuyến đầu Tổ quốc", "Sống như anh", "Hòn đất", "Người mẹ cầm súng" gây xôn xao dư luận một thời, trước khi được in thành sách đều qua bàn tay chăm nom chu đáo của "bà đỡ" Bảo Định Giang (ông là một trong những người đọc bản thảo đầu tiên những cuốn này trước khi chúng được đưa lên các đồng chí trong Ban Tuyên huấn và Trung ương Đảng đọc để góp ý kiến cho tác giả sửa chữa thêm). Khi sách được phát hành, Bảo Định Giang còn đích thân làm diễn giả đi giới thiệu sách. Ông cũng nhiệt tình tham gia thuyết minh cho các đồng chí lãnh đạo Đảng khi các đồng chí đến thăm một số cuộc triển lãm tranh, tượng của các họa sĩ, nhà điêu khắc từ miền Nam gửi ra...

Bảo Định Giang thực sự là người có bụng liên tài. Điều này thể hiện ngay từ thời  ông làm công tác tuyên truyền ở Bộ Tư lệnh Khu 8, với việc "biệt đãi" nhà thơ Nguyễn Bính. Ông kể: "Tôi không nhớ rõ cuối 1947 hay đầu năm 1948, khoảng 3 giờ chiều, em bé giúp việc cho tôi chạy vào nơi tôi làm việc bảo: "Có một người xưng là Nguyễn Bính đến đây muốn gặp chú"...Trên thực tế, Nguyễn Bính đã ra nhập đội ngũ Vệ quốc đoàn từ 3 giờ chiều hôm đó vì Bộ Tư lệnh là đồng chí  và đồng chí  đã chấp nhận yêu cầu của tôi ngay ngày hôm sau. Chẳng những chấp nhận mà các đồng chí còn dặn tôi: "Đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang".

Năm 1952, mặc dù chiến khu miền Đông đang trong hoàn cảnh thiếu gạo, muối dài ngày, song trước đề nghị tha thiết, đầy trách nhiệm của Bảo Định Giang, đồng chí Phạm Hùng, người phụ trách Ủy ban Kháng chiến hành chánh liên khu miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ vẫn đi đến quyết định đưa 15 văn nghệ sĩ (đã được điều xuống miền Tây) trở lại miền Đông. Trong nhóm này có nhạc sĩ Hoàng Việt. Và chính cuộc sống tại căn cứ chiến khu miền Đông đã là nguồn cảm hứng để người nhạc sĩ tài ba sáng tác nên bài "Nhạc rừng" bất hủ.

Nhạc sĩ Trọng Bằng sau này cũng đã kể lại: Năm 1965, khi Mỹ đánh Núi Thành (Quảng Nam), mặc dù ông chưa biết gì về Núi Thành, nhưng nghe nhà thơ Bảo Định Giang gợi ý nên viết một bài về Núi Thành vì "hôm qua quân ta đã đánh thắng Mỹ ở đó", Trọng Bằng đã tìm đọc bài xã luận trên báo Nhân dân về sự kiện này và thế là, ông đã có một bài hát mà bây giờ trở thành bài nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Nam.

Bà Ca Lê Hồng, chị ruột nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến), trong một bài viết của mình cũng kể lại rằng, khi Lê Anh Xuân vượt Trường Sơn về đến Nam bộ, anh đã viết thư cho "chú" Bảo Định Giang, tâm sự nỗi xúc động của mình. Bức thư đề tháng 5-1965, trong đó có đoạn: "Hôm vượt sông Đồng Nai đến đất Nam bộ, đầu tiên cháu muốn khóc vậy chú ạ, cháu kìm mãi nhưng nước mắt cứ chảy. Rồi vào chiến khu Đ, hoa mai nở vàng trên lối đi, trên đầu thì máy bay trực thăng quần đảo, cháu cảm hứng mấy câu thơ:

"Mùa xuân đậm lá ngụy trang
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai
Ba lô nặng, súng cầm tay
Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương".

Phải là người có khả năng đồng cảm, sẻ chia thế nào mới khiến một nhà thơ thế hệ sau, lại đang sống, chiến đấu tít tắp ở phương trời xa vẫn muốn trao gửi cảm xúc, suy nghĩ của mình như vậy.

Hẳn sẽ không nhiều người làm được điều này như nhà thơ, nhà nghiên cứu Bảo Định Giang.

Một điều đáng trân trọng nữa ở Bảo Định Giang, là đối với những người thuộc tầm quản lý của mình, hoặc là bậc hậu sinh, ông luôn có cách xử sự chu đáo, chí tình như vậy, mà với các bậc đàn anh, ông cũng luôn thể hiện một thái độ trọn vẹn, có trước có sau. Như khi nhắc lại những tháng năm làm "thuộc cấp" của nhà thơ Tố Hữu, Bảo Định Giang đã khẳng định: "Riêng tôi, cho đến giờ phút này, quả không có bút mực nào ghi hết công ơn và sự dìu dắt... của anh đã ưu ái dành cho tôi".

Tác giả: Ngô Trung Ngạn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây